Ts. Trần Mỹ Duyệt
“Nào ta hãy đến trước tôn nhan Ngài và dâng lời tạ ơn.” (Thánh Vinh 95:1)
Lời Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta ngày 28 tháng 11, ngày nước Mỹ – và có thể là cả thế giới – sẽ mừng Lễ Tạ Ơn. Một ngày vừa mang ý nghĩa tâm linh, và cũng vừa mang ý nghĩa đạo đức xã hội.
Với người dân Hoa Kỳ, Ngày Tạ Ơn (Thanksgiving Day) có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đây là dịp để họ nhìn lại cuộc sống, biết trân trọng những gì mình đang có và cảm ơn về những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban tặng cho họ. Là người Công Giáo, Lễ Tạ Ơn, cũng là dịp để tạ ơn Thiên Chúa về đặc ân sự sống, ơn sinh ra làm người, cuộc sống an lành và no đủ. Mặc dù theo lịch sử, tư tưởng tạ ơn là tư tưởng của mọi nền văn hóa, và đã có từ rất lâu, nhưng nó chỉ mới trở thành một ngày lễ quan trọng tại Mỹ từ thế kỷ 19. Abraham Lincoln – vị tổng thống Mỹ đầu tiên tuyên bố Lễ Tạ Ơn trở thành ngày lễ được cử hành toàn quốc. Từ năm 1941, dưới thời Tổng Thống Franklin D. Roosevelt, lễ này đã được ấn định vào ngày thứ Năm trong tuần thứ Tư của tháng Mười Một hàng năm.
Tinh thần và ý nghĩa đích thực của Lễ Tạ Ơn theo người Hoa Kỳ Bản Địa hay những người Hoa Kỳ Da Đỏ (Native American), một cách truyền thống và ngay cả hôm nay, nhấn mạnh đến lòng biết ơn về sự tạo dựng, quan phòng cũng như nhận thức nhu cầu con người trong mối tương quan hiệp thông với thiên nhiên và người khác. Nó phát xuất từ triết lý về việc ban tặng mà không mong đón nhận bất cứ điều gì đáp lại.
Theo Thánh Kinh, tạ ơn là một ý tưởng về sự cám ơn, ở đó nó đại diện một diện mạo căn bản của dân Thiên Chúa. Trong cả Cựu và Tân Ước, tạ ơn nhấn mạnh lòng biết ơn và lời chúc tụng đối với Thiên Chúa về muôn ơn lành Ngài ban.
Tại sao Thiên Chúa thiết lập lòng biết ơn?
Chúa Cha muốn được con người biết ơn về sự quan phòng và tạo dựng của Ngài. Chúa Con muốn được lời tạ ơn vì đã gánh tội và đền tội nhân loại. Chúa Thánh Thần muốn được lời tạ ơn vì ơn thánh hóa và an ủi của Ngài. Thiên Chúa cũng có tình cảm. Ngài vui vì được con người biết ơn và tạ ơn.
Chúng ta hãy nghe những gì Chúa Giêsu đã dạy về lòng biết ơn. Người nhấn mạnh đến tình yêu vô vị lợi và xót thương được diễn tả qua sự tử tế và lòng quảng đại. Lễ Tạ Ơn tự nó không gì hơn bằng việc nhận ra những ơn lành và chia sẻ những ơn lành ấy với những người khác.
“Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người.”
(Thánh Vịnh 34:2-4)
Thiên Chúa muốn nghe lời tạ ơn của con người. Thánh Vương Đavít nói cảm tạ Chúa là “câu hát chẳng ngớt trên môi”. Người Hoa Kỳ bản xứ và những kiều dân đầu tiên đến trên đất nước này tổ chức ngày tạ ơn Thượng Đế. Còn chúng ta, chúng ta có nghĩ rằng mình cần phải tạ ơn Ngài không? Tạ ơn tất cả những điều Ngài cho xảy đến trong đời mình?
Chung quanh chúng ta, những kẻ gây tội ác vẫn sống nhởn nhơ, còn những người hiền lành tử tế lại phải trăm bề khốn khổ. Thiên Chúa trên cao có nhìn thấy những nỗi bất công này không? Hoặc như Ngài biết mà bất lực không ngăn cản được? Đó là những cám dỗ khiến con người phủ nhận tình thương và ân huệ của Thiên Chúa, nguyền rủa Ngài vì những gì mà họ cho là sự dữ đã xảy đến cho họ.
Cũng như Phêrô giữa hoang mang, nghi ngờ, ông đã mạnh dạn xác định lòng tin của ông đối với Chúa: “Bỏ Thầy con biết theo ai? Thầy có lời ban sự sống đời đời.” (Gioan 6:68) Những lời này đã mở ra một nhãn quan mới về cái nhìn đối với thế giới chúng ta đang sống, cũng như cuộc sống của mỗi cá nhân giữa những điều mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “mầu nhiệm đau khổ.” Nhưng để giải đáp được câu hỏi về mầu nhiệm đau khổ, về những bất công và thử thách, thì theo thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Chỉ trên trời chúng ta mới biết”.
Trên trời, nơi mà trí khôn con người được khai mở bởi ánh sáng đời đời và sự thật. Nó sẽ cho chúng ta hiểu được tại sao mình khổ, người khác khổ. Mới biết lý do tại sao mình khổ và người khác khổ! Chúng ta sẽ phải cám ơn những dịp đã khiến chúng ta phải khổ, ngay cả những người đã làm chúng ta khổ. Khi “mầu nhiệm đau khổ” tỏ hiện, lúc đó chúng ta mới biết mình khổ vì đã chưa cố gắng, nhẫn nại đủ, hay cố gắng mà không đúng cách. Lúc đó chúng ta cũng biết cái khổ này, cái khổ khác chúng đến như những lời nhắc nhở, như những cơ hội giúp chúng ta sửa sai, sống trưởng thành, như những chướng ngại vật mà Thiên Chúa tình thương đã dùng để ngăn chúng ta khỏi phải rơi vào những tội lỗi, cám dỗ ghê gớm hơn mà cái giá phải trả là sự sống đời đời!
Trong khi chờ đợi Mầu Nhiệm Đau Khổ được khai mở, chúng ta hãy tin tưởng và sống theo những gì mà chính Đavít đã tin và đã sống khi đối diện với sự dữ, với những xỉ nhục và nhạo báng:
CHÚA đối đầu với quân gian ác, xóa nhòa tên tuổi chúng trên đời,
nhưng để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi.
Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy.
(Thánh Vịnh 34:17-21)
Tóm lại, cảm tạ Chúa không chỉ là một hành động biết ơn, tạ ơn, mà còn là cơ hội cho chúng ta đón nhận những phúc lành lớn lao hơn. Nó không chỉ được nói lên một ngày, mà theo Đavít: “Miệng tôi hằng liên lỷ ngợi khen Ngài.” (34:2)_
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì có muôn ngàn điều khiến con cảm tạ Chúa mỗi khi con nhớ đến chúng. Giờ đây xin giúp con dùng giây phút này để dâng lời tạ ơn vì những hồng ân con đã lãnh nhận. Xin cho những lời cảm ơn biến thành cách sống của con đối với Chúa, với chính con, với những người khác, và với cuộc đời. Amen