Chị em Đa Minh Tam Hiệp thân mến,
Cầu nguyện là một trong những đặc ân tuyệt vời nhất Thiên Chúa ban cho chúng ta. Vậy mà chúng ta thường cho rằng cầu nguyện là quà tặng chúng ta dâng cho Thiên Chúa. Xét cho cùng, hãy nhìn lại tất cả những thời gian và nỗ lực mà chung ta dành cho việc cầu nguyện. Hãy xét xem chung ta sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng thế nào cho việc tham dự phụng vụ ngày Chúa Nhật, phụng vụ các giờ kinh và kinh nguyện riêng của chúng ta! Tuy nhiên, cầu nguyện không đơn thuần là việc chúng ta làm, nhưng là việc của Thiên Chúa mà chúng ta diễm phúc được mời, được phép thông dự. Chính Thiên Chúa khơi dậy mối thân tình mà chúng ta gọi là “CẦU NGUYỆN”.
Cầu nguyện là cơ hội, là dịp để chúng ta được gần gũi, thân mật với Thiên Chúa và qua đó Ngài mạc khải cho chúng ta. Rất thường chúng ta đến với Thiên Chúa, dùng thời gian cầu nguyện của chúng ta để tự bày tỏ nỗi lòng của chúng ta cho Thiên Chúa, trình bày lên Ngai tất cả những vấn đề và những bận tâm lo lắng cua chúng ta làm như thể Ngài không biết gì cả. Chúng ta lấp đầy thời gian cầu nguyện bằng một bản liệt kê tất cả nhu cầu, ước muốn của chúng ta. Chúng ta dành nói hết thay vì để Thiên Chúa nói. Tuy thế, cầu nguyện không phải là “NÓI” nhưng là “NGHE”. Qua cầu nguyện, Thiên Chúa muốn tự mạc khải Ngài cho chúng ta và cho chúng ta biết rằng Ngài ở ngay bên cạnh chúng ta trong mọi thử thách hay chiến đấu mà chúng ta phải đối diện. Thiên Chúa muốn an ủi, chữa lành, xoa dịu tâm hồn chúng ta và qui tụ chúng ta thành dân của Ngài.
Thiên Chúa muốn an ủi chúng ta nhất là khi chúng ta bị tổn thương. Thiên Chúa muốn chươa lành chúng ta nhất là khi chúng ta thấy lòng tan nát, xáo trộn. Thiên Chúa muốn xoa dịu tâm hồn chúng ta nhất là khi chúng ta tức giận. Thiên Chúa muốn làm cho chúng ta nên đoàn dân của Ngài… Xin lưu ý, ở đây tôi có ý nói nên “con trai” hay “con gái” của Ngài. Thiên Chúa không phải của các chị hay của tôi. Nhưng là Thiên Chúa của chúng ta. Thiên Chúa muốn uốn nắn chúng ta nên dân của Ngài. Thiên Chúa là một cộng thể. Xin nhớ rằng Thiên Chúa không phải là một Ngôi nhưng Ba Ngôi là một.
Khi chúng ta dành thời gian cầu nguyện để ở với Chúa, chúng ta hãy để Thiên Chúa an ủi, chữa lành, xoa dịu và liên kết chúng ta thành một cộng đoàn. Chính trong cầu nguyện, chúng ta được bồi bổ và ngụp lặn trong tình yêu của Thiên Chúa. Xin dành đôi phút để suy nghĩ về những mối quan hệ nhân loại. Có đúng chăng khi mà trong thế giới này nơi có quá nhiều điều tiêu cực và lời phê bình thì sự thật rằng có ai đó thực sự yêu và đón nhận chúng ta như chúng ta là, là một sự thật đem lại cho chúng ta sự nghỉ ngơi, bổ sức. Chúng ta hãy lấy dưỡng chất mà tình yêu nhân loại đem lại cho tâm hồn chúng ta và nhân thừa lên 1 triệu, chúng ta sẽ hiểu được điều mà tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, mang lại cho tâm hồn chúng ta. Tôi biết rằng chính trong cầu nguyện mà tôi tiếp nhận được sức mạnh tôi cần cho đời linh mục của tôi, và cũng chính trong cầu nguyện tôi tìm được sự khôn ngoan cần thiết hầu có thể giải quyết những vấn đề nhân sinh.
Thiên Chúa không cần lời cầu nguyện của chúng ta. Chính chúng ta mới là những kẻ cần đến Ngài. Chúng ta là những kẻ được chúc phúc vì biết dùng thời gian để thờ phượng Thiên Chúa là Vua của chúng ta.
Thực vậy, chúng ta phải cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện có thực sự đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống chúng ta không ? Tối thứ sáu vừa qua, trong cuộc gặp gỡ 4 đôi bạn đang chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Hôn phối, tôi đã nói với họ rằng phải đặt cuộc sống hôn nhân lên hàng đầu trong cuộc sống của họ, cũng như đối với tôi vị trí ưu tiên hàng đầu là ơn gọi làm linh mục. Và tôi cũng đã nói: “Các con đừng để một ngày nào trôi đi mà không cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã kết duyên cho chúng con. Dĩ nhiên thể nào cũng có một ngày các con cảm thấy muốn kết liễu người bạn của mình đi cho rồi, nhưng một lần nữa tôi muốn nói rằng đừng bao giờ để một ngày trôi đi mà không dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã kết hợp chúng con”. Điều mà tôi nói với những đôi bạn sắp thành hôn thì tôi cũng áp dụng cho chính tôi “không bao giờ tôi để một ngày qua đi mà tôi không dâng lời cảm tạ Chúa vì Ngài gọi tôi làm linh mục”.
Điều nói về chức linh mục và đời sống hôn nhân cũng có thể nói về việc cầu nguyện. Hãy đặt việc cầu nguyện lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của bạn và bạn phải cầu nguyện. Việc chọn thời gian và nơi chốn thích hợp cho việc cầu nguyện là tuỳ ở mỗi người. Riêng ngày Chúa Nhật, thời gian và nơi chốn đã được định sẵn. Theo truyền thống, ngược dòng lịch sử thời ông Môsê, thời gian rất quan trọng. Điều tôi muốn nói là thời gian dài trước khi có đền thờ Giêrusalem, người Do thái được kêu gọi dành một khoảng thời gian gọi là Sabát. Gốc chữ Sabát có nghĩa là “chấm dứt” hay “dừng”. Giữ ngày Sabát hay ngày Chúa Nhật đối với chúng ta là nghỉ làm việc, là xếp lại những công việc hằng ngày để tận hưởng một khoảng nghỉ ngơi thánh. Điều đó có nghĩa là tận hưởng thế giới của Thiên Chúa hơn là vật lộn với nó. Ngày Chúa Nhật đem lại khoảng thời gian tĩnh dưỡng nghỉ ngơi hơn là để gắng sức cho cuộc sống thường nhật. Ngày Chúa Nhật để sống hòa thuận hơn là tranh giành ảnh hưởng theo thói thế gian.
Khi cầu nguyện, chúng ta cần chọn những bài hát ca ngợi để hát dâng kính Thiên Chúa, để hiểu sâu hơn ý Ngài, và để giúp mở rộng tâm hồn đón gặp ánh mắt yêu thương của Ngài. Ở đây chúng ta cần phải hiểu là những nỗ lực của chúng ta không phải là đơn phương vì mỗi lần chúng ta đến với Chúa trong cầu nguyện, Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta để đào sâu thêm khát vọng về Thiên Chúa nơi chúng ta, đồng thời củng cố quyết định theo Ngài của chúng ta.
Như chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hứa rằng tất cả những ai đến với Ngài sẽ tìm được nghỉ ngơi. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu luôn trung tín với lời hứa. Khi chúng ta đến với Ngài trong cầu nguyện, Ngài tiếp đón chúng ta. Ngay cả những ngày chúng ta bị cám dỗ rút ngắn việc cầu nguyện, Ngài vẫn sẵn sàng trấn tĩnh tâm trí chúng ta và ban cho tâm hồn chúng ta sự nghỉ ngơi cần thiết.
Chúa Giêsu dạy rằng không phải những kẻ thông thái khôn ngoan được mạc khải Thiên Ý nhưng là những kẻ đơn sơ khiêm nhường, là những người đón nhận đường lối của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói chính những người này mới được mạc khải cho biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Bởi chưng chỉ có những tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường và nên giống trẻ thơ mới có thể nhận ra ý định của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Chúa Giêsu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trải rộng lời mời gọi yêu thương cho những ai khiêm nhường đơn sơ, những người biết đón nhận đường lối thánh chỉ của Chúa làm của mình. Chúa Giêsu không phủ nhận những thách thức tất yếu trong những chọn lựa của đời tông đồ nhưng cũng hứa ban sự nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Nghỉ ngơi trong Chúa Giêsu không phải là ngồi nghỉ ngơi một cách thụ động hay chìm vào cơn mê do mệt mỏi, kiệt sức nhưng là nghỉ ngơi một cách chủ động và có mục đích hầu lãnh hội ý Ngài, sự khôn ngoan và sức mạnh của Ngài, để được uống no thỏa Thần Khí của Ngài, để được hoàn toàn hồi sinh và tiếp tục phục vụ. Chính Thánh Augustinô đaơ cảm nghiệm sâu xa chân lý này qua lời cầu nguyện thường được trích dẫn của Ngài : “Lạy Chúa, linh hồn con thao thức cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.
Không gì tốt hơn Thánh lễ để cảm nghiệm được sự thăng bằng giữa việc làm của chúng ta và ân sủng của Thiên Chúa. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta phải thực hiện những quyết định : giữ thinh lặng tâm hồn, hướng nhìn lên Chúa, và để tâm lắng nghe Lời Ngài. Điều này đôi khi rất khó. Làm sao một người có thể thinh lặng tâm hồn khi nỗi đau của họ quá lớn đến độ họ muốn kêu gào lên Chúa, Đấng dường như đã bỏ rơi họ? làm thế nào họ có thể hướng nhìn lên Chúa khi 6 ngày qua họ chỉ chú ý đến họ? Và làm sao họ có thể nghe được tiếng Chúa khi suốt tuần qua họ chỉ nghe thấy tiếng nói của họ ?
Tuy nhiên, chúng ta hãy tin rằng : Chúa Giêsu chỉ đón nhận những nghi thức phụng vụ chân thành nhất và thực tâm nhất ? Chúa Giêsu luôn hiện diện và sẵn sàng ban phát ân sủng. Tất cả những gì Chúa đòi nơi chúng ta là hãy vươn lên Ngài và bỏ lại đàng sau tất cả những cản trở trải dài trên lối chúng ta đi.
Mến chào tất cả chị em,
Fr. Robert Voss, USA