LỄ CHÚA BA NGÔI
LỜI CHÚA: Mt 28, 16-20
Ngày 21 tháng 12 năm 1968, con tàu Apollo 8 được phóng vào vũ trụ và trở thành tàu vũ trụ có người lái đầu tiên rời khỏi quỹ đạo Trái Đất, đến Mặt Trăng, quay xung quanh Mặt Trăng và quay trở về trái đất cách an toàn. Phi hành đoàn gồm ba phi hành gia Frank Borman, James Lovell, và William Anders – đã trở thành những người đầu tiên đi bên ngoài quỹ đạo Trái Đất thấp, là người đầu tiên nhìn thấy Trái Đất một cách trọn vẹn và là những người đầu tiên nhìn thấy mặt bên kia của Mặt Trăng, sau đó là người đầu tiên chứng kiến Trái Đất mọc. Khi được ngắm nhìn sự kỳ diệu, vĩ đại và vô cùng bao la của vũ trụ, cả ba đều lớn tiếng đọc chương đầu của sách sáng thế: “ Khởi đầu Thiên Chúa dựng lên trời và đất…
Thiên Chúa nói: “ Hãy có ánh sáng”, và ánh sáng xuất hiện. Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt đẹp và Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi tối tăm…” v.v…
Borman, phi hành gia và cũng là người thường hằng đọc Kinh Thánh ở giáo xứ của mình đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con khả năng thấy tình yêu của Chúa trong thế giới. Xin cho chúng con đức tin, niềm tin tưởng, sự tốt lành, mặc dù chúng con ngu dốt và yếu đuối. Xin cho chúng con hiểu biết để chúng con có thể cầu nguyện với con tim thông hiểu…”
Cha Rey-Mermet nói: Con người ở đỉnh cao của khoa học đã tuyên xưng Thiên Chúa. Con người ở đỉnh cao của quyền lực đã cao rao Thiên Chúa. Con người làm chủ kỹ thuật đã cầu nguyện với Thiên Chúa không phải để điều khiển con tàu vũ trụ nhưng để thay đổi cái nhìn và con tim…”
Trái với Phi hành gia Gagarine khi bay lên không gian đã tuyên bố: “Tôi không thấy Thiên Chúa qua ống kính của tôi.”
Công đồng Vatican cắt nghĩa: “Con người, nhờ ánh sáng của lý trí có thể nhận biết Thiên Chúa”. Nhưng sự hiện hữu của Thiên Chúa không hiển nhiên như hai với hai là bốn hay như khoa học xác quyết: Trái đất quay xung quanh mặt trời.
Thánh Gioan đã nói: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ”. Không một dụng cụ khoa học, kính hiển vi hay rada vũ trụ có thể đạt tới Ngài vì Ngài vô hình trước mắt chúng ta.
Thế nhưng nhiều nhà bác học, phi hành gia, những người trên đỉnh cao tri thức đã tin nhận Ngài. Người ta thống kê trong 400 nhà khoa học trong các thế kỷ vừa qua có 380 tin vào Thiên Chúa, họ là những người khôn ngoan bậc nhất của nhân loại, chẳng hạn như: Ampere, Volta, Pasteus, Copenic, Keple, Newton, Lavoisier, Liverier, Nacorni, Edixon, Albert Einstein. Các khoa học gia, phi hành gia, những người bậc thầy trong tri thức nhận biết phải có Đấng dựng nên và đang điều khiển vũ trụ này để nó xoay vòng cách trật tự trong quỹ đạo.
Những người học thức cũng như bình dân khi tin Thiên Chúa họ cũng tin nhậnThiên Chúa Ba Ngôi vì mầu nhiệm Ba Ngôi là nền tảng cho các mầu nhiệm khác. Để nhận biết và chiêm ngưỡng mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã tạo dựng các Thiên Thần trên trời và loài người dưới thế. Tất cả chúng ta được gia nhập vào Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giê-su là anh cả và chúng ta là đàn em của Ngài.
Mầu nhiệm chính và quan trọng này được Chúa Giê-su đặc biệt lưu tâm và mạc khải cho chúng ta trong Tin Mừng khi Ngài cầu nguyện và dạy dỗ các môn đệ về Cha. Trong Kinh Tin Kính chúng ta vẫn tuyên xưng: “Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời…”; nghĩa là Chúa Con được nhiệm sinh bởi Chúa Cha, còn Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra.
Thiên Chúa Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Vì thế mà muôn vật mang dấu vết của Ngài. Sau khi tạo dựng muôn vật trên trời và dưới đất, Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy dẫy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,1-28).
Thật là hạnh phúc khi con người được nhận lãnh phúc lành của Thiên Chúa và được thống trị khắp địa cầu. Nhưng con người chưa thỏa mãn với đặc ân này. Con người kiêu ngạo muốn được bằng Thiên Chúa. Chính vì thế, con người đã đánh mất tình nghĩa con cái cao trọng thuở ban đầu. Từ đó, con người nhìn Thiên Chúa như quan án nên sợ hãi và chạy trốn Thiên Chúa. Bỏ Thiên Chúa, con người tìm đến các vị thần mà trước đây mình làm chủ để tôn thờ. Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn luôn muốn con người được hạnh phúc. Ngài đã chọn một dân riêng để mạc khải với lệnh truyền rằng: “Ngươi không được có thần nào khác” (Đnl 5,7).
Người đã luôn đồng hành với dân qua các ngôn sứ để nhắc đi nhắc lại tín điều này: Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Sau cùng, để con người có thể nắm bắt, chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa cách cụ thể, Ngài đã cho Con duy nhất của Ngài nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chính người Con đó đã mạc khải về Chúa Cha: “Ta và Cha là một” và “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Sự hiện diện của Đức Giêsu nơi trần thế là để cứu chuộc nhân loại qua cái chết đau thương trên thập giá. Ngài đã hoàn tất sứ vụ Cha trao trong cái chết và phục sinh vinh hiển.
Sau khi về trời, Ngài đã gửi Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa, để tiếp tục công trình của Ngài nơi trần gian. Ngài khẳng định: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho (mọi người) biết những điều sẽ xảy đến”. (Ga 16,13).
Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính vào các ngày lễ trọng và ngày Chúa Nhật hẳn phải cho chúng ta cảm nghiệm sâu hơn nữa tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta là những dòng sông phát xuất bởi nguồn mạch là Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần yêu nhau, tình yêu đó trào tràn xuống các tạo vật của Ngài là chúng ta. Nguồn mạch tình yêu đó không bao giờ vơi cạn nên việc tạo thành vẫn được tiếp tục cho đến ngày tận thế. Và chúng ta được mời gọi để cộng tác vào công trình này.
Hơn nữa chúng ta còn cảm nghiệm nơi chính bản thân mình một lời mời gọi đầy yêu thương để sống thân mật với Ngài, để cảm nghiệm Ngài là một người Cha yêu thương săn sóc, dưỡng nuôi và dẫn dắt chúng ta. Ngài đang thì thầm với mỗi người chúng ta bằng ngôn ngữ tình yêu cá vị. Chúng ta sẽ cảm được niềm bình an hạnh phúc khi đi theo sự hướng dẫn của Ngài.
Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta chân lý này: Chúa Cha, Đấng yêu thương, nhân hậu, khoan dung, đầy lòng xót thương qua các dụ ngôn. Và Ngài cũng biểu lộ tình yêu này cách cụ thể qua việc Ngài ban Con Một của Ngài cho thế gian.
Và Chính Ngài, Chúa Giêsu, đã vâng ý Cha tình nguyện nhận cái chết đau thương trên thập giá để đền tội chúng ta. Và Ngài cho chúng ta cảm nghiệm cách hiện sinh Thiên Chúa là ai qua cuộc sống trần thế của Ngài. Ngài cũng luôn nhắc đến Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa, Đấng An Ủi, Đấng làm cho Giáo Hội sống qua hồng ân của Ngài khi Ngài phán: “Thánh Thần sẽ nhắc lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”
Chính Chúa Giê-su đã vén mở bức màn mầu nhiệm về Thiên Chúa. Và chúng ta được mời gọi vào trong gia đình của Thiên Chúa: Chúng ta có Chúa Cha tạo dựng, gìn giữ và săn sóc chúng ta; có người Anh, là Chúa Giê-su chết cho chúng ta và có Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn chúng ta trên đường thiêng liêng. Hôm nay Chúa Giêsu cũng nhắc lại cho chúng ta mầu nhiệm mà chúng ta đang sống đó: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19)…
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu