Rước Lễ – Ăn lửa và Thần Khí

0

Hãy tưởng tượng việc ăn mặt trời – và tưởng tượng bạn có thể làm điều đó mà không chết. Chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ nhận vào cơ thể mình nguồn ánh sáng và hơi ấm áp. Bạn sẽ có trong mình tất cả ánh sáng và sức nóng mà bạn cần hoặc muốn. Không còn tốn tiền điện, không còn những chuyến đi đến vùng khí hậu ấm áp hơn để tránh lạnh mùa đông.

Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Cực Thánh, chúng ta nhận được nguồn của tất cả ánh sáng và sự ấm áp siêu nhiên, ánh sáng sự thật, sức nóng tình yêu, vì thực sự Ngài là Mặt Trời Công lý. Chúng ta tiếp nhận chính Thiên Chúa, chính Con Thiên Chúa, Đấng không thể tách rời khỏi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thánh Ephrem người Syria đã viết: “Ngài gọi bánh là thân thể sống động của Ngài và Ngài làm đầy điều đó bằng chính Ngài và Thần Khí… Ai ăn bánh đó với đức tin là ăn Lửa và Thần Khí…”

Chúng ta không bị giết ngay lập tức bởi sự tiếp xúc với Lửa vĩnh hằng và vô tận, theo cách riêng của nó, đó là một phép mầu vĩ đại hơn là ăn mặt trời mà không bị diệt vong. Chúa của chúng ta bảo vệ chúng ta, khéo léo che giấu vinh quang rực rỡ của Ngài để chúng ta không bị choáng ngợp, và nhẹ nhàng tỏa sáng sự bình an của Ngài.

Chính vì chúng ta nhận được lửa thiêng – lửa mạnh mẽ hơn nhiều về phạm vi và khả năng đạt được tác dụng thiêng liêng hơn bất kỳ ngọn lửa thể chất nào – mà việc đón nhận Thánh Thể một cách xứng đáng là thanh tẩy, chiếu sáng và hiệp nhất. Bí tích Thánh Thể thực hiện bên trong và linh hồn mà ngọn lửa hoạt động trong và trên vật chất dễ cháy, đốt cháy những xu hướng trái ngược và biến vật chất thành chính nó. Nhưng vì linh hồn thiêng liêng không hư nát nên có thể trở thành lửa mà không bị tàn lụi, giống như bụi cây cháy kỳ diệu. Bí tích Thánh Thể làm cho linh hồn những gì mà lửa mặt trời làm cho trái đất – lan tỏa ánh sáng, sưởi ấm cơ thể, làm tăng trưởng.

Khi chúng ta học hỏi từ các giáo phụ, tiến sĩ và các nhà thần bí của Giáo Hội, sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu có ảnh hưởng đến linh hồn và thân xác của chúng ta. Điều đó hoạt động chủ yếu trên linh hồn, vì một lần nữa, giống như mặt trời, Chúa Giêsu chiếu tỏa ân sủng cho mọi thứ xung quanh Ngài, mọi thứ mà Ngài tiếp xúc, theo ý Ngài, “tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho.” (Ep 4:7)

Giống như việc chữa lành người phụ nữ khỏi băng huyết, (x. Lc 8:43) máu nhiễm bệnh của Ađam cũ không thể chữa lành bằng bất kỳ loại thuốc nào của con người, mà chỉ nhờ sự đụng chạm của Ađam mới, thầy thuốc của linh hồn. Trước hết, Chúa chạm đến bản thể của linh hồn, gia tăng ân sủng làm cho linh hồn đẹp lòng Thiên Chúa, là dưỡng tử của Chúa Cha, là chị em của Chúa Con, là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Ngài chạm vào năng lực của linh hồn, thông báo cho linh hồn bằng các nhân đức, củng cố các thói quen nhân đức. Ngài kích hoạt các năng lực này – Ngài tạo ra trong chúng ta các hành vi đức tin, đức cậy, đức ái và mọi đức tính. Chỉ trong cuộc sống mai sau thì chúng ta mới được biết chính Chúa Giêsu đã bao nhiêu lần đối mặt với sự buồn sầu do tình trạng sa ngã của chúng ta, đã thúc đẩy tâm hồn chúng ta hành động và thúc đẩy chúng ta sinh hoa kết quả làm đẹp lòng Thiên Chúa và sinh lợi cho chúng ta.

Rước lễ cũng ảnh hưởng đến cơ thể. Điều này rất cần biết, ngay cả khi chúng ta hoàn toàn không thể hiểu. Bị bao phủ bởi cái bóng quá lâu của Descartes, người Tây phương hiện đại dường như có khuynh hướng coi “tâm linh” là lãnh địa độc quyền của tinh thần – để cho xác thịt tự lo liệu như một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi. Đây không phải là điều mà Chúa, Đấng tạo dựng trời đất, đã nghĩ đến việc cho chúng ta những thụ tạo vật chất. Nhờ Bí tích Thánh Thể, xác thịt của chúng ta trở nên vâng phục và ngoan ngoãn hơn đối với linh hồn, trở nên dễ tiếp nhận hơn với năng lực thông báo của linh hồn và nhân đức. Chúa được gieo vào xác thịt như một hạt giống của sự bất tử: Ngài chiếu tỏa sự sống và sự hiện hữu thần linh trên những gì chỉ có sự sống và sự tồn tại trần thế.

Sự Sống mà chúng ta hằng mong ước là sự sống được chúc phúc, sự sống của Thiên Đàng: Sự sống này chúng ta có thể nhận vào chính mình. Việc Thiên Chúa ban cho chúng ta chính Ngài hoàn toàn nằm ngoài tầm hiểu biết hạn hẹp của chúng ta, nhưng không nằm ngoài quyền năng vô hạn của Ngài. Con Đường mà chúng ta tìm cách theo là con đường Phúc Âm, không là triết học mà là một Ngôi Vị, Ngôi Lời hóa thành Nhục Thể, và Ngôi Vị này ban chính Ngài cho chúng ta.

Do đó, chúng ta phải chân thành và vui vẻ bám vào Chúa Thánh Thể, và tiếp nhận Ngài thường xuyên khi chúng ta có thể, đến trước mặt Ngài trong giờ Chầu Thánh Thể, để tâm trí và trái tim của chúng ta được “Thánh Thể hóa” và để cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên hành động cảm tạ vì công trình cứu chuộc vĩ đại của Ngài nơi chúng ta.

PETER KWASNIEWSKI

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Đêm 19-04-2021

Comments are closed.

phone-icon