Thông Tri của Bộ Giáo Lý Đức Tin
về cuốn sách của Nữ Tu Margaret A. Farley, R.S.M.
Just Love. A Framework for Christian Sexual Ethics
(New York: Continuum 2006)
Nhập đề
Sau khi hoàn thành việc khảo sát lần đầu cuốn sách Just Love. A Framework for Christian Sexual Ethics (New York: Continuum, 2006) của Nữ tu Margaret A. Farley, R.S.M., (= Nói về Tình Yêu. Một khung làm việc cho Luân Lý Kitô Giáo về Phái Tính), ngày 29-3-2010, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã viết cho tác giả, qua trung gian của Nữ Tu Mary Waskowiak – lúc đó là Chủ Tịch Các Nữ Tu Lòng Thương Xót Châu Mỹ – kèm theo một lượng định sơ khởi về cuốn sách và nêu ra những vấn đề thuộc phạm vi đức tin nằm trong bản văn cuốn sách. Câu trả lời của Nữ Tu Farley, đề ngày 28-10-2010, đã không làm sáng tỏ những vấn đề nêu ra một cách thỏa đáng. Vì vấn đề liên hệ tới các sai lầm có tính cách luân lý nằm trong một cuốn sách, mà việc xuất bản nó đã gây ra tình trạng hoang mang giữa các tín hữu, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã quyết định cho thực hiện một cuộc khảo sát khác, theo tiến trình “về việc khảo sát trong các trường hợp khẩn cấp” như được ghi trong nội quy của Bộ Giáo Lý Đức Tin, về Các luật lệ phải theo khi khảo sát trong phạm vi đức tin (xem Chương IV, khoản 23-27).
Theo việc lượng định của một Ủy Ban Các Chuyên Viên (xem khoản 24), Cuộc họp thường xuyên của Bộ đã xác nhận, vào ngày 8-6-2011, rằng cuốn sách nói trên chứa đựng các luận đề sai lạc, mà khi các sai lầm đó được loan ra, sẽ có nguy cơ gây tổn hại cho các tín hữu. Vào ngày 5-6-2011, một lá thư được gửi cho Nữ Tu Waskowiak, kèm theo một bảng liệt kê các luận đề sai lầm và xin Nữ tu này chuyển tới Nữ Tu Farley để sửa lại những luận đề không thể nào chấp nhận được, chứa đựng trong cuốn sách của Nữ Tu (xem khoản 25-26). Với lá thư đề ngày 3-10-2011, Nữ Tu Paricia McDermont, trong lúc đó nhận trọng trách Bề Trên thay thế Nữ Tu Mary Waskowiak như là Tổng Quyền các Nữ Tu Chúa Nhân Từ ở Châu Mỹ, đã chuyển tới Bộ câu trả lời của Nữ Tu Farley, có kèm theo ý kiến riêng của Nữ Tu và của Nữ Tu Tổng Quyền Waskowiak, đúng theo khoản 27 của Nội Quy nói trên. Câu trả lời của Nữ Tu Farley được nghiên cứu do một Ủy Ban Các Chuyên Viên, và được gửi tới Cuộc họp thường xuyên của Bộ để thẩm định và cho ý kiến, vào ngày 14-12-2011. Trong dịp này, các Thành Viên của Bộ nhận định rằng câu trả lời của Nữ Tu Farley không làm sáng tỏ đủ những luận đề quan trọng chứa đựng trong sách của Nữ Tu Farley, nên đã quyết định tiến hành việc công bố bản “Thông Tri’ này.
1. Các vấn đề tổng quát
Tác giả không cho thấy một sự hiểu biết đúng về vai trò của Huấn Quyền của Giáo Hội như là quyền giáo huấn của các Giám Mục hiệp nhất với Người Kế Vị Thánh Phêrô, là Huấn Quyền có nhiệm vụ hướng dẫn sự hiểu biết của Giáo Hội mỗi ngày sâu xa hơn về Lời của Thiên Chúa như được chứa đựng và nhận ra trong Kinh Thánh và được trao lại một cách trung thành trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội. Trong khi đề cập tới một số vấn đề luân lý, Nữ tu Farley, hoặc không biết tới việc giảng dạy liên tục của Huấn Quyền của Giáo Hội, hoặc chỉ đôi khi nói tới mà thôi, Nữ Tu bàn tới khía cạnh này, coi ý kiến của Huấn Quyền như là một ý kiến giữa các ý kiến khác; một thái độ như thế không thể nào chấp nhận được, ngay cả trong nhãn giới đại kết mà Nữ Tu muốn cổ võ. Nữ Tu Farley cũng tỏ ra một sự hiểu biết khiếm diện về bản tính khách quan của luật luân lý tự nhiên, thay vào đó đã chọn lựa bàn thảo dựa trên những kết luận được lọc ra từ những luồng tư tưởng triết học nào đó, hoặc từ sự hiểu biết riêng của điều gọi là “kinh nghiệm hiện nay”. Cách thể hiện việc bàn thảo này không đi đúng với thần học chính truyền Công Giáo.
