Hình ảnh về người phụ nữ thời Trung cổ, dù là một nông dân, một nhà tư sản, hay nhà quý tộc ngự trong lâu đài, đều được Catarina sử dụng trong các tác phẩm của mình. Hình ảnh này luôn liên kết với vai trò trông coi nhà cửa, sanh con và làm mẹ trong một thời đại mà con số mang thai và sinh nở của mỗi người dễ dàng vượt lên trên 10. Đối với người con gái nhà Benincasa này, phụ nữ trước hết là người vợ, tuy không phải lúc nào cũng được tự do chọn lựa bạn đời của mình. Kế đến phụ nữ là bà chủ nhà, với khả năng nhận thức phân định, bà tổ chức công việc và các hoạt động của mình và gia đình, nhất là trong thời kỳ vắng chồng vì phải dấn thân cho các cuộc chiến tranh, thương mại và săn bắn. Sau cùng đó là các trinh nữ hoàn toàn hiến mình cho vị lang quân thần linh, để thực hiện những kế hoạch cao cả của Ngài.
Bên cạnh nhiều ý nghĩa ẩn dụ, hình ảnh “phụ nữ” cũng có mối liên hệ với lý trí và ý chí tự do. Những quan năng này phải luôn kiểm soát con người cách tốt nhất và chiến thắng các giác quan để sở hữu Thiên Chúa, Đấng là sự thiện hảo tuyệt đối. Catarina tin vào khả năng cao cả của ý chí tốt lành đã được Thiên Chúa ban tặng cho con người. Tội lỗi và nhân đức phải tùy thuộc vào ý chí đó như bà chủ của mọi hành vi.
Ngày 1: Năm 1370 Catarina bắt đầu hoạt động tông đồ cách công khai sau ba năm sống cô tịch.
Ngày 2: “Chỉ có đức ái mới bước vào đời sống vĩnh cửu như bà chủ mang theo hoa trái của tất cả các nhân đức khác” (Đối Thoại 160)
Ngày 3: “Ai làm nô lệ cho bà chủ bất tuân phục, thì cũng sẽ làm nô lệ cho bạn của bà ấy là tính thiếu kiên nhẫn, được nuôi dưỡng bởi tính kiêu ngạo” (Đối Thoại 161)
Ngày 4: “Nhân đức sẽ bất toàn và không mang lại hoa trái nếu không qua trung gian của tha nhân. Nhân đức đó sẽ giống như người phụ nữ mang thai mà không sinh con” (Đối Thoại 11)
Ngày 5: “Giống như người phụ nữ sinh ra đứa con mạnh khỏe và trao nó cho chồng mình, thì cũng vậy, các tín hữu cũng trao các nhân đức sống động cho lang quân linh hồn của mình” (Đối Thoại 46)
Ngày 6: “Đức kiên nhẫn không bao giờ chịu thua, nhưng luôn chiến thắng và làm bà chủ” (Tâm Thư 123)
Ngày 7: “Như người phụ nữ, đức ái mang theo mình hoa trái của tất cả các nhân đức, nhất là hoa trái của đức nhẫn nại, mà bước vào vinh quang vĩnh cửu” (Tâm Thư 104)
Ngày 8: “Nếu tự do là bà chủ không thuận theo những cám dỗ và những ảo ảnh của thế gian, thì chúng không thể xúc phạm đến bà” (Tâm Thư 148)
Ngày 9: “Ai chỉ yêu mến mình mà thôi, thì mọi nhân đức đều đã chết trong người đó, giống như người phụ nữ sinh ra những đứa con chết, vì trong mình không có sự sống” (Tâm Thư 185)
Ngày 10: “Ông Gióp bị mất của cải, con cái và sức khoẻ, chỉ có vợ ông ở lại tiếp tục hành hạ ông. Nhưng ông vẫn kiên nhẫn và không bao giờ nao núng” (Tâm Thư 20)
Ngày 11: “Anh đừng dùng quần áo quá sang trọng, và hãy làm cách nào đó để vợ con anh làm theo gương anh và quy luật sống” (Tâm Thư 258)
Ngày 12: “Anh và vợ anh hãy sống đời hôn nhân trong niềm kính sợ Chúa và tôn trọng bí tích, chứ đừng theo những khao khát vô độ” (Tâm Thư 258)
Ngày 13: Năm 1377 Đức Giáo Hoàng mời Catarina đến Florentia để làm người trung gian hòa bình.
Ngày 14: “Đức kiên nhẫn lúc nào cũng là một bà chủ, luôn luôn chiến thắng và không hề biết thất bại, bởi vì nó không để cho cơn giận chế ngự” (Tâm Thư 264)
Ngày 15: Năm 1378 Cha Raymondo Capua từ biệt Catarina và khởi hành đi nước Pháp.
Ngày 16: “Chúng ta đừng để cho xác thịt mong manh là kẻ nô lệ trị vì chúng ta, nhưng cho phép lý trí là bà chủ điều khiển chúng ta” (Tâm Thư 293)
Ngày 17: “Vì tình yêu, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ý chí tự do mà tội lỗi và nhân đức phải tùy thuộc vào đó, bởi vì ý chí tự do là bà chủ của mọi hành vi” (Tâm Thư 335)
Ngày 18: “Như người phụ nữ biết được con mình vào lúc lâm bồn, chúng ta cũng biết được các nhân đức chỉ trong những thử thách đớn đau” (Tâm Thư 335)
Ngày 19: “Trong ánh sáng đức tin, con đừng buồn sầu khi bị chồng mình đối xử như tôi tớ chứ không như người vợ” (Tâm Thư 354)
Ngày 20: “Trong ánh sáng đức tin, con hãy kiên nhẫn chịu đựng, cả khi đứa nữ tỳ của con không có lòng kính trọng thích đáng đối với bà chủ” (Tâm Thư 354)
Ngày 21: Khoảng năm 1374 Catarina gặp Đức Giám Mục Alfonso di Jaen tại Siena, để nhận phép ân giải của Đức Giáo Hoàng theo như thánh nữ đã thỉnh cầu.
Ngày 22: “Chúng ta hãy chọn linh hồn làm bà chủ của chúng ta và hãy giam giữ những ích kỷ trong ách nô lệ” (Tâm Thư 358)
Ngày 23: “Các con hãy yêu mến và say sưa uống máu Chiên Con, Đấng đã làm cho đá tảng linh hồn các con được tự do, vững vàng và trở thành bà chủ” (Tâm Thư 36)
Ngày 24: “Chiến thắng phần giác quan, lý trí sẽ trở nên tự do và làm bà chủ, sẽ sở hữu Thiên Chúa, Đấng là sự tốt lành tối cao và vĩnh cửu” (Tâm Thư 374)
Ngày 25: Trong thần trí, Catarina trợ giúp Đức Maria sinh hạ và đón lấy Hài Nhi Giêsu vào vòng tay.
Ngày 26: “Với cái chết của Đức Kitô, chúng ta được trả lại sự sống hoàn hảo. Sự sống ấy đã trở thành bà chủ và đánh bại ma quỷ vốn nắm giữ quyền lực trên con người” (Tâm Thư 71)
Ngày 27: “Mọi công việc do con người thực hiện, dù đạt tới quyền lực cao cả hay có vợ và con cái, đều hướng về Thiên Chúa, nếu trong người đó có nguyên lý điều hòa và tập hợp các nhân đức nhân danh Chúa” (Tâm Thư 259)
Ngày 28: “Con phải yêu tất cả những gì đã được dựng nên: yêu con cái của con, vợ của con và những người thân thuộc của con với tình yêu thích đáng, chứ không rối loạn” (Tâm Thư 299)
Ngày 29: Năm 1376 Catarina trở về Siena sau khi kết thúc sứ mạng tại Avignone.
Ngày 30: “Thân nữ hoàng, là một bà chúa, nhưng nữ hoàng đã làm nữ tỳ và nô lệ cho tội lỗi, tùng phục sự dối trá và ma quỷ” (Tâm Thư 317)
Ngày 31: “Hãy nói với các phụ nữ con chiên của ngài, cứ nghỉ ngơi trên thập giá cùng với lang quân của họ là Đức Kitô chịu đóng đinh” (Tâm Thư 74)
Sr. Maria Đinh Thị Sáng, OP