Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong đêm canh thức vọng CN kính LTX

0

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

trong đêm canh thức vọng CN kính Lòng Thương Xót 02.04.2016

“Lòng Thương Xót có biết bao nhiêu là khuôn mặt!”

9

Anh chị em thân mến,

Tràn ngập niềm vui và niềm biết ơn, chúng ta hãy cùng nhau cử hành giây phút cầu nguyện này. Đây là giây phút sẽ dẫn chúng ta vào trong ngày Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngày Chúa Nhật này là một niềm mong ước lớn của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II mà cách nay đúng 11 năm, tức năm 2005, Ngài đã rời bỏ chúng ta; Ngài muốn có ngày này để thực hiện lời yêu cầu của Thánh Faustyna. Những chứng tá đã được thể hiện – mà chúng ta tạ ơn Chúa vì những chứng tá đó -, và những Bài Đọc mà chúng ta vừa nghe, chính là một tia sáng và là một tia hy vọng để bước vào trong đại dương Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Lòng Thương Xót của Ngài có bao nhiêu khuôn mặt mà với những khuôn mặt ấy, Ngài đã và đang đến với chúng ta? Thực sự là rất nhiều; việc mô tả tất cả các khuôn mặt đó là điều không thể, vì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thường xuyên phát triển và lớn lên. Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt trong việc diễn tả Lòng Thương Xót ấy, và chúng ta đừng bao giờ nên lấy làm quen với việc đón nhận, tìm kiếm và khát khao Lòng Thương Xót ấy. Nó là một cái gì đó luôn luôn mới mẻ, nó luôn gây ra sự ngỡ ngàng và sự sửng sốt kinh ngạc, khi chúng ta thấy được khả năng to lớn trong việc giầu sức sáng tạo của Thiên Chúa, khi Ngài đến cùng chúng ta với Tình Yêu của Ngài.

Thiên Chúa đã mạc khải chính bản thân Ngài và đã nhiều lần công bố tên gọi của Ngài, và tên gọi đó chính là “Lòng Thương Xót” (xc. Xh 34,6). Nếu như bản tính của Thiên Chúa thật vĩ đại và khôn cùng như thế nào thì Lòng Thương Xót của Ngài cũng vĩ đại và khôn cùng dường ấy, đến độ việc mô tả Lòng Thương Xót trong tất cả mọi khía cạnh của nó có vẻ như là một sự liều lĩnh không tưởng. Nếu chúng ta đọc những trang Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy rằng, Lòng Thương Xót trước tiên là sự gần gũi của Thiên Chúa đối với dân của Ngài. Đó là một sự gần gũi mà nó biểu lộ và tỏ bày một cách đặc biệt như là sự trợ giúp và bảo vệ. Đó là sự gần gũi của một người Cha và của một người Mẹ, nó được phản ánh trong hình ảnh tuyệt vời của Ngôn Sứ Hô-sê. Vị ngôn Sứ này nói rằng:

“Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng.
Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má ;
Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,4).

Đó là cái ôm của một người Cha và của một người Mẹ với đứa con thơ của mình. Hình ảnh trên có sức diễn tả rất mạnh mẽ: Thiên Chúa ôm lấy từng người một trong chúng ta và giơ chúng ta lên tận gò má của Ngài. Biết bao nhiêu là sự trìu mến được cất giấu trong hình ảnh đó; biết bao nhiêu là Tình Yêu được diễn tả ở đó! Đó là sự trìu mến: một giá trị thường hay bị lãng quên – và thế giới ngày nay cũng như tất cả chúng ta đều cần tới nó. Cha đã suy tư về lời Tiên Tri này khi Cha nhìn thấy Lô-gô của Năm Thánh. Chúa Giê-su không chỉ mang nhân loại trên đôi vai của Ngài, nhưng gò má của Ngài còn áp sát vào má của A-đam, đến độ như cả hai khuôn mặt đã trở thành một.

Chúng ta không có một vị Thiên Chúa, mà vị ấy không có khả năng hiểu chúng ta, không có khả năng đồng cảm với những nỗi yếu nhược của chúng ta (xc. Dt 4,15). Nhưng trái lại, chúng ta có một Thiên Chúa, Đấng hiểu và cảm thông với những nỗi yếu hèn của chúng ta! Chính vì Lòng Thương Xót của Ngài mà Thiên Chúa đã trở thành một trong chúng ta: “Trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài, có thể gọi được là, Con Thiên Chúa đã kết hợp với từng người một trong chúng ta. Ngài đã lao động bằng đôi tay nhân loại, đã suy nghĩ bằng khối óc con người, đã hành động bằng ý chí nhân loại, đã yêu thương bằng một con tim nhân loại. Được sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria, trong thực tế, Ngài đã trở thành một người trong chúng ta, và đã trở nên giống chúng ta trong tất cả mọi sự ngoại trừ tội lỗi” (Gaudium et spes, 22). Vì thế, trong Chúa Giê-su, chúng ta không những chỉ có thể đụng chạm tới được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha với đôi tay, nhưng chúng ta còn được khích lệ để trở nên một khí cụ của Lòng Thương Xót. Việc nói về Lòng Thương Xót có lẽ là điều khá dễ, nhưng việc làm chứng một cách cụ thể cho lòng Thương Xót thì lại không dễ dàng chút nào, nó đòi hỏi rất nhiều khó nhọc. Đó là một con đường kéo dài suốt cả cuộc đời và không được phép biết tới sự ứ đọng. Chúa Giê-su đã nói với chúng ta rằng, chúng ta phải trở nên “nhân hậu như Thiên Chúa Cha” (xc. Lc 6,36).

Vì thế, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa có biết bao nhiêu là khuôn mặt! Lòng Thương Xót ấy được công bố cho chúng ta như là sự gần gũi và sự trìu mến, nhưng nhờ thế nó cũng được công bố như là sự đồng cảm và sự tham dự, như là niềm an ủi và thứ tha. Ai càng đón nhận được nhiều Lòng Xót Thương thì người ấy càng được kêu gọi hãy giới thiệu và hãy công bố Lòng Thương Xót ấy; người ta không thể giấu giếm Lòng Thương Xót ấy, cũng không được phép giữ nó lại cho chính mình. Lòng Thương Xót là một cái gì đó đốt cháy con tim và khơi lên Tình Yêu, nếu chúng ta nhận ra dung nhan của Chúa Giê-su Ki-tô, đặc biệt là trong những người đang bị vứt bỏ, những người yếu đuối, những người cô đơn, những người bị gây sợ hãi và những người bị loại trừ. Lòng Thương Xót không đứng trong sự trì trệ: nó lên đường để kiếm tìm con chiên bị lạc, và khi nó tái tìm thấy con chiên đó, nó sẽ thể hiện một niềm vui có khả năng lan tỏa. Lòng Thương Xót sẽ hiểu để nhìn mỗi người trong cặp mắt; đối với Lòng Thương Xót, bất cứ ai cũng đầy giá trị, vì mỗi người đều là một người duy nhất. Chúng ta sẽ cảm thấy biết bao nhiêu là nỗi khổ trong lòng khi chúng ta nghe thấy người ta nói rằng: “Những người này… những người kia, và những gã nọ, đã bị chúng ta đẩy ra, chúng ta đã bắt buộc họ phải ngủ trên đường…” Điều ấy có đến từ Chúa Giê-su không?

Anh chị em thân mến, Lòng Thương Xót không bao giờ được phép làm cho chúng ta đứng lỳ ra đó. Tình Yêu của Chúa Ki-tô sẽ vẫn luôn còn “gây băn khoăn lo lắng” cho chúng ta cho tới bao lâu chúng ta chưa đạt tới được đích; Tình Yêu ấy thôi thúc chúng ta ôm ghì lấy tất cả những ai đang cần tới Lòng Thương Xót, ôm chặt lấy họ để chia sẻ với họ và tạo điều kiện cho họ để tất cả đều được giao hòa với Thiên Chúa Cha (xc. 2Cor 5,14-20). Chúng ta không được phép sợ hãi. Đó là một Tình Yêu đến được với chúng ta và làm cho chúng ta tham dự vào cuộc sống của người khác đến độ chúng ta đi ra khỏi chính mình hầu tự cho phép mình nhận ra dung nhan của Thiên Chúa trong những người anh chị em. Chúng ta hãy ngoan ngùy để cho mình được dẫn dắt bởi Tình Yêu ấy, và nhờ thế chúng ta sẽ trở nên nhân hậu như Thiên Chúa Cha.

Chúng ta đã nghe thấy trong bài Tin Mừng: Tô-ma là một kẻ cứng đầu. Ông đã không tin. Và ông đã đến thẳng với Đức Tin khi ông đụng vào các vết thương của Chúa. Một Đức Tin mà không thể đặt mình vào trong những vết thương của Chúa, thì đó không phải là Đức Tin! Một Đức Tin mà không thể trở nên nhân hậu, như những vết thương của Chúa chính là một dấu chỉ của Lòng Thương Xót, thì đó cũng không phải là Đức Tin: nó là một ý tưởng, một ý thức hệ. Đức Tin của chúng ta đã trở thành xác thể trong một Thiên Chúa, Đấng đã trở thành xác phàm, Đấng đã trở thành kẻ mang tội, Đấng bị gây thương tích vì chúng ta. Nhưng nếu chúng ta muốn tin và muốn có Đức Tin một cách nghiêm túc, thì chúng ta phải đến gần hơn để đụng tới được những vết thương ấy, chúng ta phải mơn trớn những vết thương ấy, cũng như phải cúi đầu xuống và cho phép người khác mơn trớn những vết thương của chúng ta.

Vì thế, sẽ thật là tốt nếu Chúa Thánh Thần điều khiển những bước đi của chúng ta: Ngài chính là Tình Yêu, Ngài cũng là Lòng Thương Xót, mà Lòng Thương Xót ấy lan tỏa từ trong con tim chúng ta ra bên ngoài. Chúng ta đừng đặt ra những rào cản cho hành động ban tặng sự sống của Ngài, nhưng hãy đi theo Ngài cách ngoan ngoãn trên con đường mà Ngài chỉ cho chúng ta. Chúng ta hãy giữ cho con tim của mình luôn ở trong tình trạng mở ra, để Chúa Thánh Thần có thể biến đổi nó, và như thế, sau khi chúng ta đã nhận lãnh ơn tha thứ và đã được hòa giải, khi chúng ta được dìm vào trong những vết thương của Chúa, chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân của niềm vui mà nó phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, Đấng sống giữa chúng ta.

* Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến,

Cách nay không lâu, khi Cha nói chuyện với các nhà lãnh đạo của tổ chức cứu trợ Caritas, một ý tưởng sau đây đã đến với Cha và Cha đã suy nghĩ: “Cha sẽ nhắc tới ý tưởng ấy vào hôm thứ Bảy này tại quảng trường Thánh Phê-rô.” Thật là tuyệt vời biết bao, nếu trong bất cứ Giáo phận nào cũng có một công trình của Lòng Thương Xót, giống như một sự tưởng nhớ, mà chúng ta gọi nó là “Tượng đài kỷ niệm” Năm Thánh Lòng Thương Xót: một bệnh viện, hay một nhà hữu dưỡng, một trại mồ côi, một trường học, và một ngôi nhà – nếu ở đâu chưa có – để hội nhập những người nghiện ma túy… Người ta có thể làm nhiều việc… Thật là tuyệt vời biết chừng nào nếu mỗi Giáo phận đều suy nghĩ về điều này: Tôi có thể để lại cái gì với tư cách là sự tưởng nhớ sống động, với tư cách là một công trình của Lòng Thương Xót sống động, với tư cách là những vết thương của Chúa Giê-su hằng sống cho Năm Thánh Lòng Thương Xót này? Chúng ta hãy ngẫm nghĩ cho kỹ về điều đó, và chúng ta hãy nói về điều đó với các Đức Giám Mục. Xin cám ơn.

Quảng Trường Thánh Phê-rô tối thứ Bảy, vọng Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, mồng 02 tháng 04 năm 2016

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon