Đề tài Tĩnh Tâm tháng 9/2012

0

Tĩnh Tâm Tháng 9/2012

THANH TẨY TRÁI TIM

(Mc 7, 1-8.14-15.21-23)

 Kính thưa quý Bề trên và Chị em,

Trong quý này, toàn thể Hội Dòng chúng ta tập trung vào sứ vụ Sống Chứng Nhân của Lời trong Mục vụ và điểm nhấn là xây dựng đời sống nhân bản của người Nữ tu Đa Minh Tam Hiệp— người của Sự Thật. Thiết nghĩ, khi tuyên khấn, mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa hiến thánh trong Sự Thật, để từ đây đời sống chúng ta từ tư tưởng, lời nói, đến việc làm đều được thấm nhuần Sự Thật. Vậy chúng ta đã sống Sự Thật đó như thế nào? Chúng ta đang sống với Thiên Chúa và với anh chị em với cả tấm lòng, hay chỉ “bằng môi bằng miệng?” Lời Chúa trong ngày tĩnh tâm hôm nay sẽ giúp chúng ta nhìn lại chính mình, để thanh tẩy trái tim trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em.

I. LỜI CHÚA:  Chúa Nhật XXII TN B (Mc 7, 1-8.14-15.21-23)

 (1)Có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Ðức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. (2)Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. (3)Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Dothái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; (4)thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. (5)Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? (6)Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. (7)Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. (8)Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.

(14)Sau đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: (15)Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế.

(21)Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, (22)ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. (23)Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với nhóm biệt phái và luật sĩ về nhiều điều, nhưng chung qui là vấn đề sạch/dơ và cụ thể là việc không chịu rửa tay trước khi ăn như luật dạy (Mc 7,5). Nhân dịp này, Đức Giêsu muốn những người cật vấn Ngài nhận ra rằng việc giữ luật hệ tại ở tấm lòng, chứ không câu nệ vào hình thức bên ngoài. Thật vậy, đối với Đức Giêsu, lề luật cần thiết và hữu ích để giữ “con tim” khỏi sai lạc, nhưng một khi coi lề luật quan trọng hơn “con tim,” dùng lề  luật để đè bẹp “con tim,” thì quá sai lầm. Luật không phải là cái ách biến con người thành nô lệ, nhưng là phương tiện giúp chúng ta được tự do để hoàn trọn dự phóng của Chúa dành cho mỗi người.

Do quá nhạy cảm với luật sạch/dơ bên ngoài, nên những người biệt phái và kinh sư hôm nay đã quên đi điều quan yếu đó là sự thanh khiết tâm hồn. Qua cuộc tranh luận, Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa không phân biệt “sạch/dơ” như họ nghĩ. Ngài không muốn bất cứ rào cản nào giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa liên quan đến vấn đề sạch/dơ bên ngoài. Điều Thiên Chúa muốn là tấm lòng của họ dành cho Ngài, là tương quan tình yêu của họ với Ngài chứ không phải tập tục lễ nghi.  Thế nên, thay vì bận tâm “rửa tay,” Ngài muốn họ hãy tẩy rửa tâm hồn, thanh tẩy con tim, để loại đi những toan tính bất chính, những gì làm con người sống kém phẩm giá của mình, những gì làm làm con người xa Chúa và xa nhau. Suy niệm bài Tin Mừng này, chúng ta cùng tìm hiểu ba điểm sau:

–  Quan niệm của Do Thái Giáo về vấn đề sạch/dơ

–  Quan niệm của Đức Giêsu về vấn đề sạch/dơ

–  Lời mời gọi thanh tẩy trái tim để được nên thanh sạch như Thiên Chúa muốn.

1. Quan niệm của Do Thái Giáo về vấn đề sạch/dơ

Khái niệm sạch/dơ chiếm một vị trí quan trọng trong Do Thái Giáo. Vì thế không lạ gì Sách Lêvi đã trình bày khá chi ly về những khoản luật luật liên quan đến vấn đề này. Đối với người Do Thái, một người được cho là trong sạch hay thánh thiện khi người ấy giữ luật và tuân theo những tập tục truyền thống cách cẩn thận. Vì thế, càng giữ luật nhiệm nhặt, thì con người càng trở nên thanh sạch hay thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Những tập tục như rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, tắm rửa… đối với người Do Thái không chỉ nhằm giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, mà còn được coi là những nghi thức tôn giáo nói lên khát vọng muốn trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Giavê Thiên Chúa — Đấng Chí Thánh.

Từ tâm thức đó, những người nhiệt thành với lề luật, cụ thể là những biệt phái và kinh sư, không những giữ tập tục rửa tay rất kỹ, mà còn để mắt quan sát xem người khác có tuân giữ các tập tục đó không. Do đó, khi phát hiện ra người nào không thi hành những tập tục này thì họ tỏ ra bực mình khó chịu; họ liệt ngay những người đó vào hạng ô uế, cần phải loại ra ngoài cộng đoàn tôn giáo, cũng như tước quyền tham dự nghi lễ phụng tự trong đền thờ.[1] Chính vì thế, khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu, một thầy dạy tôn giáo nổi tiếng, mà lại không giữ luật và truyền thống rửa tay trước khi ăn, họ liền tiến đến hạch sách: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” (Mc 7,5).

Thấy vậy, Đức Giêsu đã chỉnh ngay cách sống vụ hình thức của họ: “Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8). Khi nói thế, Đức Giêsu muốn dạy họ phân biệt đâu là ý của Thiên Chúa và đâu là ý con người trong vấn đề “rửa tay” này. Ngài bắt họ phải đặt ưu tiên cho luật của Thiên Chúa, chứ không phải luật hay các tập tục của con người. Ngài cũng cho họ thấy rõ nếu chỉ tuân giữ những lề luật hay những tập tục do con người lập ra, mà quên cái cốt lõi của luật là thanh tẩy tâm hồn để mến Thiên Chúa và yêu anh chị em hơn, thì đó là lối sống giả hình mà Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận.

2. Quan niệm của Đức Giêsu về vấn đề sạch/dơ

Để chống lại quan niệm trọng luật, nệ hình thức của nhóm biệt phái và kinh sư về vấn đề sạch/dơ, Đức Giêsu đã thẳng thắng tuyên bố: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 15). Đức Giêsu cho họ thấy cái làm cho người ta ra dơ bẩn và bất xứng trước Thiên Chúa không phải ở chỗ “rửa tay” hay “không rửa tay” trước khi ăn, mà chính là ở tâm địa xấu xa của họ. Chính những dục vọng đen tối trong thâm tâm con người mới là nguyên nhân gây nên mọi xấu xa trong xã hội và trên thế giới như: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, …” (Mc 7, 21-22). Vì cội nguồn sự ác nằm trong tâm con người, thế nên điều quan trọng là phải thanh tẩy trái tim.

Qua giáo huấn của Đức Giêsu chúng ta nhận ra rằng sự dơ bẩn bên ngoài không làm cho tâm hồn ra ô uế, và sự không thanh sạch đó cũng không đáng lo bằng sự nhơ uế tâm hồn. Do đó, việc tẩy rửa bên ngoài không quan trọng bằng việc tẩy rửa nội tâm. Sự trong sạch của tâm hồn quan trọng và cần thiết hơn sự lành sạch bên ngoài của thân thể. Tập tục tẩy rửa bên ngoài không tẩy xoá được sự dơ bẩn trong tâm hồn, nhưng chỉ có tương quan mật thiết với Thiên Chúa mới có sức mạnh giúp con người đứng lên bước ra khỏi vòng xoáy của tội lỗi và sự ác. Chính tình thương của Thiên Chúa là động lực giúp con người hoán cải và đổi đời.

Hơn nữa, khi tuyên bố: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế”, Đức Giêsu muốn hủy bỏ ranh giới giữa những thức ăn sạch và những thức ăn dơ, và quả quyết “mọi thức ăn đều thanh sạch” (Mc 7, 19). Với lời xác quyết này, thì vấn đề sạch/dơ bên ngoài không còn là bức tường ngăn cách con người đến với Thiên Chúa và với nhau. Ngài cho thấy Nước Thiên Chúa rộng mở để chào đón tất cả mọi người. Để minh chứng điều mình giảng, Đức Giêsu đã đến với mọi người: Do Thái cũng như dân ngoại, thánh thiện hay tội lỗi, thanh sạch hay nhơ uế… Tin Mừng ghi lại Ngài không ngần ngại đồng bàn với “người thu thuế và quân tội lỗi” (Mc 2, 15-17); Ngài chạm đến người phong cùi (Mc 1, 40-45); Ngài để cho người phụ nữ bị băng huyết đụng đến áo mình mà không phản đối (Mc 5, 25-34); Ngài cầm tay đứa con gái ông Giaia đã chết và nâng em trỗi dậy (Mc 5,41)… Chính cách sống của Đức Giêsu không những chấn chỉnh lại những tập tục Do Thái về vấn đề sạch/dơ nhưng còn kiện toàn những khoản luật đã được ghi trong Sách Lêvi (Lv 11-15), nói về vật tinh sạch và ô uế, về người phong cùi, và nhiều trường hợp khác nữa.

3. Lời mời gọi thanh tẩy trái tim

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi mỗi chúng ta nhìn lại cung cách sống của mình. Nếu chúng ta sống với Chúa chỉ theo những hình thức bên ngoài, thì chẳng khác gì chúng ta đang “tôn kính Thiên Chúa bằng môi bằng miệng.” Đức Giêsu muốn chúng ta tôn kính Thiên Chúa với tất cả tấm lòng bằng cách đi vào tương quan cá vị với Ngài. Trong cuộc sống thường ngày, nếu chúng ta chỉ tôn kính Thiên Chúa bằng cách giữ luật Chúa, luật Giáo Hội, luật Hội Dòng mà thôi thì chưa đủ, chính trái tim chúng ta phải qui hướng về Chúa, đặt Chúa làm trung tâm cuộc sống để từ đó chúng ta tìm kiếm, biện phân, và thi hành ý Chúa.

Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta trở về với nội tâm. Trong tĩnh lặng nội tâm, chúng ta cùng nhìn lại chính mình. Trái tim chúng ta hôm nay đang thuộc về ai? và đang chất chứa những gì: yêu thương, bác ái, nhân hậu, từ tâm … hay tham lam, giả dối, ganh tị, kiêu căng,…?  Trong thanh vắng của tâm hồn, chúng ta xin Chúa cho chúng ta nhận ra được sự thật về mình với những khả năng và giới hạn, để từ đó chúng ta biết can đảm thanh lọc con tim, ủ ấp trong tâm hồn mình những điều tốt lành, những điều đem lại niềm vui, sự bình an cho chị em trong cộng đoàn, và cho những người xung quanh.

Là những người thánh hiến trong ơn gọi Đa Minh, chúng ta được Thiên Chúa hiến thánh trong Sự Thật. Vì thế, mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của chúng ta đều phải được định hướng bởi Sự Thật. Thiết nghĩ, lời Chúa hôm nay sẽ giúp mỗi người chúng ta nhìn vào lòng mình để thấy được đâu là những cản trở khiến chúng ta chưa thể sống Sự Thật, đâu là lý do khiến chúng ta chưa mở ra dưới Ánh Sáng Chân Lý của Chúa. Phải chăng ngay trong tâm chúng ta còn chất chứa những tham vọng ích kỷ, những ngạo mạn kiêu căng, những giận hờn ganh ghét … khiến chúng ta chưa thể đến với Chúa, với anh chị em với một trái tim khiêm hạ và chân thành?

Lạy Cha, xin cho chúng con hiểu rằng sự thánh thiện đích thực hệ tại tương quan cá vị giữa chúng con với Cha tự trong thẳm sâu cõi lòng, chứ không phải chỉ là những hành động bên ngoài. Xin Cha thanh tẩy trái tim chúng con để chúng con biết sống chân thành với Cha, với chính mình và với anh chị em chúng con. Chúng con tin rằng chỉ khi nào chúng con biết sống theo Sự Thật, chúng con mới xứng đáng là con của Cha, và mới được chân lý của Cha giải thoát. Xin Cha tha thứ cho những lần chúng con chỉ thờ Cha bằng môi miệng, mà lòng chúng con xa Cha. Xin cho chúng con noi gương Đức Giêsu Kitô, Con Cha, biết sống hết tình, hết mình với Cha và với anh chị em chúng con. Amen.

III. CÂU HỎI THẢO LUẬN CỘNG ĐOÀN

  1. Duyệt quyết tâm tháng 08/2012.
  2. Hiện nay, Chị và cộng đoàn Chị đang giữ Luật theo hình thức nào? Để sống sứ điệp của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, Chị và cộng đoàn chị có những sáng kiến, những cách thức nào để giúp chúng ta thanh tẩy trái tim hầu trở nên trong sạch như Chúa muốn?
  3. Chọn quyết tâm tháng 9/2012.

[1] Gioan Nguyễn Chính Kết, Suy Niệm Chúa Nhật 22 Thường Niên B. trích tại

http://www.simonhoadalat.com/suyniem/chunhat/NamB/CN22ThuongNien-Ket.htm

Comments are closed.

phone-icon