“Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca!”.
Giữa những ngày dịch bệnh khốc liệt này, từ một em bé cho đến một người lớn, ai trong chúng ta cũng ưu tư, trăn trở và ước mong. Vậy mà lời cầu nguyện của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay vẫn thực sự đánh động con tim và lòng trí chúng ta, “Lạy Chúa, xin cho đoàn con được ‘no say tình Chúa’, để ngày ngày được hớn hở vui ca!”. Lời cầu nguyện này giúp chúng ta tự hỏi, vậy thì điều gì mới thật sự làm cho chúng ta no thoả, khiến cho lòng chúng ta hớn hở vui ca? Thánh Phaolô trong bài đọc thứ nhất và Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta các điều đó!
Với Phaolô, trước hết là ‘hãy sống tâm tình tạ ơn!’. Nhìn vào các thư của ngài, chúng ta thấy những lời tạ ơn của Phaolô gần như luôn luôn xuất hiện linh động ở bất cứ nơi nào; đầu thư, cuối thư và giữa thư. Bên cạnh đó, Phaolô thường xuyên nhắc nhở việc Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang; chẳng hạn, thư Thessalonica hôm nay. Những lời Phaolô đã toát lên một trạng thái phấn chấn nơi những con người được ‘no say tình Chúa’, “Chúng tôi phải cảm tạ ơn Chúa thế nào thay cho anh em!”; và cuối bài đọc, Phaolô kịp ghi lại một lời nhắn nhủ, “Để làm cho lòng anh em nên vững vàng trong sự thánh thiện, không còn điều gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến làm một cùng tất cả các thánh của Ngài”.
Với Chúa Giêsu, đó là ‘tỉnh thức và cầu nguyện!’. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng kêu gọi các môn đệ hãy sẵn sàng đón ngày Chúa đến, ngày ấy sẽ xảy ra vào lúc không ai ngờ, vào giờ không ai biết. Điều này đặt cho chúng ta một số câu hỏi. Nếu hôm nay là ngày đó thì sao; chúng ta sẽ có những hành động nào? Có thể chúng ta sẽ liên lạc với càng nhiều người càng tốt, báo cho họ về sự trở lại của Chúa; đi xưng tội và sau đó dành cả ngày để cầu nguyện… Nhưng đâu là câu trả lời lý tưởng? Phải chăng lý tưởng nhất vẫn là, ‘Hãy sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng!’. Chúng ta “tỉnh thức và cầu nguyện” cho sự trở lại của Chúa bất cứ khi nào; và nếu thực sự chấp nhận Lời Thánh Kinh này, thì sự trở lại của Ngài không còn quan trọng là hôm nay, ngày mai, năm sau hay nhiều năm sau.
Vì thế, lời kêu gọi “hãy tỉnh thức” không chỉ đề cập đến sự tái lâm của Chúa Kitô, nhưng còn đề cập đến mọi khoảnh khắc mà Ngài đang đến với chúng ta bởi ân sủng của Ngài. Nó đề cập đến mọi thúc giục của tình yêu bên trong và lòng thương xót của Ngài trong trái tim và linh hồn mỗi người; nó ám chỉ những lời thì thầm nhẹ nhàng liên tục mời gọi chúng ta đến gần Chúa hơn. Vậy, điều quan trọng là, chúng ta có chú ý đến vô vàn cách thức mà Ngài đang tìm dịp để bước vào cuộc sống chúng ta một cách trọn vẹn hơn không? Dẫu không biết đó là ngày nào, nhưng chúng ta tin, mỗi ngày và mỗi giây phút là một thời điểm Ngài đang đến bởi ân sủng của Ngài. Hãy lắng nghe Ngài, quan sát và tỉnh thức! Và như thế, mỗi ngày sẽ là ngày chúng ta ‘no say tình Chúa!’.
Mùa đông 1777, một mùa đông tồi tệ của Lục quân Hoa Kỳ, nhất là với Washington, vị Tướng phải đối diện với cục diện cô lập của phe Bảo Hoàng và phe dành độc lập; của nạn đói đã giết chết hơn 3.000 quân và cái rét tận xương. Giữa lúc tuyệt vọng, tại thung lũng tuyết Forge, Washington quỳ gối, bất động cầu nguyện; chỉ có con ngựa trắng của ông đứng sau lưng, tuyết rơi phủ kín ngựa và người. Một chủ cối xay đang lấp ló phía sau đã mục kích cảnh tượng này. Để sau đó, dẫu thuộc phe Bảo Hoàng, ông chủ giàu có của làng Garrison vẫn đã đổi lòng; ông mở các kho lúa để chu cấp cho vị Tướng và Lục quân; không những thế, nhiều người trung lập, nay cũng đầu quân giúp Tướng công dành độc lập cho đất nước. Về sau, Tướng này là Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
Tại sao George Washington được chu cấp lúa gạo lúc túng quẫn, tuyệt vọng? Có phải nhờ vào tài trí, mưu lược của ông? Không! Nhờ vào hành vi quỳ gối, bất động cầu nguyện; bất động bên ngoài, bất động bên trong. Để con tim hướng về Chúa, Washington đã ‘no say tình Ngài’ và quả, ông đã được Thiên Chúa cho hớn hở vui ca. Như Washington, chúng ta biết phải làm gì trong những ngày hôm nay. Hãy cầu nguyện, lắng nghe, hãy để cho linh hồn biết chờ đợi! Hãy làm điều ông đã làm! Tìm cho mình một nơi yên tỉnh; ở đó, chúng ta quỳ gối, dâng lên Chúa những lời cầu nguyện tha thiết nhất, chân thành nhất; để rồi, chúng ta cũng có thể bảo đảm với mình rằng, Ngài sẽ cho chúng ta được ‘no say tình Chúa’, và được ‘hớn hở vui ca’ trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.
“Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra rằng, Chúa đang đến với con bằng ân sủng qua mọi khoảnh khắc; cho con biết làm điều đẹp lòng Chúa, và như thế, linh hồn con được mãi ‘no say tình Ngài’”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế