Bài Huấn Dụ của ĐTC Beneđictô XVI về Thánh Đa Minh

0

 Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI

Buổi Triều Yết hằng tuần, thứ Tư ngày 8-8-2012

(tại Castelgandolfo)

Anh Chị Em thân mến,

            Hôm nay Giáo Hội mừng lễ nhớ Thánh Domenico Guzamán, Linh Mục và Đấng Sáng Lập Dòng Giảng Thuyết, được gọi là Dòng Đa Minh. Trong một bài Huấn dụ trước đây, Tôi đã cho thấy bộ mặt tuyệt vời này và việc đóng góp nền tảng mà Ngài đã mang lại cho việc canh tân Giáo Hội thời của Ngài. Hôm nay, Tôi muốn đem ra ánh sáng một khía cạnh nền tảng của linh đạo của Thánh nhân: đời sống cầu nguyện của Ngài. Thánh Domenicô là một con người cầu nguyện[1]. Ngài say mê Thiên Chúa, không có khát vọng nào khác ngoài phần rỗi các linh hồn, đặc biệt của những linh hồn rơi vào nhóm các người lạc giáo của thời Ngài; Ngài là người bắt chước Đức Kitô, Ngài nhập thể cách tận căn 3 lời khuyên Phúc Âm, khi hiệp nhất chứng tá về một đời sống nghèo khó thực sự với việc loan báo Lời Chúa; dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tiến lên trên con đường toàn thiện Kitô Giáo. Trong mọi giây phút, việc cầu nguyện là sức mạnh canh tân và luôn luôn làm cho nên phong phú các hoạt động tông đồ của Thánh nhân. Chân Phước Giorđanô thành Sassonia, chết vào năm 1237, người kế vị Thánh nhân trong việc điều khiển Dòng Đa Minh, đã viết như sau: “Trong ngày sống, không ai hơn Thánh nhân tỏ ra thật dễ tiếp xúc và dễ sống . . . Ngược lại ban đêm, không ai hơn Thánh nhân, đã chuyên cần trong việc tỉnh thức để cầu nguyện. Ngày sống, Ngài dành cho tha nhân, nhưng ban đêm Ngài dành cho Thiên Chúa” (Cha Filippini, San Domenico visto dai suoi contemporanei, Bologna 1982, tr. 133 = Thánh Đomenicô được nhìn từ các người đồng thời của Ngài). Nơi Thánh Đomenicô chúng ta có thể nhìn thấy một tấm gương trong việc gắn liền chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và hoạt động tông đồ với nhau. Theo các chứng tá của những người gần Thánh nhân hơn hết, “Thánh nhân luôn luôn nói với Thiên Chúa hoặc nói về Thiên Chúa”. Nhận xét này chỉ ra cho thấy sự hiệp thông thật sâu xa của Ngài với Đức Kitô, và, đồng thời, sự dấn thân liên lỉ để đem người khác vào sự hiệp thông này với Thiên Chúa. Thánh nhân không để lại một tác phẩm nào về việc cầu nguyện, nhưng truyền thống Đa Minh đã thu tập và truyền đi kinh nghiệm của Ngài thật sống động trong một tách phẩm mang tựa đề: Chín cách cầu nguyện của Thánh Đomenicô. Cuốn sách này được sáng tác trong khoảng giữa năm 1260 và 1288 do một Tu sĩ Dòng Đaminh; cuốn sách này giúp chúng ta hiểu được một vài điều về đời sống nội tâm của Thánh nhân và cuốn sách cũng còn giúp chúng ta nữa, cho dù với tất cả những khác biệt, để học cho biết được một vài điều về cách thế cầu nguyện. Có 9 cách để cầu nguyện theo Thánh Đomenicô và mỗi một cách trong 9 cách này, luôn luôn thực hiện trước tượng ảnh Chúa Giêsu chịu nạn, diễn tả một thái độ của thân xác và một thái độ thiêng liêng mà, như hoàn toàn bị thấm nhập cách thân tình, cổ võ việc hồi tâm và lòng sốt sắng. Bảy cách thứ nhất theo một đường đi lên, như những bước đi trong cuộc hành trình, hướng về sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Chúa Ba Ngôi; Thánh Đomenicô cầu nguyện với thái độ đứng và cúi xuống để diễn tả sự khiêm nhường, nằm xoài dưới đất để cầu xin ơn tha thứ các tội riêng của mình, quỳ gối khi thống hối để tham dự vào các đau khổ của Đức Kitô, với cánh tay giang ra, nhìn thẳng vào Chúa chịu nạn để chiêm ngắm Tình Yêu Tối Cao, với cái nhìn về trời Thánh nhân cảm thấy mình được lôi kéo vào trong thế giới của Thiên Chúa. Vì thế 3 hình thức cầu nguyện là: đứng, quỳ gối, nằm xoài trên mặt đất; nhưng luôn luôn cái nhìn hướng về Đức Kitô Chịu Nạn. Hai cách thế cuối cùng, trái lại, mà Tôi muốn dừng lại ngắn ngủi ở đây, tương hợp với hai thói quen đạo đức mà Thánh nhân thường thực hiện. Trước hết việc suy niệm cá nhân, trong đó lời cầu nguyện còn có được một chiều kích thân mật hơn, sốt sắng hơn và thanh thản hơn. Vào lúc kết thúc khi cử hành Phụng Vụ các Giờ Kinh, và sau khi cử hành Thánh Lễ, Thánh Đomenicô kéo dài cuộc nói truyện với Thiên Chúa, mà không đặt một giới hạn nào về thời gian. Khi ngồi trong bình thản, Thánh nhân đã hồi tâm trong chính mình với một thái độ lắng nghe, khi đọc một cuốn sách hoặc khi nhìn thẳng vào Chúa Chịu Nạn. Như thế Thánh nhân sống một cách sâu xa những giây phút này trong mối tương quan với Thiên Chúa, mà cả bên ngoài người ta có thể đón nhận ra các phản ứng của Thánh nhân qua nét vẻ vui tươi hoặc trong tiếng khóc. Vì thế Ngài đã làm cho các thực tại của đức tin thành của mình, khi suy niệm. Các chứng nhân kể rằng, có những lần, Thánh nhân đi vào trong một trạng thái xuất thần với bộ mặt được biến đổi, nhưng ngay lập tức sau đó Thánh nhân lấy lại cách khiêm nhường các hoạt động hằng ngày của mình, được tràn đầy sức mạnh có được từ Đấng Tối Cao. Rồi việc cầu nguyện trong các cuộc hành trình giữa tu viện này tới tu viện khác; Thánh nhân đọc Giờ Kinh Sáng, Kinh Ban Ngày, Giờ Kinh Chiều với các đồng bạn, và, khi qua các thung lũng hoặc các đồi, Thánh nhân chiêm ngắm vẻ đẹp của tạo dựng. Vậy từ con tim của Thánh nhân vọt ra một bài thánh ca ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì bao nhiêu ơn lành, nhất là vì sự cao cả lớn lao nhất: ơn cứu rỗi do Đức Kitô thực hiện.                   

