MỪNG CHÚA SỐNG LẠI
Mùa Phục Sinh-Năm B
I. LỜI CHÚA: Mc 16, 1-8
1 Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su.2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.
3 Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? “4 Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm.5 Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. 6 Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!7 Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.”
8 Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM
1. Các phụ nữ và mầu nhiệm Phục Sinh
Sự hiện diện của các phụ nữ đi theo Đức Giê-su không được nhắc tới nhiều trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu ; chỉ có mỗi một lần, các bà được nhắc đến một cách long trọng, trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa” (Lc 8, 1-3).
Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, chúng ta có thể đọc trình thuật đặc biệt kể về một người phụ nữ: “Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người” (Mc 14, 3. Bài Tin Mừng chỉ được đọc 3 năm 1 lần, trong Bài Thương Khó theo thánh Mác-cô, Lễ Lá Năm B, nghĩa là năm nay).
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên của biến cố Phục Sinh, sự hiện của các bà được đặc biệt nhấn mạnh, như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô:
- Ba bà được nêu đích danh, chứ không phải được gọi bằng danh từ “các bà” chung chung; đó là bà Sa-lô-mê, bà Maria mẹ ông Gia-cô-bê và bà Maria Magdala, vị thánh nữ nổi danh.
- Các bà gắn bó với Đức Giê-su một cách vô vị lợi. Thật vậy, các bà vẫn hướng về Ngài vào những lúc thử thách nhất, bi đát nhất và đen tối nhất trong cuộc Thương Khó; và các bà vẫn một lòng gắn bó với Ngài, khi Ngài chẳng còn là gì hơn là một thân xác nát tan, đã được tẩm liệm và mai táng.
Và chính khi đi tìm Đức Giê-su đã chết và muốn chăm sóc cho thân xác đã chết của Đức Giê-su, các bà được nghe loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Ngài:
Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét,
Đấng bị đóng đinh chứ gì!
Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. (c. 6)
Vẫn chưa hết sự ưu ái Thiên Chúa dành cho các bà, vì các bà là những người đầu tiên được trao cho sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh, không phải cho các dân tộc xa xôi, nhưng cho chính các Tông Đồ, nghĩa là cho “những trụ cột” của Giáo Hội:
Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông. (c. 7)
Trong lời trao sứ mạng này, ông Phê-rô được nêu tên cách đặc biệt, tách khỏi nhóm các môn đệ. Ông Phê-rô là Đá Tảng, trên đó Đức Ki-tô phục sinh sẽ xây dựng Giáo Hội của Ngài; nhưng ở điểm khởi đầu trọng đại này, Đá Tảng Phê-rô được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe lời loan báo Tin Mừng của các phụ nữ! Và không phải một Tin Mừng nói về các bà cách đặc biệt vào thời điểm hệ trọng này, nhưng cả bốn Tin Mừng đều nói và nói theo những cách khác nhau, như Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe lại trong Mùa Phục Sinh (x. Mt 28, 1-10; Mc 16, 1-8; Lc 24, 1-7 và Ga 20, 1-2. 11-18).
Như thế, hình ảnh người phụ nữ được đưa lên hàng đầu trong thời điểm trọng đại : khởi đầu mới của Đức Kitô, của các môn đệ và Giáo Hội, của toàn lịch sử và nhân loại. Vai trò của các phụ nữ được ưu tiên trong giai đoạn mới của lịch sử cứu độ. Nhưng đây không phải là lần đầu, hay là điều bất thường, nhưng là sự ưu ái xuyên suốt của Thiên Chúa dành cho các phụ nữ, trong sáng tạo và lịch sử: bà Eva, bà Sara, bốn người phụ nữ được nêu danh trong chính gia phả của Đức Giê-su (Tama, Ra-kháp, Rút và Batseva), theo thánh sử Mát-thêu (Mt 1, 1-17), và nhất là Đức Maria.
Ngày nay, sự lựa chọn ưu ái này của Thiên Chúa dành cho nữ giới vẫn còn được duy trì, trong ơn gọi hôn nhân gia đình và nhất là trong ơn gọi tu trì rất phong phú trong Giáo Hội, để loan báo sự sống mới của Đức Ki-tô Phục Sinh bằng chính đời sống thánh hiến.
2. Dấu chỉ Sự Sống Mới
Các bà đi tìm Đức Giê-su đã chết và muốn chăm sóc cho thân xác đã chết của Ngài. Điều này diễn tả tình yêu vô vị lợi của các bà dành cho Đức Giê-su. Vậy, bởi đâu các bà có tình yêu vô điều kiện như thế dành cho Đức Giê-su, nếu không phải là kinh nghiệm sâu đậm về ơn huệ, ơn huệ tha thứ và chữa lành. Đó cũng phải là hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta trong ơn gọi Chúa ban cho chúng ta.
Các bà gắn bó với Thầy đã chết; tuy nhiên, toàn bộ khung cảnh, toàn bộ thế giới nhỏ bé bao quanh các bà, tràn ngập dấu chỉ Sự Sống Mới của Đấng Phục Sinh:
Trước hết, đó là dấu chỉ thiên nhiên: “Hết ngày sa-bát, sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc.
