365 ngày với Thánh Catarina – Tháng 11

0

Vào cuối thời Trung Cổ, tình trạng nghèo túng phát sinh chủ yếu do các cuộc chiến tranh, các biến cố chính trị, cơn dịch đen, thời tiết khắc nghiệt và bệnh hoạn. Không phải ngẫu nhiên mà các từ “người nghèo”, “người bần cùng” và “người đau ốm” lại trở nên đồng nghĩa. Cả việc rút nợ với người cho vay cũng là một con đường không có lối thoát. Những hạng người khác phơi trần sự đói khổ là: các bà góa, cô nhi, tù nhân chiến tranh, kẻ tàn tật … Catarina dành sự quan tâm đặc biệt với tình mẫu tử cho những hạng người này. Ngài cống hiến cho họ sức lực, thời giờ, các phương tiện và sự chăm sóc đặc biệt mà không giữ lại cho riêng mình. Các bức tâm thư của ngài tập trung một lời mời khẩn cấp đến với mọi người: đừng xao lãng hay bỏ rơi cách nào đó những con người đau khổ này, bởi vì họ là “ông chủ” của chúng ta, những người yêu dấu của Chúa Cha, bí tích sống động của Chúa Kitô; họ là “đôi tay” hướng tới đời sống vĩnh cửu và làm cho tác vụ thiêng liêng của các giáo sĩ trở nên hữu hiệu. Lời mời gọi khẩn cấp sống theo Lời khuyên Phúc Âm khó nghèo triệt để là một sứ điệp không thể nhầm lẫn về tính chất nguy hiểm của của cải, đầu mối sinh ra sự bất trung.

Ngày 1: “Những người nghèo về tinh thần có ánh sáng đức tin; họ tránh xa của cải dẫn tới sự bất trung” (Đối Thoại 151)

Ngày 2: “Những người giàu có sống trong phiền muộn, còn những người nghèo khó hiền lành của Cha thì sống trong niềm vui” (Đối Thoại 151)

Ngày 3: “Cha siết chặt người nghèo vào lòng Cha và cho họ sữa dồi dào an ủi. Họ đã từ bỏ tất cả và đã chiếm hữu Cha” (Đối Thoại 151)

Ngày 4: “Chưa bao giờ xảy ra một tôi tớ đích thực của Thiên Chúa, chàng rể của đức khó nghèo, phải chết vì đói khát” (Đối Thoại 151)

Ngày 5: “Tôi tớ của Chúa thì nghèo túng nhưng không phải là kẻ ăn xin. Kẻ ăn xin thường thiếu những thứ cần thiết nhất” (Đối Thoại 149)

Ngày 6: “Người nghèo không dư giả nhưng có những thứ cần thiết, bởi vì họ trông cậy vào Cha, và Cha sẽ không để họ thiếu thốn” (Đối Thoại 149)

Ngày 7: “Người giáo sĩ sống khiêm tốn với hiền thê Sách Nguyện ở bên cạnh và phân phối của cải trần thế cho người nghèo” (Tâm Thư 2)

Ngày 8: “Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi thứ chỉ vì muốn chúng ta nên thánh. Ngài cho phép chúng ta giàu có để có thể phân phát cho người nghèo” (Tâm Thư 110)

Ngày 9: “Xin ngài hãy quảng đại và bác ái. Hãy nghĩ rằng đôi tay của người nghèo giúp ngài trao và nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa” (Tâm Thư 177)

Ngày 10: Khoảng năm 1378 từ Rôma Catarina trao đổi rất nhiều thư từ với Stefano Maconi môn đệ yêu dấu của ngài.

Ngày 11: “Thay vì là người cha từ tâm của người nghèo, những ai xúc phạm đến họ, thì đã làm điều ác với chính mình, bởi vì họ sẽ nhận lãnh sự ngược đãi giống như thế” (Tâm Thư 193)

Ngày 12: “Giống như thánh Ivo đã làm trạng sư cho người nghèo, xin hãy chịu vất vả vì họ với đức bác ái đích thực” (Tâm Thư 258)

Ngày 13: “Giúp đỡ người nghèo theo khả năng và đức tính của chúng ta là điều làm đẹp lòng Chúa và mưu ích cho ơn cứu độ” (Tâm Thư 258)

Ngày 14: “Người nghèo là những cánh tay mang chúng ta đến sự sống đời đời” (Tâm Thư 304)

Ngày 15: “Hãy coi người nghèo và tất cả những ai túng thiếu giống như ông chủ của con” (Tâm Thư 355)

Ngày 16: “Hãy quảng đại với người nghèo; hãy làm mới lại đức khó nghèo tự nguyện mà con vốn có, và đừng chạy theo kiểu cách hiện nay” (Tâm Thư 373)

Ngày 17: “Với các cuộc chiến tranh, ta không thể có một giờ yên ổn, còn binh lính thì triệt phá mọi nghĩa vụ đối với người nghèo” (Tâm Thư 209)

Ngày 18: “Người ưa thích của con phải là người nghèo, người đau ốm, trợ giúp họ trong tình cảnh khó khăn về tinh thần và vật chất” (Đối Thoại 127)

Ngày 19: “Người vâng lời lo tuân thủ trong khiêm nhường và tùng phục kẻ nhỏ cũng như người lớn, kẻ nghèo cũng như người giàu” (Đối Thoại 159)

Ngày 20: “Của cải mà các con dâng cúng cho các thánh chức được chia làm ba phần: một cho đời sống của họ, một cho người nghèo, và một cho Giáo hội” (Đối Thoại 114)

Ngày 21: “Con cảm thấy bị đánh giá thấp và xấu hổ, nếu người nghèo của Cha đến gần ngưỡng cửa nhà con” (Đối Thoại 114)

Ngày 22: “Con né tránh đến thăm người nghèo trong cơn túng quẫn. Con nhìn thấy họ chết đói mà không chạy tới giúp đỡ họ” (Đối Thoại 128)

Ngày 23: “Những kẻ kiêu ngạo không muốn ban phát cho người nghèo của cải vật chất và tinh thần, nếu không có lợi nhuận” (Đối Thoại 128)

Ngày 24: “Những kẻ kiêu ngạo chẳng những không giúp người nghèo bằng những cái mình có, mà còn không cho họ một lời tối thiểu” (Đối Thoại 148)

Ngày 25: “Cha quan phòng lo liệu cho người nghèo bị kinh dể. Đối lại, họ sẽ nhận được sự giàu có lớn lao vì sự nghèo khó của mình” (Đối Thoại 148)

Ngày 26: “Người giàu kiêu ngạo biết rõ điều Đức Giêsu đã nói rằng tất cả những gì họ làm cho người nghèo bé mọn là làm điều đó cho chính Ngài” (Đối Thoại 148)

Ngày 27: “Hỡi các con yêu quý, hãy ra đi như những sứ giả nghèo, mang theo các con sự giàu có của đức tin” (Tâm Thư 280)

Ngày 28: Năm 1378 Catarina được Đức Giáo Hoàng Urbano VI gọi về Rôma.

Ngày 29: Năm 1378 Catarina phát biểu trong Mật Hội trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Urbano VI và các Hồng y.

Ngày 30: “Vào ngày phán xét, Đức Kitô sẽ đến trong quyền năng Thiên Chúa để xét xử thế gian, chứ không đến như người nghèo khi Ngài giáng sinh” (Đối Thoại 39)

Sr. Maria Đinh Thị Sáng, OP

Comments are closed.

phone-icon