Lắng nghe để thấu hiểu

0

Lắng nghe

“Ba mẹ không hiểu con!”, “Sao con không hiểu nỗi lòng của cha mẹ?”… Trong cuộc sống, rất nhiều lần chúng ta bắt gặp những phiền trách này, và nó chính là nguyên nhân để những con tim lỗi nhịp. Con tim yêu thương trước tiên phải là con tim thấu hiểu. Nhưng cũng đúng khi nói, con tim để thấu hiểu cần phải biết yêu thương!

Tuy nhiên, con đường dẫn đến thấu hiểu lại hoàn toàn khác. Con đường ấy là “Lắng nghe”.

Hai con chim sẻ

Hai con chim sẻ có cùng mục đích tận hưởng khí trời trong lành, chúng đậu trên cùng một cây ô-liu. Một con thì đậu tận trên ngọn cây, con còn lại đậu trên một cành thấp hơn. Để bắt chuyện, con chim sẻ trên cao nói: “Cậu xem này, những chiếc lá màu xanh mới đẹp làm sao chứ!”.

Tưởng con chim kia khiêu khích, con chim sẻ đậu phía dưới trả lòi cách cứng cỏi: “Bạn cận thị à? Xem kỹ lại đi: Những chiếc lá màu trắng chứ xanh gì!”

Con chim sẻ phía trên nóng nảy đáp: “Bạn cận thị mới đúng! Chúng màu xanh!

Con ở dưới cong mỏ cãi: ”Nó màu trắng. Rõ ràng thế. Đồ “mát” không biết thì im đi!w’.

Sôi máu, con chim phía trên liền bay ngay xuống, định cho con kia một bài học. Nhưng đối thủ của nó chẳng hề nhúc nhích. Khi cả hai gần như đối diện nhau, chúng xù bộ lông lên dọa nạt nhau, vẻ hung tợn. Trước khi lao vào nhau, chúng nhìn nhau gườm gườm. Chợt con chim sẻ từ trên cao thốt lên ngạc nhiên: “ừ, lạ chưa này. Những chiếc lá màu trắng! Rồi quay sang con chim sẻ bạn, nó nói: “Bạn cũng hãy thử bay lên chỗ mình đậu hồi nãy xem sao”.

Chúng cùng bay lên cành ô-liu phía trên ngọn. Từ trên cao nhìn xuống, cả hai con chim sẻ đồng thanh: “Đúng là những chiếc lá màu xanh”.
Tận lúc này chúng mới phát hiện ra sự thật: Mặt trên lá ô-liu có màu xanh, còn mặt dưới màu trắng!

Thật không khó để nhận ra rằng những đau khổ của con người, dù lớn hay nhỏ, đều khơi nguồn từ cái gọi là “không hiểu”. Sự thấu hiểu trước tiên là một thái độ của lý trí, là hoa trái của ý chí, và là một trong những từ ý nghĩa nhất của động từ yêu.

Thấu hiểu trong cuộc sống

Trong đời sống gia đình, nỗ lực lớn nhất của cha mẹ là tạo ra được một nền văn hóa của sự thấu hiểu.

Tương quan gia đình không thể sâu xa và có tính xây dựng nếu không có một sự thấu hiểu thực sự. Những người gây ra những lỗi lầm với con cái, với người bạn đời hay với người thân trong gia đình không phải vì họ xấu bụng. Đơn giản chỉ là họ không có đủ sức để thực sự thấu hiểu những con người đó. Tâm hồn họ mù chữ nên không đọc được tâm hồn người khác, họ cần thay đổi lối suy tư và nhìn nhận vấn đề của mình.Thông thường chúng ta cho rằng nếu có hai người không đồng thuận với nhau, thì một trong hai người là có lý còn người kia thì không. Ngược lại, thường thì cả hai đều có lý, tuy nhiên mỗi người đều đứng ở một góc nhìn, quan điểm của mình, giống như hai con chim sẻ nọ.

Thấu hiểu có nghĩa là không xét đoán. Ai xét đoán, rõ ràng người ấy chỉ muốn bảo vệ mình, ngược lại với việc đối chiếu mình với người nào đó, xét đoán tức là vui thích để dán nhãn cho người khác. Vấn đề là khi người ta xét đoán, người ta liền dán nhãn, và kết thúc bằng việc giải thích mọi sự theo mô hình “tiền xét đoán”, còn gọi là thành kiến. Chẳng hạn, khi người cha cho rằng cậu con trai mình là kẻ chây lười, thì mọi đánh giá, xét đoán của ông đều được nhìn qua lăng kính này. Thái độ này nơi người cha dễ dàng gây ra sự tổn thương nơi cậu con.

Kết quả đầu tiên của ý muốn thấu hiểu thực sự là tín nhiệm.

Cần thấu hiểu trước khi được thấu hiểu.

Nếu ta không thực sự hiểu người khác thì chẳng bao giờ chúng ta biết đâu là những thứ đáng giá đối với họ. Tất cả phỏng đoán chỉ là sự phóng chiếu chính cảm xúc của mình lên người khác. Cả với điều quan trọng chúng ta cũng thường nghĩ: Nếu đây là điều quan trọng đối với mình thì hẳn cũng phải là điều quan trọng đối với người khác. Nhưng không phải thế, ta cần nhớ: Nếu ai đó thực sự muốn giúp con cái mình thì hãy đi vào trong thế giới của em, vì mỗi con người là duy nhất, mỗi người cần được yêu theo lối riêng của họ. Do đó, cần phải thấu hiểu và nói bằng ngôn ngữ tình yêu của tha nhân.

Để thấu hiểu cần phải học biết kiểm soát mình. Tâm trạng xấu, sự căng thẳng, lòng thù hận, sự giận dữ, lòng ghen ghét và nhất là đòi phải có lý với bất cứ giá nào đã làm cho mọi sự trở nên phức tạp. Xúc cảm mạnh giống như cái phễu lọc để người ta thốt ra những lời không cân nhắc, hoặc để lọc những gì con cái nói.

Sự thấu hiểu nảy sinh từ việc lắng nghe.

Chỉ có con cái là những người duy nhất có khả năng cung cấp những thông tin. Và chỉ có cách thức duy nhất để nhận được những thông tin này là lắng nghe cách chăm chú. Khi chúng ta bận rộn hay chia trí, hầu như chúng ta không hiểu được những gì mà trẻ đang nói. Một vài nghiên cứu cho thấy là các phụ huynh chỉ nghe hiểu được một phần tư những gì con cái tỏ bày.

Để lắng nghe thực sự cần học biết dịch thuật. Đây là khoảnh khắc đầu tiên của cái mà người ta gọi là sự lắng nghe “đồng cảm”. Để nhận được một sự hài hòa thực sự cần có một yếu tố đắt giá được gọi là đồng cảm. Đồng cảm phải là “hàng chuyên nghiệp” của cha mẹ. Đó là hình thái của “việc cảm nhận tha nhân ở bên trong ta”, như cảm nhận một bản nhạc du dương. Cảm nhận này được gọi là hiệu ứng “Ky-rê-nê”, gợi lại câu chuyện ông Si-môn người Ky-rê-nê đã vác đỡ thập giá cho Chúa Giê- su khi Ngài trên đường chịu khổ hình. Đây cũng là chiến thuật trong đó cha mẹ mang trên mình gánh nặng của người con, dám quên bản thân để đảm nhận sự bất hạnh của con cái trong cuộc đời.

Sự thấu hiểu có khả năng sáng tạo.

Sự thấu hiểu sẽ tạo nên một sự biến đổi trong nhân cách con cái. Nó đánh thức “con người tư duy” trong trí não con cái, soi sáng điều mà con cái nhận thấy nhưng không biết diễn tả. Và khi trải nghiệm, chính họ sẽ thốt lên trong lòng biết ơn: “Đúng là như thế đấy!”. Nếu cha mẹ nói: “Ngày xưa, ba mẹ cũng thế” thì sẽ tạo nên được một sự hài hòa, đồng cảm hoàn toàn. Như thế, tương quan giữa cha mẹ và con cái không phải là sự tỉ thí, mà là những đồng minh và là thành phần đóng góp cho thiện ích xã hội, Giáo hội.

Điều cha mẹ cần nhớ là câu cuối cùng của một cuộc gặp gỡ phải là sự khích lệ, động viên và làm cho con cái can đảm hơn.

SPERANZA
Trích chuyên đề Don Bosco, số 35

Comments are closed.

phone-icon