Sứ Điệp Của ĐTC Gioan Phaolô II Cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 1999

0

1. Hàng năm, Ngày Thế Giới Truyền Giáo là dịp quý báu để Giáo Hội suy tư về bản chất truyền giáo của mình. Giáo Hội luôn ghi nhớ lệnh truyền của Chúa Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19), Giáo Hội ý thức mình được mời gọi để rao giảng cho con người trong mọi thời đại và mọi nơi về tình yêu thương của Chúa Cha duy nhất, Đấng muốn quy tụ trong Chúa Giêsu Kitô mọi con cái của Ngài đang tản mác khắp nơi (x. Ga 11, 52).

Trong năm cuối cùng của thế kỷ này, là năm chuẩn bị cho chúng ta bước vào Đại Năm Thánh 2000, chúng ta được mời gọi mạnh mẽ hướng nhìn và nâng tâm hồn về Chúa Cha, để nhận biết Ngài “như Ngài là và như Chúa Con đã mạc khải về Ngài cho chúng ta” (GLCG 2779). Đọc dưới ánh sáng này, lời kinh “Lạy Cha chúng con” mà chính Thày Chí Thánh đã dạy chúng ta, chúng ta có thể hiểu dễ dàng hơn đâu là nguồn mạch của sự dấn thân tông đồ của Giáo Hội và đâu là những lý do nền tảng làm cho Giáo Hội trở nên truyền giáo “cho đến tận cùng trái đất”.

Lạy Cha chúng con ở trên trời

2. Giáo Hội là truyền giáo, bởi vì Giáo Hội không ngừng loan báo Thiên Chúa là Cha, đầy tình thương với hết mọi người. Mọi người và mọi dân tộc, đôi khi một cách vô ý thức, tìm kiếm dung nhan huyền nhiệm của Thiên Chúa, mà chỉ Người Con Một duy nhất, đấng ngự nơi cung lòng của Thiên Chúa Cha, mới mạc khải trọn vẹn cho chúng ta (x. Ga 1,18). Thiên Chúa là “Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, và “Ngài muốn tất cả mọi người được ơn cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Tất cả những ai đón nhận ân sủng của Người sẽ khám phá với sự kinh ngạc mình là con một Cha duy nhất và cảm thấy mình mắc nợ trong việc loan báo ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, còn nhiều người chưa nhận biết Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô như là Đấng Tạo Dựng và là Cha. Một số người, đôi khi vì gương mù của những người tin, họ chọn sống dửng dưng và vô thần. Những người khác nuôi dưỡng một tôn giáo mơ hồ; một số khác tự tạo ra Thiên Chúa theo hình ảnh riêng; số khác nữa lại coi Thiên Chúa là một hữu thể hoàn toàn không thể đạt tới.

Nhiệm vụ của các tín hữu là công bố và làm chứng rằng : “dù sống một nơi sáng láng không thể tới được” (1Tm 6,16), Chúa Cha trên trời luôn ở trong Chúa Con, Đấng nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, đã chết và đã sống lại, đã đến gần con người và làm cho con người có khả năng “đáp lời mời gọi của Ngài, nhận biết Ngài và yêu mến Ngài” (x. GLHTCG số 52).

Nguyện danh cha cả sáng

3. Ý thức rằng cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Cha thúc đẩy và nâng cao phẩm giá của con người khiến người kitô hữu cầu nguyện: “Nguyện danh Cha cả sáng”, nghĩa là: “Xin Cha hãy soi sáng cho chúng con hiểu biết về Cha, để chúng con có thể nhận biết sự phong phú về những ơn lành của Cha, sự phong phú do lời hứa của Cha, sự uy nghi cao cả của Cha và những phán đoán cao sâu của Cha” (thánh Phanxicô, Nguồn anh em Phansinh, 268).

Người kitô hữu cầu xin sao cho Thiên Chúa được cả sáng nơi các con cái của Ngài, cũng như nơi những ai chưa nhận biết Ngài, trong ý thức rằng chính nhờ sự thánh thiện mà Thiên Chúa cứu độ toàn thể tạo vật.

Để danh Chúa được tôn vinh giữa muôn dân nước, Giáo Hội hoạt động để liên kết nhân loại và tạo vật trong kế hoạch mà Đấng Tạo Hóa “theo lòng nhân hậu của Ngài đã thiết lập”, “để chúng ta trở nên thánh thiện và không tì ố trước nhan Ngài vì yêu thương” (x. Eph 1,9.4).

Nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện

 4. Với những lời này, các tín hữu khẩn cầu cho Nước Chúa đến và trở lại trong vinh quang của Chúa Kitô. Tuy nhiên, ước nguyện này không ngăn cản họ khỏi sứ mạng hằng ngày ở trong thế giới; ngược lại, nó làm cho họ dấn thân nhiều hơn. Giờ đây, Nước Chúa trị đến là công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng được Thiên Chúa sai đến “để hoàn tất công trình của Người trong thế giới và hoàn thành mọi sự thánh hóa” (Sách lễ Roma, Kinh nguyện Thánh Thể IV).

Trong nền văn hóa hiện đại, một cảm thức chờ đợi của thời đại mới đang được phổ biến về hòa bình, hạnh phúc, tình liên đới, tôn trọng nhân quyền và tình yêu đại đồng. Được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội loan báo rằng nước của sự công bằng, hòa bình và tình thương, đã được rao giảng trong Tin Mừng, đang được thực hiện cách huyền nhiệm qua các thể kỷ, nhờ những con người, các gia đình và các cộng đoàn chọn sống tận căn các giáo huấn của Chúa Kitô theo tinh thần của các Mối Phúc.  Nhờ sự dấn thân của họ, xã hội ngày nay được thôi thúc tiến tới sự phát triển hướng tới mục tiêu công bằng và liên đới hơn.

Giáo Hội cũng công bố rằng ý muốn của Chúa Cha là “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4) nhờ sống gắn bó với Chúa Kitô qua lệnh truyền của Người “chúng ta hãy yêu thương nhau, như Người đã yêu thương chúng ta. Đó là điều răn tóm lược mọi điều răn khác và cho chúng ta biết rõ ý Chúa” (GLHTCG số 2822).

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện cho việc này và dạy chúng ta muốn vào Nước Thiên Chúa không phải chỉ nói “Lạy Chúa, lạy Chúa”, nhưng bằng việc thực thi “ý của Chúa Cha”, Đấng ngự trên trời” (Mt 7, 21).

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày

5. Trong thời đại của chúng ta, người ta ý thức mạnh mẽ rằng tất cả mọi người đều có quyền có “lương thực hằng ngày”, nghĩa là lương thực cần thiết cho sự sống. Cũng vậy, người ta cảm thấy một sự đòi hỏi về sự công bằng cần thiết và tình liên đới biết chia sẻ để kết hợp mọi người lại với nhau. Mặc dù vậy, rất nhiều người trong chúng ta còn sống theo kiểu không phù hợp với phẩm giá của con người. Chỉ cần nghĩ đến những khốn khổ và mù chữ đang tồn tại trong vài lục địa, thiếu nhà ở, thiếu chăm sóc sức khỏe và công ăn việc làm, áp bức chính trị và chiến tranh tàn phá các dân tộc tại nhiều miền trên mặt đất.

Thử hỏi đâu là bổn phận của các kitô hữu trước những thảm kịch như thế? Đâu là tương quan giữa niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật với việc giải đáp những vấn đề đang gây đau khổ cho nhân loại? Như tôi đã viết trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, “Công cuộc phát triển của một dân tộc trước hết không đến từ tiền của, cũng không từ những trợ giúp vật chất, cũng không từ những cơ cấu kỹ thuật, nhưng đến từ việc giáo dục các lương tâm, từ sự trưởng thành của các tâm thức và của những nếp sống. Chính con người là chủ thể tác động của phát triển, chứ không phải tiền của và kỹ thuật. Giáo Hội giáo dục các lương tâm, vừa mạc khải cho các dân tộc một vị Thiên Chúa mà họ đang đi tìm mà không biết, và mạc khải cho họ sự cao cả của con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được Ngài yêu thương, mạc khải cho con người sự bình đẳng giữa tất cả mọi người như là những con cái của Thiên Chúa…” (RM số 58). Khi rao giảng con người là con cái của cùng một Cha, và do đó là anh em với nhau, Giáo Hội cống hiến phần mình vào việc xây dựng một thế giới được ghi dấu bởi tình yêu huynh đệ đích thực.     

Cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi cộng tác vào sự phát triển và hòa bình bằng cách thực hiện việc nâng cao phẩm giá con người, với những cơ sở giáo dục và huấn luyện để phục vụ cho những người trẻ, bằng việc liên tục tố cáo những áp bức, và những bất công. Tuy nhiên, sự đóng góp riêng biệt của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng, huấn luyện kitô giáo cho các cá nhân, các gia đình và các cộng đoàn nhận thức rõ rằng sứ mạng của mình “không thuộc lãnh vực hoạt động trực tiếp trên bình diện kinh tế, kỹ thuật, chính trị hoặc đóng góp vật chất cho sự phát triển, nhưng hệ tại chủ yếu trong việc cống hiến cho các dân tộc không phải là “có nhiều hơn”, nhưng “cái là nhiều hơn”, vừa thức tỉnh lương tâm bằng Phúc Âm. Sự phát triển của con người đích thực phải đâm rễ sâu trong việc rao giảng Tin Mừng luôn sâu sắc hơn” (RM 58).

Xin tha nợ chúng con

6. Trong lịch sử nhân loại, tội lỗi đã xuất hiện ngay từ đầu. Tội lỗi bẻ gãy mối liên hệ nguyên thủy giữa tạo vật với Thiên Chúa, với những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống của họ và đời sống của những người khác. Ngày nay, làm sao chúng ta không thể nhấn mạnh rằng những biểu hiện khác nhau của sự dữ và tội lỗi thường gặp thấy đồng minh trong các phương tiện truyền thông xã hội? Và làm sao chúng ta không quan sát rằng “đối với nhiều người phương tiện chủ yếu để thông tin, huấn luyện, hướng dẫn và soi sáng cho những thái độ sống cá nhân, gia đình và xã hội” (RM số 37), được tạo nên chính những phương tiện truyền thông xã hội?

Công việc truyền giáo không thể không mang đến cho cá nhân và các dân tộc tin vui về lòng nhân từ tốt lành của Thiên Chúa. Chúa Cha, đấng ngự trên trời, như được mô tả một cách rõ ràng qua dụ ngôn người con hoang đàng, là đấng tốt lành và tha thứ cho người tội lỗi ăn năn, Ngài quên tội lỗi và ban lại sự thanh thản và bình an. Đó là khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, là Cha yêu thương, đấng ban sức mạnh để chiến thắng sự dữ bằng sự thiện và ban khả năng cho ai đáp lại tình yêu của Người để cộng tác vào sự cứu độ của thế giới.

Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con

7. Với sứ mạng của mình, Giáo Hội được mời gọi làm cho một thực tại bảo đảm về tình phụ tử của Thiên Chúa hiện diện, không chỉ bằng lời, nhưng trước hết bằng sự thánh thiện của các nhà truyền giáo và của dân Chúa. Như tôi đã viết trong sứ điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế: “Sức thúc đẩy mới cho sứ mạng đến với muôn dân đòi hỏi những nhà truyền giáo thánh thiện. Thật là không đủ, nếu chỉ canh tân những phương pháp mục vụ; cũng không đủ nếu chỉ tổ chức và điều hành tốt hơn những nguồn lực của Giáo Hội; cũng không đủ nếu chỉ khám phá cách chính xác hơn những nền tảng kinh thánh và thần học của đức tin; cần phải khơi dậy một sự “nhiệt thành thánh thiện mới” nơi các nhà truyền giáo và trong tất cả các cộng đoàn kitô giáo” (RM số 90).

Đứng trước những hậu quả khủng khiếp của tội lỗi, các tín hữu có nhiệm vụ trao ban những dấu chỉ của sự tha thứ và tình yêu thương. Chỉ khi họ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong đời họ, họ mới có thể có khả năng yêu thương người khác cách quảng đại và trong sáng. Sự tha thứ là biểu hiện cao đẹp của đức ái thiêng liêng, được trao ban cho những ai khẩn khoản nài xin.

 Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ

8. Với những lời cầu xin này, trong “Kinh Lạy Cha ”, chúng ta xin Thiên Chúa đừng để chúng ta đi vào con đường tội lỗi và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, mà nó thường khơi lên bởi thần dữ là Satan, kẻ muốn cản trở ý định của Thiên Chúa và công cuộc cứu chuộc của Người được hoàn tất trong Chúa Kitô.

Ý thức mình được mời gọi để loan báo ơn cứu rỗi trong một thế giới bị  thống trị bởi tội lỗi và Thần Dữ, các tín hữu được mời gọi hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, cầu xin Người cho sự chiến thắng trên Hoàng tử của thế gian (x.Ga 14,30), được chinh phục một lần cho tất cả nhờ Chúa Kitô, trở nên kinh nghiệm hằng ngày của đời sống họ.

Trong bối cảnh xã hội chịu sự thống trị nặng nề của quyền lực và bạo hành, sứ mạng của Giáo Hội là làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa và cho sức mạnh của Tin Mừng, nhờ đó mà bẻ gãy sự ghen ghét và hận thù, ích kỷ và lãnh đạm. Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần canh tân toàn dân kitô hữu, được cứu chuộc nhờ máu của Chúa Kitô. Đàn chiên bé nhỏ này được sai đi khắp nơi, nghèo về phương tiện vật chất nhưng tự do khỏi những ảnh hưởng để làm men cho một nhân loại mới.

Kết luận

9. Anh chị em rất thân mến, Ngày Thế Giới Truyền Giáo cống hiến cho mỗi người chúng ta cơ hội để làm sáng tỏ hơn ơn gọi truyền giáo đang thôi thúc các môn đệ của Chúa Kitô trở thành những tông đồ của Tin Mừng hòa giải và bình an của Ngài. Sứ mạng cứu rỗi là sứ mạng phổ quát; cho từng người và cho tất cả mọi người. Đó là trách nhiệm của toàn dân Chúa, của mọi tín hữu. Vì thế, đặc tính truyền giáo phải là sự đam mê của mọi Kitô hữu; đam mê đối với sự cứu độ của thế giới và nhiệt thành dấn thân để thiết lập lại Vương quốc của Cha.

Để điều này xảy ra, cần cầu nguyện không ngừng để nuôi dưỡng ước muốn mang Chúa Kitô đến cho mọi người. Cần dâng Chúa những đau khổ của riêng mình, kết hiệp với đau khổ của Đấng Cứu Chuộc. Cũng vậy, cần sự dấn thân cá nhân trong việc nâng đỡ các cơ cấu cộng tác truyền giáo. Giữa những cơ cấu này, tôi khuyến khích lưu ý đặc biệt tới các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, các Hội này có nhiệm vụ thôi thúc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, cổ vũ hoạt động và cung cấp các phương tiện cho hoạt động truyền giáo. Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo hoạt động phối hợp chặt chẽ với Bộ Truyền Bá Đức Tin cho các Dân tộc, nỗ lực phối hợp truyền giáo trong sự hiệp nhất với các Giáo Hội địa phương và với các Học Viện Truyền Giáo đang có mặt khắp nơi trong toàn Giáo Hội.

Chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo cuối cùng của một ngàn năm vào ngày Chúa Nhật 24 tháng 10 sắp tới, trong đó công cuộc truyền giáo của Giáo Hội đã trổ sinh hoa trái tuyệt vời. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những điều tốt lành Ngài đã thực hiện nơi các nhà truyền giáo, và hướng nhìn về tương lai, chúng ta mong chờ bình minh của một Ngày Mới.

Những ai đang hoạt động tại những nơi tiền tuyến của Giáo Hội, họ là những lính canh trên tường của thành đô Giáo Hội, chúng ta có thể hỏi họ: “Hỡi lính canh, đêm còn dài bao lâu nữa” (Is 21, 11), và nhận được trả lời: “này hỡi những người lính của tôi hãy cất cao giọng lên; cùng nhau họ hãy công bố niềm vui, bởi vì chính mắt họ đã nhìn thấy Chúa của Sion ngự đến” (Is 52,8). Chứng tá quảng đại của họ khắp nơi trên mặt đất loan báo rằng “gần tới thiên niên kỷ thứ ba của ơn cứu độ, Thiên Chúa đang chuẩn bị một mùa xuân Kitô vĩ đại, mà giờ đây người ta đã nhìn thấy” (RM số 86).

Xin Đức Maria, là “Ngôi sao Mai” giúp chúng ta luôn lặp lại lời thưa “xin vâng” cách nhiệt thành,  luôn đáp lại ý định cứu độ của Chúa Cha, bởi vì mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ có thể nhìn thấy vinh quang Người (x. Is 66,18).

 Với những nguyện ước này, tôi chân thành gửi đến các nhà truyền giáo và tất cả những ai cổ võ cho công cuộc truyền giáo Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt.

Vatican, ngày 23 tháng 5 năm 1999, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP

Comments are closed.

phone-icon