Tinh thần nghèo với Chúa

0

Trong xã hội, nghèo là một cái khổ, là tội. Người nghèo họ bị gạt ra ngoài xã hội, bị coi thường, họ thiệt thòi về mọi phương diện. Họ luôn là những người không có tiếng nói và chỗ đứng trong xã hội. Thế nhưng họ lại là những thành phần được Thiên Chúa quan tâm và yêu thương cách đặc biệt.Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã hoà đồng với người nghèo. Người mang thân phận nghèo để cảm thông và chia sẻ kiếp sống của họ: “Đức Giêsu vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2 Cor 8, 9)

Được hòa nhịp trong đời sống của Chúa, người tu sĩ phải biết sống theo nếp sống của Ngài. Vậy Ngài đã thể hiện nếp sống nghèo ra sao? Chúng ta tìm hiểu.

1/Nghèo trong cuộc sống

*Sinh ra không có nhà, chọn chuồng bò làm nơi sinh, máng bò ăn làm nôi, đệm nằm là những cọng rơm, cọng cỏ. Là Thiên Chúa vua trời đất, chủ vũ trụ thế mà khi sinh ra thiếu mọi sự, chút sữa mẹ đã cảm thấy ngon:

Khi Mẹ đặt nằm xuống nấm rơm
Máng cỏ làm nôi cũng chẳng buồn
Chim trời cá nước Người nuôi sống
Giờ đây chút sữa đã là ngon.

* Trốn chạy sang Ai cập không xe không ngựa, chỉ một chú lừa chở. Nghèo!

* Sống 30 năm dưới mái nhà Nazareth với Đức Mẹ và thánh Giuse với nghề khiêm tốn: thợ mộc. Nghèo!

* Khi đi giảng đạo không tiền giắt lưng, không bao bị, gặp đâu ăn đó.

* Khi chết, chiếc giường là cây thập giá, không chỗ gối đầu: “Cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không chỗ gối đầu”. Thân xác chôn nhờ huyệt người khác.

b/Tinh thần Ngài sống nghèo ra sao?

* Ba mươi năm ẩn dật tại Nazareth Ngài đã sống âm thầm không để lộ thân phận mình, vâng lời Đức Mẹ và thánh Giuse. Bạn bè là những người nghèo, những người bị xã hội coi thường như những người thu thuế, tội lỗi. Ngài bị dân chúng coi là mất trí, nhưng Ngài không buồn. Là Thiên Chúa nhưng Ngài đã sống tự huỷ đến cùng: cúi xuống rửa chân cho môn đệ. Là Thiên Chúa nhưng Ngài không nghĩ địa vị ngang hàng Thiên Chúa:

Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa
Mà không nghĩ nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Tinh thần nghèo nên Ngài đã sống như người nô lệ:
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
Mặc lấy thân nô lệ
Trở nên giống phàm nhân
Sống như người trần thế.

Ngài luôn tuân phục ý Cha để trên thập giá, Ngài mất hết danh dự và vinh quang của một con người và hơn thế nữa của một Thiên Chúa hằng hữu:

“Ngài lại còn hạ mình
Vâng lời cho đến nỗi
Bằng lòng chịu chết
Chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-11)

Vâng, cuộc đời của Chúa là như thế. Còn những người dâng hiến đời mình cho Chúa thì sao?

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.” Những người tu sĩ là những người thuộc tông tộc của Chúa Giêsu, chắc chắn phải nên giống Ngài chút nào đó.

Để nên giống Chúa Giêsu Đấng là Thiên Chúa đã xuống thế làm người và sống kiếp nghèo tột cùng cả tinh thần lẫn vật chất, chúng ta sẽ phải buông bỏ tự ái, những quyến luyến tiền tài, danh vọng:

+ Là chấp nhận cách vui vẻ môi trường và hoàn cảnh mình sống mà không phàn nàn, buồn chán.

+ Là thanh thản trước thành công và thất bại.

+ Là nhận lãnh những gì được ban phát cách vui lòng.

+ Là giản đơn trong cách sống, không cầu kỳ đòi hỏi.

+ Là đón nhận công tác được trao cách vui vẻ và thi hành nhiệt tâm, dù công tác đó không thích.

+ Là hiền hòa, khiêm tốn, nhẫn nại trước mọi nghịch cảnh mà không kêu ca, hay bất mãn.

+ Là biết đề cao và tôn trọng tha nhân.

Vậy, để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải biết sống tự huỷ, tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa là Cha Đấng đã chăm sóc từng con chim trời, cá dưới nước. Đấng đã đếm từng sợi tóc trên đầu chúng ta và Đấng ấy đã nuôi sống chúng ta bằng chính mạng sống của Ngài.

Xin Ngài ban cho chúng ta một đức tin vững mạnh, một tình mến chân thành, một đức cậy vững vàng để chúng ta bỏ lại sau lưng những gì không thuộc về Ngài và để chúng ta mạnh dạn thả lỏng đời mình vào vòng tay yêu thương quan phòng của Ngài với một tâm hồn trống rỗng và một thân xác nghèo nàn, để gia nghiệp của chúng ta là chính Ngài. Amen.

Nữ tu Maria Chu Thị Tiên

Comments are closed.

phone-icon