Hai Mặt của Cùng Một Đồng Xu

0

Nhờ vào Hoa Trái của Thần Khí để Sống Thánh Thiện và Loan Báo Tin Mừng

Trong Tin Mừng của Thánh Matthêu, Chúa Giêsu kể một câu chuyện về người gieo giống tự do gieo hạt xuống đất, một số hạt không bao giờ bén rễ. Những hạt khác rơi trên đất sỏi đá nhưng chỉ sống một thời gian ngắn rồi chết. Tuy nhiên, có những hạt khác lớn nhanh trước khi bị cỏ dại bóp nghẹt. Cuối cùng, một số hạt thì trổ sinh vụ mùa bội thu, ba mươi, sáu mươi hoặc gấp trăm (x. Mt 13,1-23).

Dụ ngôn về những nén bạc trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu cũng nhắm đến chủ đề về sự phát triển và việc trổ sinh hoa trái, nhưng ở một viễn cảnh khác. Một ông chủ trảy đi xa, ông giao phó những phần của cải khác nhau của mình cho ba đầy tớ cho đến khi ông trở về. Hai trong ba người đầy tớ ấy đầu tư số tiền được trao phó và sinh lợi gấp đôi. Còn người đầy tớ thứ ba thì chôn vùi kho báu được trao phó và không thu lợi gì cho chủ của mình. Khi ông chủ trở về, ông khen ngợi hai người đầy tớ đầu tiên vì sự trung tín của họ. Ông kết án người đầy tớ thứ ba vì sự lãng phí cơ hội mà ông đã dành cho anh ta (Mt 25,14-30).

Như thế, hoa trái của dụ ngôn thứ nhất là gì? Đâu là những nén bạc trong dụ ngôn thứ hai? Dường như có hai yếu tố chung mà chúng ta có thể xem xét trong những dụ ngôn này. Thứ nhất là sự thánh thiện cá nhân và thứ hai là làm cho có thêm nhiều người tin vào Chúa. Bạn thích điều nào hơn? Các Kitô hữu đã đối diện với câu hỏi này suốt dòng lịch sử. Điều gì quan trọng hơn? Tôi nên tập trung nhiều hơn vào lòng đạo đức cá nhân, hay tôi nên tập trung nhiều hơn vào việc hướng dẫn những người khác đến với Chúa Giêsu? Tôi nên quan tâm trước tiên đến Điều Răn thiết yếu, là “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37)? Hay tôi nên quan tâm trước hết đến Sứ Mạng chính yếu, là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19)?

Những Mặt Khác Nhau của Cùng Một Đồng Xu. Với rất nhiều khía cạnh của đời sống Kitô hữu, sự thật không hệ tại ở một trong hai mặt của một mệnh đề nhưng là cả hai. Thay vì loại trừ lẫn nhau, hai đòi hỏi này tùy thuộc lẫn nhau và vào nhau. Nếu chúng ta đang lớn lên trong sự thánh thiện, chẳng lẽ điều đó lại không đòi hỏi chúng ta phải làm tất cả những gì mà Thiên Chúa đã truyền lệnh cho chúng ta làm, kể cả việc chia sẻ Tin Mừng cho mọi người sao? Cũng vậy, nếu chúng ta cố gắng chia sẻ Tin Mừng bằng lời nói của chúng ta mà lại không bằng gương sống của mình, thì chúng ta lại đang không làm hại nhiều hơn là lợi đó sao?

Có lẽ, nhiều người trong chúng ta vẫn làm như thế ở những giai đoạn khác nhau trong hành trình đức tin của chính mình. Điều đó không sao. Bởi vì chúng ta có một vị Thiên Chúa nhân hậu và kiên nhẫn đến kỳ lạ, Đấng thấu hiểu những sự yếu hèn của chúng ta và Người ban cho chúng ta nhiều cơ hội để giúp chúng ta lớn lên. Sự thánh thiện và việc loan báo Tin Mừng là những mặt khác nhau của cùng một đồng xu. Chúng ta càng lớn lên ở mặt này, thì chúng ta cũng sẽ càng lớn lên ở mặt kia.

Vì Thần Khí của Ta đang sống trong Con… Theo Tin Mừng của Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với các tông đồ rằng những gì mà họ đã thấy Người làm, họ cũng sẽ làm và họ còn làm những việc lớn lao hơn nữa (x. Ga 14,12). Đây là một lời hứa không dễ dàng, nhưng Chúa Giêsu tiếp tục nói với họ rằng điều đó có thể làm được nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ở luôn luôn với họ. Thực vậy, Chúa Thánh Thần sẽ “hoạt động” trong họ để thực hiện sứ mạng (loan báo Tin Mừng). Người cũng làm điều tương tự cho chúng ta.

Nếu bạn đã được rửa tội, thì Chúa Thánh Thần đang ngự trong bạn. Bạn càng cầu nguyện và mở lòng mình ra với Thánh Thần, thì Người sẽ càng làm trổ sinh hoa trái thánh thiện trong bạn. Người nhẹ nhàng và sẽ không ép buộc bạn, nhưng Người sẽ mang bạn đi cùng nếu bạn để cho Người hướng dẫn. Chúa Thánh Thần vừa giúp bạn lớn lên trong sự thánh thiện nhờ hoa trái của Người, vừa hướng dẫn bạn mang Tin Mừng đến cho những người khác.

