Sáng nay, trong Điện Tông tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên của cuộc họp của Mạng lưới các Nhà Lập Pháp Công giáo Quốc tế và có bài phát biểu mà chúng tôi đăng lại sau đây:
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Tôi xin lỗi vì không đứng phát biểu được, vì tôi vẫn đang trong thời gian hậu phẫu nên tôi phải ngồi phát biểu. Xin lỗi quý vị.
Thưa quý ông quý bà!
Tôi thật vui mừng được gặp gỡ lại quý vị, là những nghị sĩ từ các quốc gia khác nhau, vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử: một thời điểm quan trọng trong lịch sử. Tôi cảm ơn Đức Hồng y Schönborn và ngài Alting von Geusau đã có những lời chào mừng và giới thiệu. Và tôi thật vui vì có sự hiện diện của Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II của Giáo hội Chính thống Syria.
Kể từ khi thành lập Mạng lưới các Nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế vào năm 2010, quý vị đã đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy công việc của Tòa Thánh như là các chứng nhân cho Tin Mừng trong việc phục vụ các quốc gia của quý vị và cộng đồng quốc tế nói chung. Tôi xin tri ân vì lòng yêu mến của quý vị dành cho Giáo hội và sự cộng tác của quý vị trong sứ mệnh của Giáo hội.
Cuộc họp của chúng ta diễn ra hôm nay trong một thời điểm vô cùng khó khăn. Đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Chắc chắn chúng ta đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chế tạo và phân phối các loại vaccine hiệu quả, nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đã có hơn hai trăm triệu trường hợp nhiễm bệnh và bốn triệu người chết vì bệnh dịch khủng khiếp này, nó cũng đã gây ra sự tàn phá rất lớn về kinh tế và xã hội.
Vì vậy, vai trò của quý vị là những nghị sĩ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Được chuẩn bị để phục vụ cho ích chung, giờ đây quý vị được kêu gọi để cộng tác trong việc đổi mới toàn diện các cộng đồng của quý vị và của toàn xã hội nói chung, thông qua hoạt động chính trị của mình. Không chỉ để đánh bại virus, cũng không phải để trở lại nguyên trạng như trước đại dịch, không, việc đó sẽ là một sự thất bại, mà để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ mà cuộc khủng hoảng đã bộc lộ và lan rộng: nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, thất nghiệp tràn lan và thiếu sự tiếp cận giáo dục. Thưa anh chị em, kết thúc một cuộc khủng hoảng không giống nhau: chúng ta sẽ trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn. Bạn không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng một mình: chúng ta sẽ cùng nhau thoát ra hoặc chúng ta sẽ không thể thoát ra khỏi nó.
Trong thời kỳ chính trị xáo trộn và phân cực, các nghị sĩ và chính trị gia nói chung không phải luôn luôn giữ được sự trọng vọng. Điều này không phải là mới đối với quý vị. Tuy nhiên, có tiếng gọi nào cao cả hơn tiếng gọi phục vụ ích chung và ưu tiên phúc lợi cho tất cả mọi người vượt trên lợi ích cá nhân? Đây luôn phải là mục tiêu của quý vị, bởi vì đời sống chính trị tốt đẹp là không thể thiếu cho tình huynh đệ phổ quát và hòa bình xã hội (xem Tông huấn Brothers All, 176).
Đặc biệt, trong thời đại của chúng ta, một trong những thách thức lớn nhất ở chân trời này là việc quản lý công nghệ vì ích chung. Những điều kỳ diệu của khoa học và công nghệ hiện đại đã nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta. “Thật đúng đắn để vui hưởng những tiến bộ này và được phấn khích bởi muôn vàn khả năng mà chúng có thể tiếp tục mở ra trước mắt chúng ta, vì “khoa học và công nghệ là những sản phẩm kỳ diệu của sự sáng tạo mà Thiên Chúa ban tặng cho con người” (Tông huấn Laudato si’, 102). Tuy nhiên, nếu chỉ phó mặc cho chúng và cho các sức mạnh của thị trường, mà không có những hướng dẫn thích hợp được đặt ra bởi các hội đồng lập pháp và những cơ quan công quyền được soi dẫn bởi ý thức trách nhiệm xã hội, thì những đổi mới này có thể đe dọa phẩm giá của con người.
Đây không phải là vấn đề kìm hãm sự tiến bộ của công nghệ. Tuy nhiên, những công cụ chính trị và quy định cho phép các nghị sĩ bảo vệ nhân phẩm khi nó bị đe dọa. Chẳng hạn, tôi đang nghĩ đến tai họa của nội dung khiêu dâm trẻ em, việc khai thác dữ liệu cá nhân, các cuộc tấn công vào những cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện, sự lừa dối lan truyền qua mạng xã hội, v.v… Luật pháp cẩn trọng có thể hướng dẫn và phải hướng dẫn sự phát triển và việc ứng dụng của công nghệ vì ích chung. Vì vậy thưa anh chị em, tôi khuyến khích anh chị em hãy nhiệt tâm đảm trách nhiệm vụ phản ánh đạo đức một cách nghiêm túc và sâu sắc trước những rủi ro và cơ hội vốn có trong sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, để luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế chi phối chúng có thể tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển của con người, toàn diện và hòa bình, chứ không phải sự tiến bộ là mục tiêu duy nhất.
Các nghị sĩ chắc chắn phản ánh những điểm mạnh và điểm yếu của những lĩnh vực mà họ đại diện, mỗi người đều có nét đặc thù để phục vụ lợi ích cho tất cả mọi người. Sự cam kết của người công dân tham gia trong các lĩnh vực xã hội, dân sự và chính trị là điều cần thiết. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi thúc đẩy tinh thần đoàn kết, bắt đầu từ nhu cầu của những người yếu thế nhất và thiệt thòi nhất. Tuy nhiên, để chữa lành thế giới đã chịu thử thách nghiêm trọng bởi trận đại dịch, và xây dựng một tương lai bền vững và bao gồm hơn, trong đó công nghệ phục vụ nhu cầu của con người và không cách ly chúng ta với nhau, chúng ta không chỉ cần những người công dân có trách nhiệm mà còn cần những nhà lãnh đạo được chuẩn bị và được truyền cảm hứng bởi nguyên tắc của ích chung.
Các bạn thân mến, xin Chúa ban ơn cho các bạn để trở thành men tái sinh cho trí óc, cho con tim và cho tinh thần, là những chứng nhân của tình yêu chính trị dành cho người dễ bị tổn thương nhất, để khi phục vụ họ là các bạn phục vụ Chúa trong mọi công việc các bạn làm.
Tôi cầu Chúa chúc phúc cho các bạn, tôi cầu Chúa chúc phúc cho gia đình các bạn và tôi cầu Chúa chúc phúc cho công việc của các bạn. Và tôi cũng xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn.
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/8/2021]