Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta sẽ nói về hình thức cầu nguyện được gọi là suy gẫm. Đối với một người Kitô hữu, “suy gẫm” là tìm kiếm ý nghĩa: nó hàm ý đặt mình trước trang sách Mạc khải mênh mông để cố gắng biến nó thành của riêng mình, nắm lấy nó một cách trọn vẹn. Và người Kitô hữu, sau khi đã đón nhận Lời Chúa, không giấu kín Lời Chúa cho riêng mình, vì Lời ấy phải được gặp “một quyển sách khác”, mà Sách Giáo lý gọi là “cuốn sách cuộc đời” (xem Giáo lý Công giáo, 2706). Đây là điều chúng ta cố gắng làm mỗi khi suy gẫm Lời Chúa.
Việc thực hành suy gẫm đã nhận được rất nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây. Không riêng người Kitô giáo mới nói về nó: việc thực hành thiền định tồn tại trong hầu hết các tôn giáo trên thế giới. Nhưng nó cũng là một hoạt động phổ biến giữa những người không có quan điểm tôn giáo về cuộc sống. Tất cả chúng ta cần suy gẫm, suy tư, khám phá bản thân, nó là một động lực của con người. Đặc biệt là trong thế giới phương Tây khao khát tìm hiểu, người ta tìm đến việc suy gẫm vì nó đại diện cho một ranh giới bậc cao chống lại sự căng thẳng hàng ngày và sự trống rỗng có ở khắp mọi nơi. Và đây là hình ảnh của những người trẻ và người trưởng thành đang ngồi suy gẫm, trong thinh lặng, mắt nhắm một nửa … Chúng ta có thể đặt câu hỏi, những người này đang làm gì vậy? Họ suy gẫm. Đó là một hiện tượng cần được nhìn nhận một cách thiện chí: thật vậy, chúng ta không được tạo dựng để chạy suốt mọi lúc, chúng ta có một đời sống nội tâm không thể bị sao lãng. Vì vậy suy gẫm là nhu cầu của tất cả mọi người. Có thể nói, suy gẫm cũng giống như việc dừng lại và hít thở trong cuộc sống. Dừng lại và tĩnh lặng.
Nhưng chúng ta nhận ra rằng, khi được đón nhận trong bối cảnh của Kitô giáo, từ ngữ này mang một tính riêng biệt không thể tẩy xóa. Suy gẫm là một chiều kích cần thiết của con người, nhưng suy gẫm trong bối cảnh Kitô giáo – là người Kitô giáo chúng ta – còn đi xa hơn: đó là một chiều kích không thể bị tẩy xóa. Chúng ta hãy tự nhắc nhở mình một lần nữa rằng cánh cửa lớn mà qua đó lời cầu nguyện của một người được rửa tội đi qua là Chúa Giêsu Kitô. Với người Kitô giáo, suy gẫm đi vào qua cánh cửa của Chúa Giêsu Kitô. Việc thực hành suy gẫm cũng đi theo con đường này. Và người Kitô hữu, khi cầu nguyện không khao khát tự mình hiểu thấu đáo, không tìm kiếm trung tâm sâu thẳm nhất của bản ngã. Điều này là chính đáng, nhưng người Kitô hữu lại tìm kiếm một thứ khác. Lời cầu nguyện của người Kitô hữu trước hết là cuộc gặp gỡ với Đấng khác, chữ “Đ” viết hoa: cuộc gặp gỡ siêu việt với Thiên Chúa. Nếu kinh nghiệm cầu nguyện mang lại cho chúng ta sự bình an trong tâm hồn, hoặc khả năng làm chủ bản thân, hoặc sự rõ ràng về con đường phải đi, thì người ta có thể nói, những hoa trái này là kết quả của ân sủng cầu nguyện của người Kitô hữu, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Tức là, suy gẫm có nghĩa là bước tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong chúng ta – được hướng dẫn bởi một câu trong Kinh Thánh.
Trong suốt lịch sử, thuật ngữ “suy gẫm” có nhiều ý nghĩa khác nhau. Ngay cả trong Kitô giáo, nó đề cập đến những kinh nghiệm thiêng liêng khác nhau. Tuy nhiên, có thể truy nguyên theo một số điểm chung, và về điều này, chúng ta một lần nữa được trợ giúp bởi Sách Giáo lý, Sách Giáo lý nói: “Có bao nhiêu bậc thầy linh đạo thì có bấy nhiêu phương pháp suy gẫm […] Nhưng phương pháp chỉ là người hướng dẫn, điều quan trọng là chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mà tiến bước, theo Đức Kitô trên con đường cầu nguyện.” (số 2707). Và ở đây nó chỉ đến một người đồng hành, một người hướng dẫn: đó là Chúa Thánh Thần. Việc suy gẫm của người Kitô giáo không thể thực hiện được nếu không có Chúa Thánh Thần. Chính Người hướng dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”. Và trong việc suy gẫm cũng vậy, Ngài là người hướng dẫn để chúng ta tiến đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.
