Ngày 24 tháng 4 năm 2021
Thứ bảy, sau Chúa Nhật III Phục Sinh
I. LỜI CHÚA: Ga 6, 51.60-69
51 Tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi? “61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.65 Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? “68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM:
1. Mặc khải và lựa chọn
Trong suốt tuần lễ vừa qua, Phụng Vụ Thánh Lễ của Giáo Hội cho chúng ta nghe lại gần như trọn vẹn chương 6 của Tin Mừng theo thánh Gioan. Như chúng ta đã biết, chương 6, rất được biết đến của sách Tin Mừng thứ tư, bắt đầu bằng phép lạ bánh hóa nhiều, sau đó là lời giảng thật dài của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống và kết thúc với lời cam kết và tuyên xưng vừa cảm động vừa sâu xa của thánh Phê-rô:
Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. (c. 68)
Điều cần chú ý là, một đàng Đức Giê-su nói về máu thịt của ngài mang lại sự sống, còn thánh Phê-rô thì tuyên xưng lời của Đức Giê-su mang lại sự sống. Đó là bởi vì, lời và ngôi vị của Đức Giê-su là một, bởi vì ngài vừa là Ngôi và vừa là Lời.
Phần cuối bài giảng của Đức Giê-su mà chúng ta vừa nghe là đỉnh cao; đỉnh cao của những gì cao quí nhất và thâm sâu nhất Đức Giêsu muốn nói và muốn trao ban cho chúng ta: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”.
Ngoài ra, còn có một đỉnh cao khác, đó là khó khăn mà người nghe Đức Giêsu gặp phải: “Người Do Thái tranh luận sôi nổi với nhau”, đúng hơn là “tranh luận dữ dội với nhau”. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Và lời của Đức Giêsu cũng gây khó khăn cho cả các môn đệ nữa, họ nói: “Lời này chướng tai quá, sao mà nghe nổi….Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không đi theo Người nữa”.
Chắc chắn lời của Đức Giê-su và ngôi vị của Ngài cũng gây cho con người mọi thời và cho chính chúng ta nữa những khó khăn, chúng ta nghe lời Chúa hằng ngày, nhưng có nhiều lúc chúng ta không để tâm, và nếu có chú ý, chúng ta lại cảm thấy khó nghe và khó hiểu. Chúng ta rước mình và máu Đức Giêsu hằng ngày, nhưng chắc chắn cũng có lúc chúng ta tự hỏi: có thật đây là mình và máu Chúa không? Ăn thịt và uống máu Chúa nghĩa là gì và đem cho chúng ta những hiệu quả nào?
2. “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi sẽ được sống muôn đời”
Con người ở mọi thời và ở khắp nơi luôn đi tìm quả trường sinh hay một thứ thần dược trường sinh. Đó là vấn đề trái cây sự sống trong vườn Eden: ông bà Adam va Evà đã hái và ăn trái cấm, vì tin rằng trái này sẽ làm cho mình trở nên thần linh vừa bất tử vừa biết hết mọi sự. Bất tử trên đời này là một điều thú vị và ai cũng khao khát; nhưng xét cho cùng cuộc đời này, cuộc sống này có đáng cho chúng ta sống mãi không? Hơn nữa, cuộc đời này vẫn là thời gian; và để đi vào vĩnh cửu, chúng ta không có cách nào khác, là phải rời bỏ, hay đúng hơn“vượt qua” thời gian, như Đức Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể trong mầu nhiệm Vượt Qua. Ngày nay, dù không còn ai đi tìm quả trường sinh nữa, nhưng ai cũng chú ý vấn đề ăn uống, chú ý đến thứ trái cây nào giúp được trẻ lâu và sống lâu!
Để sống đời đời, Đức Giêsu mời gọi chúng ta ăn và uống chính thịt và máu của Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi “ăn” và “uống” không phải một sự vật. Đức Giêsu mời gọi chúng ta “ăn uống” máu thịt của bản thân Ngài, mà bản thân Ngài, giống như chúng ta, là một ngôi vị sống động, chứ không phải là món ăn.
Như thế, bánh hay của ăn trường sinh, không phải là một vật thể ăn được, có phép nhiệm mầu biến đổi con người thành bất tử, nhưng là ngôi vị Đức Giêsu mà chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, để ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta, như thánh Phao-lô cảm nghiệm đích thân và diễn tả: “Không còn là tôi sống, nhưng Đức Ki-tô sống trong tôi”. Giống như khi chúng ta đến dùng bữa do người thân, người bạn hay người yêu thiết đãi. Ngang của ăn và của uống mà người kia chuẩn bị và dọn ra mời chúng ta; khi ăn và uống, chúng ta được mời gọi “ăn” một của ăn khác, là tình thương, tình bạn và tình yêu của người kia.
Qua hành vi “ăn” Ngài và “uống” Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, nghĩa là đón nhận Ngài vào trong cuộc đời, để Ngài trở thành xương thịt, thành sự sống cho chúng ta. Chúa ước ao trở thành lương thực cho chúng ta, nghĩa là muốn trao ban tất cả những gì mình có và mình là cho chúng ta, Chúa ước ao trở nên một với chúng ta. Giống như tấm bánh hay chén cơm hằng ngày: được chúng ta đón nhận như ân huệ, được ăn, được nghiền nát, được hòa tan để trở thành sự sống cho chúng ta. Đức Kitô ước ao như thế và Ngài thực hiện ước ao của mình một cách thực sự nơi hành động hiến mình trên Thập Giá và hàng ngày nơi bí tích Thánh Thể.
Ước gì Đức Kitô, bánh Trường Sinh, làm thỏa mãn mọi cơn “đói khát” của chúng ta; ước gì khi cảm nếm được Ngài, chúng ta không còn “thèm ăn, thèm uống” bất cứ điều gì nữa trên đời này.
3. “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”
Đức Giê-su hỏi các Nhóm Mười Hai, những người gần gũi với Người nhất: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (c. 67). Chúng ta cũng đã từng lựa chọn khi đối diện với ngôi vị của Đức Giêsu. Giờ đây, với câu hỏi này của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi làm mới lại lựa chọn của chúng ta, không chỉ lựa chọn lớn và căn bản, nhưng cả những lựa chọn khác nữa liên quan đến đời sống thường ngày, bằng cách nhận câu trả lời của thánh Phê-rô làm của mình:
Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. (c. 68)
Ơn huệ Lời Chúa và Thánh Thể, vốn là “lương thực”, được ban cho chúng ta cách quảng đại và nhưng không, để nuôi sống chúng ta mỗi ngày, nói cho chúng ta như thế: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
Xin cho chúng ta có được kinh nghiệm sâu xa hơn nữa Lời của Đức Giê-su và rộng hơn nữa Lời Chúa trong Kinh Thánh đem lại cho chúng ta sự sống, không chỉ sự sống đời sau, nhưng còn là sự sống này. Bởi vì, chúng ta không chỉ sống bởi cơm bánh, nhưng còn bằng lời diễn tả sự hiện diện, lời đón nhận lời cảm thông và bao dung, lời tha thứ và lời yêu thương. Chúng ta không thể sống được, nếu thiếu những lời này.
Lời của Đức Giêsu là thần khí và là sự sống, nên người nghe cũng phải ở trong thần khí và sự sống thì lời của Ngài mới vang vọng được, mới đụng chạm được, như chính Đức Giê-su đã nói:
Thần khi mới làm cho sống,
chứ xác thịt chẳng có ích gì.
Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. (c. 63)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc