Người tu sĩ Đa Minh trong xã hội – Khánh nhật Truyền giáo 2023

0

Sr. Maria Trần Kim Loan, OP

Với tinh thần của Thánh phụ Đa Minh: “Trao cho tha nhân điều mình chiêm niệm,” người tu sĩ Đa Minh được mời gọi đến với mọi người để dấn thân phục vụ cứu độ cho mọi người, tìm kiếm rao giảng Chân lý đến cho tha nhân qua các sứ vụ tông đồ, dưới nhiều hình thức trong các lãnh vực khác nhau như giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần Kitô Giáo, mục vụ giáo xứ, làm việc trong các nhà thương, bác ái xã hội, vv…

Ý thức mình được sai đến với muôn dân để chuyên tâm củng cố đức tin trong Dân Chúa và nhiệt tâm đem ánh sáng chân lý đến mọi biên cương qua các thời đại, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại vai trò và trách nhiệm của người tu sĩ Đa Minh ngày nay.

Vai trò của người tu sĩ Đa Minh trong xã hội

Khi người tu sĩ Đa Minh chọn đời sống Thánh hiến, chúng ta cam kết với Thiên Chúa qua 3 Lời khuyên Phúc âm, nhằm để phục vụ và làm chứng cho tha nhân bằng chính sự hiện diện của chúng ta. Chúng ta phải trở thành vị ngôn sứ tiên báo về thực tại Nước Trời, vị Ngôn sứ ấy đôi khi phải đánh đổi chính vận mệnh của mình trước thái độ phản nghịch của cuộc đời.

Người tu sĩ luôn được mời gọi để trở thành muối mặn, men nồng và ánh sáng cho thế gian, nghĩa là chúng ta phải tỏa sáng, phải “nở hoa nơi ta được gieo xuống”. Hiến tế của người tu sĩ Đa Minh phải được thực hiện mỗi ngày trong kinh nguyện, trên bàn học và trên mọi nẻo đường thi hành sứ vụ. Khi chúng ta thi hành sứ vụ một cách sinh động nhờ sự sung mãn của sự sống Thiên Chúa, thì chính là được dự phần vào công cuộc sáng tạo của Người.

Tông huấn Loan báo Tin Mừng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1974) nhấn mạnh đến việc thăng tiến con người là cách thế loan báo Tin Mừng. Việc thăng tiến đó phải được hiểu cả về tinh thần lẫn vật chất. Giá trị Nước Trời nằm ở chỗ con người được sống sung mãn, không bị nô lệ bởi quyền lực, áp bức, dốt nát, đói nghèo… Ai yêu mến Thiên Chúa thì không làm ngơ trước mọi lầm than của con người. Thiên Chúa luôn mong ước con người được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Khi người tu sĩ tham gia các công tác xã hội vì hạnh phúc của con người là lúc sức sống dồi dào của Thiên Chúa được triển nở. Xoa dịu những nỗi đau của tha nhân là khơi mở ánh sáng của Nước Trời. Phục vụ và đến với tha nhân, tu sĩ mới thực sự làm chứng về Thiên Chúa và biến tôn giáo thành cuộc sống.

Người Tu sĩ Đa Minh trong công tác xã hội như thế nào?

Người tu sĩ Đa Minh ngày nay đang dấn thân vào công tác xã hội ngày một nhiều hơn, lãnh vực hoạt động ngày càng rộng về quy mô và đa dạng về hình thức. Đây chính là một trong những sứ vụ đang được quan tâm hàng đầu, đó là việc tạo điều kiện để giúp mọi người trong xã hội có thể sống đúng phẩm giá làm người của mình.

Thế nhưng, như những tổ chức từ thiện khác, trước khi làm việc gì liên quan đến công tác xã hội, việc đầu tiên chúng ta cũng thường nghĩ tới đó là tiền, là những điều kiện vật chất. Vâng, “có bột mới gột nên hồ”, điều lo lắng này không phải là dư thừa. Vì thực tế cho thấy đây là công việc không thể chỉ có tâm huyết hay lời nói suông là đủ, mà chính điều kiện kinh tế đã góp một phần không nhỏ trong sự thành công của công việc này. Tuy nhiên, nếu chúng ta coi những điều kiện vật chất đó là quan trọng mà quên đi những yếu tố khác thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ đứt gánh giữa đường hoặc không đạt được mục đích cuối cùng là dẫn con người đến hạnh phúc đích thực.

Trong cuộc sống gia đình, vật chất là điều cần để góp phần tạo nên hạnh phúc, nhưng cái quyết định hạnh phúc gia đình lại là yếu tố khác. Cũng vậy, trong công tác xã nội, điều kiện vật chất là những thứ có thì rất tốt, nhưng có hay không có, cũng không quan trọng cho bằng mất đi điều căn bản chính yếu, điều chính yếu đó là gì? Đó chính là một tâm hồn rộng mở, biết rung động trước nỗi đau của tha nhân như trái tim tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Như chúng ta biết, điều gì xuất phát từ trái tim, điều đó mới có sức sống thật sự. Khi trái tim rung động thì đôi tay sẽ mở ra, đôi chân sẽ bước đi và khối óc sẽ suy nghĩ. Vâng, tình yêu sẽ nảy sinh sáng kiến, tình yêu sẽ nuôi dưỡng lý tưởng và sẽ là động lực để người ta thắng vượt những trở ngại.

Nhìn vào thực tế chúng ta thấy, Mẹ Têrêsa Calcutta và cả những tổ chức từ thiện quốc tế ngoài Kitô Giáo cũng vậy, tất cả đều có một điểm chung đó là sự khởi điểm qua phương diện vật chất thật nhỏ bé và mong manh, và tất cả đều xuất phát và nuôi dưỡng bằng nhựa sống yêu thương từ “trái tim không ngủ yên” trước nỗi đau của tha nhân. Cái nhỏ bé mong manh đó không những không bị bóp nghẹt trước sức ép của các thế lực khác mà ngày càng phát triển không ngừng. Thật thế, chỉ có những công trình phát xuất từ hai chữ Yêu Thương đó mới có thể tồn tại, đứng vững và ngày càng phát triển theo thời gian.

Vật chất hoàn toàn chỉ là phương tiện chứ không phải là yếu tố quyết định, mà đã là phương tiện thì người ta có thể thay thế nếu điều kiện đó không còn phù hợp với hoàn cảnh và mục đích. Thật vậy, đâu phải ai cũng phải cần tiền, đâu phải ai cũng cần sự giúp đỡ vật chất. Nếu chúng ta nhìn vào xã hội thực tế ngày nay, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều trẻ em vị thành niên phạm pháp, nhiều trẻ em lang thang bụi đời, nhiều em gái phải đến bệnh viện Từ Dũ, Biên Hòa để phá thai, nhiều người mang trong mình virus HIV, nhiều người lao mình trong làn thuốc trắng. Phải chăng họ thiếu thốn vật chất, phải chăng gia đình không đủ điều kiện vật chất để đưa các em đến trường? Thiết nghĩ là không, cái họ thiếu chính là thiếu sự bình an, sự thông cảm, sự quan tâm và một ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Đâu phải cứ nghèo là thất học, cứ nghèo là phải bỏ nhà đi lang thang, là phạm pháp, là ăn cơm trước kẻng, là chìm mình trong heroin, ma túy. Vấn đề chính ở đây có lẽ là thiếu những tấm lòng quảng đại, thiếu những con tim dám hy sinh thật sự vì hạnh phúc của người khác. Sống không phải chỉ để tồn tại là đủ, mà cuộc sống đích thực là cuộc sống có ý nghĩa, là đời sống có ích cho xã hội. Chúng ta quan tâm đến những nhu cầu vật chất của tha nhân là điều không có gì sai, nhưng cũng không nên quên rằng con người cũng cần những điều khác như: tấm lòng quảng đại, sự tận tâm, lời an ủi, động viên, lối sống gần gũi, hòa đồng của chúng ta. Thiết nghĩ làm được việc này nữa thì công việc phục vụ của chúng ta mới mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng chưa gọi là đủ nếu chúng ta còn đóng khung những định kiến, những nguyên tắc của mình đối với công việc. Chúng ta phải can đảm bước ra khỏi địa cứ an toàn của mình, can đảm vứt bỏ những thói quen đã trở thành những nguyên tắc sáo mòn, vô hồn trống rỗng làm cản trở mục tiêu của mình.

Thay lời kết:

Nhìn chung các hoạt động của Tu sĩ hiện nay đa số chỉ là những hoạt động phục vụ tương tự giống nhau. Hiện chúng ta hiện nay có hơn 100 có Hội dòng nữ trên đất Việt Nam, thế nhưng vẫn chỉ có rất ít Hội dòng, Tu hội dám đương đầu với thử thách của xã hội khi mở ra các trung tâm để nơi cưu mang và hỗ trợ các bệnh nhân của các bệnh xã hội ở giai đoạn cuối.

Nhìn vào thực trạng xã hội hiện nay, một xã hội đang phải đương đầu với nhiều vấn đề tệ nạn xã hội, thế nhưng tại sao chúng ta lại chỉ giải quyết những vấn đề và thực trạng đã xảy ra. Chúng ta chỉ giải quyết cái ngọn, cái kết quả của vấn đề, thì liệu chúng ta có góp phần làm giảm đi những tệ nạn xã hội hay không? Phải chăng chúng ta chưa dám mở rộng những hoạt động của mình để có thể đi thẳng vào vấn đề. Dĩ nhiên “thuyền cả sóng lớn”, dám mở rộng là dám đương đầu với những khó khăn thử thách lớn hơn.

Không biết có quá chủ quan không khi nói rằng: chúng ta còn quá cách biệt khi đến với tha nhân, còn e dè chưa dám đến với tha nhân bằng cả con người của mình. Và trong thái độ vẫn còn đâu đó dấu vết của sự ban phát chứ chưa phải là hành vi phục vụ theo tinh thần chia sẻ của Đức Giêsu.

Chúng ta còn e ngại có lẽ vì cho rằng đó là việc của xã hội, mình là Tu sĩ sao có thể làm những việc như “người đời”. Dĩ nhiên, khi phục vụ chúng ta bị chi phối nhiều bởi luật Dòng, bởi đời sống cộng đoàn, bởi nếp sống tu trì nhưng chính luật Dòng, chính đời sống cộng đoàn, chính đời sống Thánh hiến của chúng ta sẽ là nền tảng để ta sống đức ái, chứ không phải là những rào cản ngăn chặn sự phục vụ của chúng ta. Chúng ta được tách đám đông để được sai trở lại với đám đông, chứ đâu phải được tách ra để sống cho riêng mình, hay để giữ thật kỹ những gì mình lãnh nhận được.

Vâng nếu tách mình ra khỏi nhân thế để bảo đảm sự an toàn cho chính mình thì không những sự an toàn đó mất hết ý nghĩa mà chúng ta còn có lỗi rất lớn đối với Đấng đã tin tưởng trao ban sứ mệnh cho ta.

Người tu sĩ khi sống ơn gọi tu trì và làm công tác xã hội, cần phải có tấm lòng rộng mở và quảng đại hơn nữa trong TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ.

Comments are closed.

phone-icon