- “Hết ngày sa-bát”, nghĩa là tuần cũ đã qua, hình ảnh của mọi tuần, khởi đi từ tuần đầu tiên được sáng tạo, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc 1, trích sách Sáng Thế, chương 1. Hình ảnh này loan báo tuần mới và sáng tạo mới, đã bắt đầu rồi.
- “Sáng tinh sương”, nghĩa là vào lúc ánh sáng đẩy lui bóng tối của đêm đen. Hình ảnh thiên nhiên này diễn tả sự chiến thắng trên sự chết của Đức Ki-tô phục sinh.
- “Ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc”. Ngày thứ nhất trong tuần là ngày của ánh sáng theo St 1, 3. Và Đức Ki-tô phục sinh chính là Ngôi Lời ánh sáng, theo Ga 1, 9.
Những dấu chỉ thiên nhiên này, nói về sự sống của Đức Ki-tô phục sinh và loan báo sự sống mới của chúng ta trong Đức Ki-tô, vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày.
Tiếp đến là dấu chỉ “ngôi mộ trống”. Chúng ta nên gọi là « ngôi mộ mở » thì hay và đúng hơn. Vì mộ phần, tượng trưng cho sự chết, vốn là sức mạnh tột đỉnh của sự dữ, không giam hãm được Đức Ki-tô và đã bị Đức Kitô vượt qua. Hình ảnh « ngôi mộ trống » nghiêng về ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn, vì « trống » có nghĩa là người chết bị lấy đi hay biến mất tiêu, như bà Maria nói với các Tông Đồ : « Người ta đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu » (Ga 19, 2). Bà nhìn thấy « ngôi mộ mở », nhưng lại nghĩ rằng đó là « ngôi mộ trống »!
Và sau cùng là dấu chỉ “sứ điệp thần linh”. Đó là Tin Mừng Phục Sinh do chính sứ thần Thiên Chúa công bố: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa”. Bởi vì chiến thắng sự chết chỉ có thể là quyền năng của Thiên Chúa và chỉ có thể được chính sứ thần của Thiên Chúa công bố mà thôi. Và như chúng ta đều biết và có kinh nghiệm, để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh, cũng vẫn là công trình của Thiên Chúa thực hiện nơi tâm hồn và cuộc đời của chúng ta.
3. Sự sợ hãi và sứ điệp Phục Sinh
Nhưng điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên, là với bằng đó dấu chỉ, thay vì mang lại lòng tin, niềm vui và bình an cho các bà, thì theo lời kể của Thánh Sử Mác-cô, các bà sợ hãi và chạy trốn như thấy “ma”. Thật vậy, “
Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn,
run lẩy bẩy, hết hồn hết vía.
Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi. (c. 8)
Và nếu chúng ta để ý, trình thuật phục sinh này của thánh Mác-cô tràn ngập sự lo sợ:
- Khi đi ra mộ, các bà lo lắng về chuyện tảng đá; nhưng thực ra Chúa lăn ra dùm cho rồi!
- Khi thấy người thanh niên áo trắng ngồi bên phải, các bà hoảng sợ; và khi nghe người thanh niên loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô Phục Sinh, các bà lại càng sợ hãi hơn nữa.
Sự sợ hãi của các bà là điều rất tự nhiên, nhưng lại bày tỏ cho chúng ta một sứ điệp thiêng liêng sâu sa, đó là con người không thể tự mình đón nhận được sứ điệp Phục Sinh. Đức Ki-tô Phục Sinh cảm thông với các bà; vì thế, Ngài sẽ đi tìm gặp từng người, và mỗi người mỗi cách, để ban ơn bình an và dẫn từng người vào tương quan mới với Người ngay trong cuộc đời còn đầy thách đố và đau khổ.
Và người đầu tiên mà Đức Ki-tô tìm gặp là một phụ nữ, thánh nữ Maria Magdala, như chính thánh sử Mác-cô kể lại:
Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng
ngày thứ nhất trong tuần,
Đức Giê-su hiện ra trước tiên
với bà Ma-ri-a Mác-đa-la,
là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. (Mc 16, 9)
Và Đức Ki-tô Phục Sinh mỗi ngày vẫn tìm gặp đích thân từng người chúng ta, bằng Lời và Thánh Thể của Người, bằng những ân huệ và những biến cố trong cuộc đời, để ban ơn bình an, củng cố lòng tin, thêm sức, mở đường và mang lại ý nghĩa cho mọi biến cố, trong hành trình đi theo Người trên con đường Vượt Qua, đầy thách đố của mỗi người chúng ta.
Xin sự hiện diện sống động và Lời Hằng Sống của Đấng Phục sinh làm cho “con tim của chúng ta bừng cháy”.
* * *
Kính chúc
Quí Cha, Quí Thầy, Quí Soeurs và tất cả Anh Chị Em
Mùa Phục Sinh:
- Được Chúa củng cố lòng tin và và gia tăng lòng mến, để nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô chịu đóng và đã phục sinh, qua các dấu chỉ Kinh Thánh, Thánh Thể, các bí tích và những biến cố cuộc đời.
- Tràn đầy tình yêu và lòng thương xót của Người, khi đọc và cầu nguyện với đời mình, dưới ánh sáng mầu nhiệm Vượt Qua.
- Trở thành Hương Thơm loan tỏa và loan báo Tin Mừng-Sự Sống của Người (x. Mt 26, 6-13 và Mc 14, 3-9).
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc