Truyền giáo bằng cách giới thiệu tin mừng hòa bình

0

– Một thực tại, nhiều tên gọi: Chúng ta có thể không nắm bắt được trực tiếp sự cứu độ, nhưng có thể phát hiện ra điều ấy dựa vào những kết quả mà ơn cứu độ đem đến cho con người. Chẳng hạn như “hạnh phúc” (“Phúc cho mắt nào khi được trông thấy điều anh em đang thấy, nghe điều anh em đang nghe”: Lc 10,23-24), “vui mừng” (‘Anh em chớ vui mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”: Lc 10,20), “được khỏe mạnh và giải thoát” (‘Lời ấy là thế nào ? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất !” : Lc 4,36), “không thể không tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa” (‘Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa’: Lc 5,26), “hưởng niềm vui với Thiên Chúa” (‘hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh’: Mt 25,21), “bình an” (‘Thầy để lại bình an cho anh em’: Ga 14,27)… Ngay từ khi được thành lập, Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình đã ưu tiên chọn cách hiểu sự cứu độ do Đức Kitô mang lại là hòa bình. Có thể vì hoàn cảnh xã hội lúc ấy tại địa phương là một hoàn cảnh thiếu thốn hòa bình trầm trọng khiến ai ai cũng khao khát hòa bình: thiếu hòa bình về chính trị do xung đột giữa các phe đảng, thiếu hòa bình về kinh tế, văn hóa và xã hội do những khác biệt có hại giữa các sắc tộc và các giai cấp, thiếu hòa bình cả về tôn giáo giữa các tôn giáo khác nhau đang có mặt và sẽ có mặt tại đó… Nhưng cũng có thể vì hòa bình vẫn luôn luôn là điều hiếm thấy trong suốt dòng lịch sử nhân loại, trở thành nỗi khát khao khôn nguôi của tất cả mọi người, mọi dân, mọi nước. Hay vì theo phân tích tâm lý học vả xã hội học, hòa bình vừa là tiền đề cho tất cả mọi điều tốt (phải có hòa bình thì mới phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị…) vừa là kết quả của mọi việc làm (kết quả trông thấy trước tiên của bất cứ nỗ lực nào là sự hài hòa và bình an giữa mọi cá nhân và xã hội…).

– Tuy nhiên, chính công đồng Vatican II đã thay mặt Giáo Hội nhận xét hòa bình mà chúng ta muốn nói tới ở đây “không phải chỉ là tình trạng không có chiến tranh, cũng không phải chỉ là kết quả của sự cân bằng giữa các lực lượng đối kháng nhau, cũng không phải chỉ là tình trạng yên tĩnh không bạo loạn của một xã hội đang sống dưới một chế độ độc tài”: MV 78). Ở cấp độ cá nhân hay các cộng đoàn nhỏ, hòa bình không phải chỉ là tình trạng ai nấy đều hài lòng với cuộc sống đang có, ai nấy đều muốn “dĩ hòa vi quý”, càng không phải tình trạng không can thiệp nhau hay “đèn nhà ai nấy rạng”, và càng không phải là tình trạng chẳng ai muốn góp ý hay phản đối vì sợ…. Chính vì vậy, sau khi hứa ban bình an cho Giáo Hội, Đức Giêsu đã minh định ngay : “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27).

– Thật vậy, không chỉ trước khi chiến thắng dứt khoát Xatan với các tay sai của nó là cái chết và tội lỗi, mà cả sau khi đã phục sinh khải hoàn, Đức Kitô đã ban cho nhân loại một sự bình an khá đặc biệt. Bình an, mặc dù không chỉ trước mà cả sau khi Đức Kitô đã khuất phục sự chết, các tông đồ và môn đệ Đức Giêsu vẫn bị thế gian bóc lột, tấn công, bắt bớ, giam cầm và thậm chí giết chết. Bình an, mặc dù không chỉ bị quấy nhiễu từ bên ngoài mà cả trong chính nội bộ Giáo Hội. Nào là chia rẽ giữa hai nhóm: kitô hữu gốc Do Thái và kitô hữu gốc ngoại, hoặc kitô hữu gốc Do Thái bản hương và kitô hữu gốc Do Thái ngoại quốc. Nào là chia rẽ về cách giải thích đức tin và đời sống đức tin: phe đề cao sự hiện thực của mầu nhiệm Nhập Thể, phe giản lược mầu nhiệm ấy thành sự nhập thể giả tạo (thuyết Ảo thân), phe đề cao thần tính Đức Giêsu, phe hạ thấp thần tính ấy thành một nhân tính cao cấp thôi (phe Ariô), phe chủ trương phải có khả năng và thực hành suy tư thuần lý mới dược cứu độ (phe ngộ đạo), phe chỉ đòi tham gia phụng vụ – nghe theo giáo huấn của các tông đồ và đoàn kết là đủ là kitô hữu… Luôn luôn bình an, bất kể mọi người, mọi sự và mọi hoàn cảnh thế nào.

– Nếu vậy, bình an còn là một điều gì xa hơn nữa; bình an chính là sống sự sống của Thiên Chúa (có thể chưa trọn vẹn bao lâu còn sống trên đời này, nhưng đã có những nét, những hướng và những nền tảng của sự sống ấy); bình an chính là sống theo tinh thần của Đức Kitô (bắt chước những suy nghĩ, tình cảm, phản ứng và hành động của Đức Giêsu); bình an chính là sống không theo những thôi thúc tự nhiên hay suy nghĩ của con người mà là sống theo những soi sáng cao thượng và thúc đẩy rộng rãi của Thánh Thần … Nếu vậy, bình an không thể chỉ là kết quả phấn đấu của con người, mà trước tiên và chủ yếu là ân huệ của thời cuối cùng do Thiên Chúa ban cho. Bình an là chính Thiên Chúa hiến tặng cho chúng ta như món quà lớn nhất của thời cuối cùng và như món quà căn bản của thời kỳ mới.

Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành

Comments are closed.

phone-icon