Gia đình đạo đức là vườn ươm thiên triệu

0

Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt

Trên trang báo điện tử The Catholic THING ngày 2 April 2025 đã phổ biến một bài tham luận của Stephen P. White tựa đề “Stronger Families; Stronger Priests” (tạm dịch Gia Đình Đạo Đức, Linh Mục Thánh Thiện), phân tích và trình bày kết quả cuộc khảo cứu về mối tương quan giữa gia đình và ơn gọi linh mục. Sau đây là nội dung của bài viết:

Năm 2022, Dự Án Công Giáo (The Catholic Project) tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ (The Catholic University of America) đã thực hiện một cuộc khảo cứu sâu rộng về các linh mục Hoa Kỳ (National Study of Catholic Priests) viết tắt là NSCP trong hơn một nửa thế kỷ qua. Cuộc khảo cứu nhắm vào nhiều khía cạnh để biết “Các linh mục Hoa Kỳ đang sống như thế nào!”   

Một cách tổng quát, kết quả khảo cứu này cho thấy rằng nói chung, các linh mục tỏ ra hài lòng với ơn gọi và bằng lòng với những công việc mục vụ của mình. Thành phần linh mục trẻ, qua những gì họ trình bày, quan tâm hơn đến nền thần học bảo thủ và chính trị hiện đại. Những linh mục trẻ cũng thường xuyên cho thấy mức độ bị căng thẳng và mệt mỏi với công việc mục vụ.

Có một số những lý do trong trường hợp này. Trước hết, những linh mục cao niên hầu hết đã ổn định về đời sống linh mục, và thích nghi tốt với giáo xứ hoặc cộng đồng tu trì. Những người nhiều tuổi không hòa nhập tốt vào đời sống linh mục đã rời bỏ mục vụ, xa tránh bạn hữu cũng cho biết họ gặp mệt mỏi và căng thẳng.

Thông thường, một linh mục mới chịu chức phải mất 5, 10, có khi đến 15 năm trong vai trò phó xứ trước khi được trở thành chính xứ. Thập niên đầu hoặc sau khi chịu chức, các linh mục này phục vụ như một tập sự trong các “chức vụ” của đời sống linh mục dưới sự hướng dẫn của những linh mục cao niên. Từ đó các linh mục trẻ học hỏi để chu toàn hoặc giải quyết những thách đố khi điều hành giáo xứ.    

Đối với nhiều linh mục trong các giáo phận, công việc trở nên rất khó khăn hiện nay là vì thiếu hụt ơn gọi. Mỗi ngày một ít hơn các giáo xứ có hơn một linh mục. Mỗi ngày một nhiều hơn các linh mục trẻ hơn được mời gọi phục vụ như những chính xứ. Thí dụ, một linh mục trẻ vừa được phong chức đã phải đảm nhiệm vai trò chính xứ của 6 giáo xứ. Dĩ nhiên đây là trường hợp đặc biệt, nhưng thực tế các linh mục trẻ ngày nay đang phải đảm nhận nhiều chức vụ hơn.

Các giám mục và những nhà đào tạo tại các chủng viện cần lưu ý và hiểu được những thách đố mà các linh mục trẻ đang phải đối mặt. Cuộc khảo cứu năm 2021 của Center For Applied Research In The Apostolate (CARA), những linh mục trẻ trả lời rằng, trong khi chủng viện chuẩn bị tốt cho nhiều lãnh vực thuộc đời sống mục vụ, thí dụ, việc soạn những bài giảng và cử hành Thánh Lễ, nhưng họ cảm thấy còn nhiều thiếu sót về việc huấn luyện các kỹ năng cá nhân, quản lý thời gian, và giải quyết những căng thẳng của sinh hoạt giáo xứ. Tóm lại, “Có nhiều thiếu sót trong các lãnh vực mà linh mục trẻ không được chuẩn bị liên quan đến việc điều hành, nhân sự, và lãnh đạo.”     

Năm 2019, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chấp nhận một chương trình mới gọi là Chương Trình Đào Tạo Linh Mục (Program of Priestly Formation) viết tắt là PPF. Chương trình này cần đến 3 năm để Roma nghiên cứu và sau cùng đã chuẩn y năm 2022. Những ghi chú thay đổi của PPF hầu hết được thêm vào năm “chuẩn bị” (propaedeutic), là thời gian huấn luyện nhân cách và tinh thần (human and spiritual formation) trước khi bắt đầu chương trình triết hoặc thần học.    

PPF cũng thêm giai đoạn tổng kết ơn gọi “vocational synthesis stage” ở năm cuối tiến trình đào tạo sau khi một chủng sinh đã chịu chức phó tế. Thời gian này đòi hỏi ít nhất là 6 tháng, trong thời gian đó, mỗi phó tế được chỉ định phục vụ tại một giáo xứ toàn thời gian, mục đích là để thực tập và học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo giáo xứ. Trong ngôn ngữ của PPF, mục đích của giai đoạn tổng kết ơn gọi là, “không đòi hỏi nhiều kỹ năng mục vụ mới – mặc dù những điều này sẽ được thêm – nhưng cần thiết để tháp nhập vào đời sống mục vụ trước khi chính thức được thụ phong linh mục.” 