Vì vậy, có nhiều phương pháp suy gẫm của Kitô giáo: một số phương pháp thì rất đơn giản, một số thì chi tiết hơn; một số làm nổi bật chiều kích trí năng của người đó, những phương pháp khác mang chiều kích tình cảm và cảm xúc. Chúng là các phương pháp. Tất cả chúng đều quan trọng và tất cả chúng đều đáng để thực hành, cũng như rất hữu ích. Những phương pháp đó giúp được gì? Kinh nghiệm của đức tin để trở thành một hành động toàn diện của con người: một người không chỉ cầu nguyện bằng tâm trí; toàn thể người đó cầu nguyện, trọn vẹn người đó cầu nguyện, cũng như người ta không cầu nguyện chỉ bằng những cảm xúc của một mình. Không, bằng tất cả. Người xưa thường nói rằng phần thân thể cầu nguyện là trái tim, và do đó họ giải thích rằng toàn bộ con người, bắt đầu từ trung tâm – trái tim – đi vào mối tương quan với Thiên Chúa, không chỉ một vài khía cạnh. Đây là cách người xưa giải thích. Đây là lý do tại sao phải luôn nhớ rằng phương pháp là một lối đi, không phải là mục tiêu: bất kỳ phương pháp cầu nguyện nào, nếu nó là của Kitô giáo, đều là một phần của sequela Christi tức là bản chất đức tin của chúng ta. Các phương pháp suy gẫm là những con đường đi để đến nơi gặp gỡ Chúa Giêsu, nhưng nếu anh chị em dừng lại trên đường, và chỉ nhìn vào con đường, anh chị em sẽ không bao giờ tìm thấy Chúa Giêsu. Anh chị em sẽ tạo ra một “vị thần” trên con đường. “Thần” đó không đợi anh chị em ở đó, chính Chúa Giêsu là Đấng đang chờ anh chị em. Và con đường ở đó để đưa anh chị em đến với Chúa Giêsu. Sách Giáo lý chỉ rõ: “Muốn suy gẫm chúng ta phải vận dụng khả năng suy tư, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn, để đào sâu xác tín, khơi dậy lòng hoán cải và củng cố quyết tâm theo Đức Kitô. Kinh nguyện Kitô giáo trên hết phải suy gẫm về “các mầu nhiệm của Đức Kitô” (số 2708).
Vậy, ở đây ân sủng của kinh nguyện Kitô giáo là: Đức Kitô không ở đâu xa, nhưng luôn ở trong mối tương quan với chúng ta. Không có khía cạnh nào về ngôi vị nhân thần của Ngài mà không thể trở thành nơi của ơn cứu độ và niềm hạnh phúc cho chúng ta. Mọi giây phút trong cuộc sống nơi trần thế của Chúa Giêsu, nhờ ân sủng của kinh nguyện, có thể trở nên ở trước mắt chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn.
Nhưng như anh chị em biết, con người không thể cầu nguyện nếu không có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính Người là Đấng hướng dẫn chúng ta! Và nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng có mặt tại sông Giođan khi Chúa Giêsu dìm mình xuống để lãnh phép rửa. Chúng ta cũng là những khách dự tiệc cưới ở Cana, khi Chúa Giêsu tặng ban loại rượu ngon nhất cho hạnh phúc của đôi uyên ương, tức là chính Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta với những mầu nhiệm này của cuộc đời Chúa Kitô, vì khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm được kinh nguyện, để kết hiệp chúng ta gần hơn với Ngài. Chúng ta cũng là những người kinh ngạc chứng kiến hàng ngàn ca chữa lành được thực hiện bởi Thầy. Chúng ta cầm lấy Tin Mừng, và suy gẫm về những mầu nhiệm đó trong Tin Mừng, và Thần Khí hướng dẫn chúng ta hiện diện ở đó. Và trong kinh nguyện – khi chúng ta cầu nguyện – tất cả chúng ta đều giống như người bệnh phong đã được sạch, như người mù Batimê đã lấy lại được thị lực của mình, như Lazarô bước ra khỏi mồ … Chúng ta cũng được chữa lành nhờ kinh nguyện giống như người mù Batimê, như người kia, người bệnh phong … Chúng ta cũng sống lại, như Lazarô đã sống lại, bởi vì kinh nguyện suy gẫm được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta sống lại những mầu nhiệm này về cuộc đời của Chúa Kitô và gặp gỡ Chúa Kitô, và cùng với người mù thốt lên: “Lạy Chúa, xin thương xót con! Xin thương xót con!” – “Và con muốn gì?” – “Được nhìn thấy, để đi vào cuộc đối thoại đó”.
Và suy gẫm Kitô giáo, được dẫn dắt bởi Thần Khí, đưa chúng ta đi vào cuộc đối thoại này với Chúa Giêsu. Không có trang nào của Tin Mừng mà không có chỗ cho chúng ta. Đối với người Kitô hữu chúng ta, suy gẫm là một cách để tiến đến sự gặp gỡ với Chúa Giêsu. Và bằng cách này, chỉ bằng cách này, chúng ta mới khám phá được bản thân mình. Và đây không phải là cách thu mình lại, không, không: nó có nghĩa là đi đến với Chúa Giêsu, và từ Chúa Giêsu, khám phá bản thân mình, được chữa lành, được sống lại, mạnh mẽ nhờ ân sủng của Chúa Giêsu. Và gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ của của tất cả mọi người, bao gồm cả tôi. Và có được điều này là nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cảm ơn anh chị em.
Lời chào đặc biệt
Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, cha khẩn xin tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho tất cả anh chị em!
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/4/2021]