     Các Bạn thân mến, Thánh Đomenicô nhắc nhở chúng ta rằng ở lúc khởi sự của chứng tá đức tin, mà mỗi Kitô hữu phải thực hiện trong gia đình, trong việc làm, trong dấn thân xã hội, và cả trong những lúc giải trí, vẫn là việc cầu nguyện, là cuộc tiếp xúc cá nhân với Thiên Chúa; chỉ mối tương quan đích thực này với Thiên Chúa mới ban cho chúng ta sức mạnh để sống cách sâu đậm mỗi biến cố, nhất là những lúc đau khổ nhất. Vị Thánh này còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của các thái độ bên ngoài trong khi chúng ta cầu nguyện. Thái độ quỳ gối, việc đứng thẳng trước Chúa Kitô, việc đem mắt nhìn vào Chúa Chịu Nạn, việc dừng lại và hồi tâm trong thinh lặng, không phải là những điều phụ thuộc, nhưng giúp chúng ta để đem chúng ta từ trong thâm tâm, với tất cả con người chúng ta, đi vào trong tương quan với Thiên Chúa. Tôi muốn nhắc lại một lần nữa sự cần thiết cho đời sống thiêng liêng của chúng ta là hằng ngày tìm ra được những giây phút để cầu nguyện trong thanh thản; chúng ta phải làm điều này nhất là trong các ngày nghỉ, để có một đôi lúc nói truyện với Thiên Chúa. Đó cũng là cách để giúp những ai sống gần chúng ta đi vào trong ánh sáng long lanh của sự hiện diện của Thiên Chúa, là điều đem lại bình an và tình yêu mà chúng ta tất cả đều cần tới.

       Xin chân thành cám ơn Anh Chị Em!      

(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến ngày 8-8-2012.

Lm Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 8-8-2012).



[1]  Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển đề tài về “VIỆC CẦU NGUYỆN” mà Ngài đã thực hiện trong những buổi Triều Yết trước đây.

Comments are closed.

phone-icon