2. Các vấn đề riêng biệt
Trong số nhiều sai lầm và mơ hồ của cuốn sách này, có những lập trường của cuốn sách về việc thủ dâm, những hành động đồng tính, những cuộc phối hợp giữa những người đồng tính, tính cách bất khả phân ly của hôn nhân và vấn đề ly dị và tái kết hôn.
Thủ dâm
Nữ Tu Farley viết : “Thủ dâm . . . thường không nêu lên những vấn đề luân lý nào hết . . . Chắc chắn đó là trường hợp mà nhiều phụ nữ . . . đã tìm thấy được, như một cách thế tốt để thỏa mãn chính mình – nhất là trong việc khám phá ra những khả thể riêng của mình để có được khoái lạc – một điều mà nhiều người đã không có được kinh nghiệm hoặc cũng không được dạy cho biết về điểm này trong những liên hệ sắc dục thông thường với người chồng của mình hoặc với những ngưới phối ngẫu khác. Trong cách thế này, người ta có thể nói rằng thủ dâm hiện thời có công dụng phục vụ mối tương quan hơn là cản trở chúng. Vậy thì nhận định sau cùng của tôi là các luật lệ về công bằng như tôi đã trình bày chúng, cũng áp dụng cho việc chọn lựa cách thế làm thỏa mãn chính mình, theo như đó là hành động có thể giúp đỡ hay làm tổn hại, chỉ vì lý do là để thực hiện hành động này, và hành động này nâng đỡ hoặc giới hạn, gây ra ích lợi hoặc sự tự do của tinh thần. Điều này vẫn còn là một vấn đề nằm trong phạm vi thực nghiệm, chứ không phải là vấn đề thuộc phạm vi luân lý” (tr. 236).
Quả quyết trên (của Nữ Tu Farley) không phù hợp với giáo huấn Công Giáo: “Cả Huấn Quyền của Giáo Hội, trong suốt truyền thống bền vững, và ý thức luân lý của tín hữu,đã và vẫn bảo tồn cách chắc chắn rằng thủ dâm là một hành động xấu tự nó từ bên trong và là hành động làm xáo trộn cách nặng nề. Khi ý thức dùng khả năng tính dục của mình, vì bất cứ lý do nào, ngoài hôn nhân, thì tự bản tính của nó, hành động này đã là điều trái với mục đích của nó. Ở đây sự khoái lạc phái tính được tìm ra ở ngoài liên hệ phái tính, mà trật tự luân lý chỉ cho phép thỏa mãn đòi hỏi đó và chỉ trong trật tự này, và hành động như vậy mới cho thấy tất cả ý nghĩa của việc trao thân cho nhau và cho việc sinh con cái trong bối cảnh của tình yêu chân thực được hoàn thành. Để đưa ra một phán đoán quân bình về trách nhiệm luân lý của chủ thể và để hướng dẫn hành động mục vụ, người ta phải lưu ý tới tình trạng không trưởng thành về tình cảm, tới sức mạnh của thói quen đã có được, lưu ý tới những điều kiện gây ra do lo âu, hoặc những yếu tố tâm lý, xã hội khác, làm giảm bớt hoặc làm nhẹ hẳn đi mức độ tội lỗi xét về khía cạnh luân lý”.[1]
Hành động giữa những người đồng tính
Nữ Tu Farley viết: “Quan điểm riêng của tôi . . . là liên hệ giữa những người cùng phái tính và những hành động của họ có thể được chấp nhận tùy theo tính luân lý về những người đồng tính cũng giống như những liên hệ và hành động của những người khác phái. Vì thế, những con người có khuynh hướng về đồng tính cũng như hành động của họ, có thể và phải được tôn trọng tùy theo hoặc không tùy theo việc họ chọn lựa một cách khác thôi” (tr. 205).
