Tổng quát Tin mừng Gioan chương 13-17

0

TỔNG QUÁT TIN MỪNG GIOAN 13 – 17

I.     DẪN NHẬP

Tin vào Đức Giêsu là một hành trình suốt cả cuộc đời của người môn đệ, và họ được mời gọi sống niềm tin ấy trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, Tin Mừng Gioan cho thấy không dễ dàng sống tư cách môn đệ và làm chứng cho niềm tin ấy, bằng chứng là các môn đệ đã từng rơi vào tình trạng khủng hoảng và có nguy cơ mất niềm tin. Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng nơi các môn đệ, và họ phải làm gì khi niềm tin bị khủng hoảng? Tin Mừng Gioan chương 13-17 sẽ trình bày những yếu tố gây khủng hoảng niềm tin và giải pháp để vượt qua khủng hoảng, nhờ đó giữ vững niềm tin vào Đức Giêsu và sống niềm vui, sự bình an của Đức Giêsu ban tặng. Chúng ta cùng tìm hiểu và phân tích bản văn trên để thấy được những nét độc đáo và tính hiện thực trong Tin Mừng Gioan.

II. QUAN SÁT BẢN VĂN

1.    Giới hạn bản văn

Tin mừng Gioan mở đầu với lời tựa ở chương 1, kế đến từ Ga 2-12 là một chuỗi những dấu lạ và đoạn cuối chương 12 là kết thúc là kết thúc phần đầu của Tin Mừng và sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Mở đầu chương 13 được coi như là dẫn nhập cho toàn bộ chương 13-17 vì người thuật chuyện cho biết giờ của Đức Giêsu đã đến (Ga 13, 1) và những hệ lụy nảy sinh từ đó. Từ chương 13-17 Đức Giêsu mạc khải sự chết của Người cho các môn đệ trong khung cảnh bữa Tiệc Ly và nhân vật cũng giới hạn lại, chỉ còn Đức Giêsu và các môn đệ. Riêng Ga 17 là lời cầu nguyện can thiệp của Đức Giêsu với Chúa Cha cho các môn đệ và cho những ai tin vào lời các ông rao giảng. Ga 18 lại chuyển sang một đề tài mới và sự chuyển đổi không gian:“Nói những điều ấy xong, Đức Giêsu cùng các môn đệ sang bên kia thung lũng Kít-rôn…” (Ga 18, 1). Đồng thời, chương này cũng bắt đầu diễn tiến cuộc thương khó của Đức Giêsu. Như thế Ga 13-17 làm thành một chuỗi thống nhất, dành trọn cho những diễn từ từ biệt những trăn trối của Đức Giêsu – người ra đi, cũng như nỗi buồn, sự lo âu xao xuyến của các môn đệ – những người ở lại.

2. Bối cảnh văn chương

Chương 13-17 nói đến việc “Đức Giêsu đi về với Cha” sau khi Đức Giêsu đã hoàn tất sứ vụ công khai (Ga 1-12) và trước khi Ngài bước vào cuộc Thương Khó (Ga 18).

Không gian: Ga 13-14 diễn ra trong bối cảnh một bữa ăn, cuối chương 14 có cảm giác kết thúc: “Hãy đứng dậy, chúng ta đi khỏi đây” (14, 31). Nhưng bản văn từ chương 15-17 lại không nói Đức Giêsu và các môn đệ đi đâu, cho đến đầu chương 18 mới nối kết với Ga 14, 31. Như vậy, Ga 15-17 không nói rõ ràng về nơi chốn.

Thời gian: Bản văn không thống nhất khi sử dụng trạng từ quá khứ, hiện tại, tương lai. Ví dụ: chưa bước vào cuộc thương khó sao lại gọi “đã hy sinh” (15, 13), chưa được tôn vinh sao lại gọi “đã thắng thế gian” (16, 33)? Ngoài ra, tại sao Đức Giêsu lại nói Con không còn ở trong thế gian nữa” (17, 11), trong khi Người đang nói với các môn đệ? Sau đó Người lại nói: Nhưng bây giờ…Con nói những điều này ở trong thế gian …” (17, 13).

Qua bối cảnh về không gian và thời gian, tuy bản văn được hiểu như thể Đấng Phục Sinh đang nói với các môn đệ nhưng có cảm giác như tác giả cũng đang nói với cộng đoàn cuối thế kỷ thứ nhất cũng như những người đương thời. Dù Ga 13-17 đã lộ ra sự không hợp lý về thời gian như vậy nhưng đây được coi là điểm độc đáo của bản văn.

Nhân vật: bản văn Ga 13-16 các nhân vật gồm Đức Giêsu và các môn đệ đối thoại trực tiếp với nhau, nhưng sang chương 17 có sự thay đổi về nhân vật đối thoại, Đức Giêsu đối thoại với Chúa Cha, các môn đệ và những kẻ tin được nói tới một cách gián tiếp. 

3. Cấu trúc:

Từ chương 1316 nói đến những khủng hoảng của các môn đệ và các giải pháp Đức Giêsu đưa ra để các môn đệ giữ vững niềm tin trong hoàn cảnh khó khăn. Ở phần trình thuật (13, 1-32) và diễn từ thứ nhất (13, 33-14, 31),  khi Đức Giêsu tiên báo giờ của Người thì cũng là nguyên cớ gây nên khủng hoảng trong cộng đoàn các môn đệ, một thử thách cho niềm tin và lòng trung tín trước sự ra đi của Đức Giêsu và trước sự bách hại từ phía những kẻ chống đối. Nếu diễn từ thứ nhất là những khủng hoảng bên trong thì đến diễn từ thứ hai (15, 18-16, 4a) Đức Giêsu mặc khải nguyên nhân của cuộc khủng hoảng bên ngoài. Bước sang diễn từ thứ ba (16, 4b-33), Đức Giêsu mời gọi các môn đệ vững tin trong thử thách, lạc quan và hy vọng vì chính Ngài đã thắng thế gian (16, 33c) và Đấng Pa-rác-lê sẽ đến. Cuối cùng, chương 17 là lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha cho các môn đệ được hưởng niềm vui trọn vẹn của Đức Giêsu (17, 13), Chúa cha gìn giữ khỏi ác thần (17, 15), thánh hiến trong sự thật (17, 17) và được hiệp nhất trong Ba Ngôi (17, 21).Cấu trúc chương 13-17 được chia thành hai phần, có một trình thuật, ba diễn từ và một lời cầu nguyện. Phần thứ nhất từ chương 13-16: “Đức Giêsu nói với các môn đệ”, phần thứ hai là chương 17: “Đức Giêsu ngỏ lời với Chúa Cha”. Dù tách biệt nhưng khi đọc bản văn ta thấy sự thống nhất, liên kết chặt chẽ với nhau cách hài hòa tạo nên nét phong phú trong Tin Mừng thứ tư. Bởi lẽ Đức Giêsu là trung gian của cuộc nối kết: các môn đệ – Đức Giêsu – Chúa Cha trong cuộc chia ly này: sau khi nói với các môn đệ xong, Người ngước mắt lên trời và cầu nguyện với Chúa Cha (Ga 17, 1).

III. PHÂN TÍCH CÁC Ý TƯỞNG

Ga 13-17 là một bản văn súc tích và giàu ý nghĩa thực tiễn cho những ai tin vào Đức Giêsu. Nhưng trong sự giới hạn của bản văn, chúng tôi chỉ trình bày “khủng hoảng của các môn đệ” và “giải pháp” để vượt qua những khủng hoảng ấy.

1. Khủng hoảng của các môn đệ (13-16)

1.1. Khủng hoảng đến từ bên trong nhóm các môn đệ

– Giuđa: Từ nhân vật được mệnh danh là một trong “ Nhóm Mười Hai”, nhưng Giuđa được gắn liền với cách gọi là “kẻ nộp Đức Giêsu”, đồng thời có liên hệ với quỷ (13, 2) và Xatan (13, 27). Ngoài ra, sự hiện diện (18, 3) cũng như sự vắng mặt của Giuđa trong nhóm (13, 30) cũng trở thành yếu tố gây khủng hoảng cho nhóm các môn đệ.

– Phêrô: Ông đại diện cho nhóm các môn đệ, đi từ không biết này đến không biết khác   (13, 6; 13, 8-9; 13, 36-37) và không hiểu “theo Thầy” có nghĩa là gì (13, 37). Nơi ông có sự tương phản mạnh mẽ giữa ý muốn trung tín với thầy đến sẵn sàng hy sinh mạng sống mình (13, 37) và sự thất tín với Thầy đến độ chối Thầy ba lần qua lời tiên báo của Đức Giêsu (13, 38).

– Các môn đệ: Từ sự không biết ai là người được Đức Giêsu gọi là quỷ (6, 70) mãi cho tới  13, 26 các môn đệ mới biết đó là Giuđa, nhưng các ông lại không biết ý Thầy mình nói với Giuđa      (13, 27) và không biết Giuđa đi trong đêm tối để làm gì (13, 30). Đề tài “không biết” này là yếu tố gây nên sự khủng hoảng về lòng trung tín của các môn đệ.

1.2. Khủng hoảng đến từ bên ngoài nhóm các môn đệ

“Thế gian” trong Tin mừng Gioan được hiểu theo bốn nghĩa: thế gian vũ trụ, thế gian nhân loại, thế gian không tin và thế gian thù ghét. Trên thực tế, sứ vụ của Đức Giêsu và các môn đệ gặp sự chống đối của hai thế lực. Thứ nhất là thế lực của bóng tối, đối lập với Thiên Chúa, hay còn gọi là Xatan, quỷ, ác thần và thủ lãnh của thế gian. Thế lực thứ hai là con người thuộc về thế lực đen tối: những người Do Thái, Pharisêu và các thượng tế. Nguyên nhân làm cho thế gian ghét các môn đệ là “Lời của Cha” và “sự không thuộc về” (17, 14). Các môn đệ đón nhận Lời của Cha, ẩn ý phía sau là thế gian không đón nhận Lời của Cha. Từ đó thế gian đối lập với các môn đệ và bách hại các môn đệ.

1.3. Khi Đức Giêsu về với Chúa Cha ( 14, 2-3. 18-19. 28)

Đứng trước những lời từ biệt để về với Chúa Cha của Đức Giêsu, các môn đệ bị khủng hoảng: xao xuyến, sợ hãi (14, 1. 27), buồn sầu, khóc than đến độ tràn ngập cõi lòng (16, 5-6). Bởi lẽ Đức Giêsu đã mạc khải cho các ông biết “về với Cha” có nghĩa là Người sẽ bước vào cuộc thương khó và sẽ chết trên Thập Giá. Biến cố này làm cho các môn đệ cảm thấy rơi vào tình trạng mồ côi (14, 18) và dẫn đến khủng hoảng[1].

2Khủng hoảng đức tin

Các yếu tố khủng hoảng niềm tin và lòng trung tín được mô tả qua các nhân vật Phêrô, Giuđa và  các môn đệ: “không biết” (13, 22), “chối Thầy” (13, 38), “nộp Thầy” (13, 21), “Đức Giêsu ra đi về với Chúa Cha” ( 14, 28), “thế gian thù ghét và bách hại” (15, 18) làm cho niềm tin của các môn đệ bị thử thách nặng nề. Những khó khăn đó dẫn đến nguy cơ mất niềm tin, chối bỏ đức tin, bị phân tán mỗi người mỗi ngả (16, 32)[2].

3. Giải pháp:

Trong hoàn cảnh các môn đệ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng từ nhiều phía, Đức Giêsu đã không ngừng động viên khích lệ họ để họ không cảm thấy mồ côi hay bị bỏ rơi nữa. Trước tiên, sự “ở lại” của Ba Đấng (Ga 14, 16-17. 23; 15, 4.9) là nguồn khích lệ, động viên và làm cho đức tin của các môn đệ được vững mạnh để họ đón nhận và vượt qua thử thách (16, 33), sống điều răn yêu thương và chiến thắng thế gian thù ghét. Kế đến, chính việc Đức Giêsu ban sự bình an cho các môn đệ (14, 17; 16, 33) là lúc họ được đón nhận và sống quà tặng “bình an của Đức Giêsu”. Đồng thời, Người cũng ban cho họ một niềm vui trọn vẹn (15, 11; 16, 24; 17, 13), bền bỉ vì “không ai” và “không điều gì” lấy mất được (16, 22). Sau cùng, Đấng Pa-rác-lê không chỉ ở với, ở giữa mà còn hoạt động nơi các môn đệ qua việc: giúp họ nhớ lại (14, 26; 16, 14), can đảm làm chứng và dẫn họ đi trên con đường chính Đức Giêsu đã đi (16, 13).  Qua đó, Đấng Pa-rác-lê minh chứng và làm rõ cho các môn đệ biết những thực tại mặc khải trong biến cố Đức Giêsu chết trên thập giá để họ vượt qua thử thách trong niềm xác tín. Đây cũng chính là giải pháp dành cho cộng  đoàn cuối thế kỷ thứ nhất cũng như những người đương thời trước các khủng hoảng. Họ cũng được mời gọi nhận ra thế gian thù ghét và những kẻ thờ phượng Thiên Chúa đích thực, sống hiệp thông và tuân giữ điều răn yêu thương như Đức Giêsu đã yêu (13, 34; 15, 13).  Nếu Đức Giêsu gọi các môn đệ là bạn hữu thì cộng đoàn cuối thế kỷ thứ nhất cũng như những người đương thời cũng sẽ trở thành bạn hữu của Ngài khi họ tin và đón nhận Mặc khải[3].

Hơn nữa, một giải pháp đỉnh điểm dành cho các môn đệ để gia tăng sức mạnh cho họ trước các khủng hoảng chính là lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Giêsu đã gặp chống đối và thù ghét của thế gian, nhưng sứ vụ ấy vẫn tiếp tục nơi các môn đệ của Người (17, 18). Vì Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đến thế gian nên khi hoàn thành sứ vụ, Người sai các môn đệ tiếp tục ra đi rao giảng và làm chứng để thế gian biết Chúa Cha đã sai Đức Giêsu   (17, 23). Bên cạnh đó, Đức Giêsu cũng cầu nguyện can thiệp với Cha cho các môn đệ (17, 17) và cho cả những ai tin vào lời các môn đệ rao giảng (17, 20). Lời nguyện này cũng chính là lời chuyển cầu của Đấng Phục sinh cho cộng đoàn người tin qua mọi thế hệ. Như vậy, qua mặc khải thần học quan trọng về nguồn gốc của Chúa Giêsu, các môn đệ của Người qua mọi thời đại có sứ vụ làm cho tất cả những người chưa tin nhận biết Đức Giêsu là ai để tin vào Người (17, 24-26) và trở thành môn đệ của Người. Đây cũng chính là ước muốn cuối cùng của Đức Giêsu.

Tóm lại:  Nhìn toàn bộ Tin Mừng Ga 13-17 giúp hiểu đề tài “khủng hoảng và giải pháp” trong tương quan chiều ngang và chiều dọc. Chiều ngang đề cao biến cố nền tảng “Giờ của Đức Giêsu”. Đó là giờ “yêu thương” (13, 1), giờ “hy sinh mạng sống” (15, 13). Theo đó, sự xao xuyến, buồn rầu của các môn đệ sẽ trở thành niềm vui khi họ gặp Đức Giêsu Phục Sinh. Còn chiều dọc lại nhấn mạnh “thế gian này” và “thế giới trên cao”, “sự thật mặc khải và sự thật lịch sử”. Nhìn biến cố theo quan điểm trần gian (hạ giới) thì các môn đệ đang bị thế gian thù ghét và bách hại, họ khủng hoảng, xao xuyến và sợ hãi vì Đức Giêsu sẽ bị treo trên thập giá. Theo cách nhìn từ trên cao (thượng giới), các môn đệ có bình an và niềm vui của Đức Giêsu. Và đây là những nét độc đáo của thần học Tin Mừng thứ tư. Cách đọc này cũng quan trọng vì mang tính thời sự và cho phép hiện tại hóa không ngừng tình trạng khủng hoảng của các môn đệ và những biện pháp Đức Giêsu đề ra để vượt qua[4].

IV. KẾT LUẬN

Chúng ta vừa tìm hiểu những nét khái quát về bản văn Gioan 13-17. Nội dung của bản văn thật phong phú, nhưng chung quy lại là ý tưởng “khủng hoảng niềm tin và giải pháp để giữ vững niềm tin”. Với đề tài này, Tin Mừng Gioan đã góp phần quan trọng cho độc giả qua mọi thời đại. Khi trình bày những yếu tố gây khủng hoảng trong cộng đoàn các môn đệ, bản văn cũng đồng thời gợi lên cho độc giả những yếu tố khủng hoảng đức tin ngày hôm nay. Những ai đang khủng hoảng niềm tin hay niềm tin còn mờ nhạt, thậm chí đã mất niềm tin, đều có thể tìm lại được sức sống và lòng can đảm để giữ vững niềm tin nhờ học hỏi và suy gẫm Tin Mừng Gioan: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (16, 33b). Lời khẳng định này của Đức Giêsu đã đem lại niềm vui và sự hăng say phấn khởi cho các môn đệ. Tuy nhiên, cho dù khó khăn và thử thách xảy ra ở đâu và vào thời đại nào, người tin vẫn có thể áp dụng giáo huấn của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan vào hoàn cảnh cụ thể để vượt qua, vượt lên trên khủng hoảng niềm tin và sống sự bình an của Đức Giêsu ban tặng trong việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. 

Bài cuối khóa môn học “Phương Pháp Đọc Kinh Thánh”
của các Nữ tu sinh viên Tổ 1 – năm III – Học viện Liên Dòng Thánh Tôma, niên khóa 2013 – 2014
Theo phương pháp đọc Kinh Thánh của Lm. Lê Minh Thông, OP

Dưới sự hướng dẫn của Sr. Agnès Nguyễn Thị Cảnh Tuyết, OP

___________________
[1] x. LÊ MINH THÔNG, Khủng Hoảng Và Giải Pháp, tr 109-111.
[2] x. LÊ MINH THÔNG, Khủng Hoảng Và Giải Pháp, tr 136-139.
[3] x. LÊ MINH THÔNG, Tình Bạn Và Tình Yêu Trong Gioan, tr.227-228.
[4] x. LÊ MINH THÔNG, Khủng Hoảng Và Giải Pháp, tr. 252-253. 

——————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO

LÊ MINH THÔNG, Đấng Pa-rac-lê, Thần Khí Sự Thật trong Tin Mừng Thứ Tư, nxb Tôn Giáo, 2010.
1. LÊ MINH THÔNG, Khủng Hoảng và Giải Pháp cho Các Môn Đệ trong Tin Mừng Thứ Tư, nxb Tôn Giáo, 2010.
2. LÊ MINH THÔNG, Phân Tích Thuật Chuyện và Cấu Trúc Áp Dụng vào Tin Mừng Thứ Tư, nxb Phương Đông, 2010.
3. LÊ MINH THÔNG, Tình Bạn và Tình Yêu trong Gioan, nxb Phương Đông, 2010.
4. LÊ MINH THÔNG, Tin Mừng Thứ Tư Song Ngữ Hy-lạp – Việt, Trung Tâm Học Vấn Đa-Minh, 2008.

Comments are closed.

phone-icon