Giáo Hội có thể quá chậm chạp, nhưng cũng đang cố gắng. Chương trình đào tạo linh mục vẫn đang chiến đấu với vấn đề từ hai mặt trận. Cả năm dự bị và năm tổng kết. Cả sự chuyển tiếp tiếp sau khi thụ phong phó tế và trước khi thụ phong linh mục. Tất cả cần được áp dụng nhằm chuẩn bị tốt hơn cho thế hệ những thanh niên mới – với tất cả sức mạnh và yếu kém – cho những thử thách mục vụ và những thực tế.

Qua cuộc khảo cứu NSCP và dữ liệu đã cho thấy về những dấu hiệu kiệt lực giữa các linh mục trẻ. Trong nhiều lý do dùng để giải thích những kết quả của cuộc khảo cứu, có một câu hỏi mà các giám mục đã nêu lên nhiều hơn bất cứ câu hỏi nào khác: “Các linh mục trẻ thực sự quá tải công việc và kiệt lực, hoặc thế hệ này ngại chịu khó?”

Câu hỏi đó có thể làm giận dữ, một cách đặc biệt, đối với một linh mục trẻ. Nhưng đó lại là một câu hỏi quan trọng. Xã hội ngày nay đang là một thách đố đối với giới trẻ, bao gồm những khủng hoảng của nam giới, và những thử thách về vai trò làm cha. Xã hội này cũng tạo nên các khó khăn, đặc biệt đối với những người trẻ muốn theo đuổi ơn gọi để trở thành linh mục hay tu sỹ. Tóm lại, giới trẻ ngày nay đang có những thử thách riêng về vai trò và ơn gọi. Một điều rõ ràng là những phản ứng về tình trạng hiện nay bị ảnh hưởng từ thế hệ cha ông và những nhà giáo dục – những người đã nuôi dưỡng, hướng dẫn – những người trẻ này để trở nên những gì họ là hiện nay.     

Hiểu như thế, câu hỏi mà hầu hết các giám mục tiếp tục hỏi: “Phải chăng các người trẻ kiệt sức hoặc đơn giản là không chịu khó?” Và câu trả lời có liên quan đến giới phụ huynh cũng như nền giáo dục gia đình. Trong khi các chủng sinh đang vất vả học hỏi qua tiến trình hình thành con người, huấn luyện nhân bản và khả năng phán đoán mục vụ tốt (pastoral acumen) để trở thành một linh mục, thì với cái nhìn tâm lý phát triển, tâm lý giáo dục, những thách đố mà các linh trẻ đang đối mặt cũng phần nào ảnh hưởng từ đạo đức và giáo dục gia đình.  

Trên tất cả, việc đào tạo các bạn trẻ Công Giáo, trước hết là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ. Đặc biệt là người cha trong một cách thế riêng. Phụ huynh, có bao giờ quan tâm đến: Con trai của tôi một ngày nào đó có thể trở thành người chồng, người cha? Hoặc có thể là một linh mục, tu sỹ? Cũng có thể là một giám mục? Nói khác đi theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, điều này phải được phát xuất từ gia đình, đến Giáo Hội, và thế giới. Giữa những khủng hoảng về đời sống tận hiến cũng như những thách đố mà một linh mục hay nam nữ tu sỹ phải đối mặt hàng ngày, ảnh hưởng giáo dục và đạo đức gia đình sẽ góp phần ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách và đời sống tâm linh của người tận hiến.

Đức Giáo Hoàng Piô XII trong một lá thư gửi các bậc phụ huynh đã khuyến khích các cha mẹ nâng đỡ con cái họ, những người con cảm thấy mình có ơn gọi làm linh mục, nhận ra rằng ơn gọi này là một phúc lành đối với cả con cái và gia đình. Đây cũng là con đường để tôn vinh Thiên Chúa và mang lại lợi ích cho Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của các gia đình Công Giáo, phải trở nên “môi trường tốt cho những ơn gọi này.”  

Trước những trào lưu phá thai, ly dị, ly thân, đồng tính, hôn nhân đồng tính và chuyển giới hiện nay, có khi nào phụ huynh nghĩ rằng hạnh phúc gia đình và tương lai con cái phải bắt đầu từ tình yêu chung thủy, hy sinh, và đề cao những giá trị của hôn nhân không? Có bao giờ phụ huynh nghĩ đến bầu khí đạo đức của gia đình là không khí trong lành mà con cái hít thở để lớn lên và trưởng thành bước vào đời, gánh vác những trách nhiệm mà ơn gọi, Thượng Đế sẽ trao cho chúng, trong đó có ơn gọi làm linh mục không? Hoặc có mấy phụ huynh cho rằng “Gia đình đạo đức chính là vườn ươm ơn thiên triệu?”.

Comments are closed.

phone-icon