Nội tâm

0

Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A

(Os 6, 3b-6; Rm 4, 18-25; Mt 9, 9-13)

Rất nhiều người thích xem phim truyện gián điệp, phản gián, mật vụ, tình báo, nội gián và nằm vùng… như phim Điệp Viên 007. Gián điệp là một nghề, một sứ vụ hay dịch vụ sống hai mặt. Họ sống như những người diễn kịch trên sân khấu. Họ nói, hành xử và sống như thế, nhưng không phải thế. Những người gián điệp luôn sống trong tư thế tỉnh thức và cảnh báo, vì công việc của họ là tìm tòi, dò hỏi và xen vào nội bộ của đối phương để lục tìm và sở hữu những tài liệu mật. Những cảm tình liên hệ chỉ là những giao tế hời hợt bên ngoài, vì lời nói không đi đôi với việc làm. Có nghĩa là họ không sống thành thật với chính mình và với người khác. Đây là một nghề khó khăn đối với lương tâm con người. Một số người được huấn luyện để đi nghe ngóng, hóng truyện và đặt bẫy lừa đảo. Đúng là lòng người sâu thẳm chẳng ai có thể đo lường. Nói chung, những người đóng vai trò gián điệp, ăn-ten, chỉ điểm…là những người sống giả tạo vì thiếu sự thành thật.

Tiên tri Osê nhận thấy tình cảm của con người đổi thay phụ bạc. Osê đã thốt lên: Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi (Os 6, 4). Khi hữu sự, con người dễ thay lòng đổi dạ. Đi tìm cái lợi và cái thú cho bản thân trước, mà không cần lường hậu qủa. Cái lợi trước mắt thường to lớn hơn ân nghĩa trong qúa khứ và phúc lộc tương lai. Thiên Chúa thấu tỏ tâm can mỗi người. Những lời nói và hình thức đối xử bên ngoài không thể thay thế cái cốt lõi bên trong tâm hồn. Người ta thường nói: Của cho không quí bằng cách cho. Tiên tri đi vào cõi tâm: Vì chưng, Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu (Os 6, 6). Hy lễ giết chiên bò thì ai cũng có thể thực hiện, nhưng tấm lòng thành kính mến yêu mới đích thực là của lễ dâng. Thiên Chúa không muốn máu chiên bò tanh hôi, nhưng muốn tình yêu chân thật.

Chúa Giêsu xuống thế để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu bảo rằng: Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu (Mt 9, 12). Đúng thế, chỉ những người yếu đau, bệnh tật mới cần đến thầy lang, y sĩ, dược sĩ và bác sĩ để được chữa lành. Thân xác vật chất là mầm mống của các thứ bệnh tật. Chẳng có thân xác nào là hoàn hảo. Sự đổi thay và phát triển của thân thể con người tùy thuộc vào rất nhiều môi trường chung quanh từ của ăn, thức uống, hơi thở, khí hậu, vận hành lưu chuyển máu huyết… Nói chung, ai cũng có bệnh, nhiều hoặc ít, nặng hoặc nhẹ và cấp tính hay mãn tính. Qua các biến chứng cụ thể của sự đau yếu thân xác, Chúa Giêsu muốn dẫn chúng ta đi sâu hơn một bước tìm căn bệnh, đó là tâm bệnh, bệnh của linh hồn. Bệnh nội tâm. Nội tâm của con người sâu lắng vô bờ, chẳng ai thấu tỏ. Đôi khi, chính mình cũng chẳng hiểu rõ mình.

Cùng tư tưởng của tiên tri Osê diễn tả về tình yêu của Thiên Chúa, Chúa Giêsu chỉ dậy những người nghe giảng dậy: Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng kêu gọi người tội lỗi (Mt 9, 13). Chúa đến để kêu gọi và cứu chữa những người tội lỗi. Tội lỗi là những thói hư tật xấu cả trong tư tưởng, lời nói, việc làm và thiếu xót trong đời sống. Tội lỗi thuộc về tâm bệnh. Tội lỗi là đánh mất đi sự công chính, là xa lạc vào đêm tối, là lỗi phạm các giới răn và là sự ung nhọt của tâm hồn. Chúa Giêsu muốn cứu chữa, tẩy sạch, đổi mới tâm tư và ban ơn cứu độ. Có nhiều người tự hào mình là người đạo đức, thanh sạch và công chính trước mặt người đời, nhưng chúng ta biết rằng trước mặt Chúa, tất cả mọi người đều yếu đuối lỗi lầm. Vì tội lỗi đưa dẫn chúng ta vào con đường hủy diệt và sự chết. Chúng ta rất cần ơn Chúa cứu độ.

Chúa muốn lòng nhân từ vì Chúa là Đấng nhân từ vô cùng. Con người tuy là đồng loại, nhưng thường hay đoán xét và kết án lẫn nhau. Vì nhiều người chỉ dựa vào cái vẻ bề ngoài, danh quyền và chức vị để phân xử và kết án kẻ khác. Chức quyền không làm cho con người đứng trên lề luật lương tâm. Mỗi người, dù trong chức vị nào, cũng đều phải tự vấn lương tâm trước mặt Chúa để soi mình. Không ai là vô tội cả. Chúng ta thường đấm ngực xưng thú: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Chúng ta có thể cùng nhau đọc ruổi Kinh Cáo Mình nhiều lần, mà cũng chẳng cảm thấy ái ngại hay áy náy lo âu. Nhưng nếu có một người khác chỉ mặt chúng ta và nói rằng ông, bà, anh hay chị có tội và có lỗi thì chúng ta lập tức phản ứng chối bỏ, khó chịu và biện minh bằng mọi cách. Chúng ta sợ không dám đối diện thực sự với lòng mình. Luôn nghĩ mình là người tốt lành và đơn sơ vô tội. Chúa thấu rõ tâm can mỗi người và Chúa vẫn luôn độ lượng đón nhận những tấm lòng tan nát khiêm cung.

Thực tế cuộc sống, ai trong chúng ta cũng có lúc phải đóng kịch trong giao tế. Đây không hẳn là sự giả dối, nhưng đôi khi là sự nhập gia tùy tục và nhập giang tùy khúc. Thích ứng cuộc sống cho phải đạo, giống như ở bầu thì tròn và ở ống thì dài. Đôi khi người ta không lừa dối nhau, nhưng cũng có khi gây cớ hiểu lầm. Việc này thì vô thưởng vô phạt, vì cuộc sống xã hội có muôn mầu. Chúng ta rất khó để nhận xét và phán đoán một cách chính xác về người khác. Vì thế, sự hiểu lầm và lầm lẫn vẫn cứ xảy ra trong giao tế hằng ngày. Người ta thường nói khôn chết, dại chết và biết thì sống. Con người đối xử với nhau đôi khi chỉ bằng mặt, chứ không bằng lòng. Có khi khẩu phật tâm xà. Ai mà biết được. Sống chung với nhau đừng khôn lỏi và đừng khi nào lợi dụng hay lạm dụng tình nghĩa bạn bè để phản bội nhau.

Chúa Giêsu đến cư ngụ giữa loài người. Chúa đã hòa đồng và cùng ngồi chung bàn với các người thu thuế và tội lỗi. Những người tự cho mình là công chính thì cảm thấy khó chịu và ghen tị. Chúa Giêsu đến để kêu gọi và cứu chữa những người lầm lạc. Người đời thường xa tránh và khinh bỉ những người bị xem là tội lỗi. Họ bị coi như cặn bã của xã hội. Biết thân phận tội lỗi của mình, nên họ ít dám lên tiếng dạy đời. Người tội lỗi chỉ biết im lặng, cúi đầu và đứng xa xa, giống hình ảnh người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện. Chúa đứng về phía những người yếu thế cô thân và những người có lòng khiêm hạ, yếu đuối và tội lỗi. Chúa muốn bênh vực và cứu vớt họ, vì nhìn thấy trong tâm hồn của họ vẫn có nhiều điểm tốt.

Thánh Phaolô đã nhắc nhớ đến lòng tin của tổ phụ Abraham. Ông luôn vững tin vào lời giao ước của Chúa và đã bước đi trong đường lối Chúa cho đến cùng. Chúa đã chúc phúc cho dòng dõi con cháu đến ngàn đời: Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa, trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa (Rm 4, 20). Đức tin là nhân đức đối thần, trực tiếp qui về Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã phán rằng nếu các con có đức tin, dù bé nhỏ như hạt cải, cũng có thể khiến đá dời non. Tin là bước đi trong đêm tối của niềm cậy trông. Tâm hồn luôn hướng về Chúa trong sự tin tưởng phó thác hoàn toàn. Abraham là tổ phụ: Ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Ngài đã hứa. Bởi đấy, việc đó đã được kể cho ông là sự công chính (Rm 4, 12-22). Abraham đã trở thành tổ phụ của dân Do-thái và cha của các kẻ tin. Người đạo Hồi Giáo cũng xưng nhận và tôn kính Abraham là tổ phụ của dòng dõi được tuyển chọn.

Lạy Chúa, Chúa không nhìn dáng mạo, vẻ mặt xuất hiện bên ngoài, nhưng Chúa thấu tỏ tâm can của từng người. Xin cho chúng con biết sống chân thật với lòng để nhận biết thân phận yếu hèn và tội lỗi. Xin Chúa dủ lòng thương xót chữa lành tâm hồn thể xác chúng con, để chúng con cùng được chung hưởng hạnh phúc mà Chúa đã hứa ban.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Comments are closed.

phone-icon