Quan điểm này không thể chấp nhận được. Quả thực Giáo Hội Công Giáo phân biệt giữa những người có khuynh hướng đồng tính và những hành động giữa những người đồng tính. Liên hệ tới những người có khuynh hướng về đồng tính, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng “Họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm, và tế nhị. Phải tránh bất cứ dấu hiệu phân biệt đối xử bất công nào đối với họ”[2]. Tuy nhiên xét về các hành động giữa những người đồng tính, Sách Giáo Lý quả quyết: “Dựa trên Thánh Kinh, vốn xem chúng như những suy đồi trầm trọng, truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố : “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là vô trật tự”. Chúng nghịch với những luật tự nhiên. Chúng khép kín hành vi tính dục khỏi việc ban tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ tính bổ sung thật sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp thuận được trong bất cứ trường hợp nào”.[3]
Liên hợp giữa những người đồng tính
Nữ Tu Farley viết: “Luật về việc không được kỳ thị chống lại những người đồng tính, họ cũng phải được coi như là những người bạn trong gia đình, như là các cuộc kết hợp theo luật dân sự, và hôn nhân đồng tính nam, cũng có thể là điều quan trọng trong việc biến đổi sự hận thù, loại bỏ nhau, và gây ác cảm với những người đồng tính nam và đồng tính nữ, vì ngày nay nó còn được tăng cường bởi giáo huấn về phái tính “không tự nhiên, ước muốn không theo trật tự, và là tình yêu nguy hiểm…. Hiện thời đó là một những vấn đề rất khẩn cấp trước dư luận Hoa Kỳ, đó là hôn nhân cho những người thuộc về cùng một phái – nghĩa là làm sao có sự công nhận về phía xã hội và nhìn nhận một tình trạng pháp luật cho những trường hợp liên hợp giữa những người đồng tính nữ và đồng tính nam, khi so sánh với những cuộc liên hợp giữa những người khác phái” (tr. 293).
Lập trường này đối nghịch với giáo huấn của Huấn Quyền của Giáo Hội: “Giáo Hội dạy rằng sự tôn trọng đối với những người có khuynh hướng đồng tính, dưới bất cứ hình thức nào, không thể dẫn tới việc chấp nhận lối sống của những người đồng tính hoặc một sự thừa nhận những cuộc liên hợp của những người đồng tính. Công ích đòi hỏi rằng luật pháp thừa nhận, cổ võ và bảo vệ hôn nhân như là nền tảng của gia đình, đơn vị trước nhất của xã hội. Việc thừa nhận về khía cạnh pháp luật những cặp liên hợp giữa những người đồng tính hoặc cho chúng ngang hàng cùng một cấp bậc như là hôn nhân, sẽ có nghĩa, không chỉ là sự chấp nhận một lối sống sai trái, mang theo hậu quả là làm cho nó trở nên một mực chuẩn trong xã hội thời nay, nhưng còn làm lu mờ những giá trị căn bản thuộc về gia sản chung của nhân loại. Giáo Hội không thể thiếu trách nhiệm để bảo vệ các giá trị này, vì thiện ích của người nam và người nữ và vì thiện ích của chính xã hội”[4]. Những nguyên tắc của việc kính trọng và không kỳ thị không thể được nại ra để bào chữa cho việc thừa nhận theo pháp luật những cặp đồng tính. Sự khác biệt giữa những con người hoặc từ khước sự thừa nhận về mặt xã hội hoặc từ chối các ơn ích không thể được chấp nhận chỉ vì điều này trái ngược với sự công bằng. Việc từ khước tình trạng xã hội và pháp lý của hôn nhân cho các cuộc sống chung không là và không thể là hôn nhân, thì ngược lại với sự công bằng; trái lại sự công bằng đòi hỏi phải như thế”.[5]
Tính bất khả phân ly của hôn nhân
Nữ Tu Farley viết : “Quan điểm riêng của tôi là một dấn thân hôn nhân cũng có thể được hủy đi, dựa trên cũng chính các lý do nền tảng mà bất cứ một dấn thân nào, cho dù cực kỳ nghiêm chỉnh, hầu như vô điều kiện, có tính cách bền vững, cũng có thể hết, không còn bị ràng buộc nữa. Điều này bao gồm một tình trạng là trong một số những hoàn cảnh, trong đó đã có quá nhiều điều đã thay đổi – một hay cả hai bên phối ngẫu đã thay đổi, thì mối liên hệ cũng thay đổi, vì thế lý do nguyên thủy cho việc dấn thân xem ra cũng biến mất. Điểm liên hệ tới việc dấn thân vĩnh viễn, dĩ nhiên, là điều trói buộc những người đã thực hiện sự dấn thân đó luôn mãi, mặc dầu có bất cứ thay đổi nào có thể xẩy đến. Nhưng điều này có phải lúc nào cũng đứng vững không? Nó có thể tuyệt đối đứng vững không, khi đứng trước một sự thay đổi tận căn và bất ngờ?” (tr. 304-305).
Quan điểm này mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo về tính bất khả hủy của hôn phối : “Do chính bản tính của mình, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự trung thành không thể nứt rạn của hai bên vợ và chồng. Điều này là hậu quả của món quà của chính mình họ trao cho nhau. Tình yêu đi tìm tính chất bền vững được cố định; nó không thể là việc dàn xếp “cho tới khi có tin mới”. Khi sự kết hợp thân mật của hôn nhân, như là món quà hỗ tương của hai con người, và lợi ích của con cái, thì điều này đòi hỏi một sự chung thủy trọn vẹn từ phía vợ chồng và đòi hỏi một sự kết hợp không thể nào tan đi được giữa hai người. Lý do sâu xa nhất được tìm thấy trong sự chung thủy của Thiên Chúa với giao ước của Ngài, dựa trên sự chung thủy của Đức Kitô với Giáo Hội. Qua Bí Tích Hôn phối vợ chồng được ban cho khả năng để nên biểu hiệu cho sự trung thành và phải làm chứng về điều này. Qua Bí Tích này, tính bất khả hủy của hôn nhân có được một ý nghĩa mới và sâu xa hơn. Chúa Giêsu nhấn mạnh về ý hướng nguyên thủy của Đấng Tạo Thành, khi Ngài muốn rằng hôn nhân không thể nào hủy diệt được. Ngài hủy bỏ việc xếp đặt đã có trước ghi trong Luật cũ. Giữa những người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, một hôn nhân thành sự và hoàn tất không thể bị tiêu hủy bởi quyền lực con người hoặc bởi bất cứ lý do nào ngoài sự chết”[6].
Ly Dị và lập hôn phối khác
Nữ Tu Farley viết: “Nếu hôn nhân đưa tới kết quả trong việc sinh con cái, các đôi bạn cũ trước đây, sẽ chung sống với nhau trong nhiều năm, có lẽ suốt cả đời, theo như dự án được tiến hành. Trong bất cứ trường hợp nào, đời sống của hai người một lần đã kết hôn với nhau, luôn luôn được thẩm định, đánh giá bởi kinh nghiệm từ hôn phối đó. Chiều sâu của điều còn lại chấp nhận các cấp bậc khác nhau, nhưng một điều gì đó vẫn còn lại, có tính cách bắt buộc, thì còn để lại một cái gì đó, nhưng điều này không được phép bao hàm một sự cấm đoán việc tái hôn – điều này cũng không khác hơn là sự liên kết đang tiến hành giữa vợ chồng sau khi một bên của họ đã chết cấm một hôn nhân thứ hai về phía người bạn kia còn đang sống” (tr. 310).
Quan điểm này ngược lại với giáo lý Công Giáo loại trừ khả thể thực hiện một cuộc tái hôn sau khi ly dị: “Ngày nay có nhiều người Công Giáo trong nhiều quốc gia thực hiện việc ly dị trong phạm vi dân sự và thực hiện những cuộc liên kết dân sự mới. Trong khi trung thành với những lời của Chúa Giêsu Kitô – “Bất cứ ai ly dị vợ mình và cưới một người khác, thì phạm tội ngoại tình chống lại người vợ đó; và nếu người vợ ly dị người chồng và kết hôn với một người khác, thì người này phạm tội ngoại tình” (Mc 10, 11-12) – , Giáo Hội chủ trương rằng một cuộc liên hợp mới không thể được công nhận như là thành sự, nếu những người ly dị kết hôn theo dân sự, cuối cùng họ ở trong một tình trạng khách quan chống lại luật của Thiên Chúa. Theo đó, họ không thể rước lễ bao lâu tình trạng này còn kéo dài. Vì cũng lý do này, họ không thể thi hành bất cứ một trọng trách nào trong Giáo Hội. Hòa giải qua Bí Tích Giải Tội có thể được ban cho chỉ với những người đã ăn năn thống hối vì đã lỗi phạm dấu hiệu của giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô, và họ dấn thân sống hoàn toàn trong sự kiêng cữ”[7] .
Kết luận
Với Thông Tri này, Bộ Giáo Lý Đức Tin biểu lộ một nỗi đáng tiếc sâu xa rằng một phần tử của một Hội Dòng về Đời Sống Thánh Hiến, Nữ Tu Margaret A. Farley, đã quả quyết những quan điểm trực tiếp ngược lại với giáo huấn Công Giáo trong phạm vi luân lý về phái tính. Bộ cảnh giác các tín hữu về cuốn sách của Nữ Tu này mang tựa đề Just Love. A Framework for christian Sexual Ethics, là không phù hợp với giáo huấn Công Giáo, cả trong việc tham khảo và cả về phạm vi huấn luyện, hoặc trong phạm vi đại kết và phạm vi đối thoại liên tôn. Hơn nữa Bộ khích lệ các nhà thần học tiếp tục trọng trách nghiên cứu và giảng dạy thần học luân lý hoàn toàn hợp với những nguyên tắc của Giáo huấn Công Giáo.
Đức Thánh Cha Beneđictô XVI, trong buổi triều yết dành cho Đức Hồng Y Tổng Trưởng ký tên dưới đây ngày 16-3-2011, đã chấp thuận Thông Tri này, được chấp thuận trong Đại Hội của Bộ ngày 14-3 2012, và Đức Thánh Cha truyền cho công bố.
Roma, tại trụ sở của Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 30-3-2012.
Hồng Y William Levada
Tổng Trưởng
+ Luis F. Ladaria, S.I.
Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Thibica
Tổng Thư Ký
(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh, do Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố ngày 4-6-2012.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả).
[1] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s, 2352; BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn Nhân vị con người về một số vấn đề liên hệ tới Luân Lý Phái Tính (Ngày 29-12-1975), s. 9: AAS., 68 [1976], 85-87.
[2] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2011, s. 2358.
[3] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 2357; Xem St 19, 1-29; Rm 1, 24-27; 1Cr 6, 10; 1 Tm 1, 10; Bộ Giáo LýĐức Tin, Tuyên cáo Persona humana, s. 8: AAS 68 (1976) 84-85; ID, Thư Homoxexulatiatis probema về Việc chăm sóc mục vụ cho những người đồng phái tính (ngày 1-10-1986): AAS 70 (ngày 1-10-1986): AAS 70 (1987), 543-554..
[4] BỘ GIÁO LÝĐỨC TIN, Những nhận định liên quan tới những đề nghị cho phép chấp nhận theo luật pháp đối với các cuộc liên hợp giữa những người đồng phái tính (Considerations regarding proposals to give legal recognition to unions between homosexual persons) (ngày 3 tháng 6 năm 2003), s. 11: AAS 96 (2004), 48.
[4] BỘ GIÁO LÝĐỨC TIN, Những nhận định liên hệ tới những đề nghị công nhận theo pháp lý cho các cặp liên hợp giữa những người đồng tính (3-6-2003), s. 11: AAS 96 (2004), 48.
[5] Nt, s. 8 : AAS 96 (2004) 46-47.
[6] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 1646-1647, 2382; xem Mt 5, 31-32; 19, 3-9; Mc 10, 9; Lc 16, 18; 1Cr 7, 10-11; CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến Chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng về Giáo Hội trong Thế Giới ngày nay, s. 48-49; Bô Giáo Luật, khoản 1141; GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Đời sống Gia đình (Familiaris Consortio) về Vai trò của Gia Đình Kitô trong Thế Giới Ngày nay (22-11-1981), s. 13: AAS 74 (1981), s. 13: AAS 74 (1982), 93-96.
[7] Sách Giáo Lý củaa Hội Thánh Công Giáo, s. 1650; xem GIOAN PHAOLO II, Tông Huấn Đời sống Gia đình (Familiaris Consortio), s. 84: AAS 74 (1982), 184-186; BỘ GIÁO LÝĐỨC TIN, Thư Năm Quốc Tế về Gia Đình (Annus Internationalis Familiae) liên quan đến Việc Rước Lễ của những người Ly Dị và Tái Hôn của Tín Hữu (14-9-1994): AAS 86 (1994), 974-979.