Dù trong thời đại đề cao chủ nghĩa cá nhân như hôm nay, người ta vẫn không thể không công nhận giá trị của tập thể, của cộng đoàn. Bởi vì mỗi con người chúng ta là một cá thể nhỏ bé, rất nhỏ bé so với thế giới, so với vũ trụ. Do đó chúng ta không thể hiện hữu mà không cần đến người khác. Dù giỏi mấy chăng nữa chúng ta cũng không thể giải quyết hoàn hảo mọi vấn đề, mọi công việc trong cuộc sống của mình.
Chính vì thế, sự sống chung, làm việc chung của một tập thể luôn là điều cần thiết. Ở đây xin được nói đến linh đạo của một dòng tu mang đậm nét cộng đoàn, đó là nếp sống Đa Minh. Thật vậy, nói đến Đa Minh, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là: Giảng thuyết, Học hành và Đời sống cộng đoàn. Chất kết dính để hình thành nên cộng đoàn đó là sự hiệp thông. Không có hiệp thông mỗi thành viên trong nhóm tựa hồ những viên đá sỏi nằm sát cạnh nhau, chồng chất lên nhau thành một khối, nhưng không thể liên kết với nhau và dễ dàng bị phá đổ, bị phân tán. Ở nơi đó người ta không thể tìm được cái chung, sự thống nhất, sự hoà hợp.
Đời tu là bước theo tiếng gọi của Chúa. Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta bắt gặp một cộng đoàn hoàn hảo, hiệp thông đến độ nên một. Ba Ngôi là Một Chúa; Một Chúa Ba Ngôi. Chính tình yêu dâng hiến trọn vẹn đã làm nên điều kỳ diệu này. Tình yêu là chất liệu tạo nên sự hiệp thông-hiệp nhất. Còn hiệp nhất lại là yếu tố căn bản để duy trì cộng đoàn. Từ mẫu gương tuyệt hảo nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, cộng đoàn tu Đa Minh cũng muốn diễn tả cho nhân loại điều con người có thể làm được, đó là việc nên một trong tình huynh đệ cộng đoàn. Thật sự cộng đoàn tu trì không nhằm để duy trì, hay phát triển kinh tế, nhân sự… mà tiên vàn là muốn trở nên giống Thiên Chúa, trong đời sống yêu thương hiến mình cho Thiên Chúa qua việc hiến mình sống cùng anh chị em để phục vụ tha nhân. Nhưng chính khi sống chủ đích dâng hiến cho Thiên Chúa và cho nhau như thế cộng đoàn lại làm nên sức mạnh về công việc, về nhân sự, về tài năng..
Thật vậy, như câu chuyện ngụ ngôn về bó đũa: Người cha rút từng chiếc đũa cho các con bẻ, họ làm được dễ dàng. Nhưng khi người cha đưa cả bó đũa thì không người con nào có thể bẻ được. Sức mạnh của cộng đoàn là vậy, rất bình thường nhưng cũng rất phi thường. Bởi vì sức mạnh của cộng đoàn được tạo thành bởi sự hợp quần của những cá thể nhỏ bé, bình thường, nhưng khi liên kết lại, sức mạnh ấy thật là vĩ đại. Có thể trong cộng đoàn không có cá nhân nào đặc sắc hay nổi trội, nhưng khi cả cộng đoàn hỗ trợ nhau thì không khó khăn nào mà không thể vượt qua.
Hiệp thông là điều mỗi cộng đoàn chúng ta khao khát đạt tới, nhưng con đường đến sự hiệp thông lại là con đường của nhiều nỗi đớn đau. Những thành viên trẻ trong cộng đoàn tu trì phần nhiều cảm được điều này. Hạnh phúc của đời tu nằm ở đời sống cộng đoàn, nhưng đôi khi điều tệ hại nhất cũng là nơi cộng đoàn. Vì sao vậy? Vì mỗi chúng ta là một chủ thể độc lập, trong khi đời sống cộng đoàn lại đòi phải lệ thuộc vào nhau. Chính vì mâu thuẫn này mà làm cho chúng ta phải đau khổ. Tuy nhiên, chính sự đau khổ này mới làm nên giá trị hiệp nhất cộng đoàn. Khi chấp nhận đau khổ tôi mới hiểu rõ nỗi đau của người khác khi phải chấp nhận tôi.
Để thực hiện điều này không phải là đơn giản, nhưng cũng không hẳn là không thể. Bỏi chúng ta có một thế lực phù trợ, đó là tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là một mẫu gương đồng thời cũng là một nguồn trợ lực để thực hiện sự hợp nhất. Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta : “Xin làm cho họ nên một như chúng ta là một” (Ga 17, 22)
Vậy, nếu mỗi cộng đoàn chúng ta biết kín múc nơi nguồn mạch Thiên Chúa, biết hướng tới sự hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi như một đích điểm, biết quy tụ quanh tâm điểm là chính Đức Giêsu Kitô, thì chắc chắn đời sống cộng đoàn sẽ toả ánh sáng tình yêu, cộng đoàn chúng ta là một cộng đoàn hiệp nhất, là nơi Thiên Chúa yêu thích và ngự trị.
Sr. Maria Bảo Nhu