Trong Thư gửi cho các tín hữu Galata, Thánh Phaolô diễn tả chín hoa trái đặc trưng của Thần Khí: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23) (5:22-23, RSVCE). Tôi đã luôn luôn nghĩ thật thú vị khi những điều này không được coi là những ơn huệ nhưng như hoa trái. Sách Công Vụ Tông Đồ thì lại trình bày một vài thí dụ về những ơn huệ của Thần Khí, chẳng hạn như ơn nói tiên tri, ơn chữa lành, ơn làm các phép lạ và ơn phân định thiêng liêng. Những ơn này làm cho các môn đệ có khả năng làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Mặt khác, các hoa trái của Thần Khí không xuất hiện ngay trong cuộc sống của một người môn đệ – chúng lớn lên theo thời gian, vụ mùa của họ đang sinh lợi từ từ.

Khi tôi còn trẻ, tôi đã làm việc tại một vườn táo organic. Tùy thuộc vào loại giống táo khác nhau, có thể dễ dàng mất cả một thập kỷ để hạt giống phát triển thành cây trưởng thành có khả năng sinh hoa kết trái. Tôi cũng đã học được rằng việc chăm sóc chính trái cây không phải là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhiệm vụ quan trọng nhất là chăm sóc cây. Một cây mạnh khỏe thì tự nhiên sẽ sinh những trái tốt. Một cây không mạnh khỏe thì không sinh trái tốt. Nếu một cây bắt đầu sinh trái không tốt, không có nghĩa là cứ tẩy rửa, làm sạch hoặc chữa trị trái xấu đó thì sẽ làm cho nó thành trái tốt. Tốt nhất, bạn có thể tận dụng một ít trong số trái cây xấu đó để sử dụng vào việc làm bánh nướng. Trái tốt là kết quả tự nhiên của một cây tốt.

Tương tự, chúng ta sẽ không bao giờ phát triển hoa trái thiêng liêng của niềm hoan lạc, chẳng hạn, bằng cách thực sự cố gắng chăm chỉ hoặc bằng suy nghĩ vui vẻ, tích cực. Hoa trái là kết quả siêu nhiên của một mối tương quan ngày càng tăng với Chúa Kitô và với Thần Khí của Người.

Sự Đói Khát Hoa Trái của Thần Khí. Thật quan trọng khi chúng ta duy trì điều này trong tâm trí nếu chúng ta muốn các hoa trái của Thần Khí đóng vai trò quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng. Khi chúng ta lớn lên trong các hoa trái của Thần Khí, chúng ta sẽ cầu nguyện để chúng ta có thể biết cách sử dụng chúng hầu phục vụ tốt hơn những người đang xa rời Thiên Chúa.

Bạn hãy dừng lại một chút và tự hỏi mình xem đâu là những hoa trái được liệt kê ở trên đang thiếu nhất trong cuộc sống của bạn. Rốt cuộc, tất cả các hoa trái ấy đều liên kết với nhau, vì thế thật khó để chỉ lớn lên trong một trong số các hoa trái ấy mà không lớn lên trong các hoa trái khác, nhưng cũng vẫn ích lợi để khao khát một hoặc nhiều hơn các hoa trái cụ thể nào đó. Hãy nuôi dưỡng niềm khao khát đó. Hãy ao ước loại hoa trái đó! Chúng ta càng ao ước nó và cầu xin có nó, thì Thiên Chúa sẽ càng cho chúng ta được thỏa mãn.

But wait. It gets better. When we develop a longing for the fruits and begin to grow in them, people will take notice. Are you generally short on patience? As you begin to bear that fruit, those who know you will say to themselves, “How is that!?” They will wonder how they too can change!

Nhưng hãy chờ đợi. Kết quả sẽ tốt hơn. Khi chúng ta làm triển nở một niềm khao khát về các hoa trái và bắt đầu lớn lên trong chúng, mọi người sẽ chú ý. Bạn thường thiếu kiên nhẫn, đúng không? Khi bạn bắt đầu sinh hoa kết trái, những người biết bạn sẽ tự nhủ rằng: “Điều đó là thế nào nhỉ!?” Họ sẽ tự hỏi làm cách nào để họ cũng có thể thay đổi!

Vì thế, bạn hãy suy nghĩ về hoa trái của Thần Khí trong chính cuộc sống của bạn. Bạn có thể phát triển hoa trái nào trong số đó nhân Mùa Phục Sinh này? Làm cách nào loại hoa trái này có thể giúp bạn phản ánh thuyết phục hơn về tình yêu của Thiên Chúa? Nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, bạn thực sự có thể làm nên một sự khác biệt.

Bài viết này được trích từ cuốn sách có tựa đề: “Sống Hoa Trái của Thần Khí: Ân Sủng của Thiên Chúa Có Thể Biến Đổi Thế Giới của Bạn Như Thế Nào”, của tác giả Joshua M. Danis, Giám đốc Quốc gia của Alpha in a Catholic Context ở Hoa Kỳ. Cuốn sách này (bìa mềm, 138 trang) hiện có trên tạp chí The Word Among Us Press tại trang web: wau.org/livingthefruit.

Theo Word Among Us, Easter 2021 Issue
Nguồn: https://wau.org/archives/article/two_sides_of_the_same_coin/

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon