PHAOLÔ CON NGƯỜI ĐƯỢC MẶC KHẢI
Tuy sinh ra trong một miền đất xa xôi và đã sống cách xa chúng ta hơn 2000 năm, thánh Phaolô đã được nhiều người biết đến, từ những ngôi làng nhỏ bé nghèo hèn của các bộ tộc miền Viễn Đông, Bắc Mỹ, Phi Châu, đến những thành phố vĩ đại mang tầm cỡ thế giới như : Rôma có vương cung thánh đường hùng vĩ đặt nền móng trên ngôi mộ của người; Luân Đôn có nhà thờ chính toà Anh giáo được hiến thánh cho người; Brasil có một pho tượng lớn và một thành phố được xem như thủ đô thư hai mang danh người. Tên của Phaolô giờ đây đã được trao cho lịch sử, và người đã trở thành người đương thời và thành dân của tất cả chúng ta, không còn bị giới hạn bởi các vĩ tuyến và thời gian nữa.
Nếu ai muốn trở lại với bước khởi đầu của câu chuyện này, cần phải đến dừng chân tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, mà thời xưa gọi là Anatolia. Trong các lá thư, Phaolô cho thấy rải rác những nét bút về gia đình mình. Người cho biết người thuộc về bộ tộc Bengiamin (Pl 3,5; Rm 11,1), được cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh ra (Pl 3,5), nhưng tên quê hương mà người sinh ra chỉ được lưu truyền trong sách Tông Đồ Công Vụ, khi nói rằng : “Tôi là người Do Thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a” (Cv 22,3; x. 9,11; 21,39).
Với 160000 dân cư, ngày nay Tác-xô là một thành phố lớn trung bình : những khách du lịch hay khách hành hương trở về thăm viếng một thời của Phaolô, chỉ thấy ở đó có một cái giếng, một cái cổng thành và một con đường có nhiều cột. Những di tích này mới được tình cờ đưa ra ánh sáng cách đây vài năm thôi. Bộ ba đó xem ra ngẫu nhiên, nhưng đối với chúng ta, chúng có thể tổng hợp tất cả sự nghiệp tông đồ của Phaolô : cái giếng tượng trưng cho cuộc sống gia đình, cái cổng và con đường là biểu tượng cho bước khởi hành và cuộc hành trình tiếp sau đó. Cuộc hành trình đường trường của Phaolô đã bắt lấy con đường từ Tác-xô, và không bao giờ đầu hàng ngã quỵ, kể cả ở Rôma, nơi mà Người bị điệu ra toà và bị đế quốc đẩy vào chỗ chết.
Nơi con người của Phaolô, có cái gì đó mãnh liệt và quấy nhiễu, thật đúng như người bị tố cáo là “quá quy kỷ”. Tuy nhiên người không bao giờ tự phụ cho mình là “số một” : Người xác định mình chỉ là “kẻ được sai đi” (apostolos; tiếng Việt gọi là Tông đồ), là “tôi tớ”, và “thuộc hạ khiêm tốn”, thuộc hạ của Thiên Chúa và Đức Kitô. Còn đối với những người thường vây quanh ngài, thì ngài gọi họ không phải bằng từ “môn đệ”, mà là “cộng sự viên”. Ngài nhận mình chỉ đóng vai trò phụ thuộc và muốn ở lại vị trí đó với sự cần cù chuyên chăm, nhưng điều này không có nghĩa là nó cản ngăn ngài nỗ lực xen mình vào giữa các bậc vĩ nhân trong lịch sử.
Ngài rất sáng tạo, có tinh thần đối thoại, biện chứng, trung thành với từng hoàn cảnh sống, nhưng lại có khả năng thống nhất từng phần trong cả toàn thể, và là bức nền trong tranh mosaic (được ghép từ muôn vàn mảnh vụn thuỷ tinh và đá màu lấp lánh). Người cắm rễ sâu trong những cái cụ thể của cuộc sống, nhưng cũng tự do thoát khỏi những cái phụ thuộc hay đổi thay, và luôn sẵn sàng vươn mình tới những điều phổ quát và trường kỷ. Là thợ thủ công, làm nghề da thuộc, nhưng người cũng là nhà tư tưởng với tầm nhìn và trực giác cao xa, ghi dấu trong lịch sử một lần cho mãi mãi. Là con người của cây bút, bình mực, ngài cũng là con người của hành động. Là người hiểu biết bí quyết về thế giới thể thao, thương mại và chinh chiến…, ngài cũng là một trong những chuyên gia bậc nhất về đường trường, về những hải cảng lớn nhất của thế giới Hy Lạp và miền Địa Trung Hải, và về những hang động ngoài biển khơi. Phaolô là người của đức tin và Tin Mừng, của đời tông đồ và sứ vụ. Thật là đa diện, gần gũi và khó vươn tới!
Một con người mà mọi Kitô hữu phải biết đến.
Không phải một người đi tìm kiếm mà là người được kiếm tìm
Đã ngoài tuổi 60, Michelangelo nhận nhiệm vụ từ Đức giáo Hoàng Phaolô III (biệt hiệu Farnese) vẽ hai bức tranh trên tường, để tên (Phaolô) và vai trò của ngài (Phêrô) được tôn vinh. Hai bức tranh sẽ được vẽ trên hai bức tường rộng hai bên một nhà nguyện mà sau đó mang tên nhà nguyện “Paolina”, chỉ cách nhà nguyện thời danh “Sistine” một ít thôi. Như thế Michelangelo vào giữa năm 1542 và 1550 đã vẽ lên bức tường bên trái, ân sủng thần linh như tia chớp chiếu xuống Phaolô đang trên đường Đamát, trong khi đó vẽ lên bức tường bên phải, vai trò chủ đạo nhân linh trong con người khổng lồ của thánh Phêrô, bị đóng đinh trút ngược đầu, nhưng không chịu thua cuộc, vặn vẹo hướng lên cao.
Trong bức tranh thánh Phaolô, cuộc hoán cải của ngài đến từ trên cao : chính xác hơn, từ cánh tay của Đức Kitô, từ thượng giới toả ra một ánh chớp chói loà, một ngọn lửa hồng ân hướng về hạ giới, ra dấu và cùng soi sáng Sa-un. Những nét bút của chính Michelangelo thật là ý nghĩa! Ngã xuống, kẻ bách hại tì tay phải trên đất, trong khi tay trái cầm cái khiên, muộn màng che đôi mắt chống lại ánh sáng của Đức Kitô. Sa-un nằm bất động, ấy là một tù nhân của ân sủng. Đoàn tuỳ tùng thì không sao, và nhất là không phải vì con ngựa mà anh bị hất ngã. Con ngựa màu xám rắn rỏi toan chạy trốn, bất kham nhảy lên, lao về chỗ sâu, hầu như muốn phi nước đại tiến lên trời, mà Micheangelo đã vẽ bằng một màu xanh da trời nước biển.
Một Michelangelo vĩ đại khác – Michelangelo Merisi gọi là Caravaggio – 50 năm sau (1600-1601) khi vẽ cho nhà nguyện Cesari di Santa Maria del Popolo ở Rôma bức tranh Cuộc Trở Lại, đã tập trung vào con ngựa. Nhưng con ngựa mà tất cả các nghệ sĩ chú ý tới, khi mạnh dạn hoạ lại cuộc hoán cải của thánh Phaolô, lấy cảm hứng từ các tường thuật về biến cố Đamát, thì lại không có trong ba trình thuật của sách Tông Đồ Công Vu. Thật vậy, tất cả ba trình thuật nói Phaolô ngã xuống đất, nhưng không bao giờ nói rằng ngài “ngã ngựa” : “Đang khi ông đi đường và đến gần Đamát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông…” (Cv 9,3-4; x. 22,7; 26,14).
Tuy nhiên vẫn có điều gì đó cho thấy bóng dáng của chú mã may mắn này, qua những lời nói của Chúa Giêsu trong trình thuật thứ ba của sách Công Vụ: “Đang khi đi đường vào lúc trưa, tôi đã thấy một luồng ánh sáng chói lọi hơn mặt trời, từ trời chiếu tỏa xuống chung quanh tôi và các bạn đồng hành. Tất cả chúng tôi ngã nhào xuống đất, và tôi nghe có tiếng nói với tôi bằng tiếng Hípri : Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta ? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi” (Cv 26,13-14).
Con ngựa trên đường Đamát vì thế mà có mặt, và các nghệ sĩ thể hiện rất hay một con ngựa bất kham và yên ngựa bị tuột ra. Tuy nhiên trình thuật của Luca có lẽ muốn nói rằng, chiến mã diễn tả cách biểu tượng bi kịch nội tâm của Phaolô hơn là đề cập đến một chi tiết của ký sự. Kẻ bách đạo đã truy đuổi các tín hữu từ Giêrusalem đến tận Đamát, ấy là ngài, con ngựa hoang nện vó xuống đất, vì không muốn bị kiềm dây cương và bị thúc! Nhưng ân sủng của Thiên Chúa đã chinh phục nó, đã chế ngự nó và đã soi sáng cho nó.
Có điều còn hơn nữa : trong ba trình thuật, thiếu con ngựa đã là một ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên hơn nữa là vắng bóng sự “trở lại”. Từ “trở lại” không bao giờ xuất hiện, thậm chí cũng không thấy trong những lần Phaolô đề cập cách thầm kín về biến cố Đamát trong các thư của ngài, nghĩa là trong chứng từ trực tiếp mà đối với chúng ta thì rất quý giá và hứng thú. Ví dụ, Phaolô hỏi các tín hữu Côrintô bằng những câu nghi vấn tu từ như sau : “Tôi không phải tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao?” (1Cr 9,1). Sau đó ngài lại nói : “Sau hết, Người [Đức Kitô] cũng hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15,8). Cả hai lần Phaolô nói về cuộc tỏ hiện chứ không phải là cuộc trở lại : một lần diễn tả từ vị trí của Đức Kitô (“Người đã hiện ra với tôi”) và lần kia, từ khởi điểm của chính mình (“tôi đã thấy Đức Kitô”). Cả hai lần đưa đến kết luận rằng việc Đức Kitô hiện ra với ngài đã làm cho ngài trở thành chứng nhân về sự phục sinh và thành tông đồ.
Sau đó, trong thư gửi tín hữu Galát, Phaolô nói rằng ở Đámát Thiên Chúa đã mặc khải Người Con cho ngài để ngài loan báo cho dân ngoại, và vì sứ vụ đó mà ngài đã được chọn và kêu gọi từ trong lòng mẹ (x. Gl 1,15). Cũng vậy, ở đây biến cố Đamát không phải là một cuộc trở về, mà là một tiếng gọi, đã thiết lập Phaolô trong vai trò Tông đồ, đặc biệt là tông đồ cho dân ngoại. Thuật ngữ “từ trong lòng mẹ” chỉ đến ơn gọi của Giêrêmia và cũng là ơn gọi của Người Tôi Tớ Giavê : “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi … Ta đặt ngươi là ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5); “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời Người đã nhắc tên tôi […] Này ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi mang ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49, 1. 6).
Cuối cùng trong thư gửi các tín hữu thành Philípphê, Phaolô nói rằng ngài đã bị Đức Kitô thành Đamát nắm bắt và chụp lấy, và như vậy, giờ đây ngài cảm thấy đến lượt ngài phải chạy cho nhanh để bắt kịp Người, giống như vận động viên chạy trong thao trường để đoạt lấy phần thưởng (Pl 3,12-14). Và rồi cũng trong cuộc chạy đua đó, đối Phaolô, Đức Kitô là một khám phá và ánh sáng, đã làm đảo lộn trong ngài bậc thang của các giá trị : “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa tôi cho tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi [điều mà tôi đã học được từ Đamát]. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-9). Tuy rằng ở đây cũng không tìm hạn từ “hoán cải/trở về”, nhưng trong đoạn văn này, hơn mọi đoạn khác, biến cố Đamát được Phaolô cắt nghĩa theo mức độ nào đó, giống như “cuộc trở lại” (xem thêm 1Tm 1,12-16). Thật vậy, khi một người được ơn trở lại, một đàng, họ tạo khoảng cách với điều mà trước đây họ yêu thích và làm theo, đàng khác, họ dâng hiến tâm hồn và thân xác cho điều mà trước đây họ chống lại.
Các nhà chú giải Thánh Kinh cũng đã tự hỏi, không biết trước khi xảy ra biến cố Đamát, trong con người của Phaolô có một sự chuẩn bị nào chưa, để thực hiện cuộc thay đổi nội tâm đột ngột và tận căn như vậy ? Ví dụ, một sự chuẩn bị tiêu cực : ngài không thoả mãn với việc thực hành lề luật Môsê; hoặc một sự chuẩn bị tích cực : việc giữ đạo của các Kitô hữu, những người mà ngài bắt bớ, hoặc việc công bố phục sinh Kitô giáo, đã hấp dẫn ngài. Người ta cũng có thể đưa ra giả thiết về một cái khung tư tư tưởng hay luân lý đã giam giữ Sa-un, nhưng những giải thích đó không thể khởi đi từ các thư của ngài. Dù sao, việc giải thích theo tâm lý về điều đã xảy ra ở Đamát thì không đủ, cũng đừng gán cho ngài những khủng hoảng thiêng liêng vì thời trước, Phaolô không nghi ngờ gì khi chỉ ra rằng Đức Kitô là trung tâm tuyệt đối, là nhà chủ đạo duy nhất trong ngày vĩ đại ở Đamát.
Vì thế Michelangelo đã vẽ bức tranh thật tuyệt vời, khởi đi từ trời, từ thế giới của Thiên Chúa, từ cánh tay mạnh mẽ uy quyền của Đức Kitô, ánh sáng chói loà không thể cưỡng lại được ấy đã chiến đấu với Phaolô. Nhà nghệ sĩ lừng danh này đã miêu tả không phải một con người đi tìm kiếm, mà là một người được kiếm tìm. Đối lại với bức tường bên kia, ông đã vẽ rất tốt khi dành cho Phêrô quyền chủ đạo về phía con người, người ấy không quỵ ngã trước các kẻ đóng đinh mình, những kẻ đã giết chết thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn người (Mt 10,28).
Không phải cuộc hoán cải từ Do Thái giáo mà là sự trưởng thành của Do Thái giáo
Là một kinh nghiệm tự bản chất thuộc về thần bí và thiêng liêng, biến cố Đamát không thể được diễn tả và tường thuật hết. Trong 2Cr 12,2-4 chính Phaolô nhìn nhận rằng ngài không thể kể lại một kinh nghiệm tương tự khác bằng lời. Đó là kinh nghiệm được cất lên “đến tầng trời thứ ba”, “lên đến thiên đàng”. Tuy nhiên, để có thể nói cách nào đó về biến cố Đamát khôn tả này, tác giả của sách Công Vụ và chính Phaolô đã dùng đến ngôn ngữ Thánh Kinh, với thuận lợi nhiều hơn, là có thể đặt biến cố này vào khung cảnh của lịch sử cứu độ.
Thật vậy, Phaolô không làm bài ký sự về kinh nghiệm riêng của mình trên đường Đamát trong bất cứ bản văn nào mà ngài mình hoạ. Những dấu vết tiềm ẩn trong các thư, thỉnh thoảng chỉ có hai hay ba từ mà thôi, không giúp chúng ta trả lời cho những câu hỏi liên quan đến hoàn cảnh, như : ở đâu ? vào lúc mấy giờ ? đồng hành với ai? và sau đó thì sao? Trong các văn thư của ngài không có một cái tên nào : tên thành Đamát chỉ có thể được tìm thấy rất mong manh trong thư Galát :”…chẳng lên Giêrusalem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Arập, rồi lại trở về Đamát” (Gl 1,17); hoặc ngài chỉ nói về việc đã xảy ra gây dự luận khắp nơi : “…Lúc ấy Hội Thánh Đức Kitô không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng :người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin“ (Gl 1,22-23); “… và mọi người đều kinh ngạc mà nói : ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao?” (Cv 9,21).
Vì thế, dần dà vị Tông đồ sử dụng ngôn ngữ của ơn gọi ngôn sứ, ngôn ngữ thần khải, mặc khải cánh chung, của sự chinh phục quân sự hay chiến thắng thể thao, hoặc sự đổ vỡ bậc thang giá trị. Còn hơn cả ba trình thuật trong sách Công Vụ, cuộc hoán cải cũng không được nói đến minh nhiên trong các bản văn của Phaolô, và việc nhấn mạnh theo truyền thống đến người bách hại đã hoán cải … thì có thể hiểu được trên bình diện biện hộ và làm gương sáng, nhưng nó lại bị giới hạn. Thật vậy, nghĩ cho kỹ chúng ta thấy Phaolô ở Đamát không phải là một tội nhân tìm lại những nẻo đường tốt lành. Ngài đã tự nhận mình là người “sống công chính theo lề luật chẳng ai trách được” (Pl 3,6). Điều đó cho thấy Phaolô không hoán cải từ một tôn giáo này sang một tôn giáo khác : ngài đã không coi Kitô giáo là một tôn giáo mới, khác với Do Thái giáo. Ngay cả sau biến cố Đamát, Phaolô vẫn là một người Do Thái về chủng tộc và tôn giáo. Hơn nữa, ngài coi biến cố Đamát giống như một thời điểm mà đức tin của ngài vươn tới độ trưởng thành và viên mãn, và nếu những người Do Thái không chấp nhận bước vào qua sự trưởng thành trong thời thiên sai này, thì chính họ cũng sẽ từ chối tôn giáo của mình : họ sẽ “bị biến đổi” hay đúng hơn “lạc lối”.
Còn hơn một người hoán cải, Phaolô là người được kêu gọi. Dù trong bất cứ tình huống nào, “còn hơn một người trở lại Kitô giáo, Phaolô trở về với Đức Kitô”.
Mặc khải từ Thiên Chúa
Cho đến biến cố Đamát, Phaolô đã nhìn Đức Giêsu là kẻ thù số một của đức tin mà ngài đã học hiểu và yêu mến từ khi còn ấu thơ. Thật vậy, thân phụ mẫu ngài đã cẩn thận cắt bì hài nhi nhỏ bé Phaolô sau khi chào đời được tám ngày (Pl 3,5), và đã tiên liệu cho con trở thành “bậc thầy” khi gửi con tới trường các thầy rabbi cấp cao ở Giêrusalem, và chính xác hơn, được thầy Gamaliel vĩ đại, đứng đầu trong giới Pharisêu lúc ấy hướng dẫn.
Tại Giêrusalem Phaolô gắn liền với cuộc sống của hội đường nói tiếng Hylạp. Trong môi trường đó, trước những phong trào của người Kitô hữu, ngài đã nuôi một mối thù khôn nguôi. Vì thế với nhiệt huyết chống lại các môn đệ của Chúa Giêsu, ngài đã vượt xa “nhiều đồng bào cùng lứa tuổi” (Gl 1,14). Với tột đỉnh hăng nồng, sách Tông Đồ Công Vu kể rằng, ngài đã tham gia vào việc hành hình dã man rất phổ biến lúc bấy giờ (tức là hành hình một người bị coi là có tội mà không qua xét xử) dẫn đến cái chết của Têphanô (Cv 7,58). Sau đó ngài quyết định dấn thân trực tiếp chống lại các Kitô hữu, chống lại nhóm dân điên loạn gốc Do Thái đã đe doạ những điều cao quý nhất của Do Thái giáo : lề luật, đền thờ, phép cắt bì, ngày sabát, truyền thống của cha ông. Ngài cần phải cản ngăn cơn giận của Thiên Chúa. Những người bỏ đạo chắc chắn sẽ kéo hậu quả xuống trên Israel, trên thành Giêrusalem và trên thánh địa, đền thờ. Hành động của Phaolô và của đồng đội ngài rất hữu hiệu, khi ngài xin thượng tế ở Giêrusalem sai mình đến Đamát (Cv 9, 1-2), có lẽ vì ở Giêrusalem không còn “kẻ thù” để chiến đấu nữa. Ngài phải truy lùng bất cứ nơi nào họ ẩn náu.
Nhưng ở Đamát, chương trình của Phaolô bị tan bay như hơi nước của buổi ban mai dưới ánh mặt trời. Trong Đức Kitô, người mà ông bắt bớ (Cv 9,4), Thiên Chúa đã mặc khải cho ông thấy Con của Người (Gl 1,16). Đức Giêsu chịu “đóng đinh” không phải là đồ “chúc dữ” (Gl 3,13), “tội lỗi” (2Cr 5,21), “cớ vấp phạm và điên rồ” (1Cr 1,23). Tất cả những định nghĩa này về Đức Giêsu vọng lên đâu đó trong các thư Phaolô (có thể từ những mẩu chép tay ghép lại), và qua đó để lộ cho thấy biết bao giận dữ, biết bao uẫn ức chất chứa trong lòng. Phaolô trước khi trở thành Kitô hữu, đã chiến đấu chống lại Đấng được Thiên Chúa mặc khải cho ông tại Đamát.
Vì thế “mặc khải” (apokálypsis : khải huyền) là một định nghĩa bao hàm nhiều khái niệm, hơn những điều mà chính Phaolô nói về biến cố Đamát; mặc khải còn tiềm ẩn những điều khác nữa, như : “việc tuyển chọn của Chúa”, “sự ưu đãi của Chúa”, “ơn gọi ngôn sứ ngay từ trong lòng mẹ”, “sự hiện ra của Đức Kitô”, “thị kiến” Phaolô nhận được nơi Ngài, “sự đảo lộn các giá trị” và cuối cùng “sự sai đi” làm tông đồ cho dân ngoại. Hậu nhiên cần phải nói thêm về mặc khải mang tính khải huyền này.
1- Mặc khải về eschaton
Đối với Thánh Kinh, thời gian không luôn luôn lặp lại như nhau, không thường kỳ, luân chuyển theo chu kỳ vòng tròn. Thời gian ấy giống như một đường thẳng tiến về phía trước, hơn nữa như hình chôn ốc vươn lên tới Chúa, có ngày giờ và thời kỳ phân biệt nhau (1Tx 5,1), nghĩa là có những bước ngoặt nhất định. Cách riêng, văn chương khải huyền Do Thái, mà ta có thể thấy ở trong những lời giảng dạy của Chúa Giêsu và trong thư Phaolô, luôn ngóng trông về thế giới cánh chung. Bởi vì lực lượng của Sự Dữ (1Ga 5,19) đang ở trong thế giới này – thế giới áp chót – cho nên chúng ta đang chờ đợi niềm hy vọng hạnh phúc (Tt 2,13) của trời mới đất mới (2Pr 3,13; Kh 21,1) sự tái sinh của toàn thể vũ trụ (Mt 19,28) : tắt một lời, của thế giới cánh chung.
Trong lược đồ suy tư này, mặc khải mà Phaolô có được ở Đamát là mặc khải về một thế giới mới và chung cuộc. Đức Kitô Phục sinh mà Phaolô được mặc khải là viên đá đầu tiên của thế giới, một thế giới mới sẽ thay thế cho thế giới hiện tại. Thật vậy, theo bài thánh ca Cl 1,15 Đức Kitô là “trưởng tử của cõi tạo thành [mới]” rõ ràng vì Ngài đã chết cho thế thới áp chót này, vì sự phục sinh của Ngài, và vì Ngài đã tiến vào vinh quang của thế giới cánh chung. Chính vì điều này mà Phaolô có thể nói rằng : “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới” (2Cr 5,17) và : “Cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả. Điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới” (Gl 6,15)
2- Mặc khải về cùng đích
Có thể nói biến cố Đámát đã làm cho Phaolô đạt đến các lời hứa và chạy tới đích.
Sự trông đợi thực hiện các lời hứa đã được Michelangelo rút ra thật tài tình trong những hình lưỡi liềm nhỏ bao quanh các cửa sổ và trong những cái gọi là “cánh buồm” của nhà nguyện Sistine. Các tổ tiên của Chúa Giêsu chìm ngập trong không khí ảm đạm của bệnh u sầu héo hon : đàn ông, đàn bà, trẻ em như tự giam mình vào một trạm dừng trong đêm đen tối, trên cuộc hành trình tiến về quê hương, cho dù quê hương ấy có thực, nhưng không thể xuyên thấu.
Trái lại, Raffaelo đã vẽ một bức tranh diễn đạt sự hoàn thành các lời hứa trong tác phẩm Biến Hình của Viện bảo tàng Vatican. Ở phần bên dưới bức tranh, có những bàn tay cựa quậy lung tung, những khuôn mặt và cái nhìn rảo quanh thằng bé bị quỷ ám. Đang khi đó, diễn ra một cảnh tượng trên ngọn núi nhỏ, Raffaello vẽ Đức Giêsu đàm đạo với Môsê và Êlia, tượng trưng cho cuộc gặp gỡ giữa lời Tiên Tri và Lề Luật mà chính Ngài hoàn thành. Chính Raffaello đã vẽ những điều không thể miêu tả hết được, và chính là điều mà giờ đây mắt phàm có thể chiêm ngắm, bay lượn giữa không khí của các nhân vật, trong khuôn mặt của Đức Kitô toả sáng do xuất thần, trong ánh sáng mạ vàng của bóng hoàng hôn, nhưng không dẫn vào đêm tăm tối, mà mở màn cho cõi vĩnh hằng hạnh phúc.
Có thời của lời hứa và sau đó là chờ đợi – lâu dài và mòn mỏi như bất tận – thì cũng có thời thực hiện lời hứa đó. Tại Đamát, Phaolô đã đạt đến sự viên mãn của Do Thái giáo, đến đích của mình, đến cuộc biến hình và đến “điểm Omega”.
3- Mặc khải về Người Con
Điểm Omega là nhận biết Đức Kitô. Viễn tượng này sẽ soi sáng cho lời xác nhận của thánh Phaolô về “thời viên mãn”. Đó là thời trước kia chỉ là lời hứa, bây giờ là thực tại đầy đủ và trọn vẹn : “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4). Và ngay sau đó Phaolô thêm vào lời giải thích về “thời viên mãn” : trong Người Con chúng ta được giải thoát khỏi lề luật và trở thành con cái. Chúa Thánh Thần đã chứng thực điều này khi kêu lên trong lòng chúng ta : “Abba, Cha ơi!” (Gl 4,5-6).
Cũng trong thư gửi các tín hữu Galát, Phaolô nói rằng Lề luật đối với chúng ta chỉ là người quản giáo (x. Gl 3, 24). Phaolô đã triển khai chức năng của một người nô lệ trong gia đình có giáo dục. Người này thường là người già, hơi bị quáng, khó chịu một chút, hàng ngày dẫn cậu chủ nhỏ đến trường, và sau đó lại dẫn cậu về nhà, theo sát gót cậu trong mọi bước đi, coi sóc trông chừng, đừng để cậu làm điều gì bất lợi hay ngỗ nghịch. Giống như cậu bé đã không biết khi nào mới đến tuổi trưởng thành và thoát khỏi sự kiểm soát của “cảnh sát”, Phaolô cũng đã như vậy, và ở Đamát ngài cảm thấy đã được vượt qua, từ Do Thái giáo không có Đấng Mêsia, đặt Lề Luật làm tập trung, đến Do Thái giáo có Đấng Mêsia, đặt Người Con làm trung tâm. Phaolô đã trở thành một thanh niên, trở thành người tự do và trưởng thành, trở thành con của Người Con.
Vì thế, sự cao cả của việc nhận biết Đức Kitô đã làm cho tất cả những gì trước đây, mà Phaolô cho là giá trị, trở thành tương đối. Do đó từ Đamát và về sau, ngài coi những đặc ân của Do Thái giáo chỉ là rác rưởi, là thua thiệt : “Những gì xưa kia tôi coi là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,7-9) .
Kết luận
Sống động hơn bao giờ hết trong ý thức của Hội thánh, cho dù 2000 năm đã trôi qua, kể từ câu chuyện dụ ngôn lịch sử ấy, Phaolô được xem như một trong những nhà truyền thông vĩ đại nhất của lịch sử. Nhưng, điều đã được truyền đạt trải qua mọi thời và tất cả Châu lục, thì xuất phát từ Thiên Chúa, từ sự ưu ái và mặc khải của Chúa dành cho ngài.
Chính vì thế ngài không ngừng quay lại biến cố Đamát, như trở về biến cố đã phân chia cuộc đời ngài làm hai, và nhất là, như nguồn mạch không bao giờ vơi cạn của thần học và sứ mạng tông đồ. Vì thế Đamát có một vị trí trung tâm trong sự sống và thần học của Phaolô, hơn nữa, trong lịch sử nguồn gốc Kitô giáo và các tôn giáo.
M. Đinh Thị Sáng
(Chuyển ngữ từ Giancarlo Biguzzi,
Paolo Comunicatore tra interculturalità e globalizzazione,
San Paolo, Milano 1999, tr. 5-18)