Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót 03.04.2016

0

Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

trong Thánh Lễ Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót 03.04.2016

7

Anh chị em thân mến,

“Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép lại trong sách này” (Ga 20,30). Tin Mừng chính là một cuốn sách nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà cuốn sách ấy phải luôn được đọc đi đọc lại. Vì tất cả những gì Chúa Giê-su đã nói và đã làm, đều là sự diễn tả về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Nhưng không phải tất cả đều đã được viết ra: Tin Mừng về Lòng Thương Xót luôn là một cuốn sách mở, mà trong đó, các dấu chỉ của những môn đệ Chúa Ki-tô – những việc làm cụ thể của Đức Ái với tư cách là chứng tá tốt nhất của Lòng Thương Xót – phải được tiếp tục ghi chép lại. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở nên những tác giả sống động của Tin Mừng, trở thành những người mang Tin Mừng đến cho tất cả những người nam và những người nữ của thời đại hôm nay. Chúng ta sẽ có thể làm được điều đó bằng cách là chúng ta hãy thực hiện những công việc của đức thương người cả ở khía cạnh thể xác lẫn tinh thần. Những công việc đó chính là thái độ căn bản của đời sống người Ki-tô hữu. Thông qua những hành vi đơn sơ nhưng vĩ đại, và đôi khi chính bản thần mình hầu như cũng không thể nhận ra, chúng ta có thể đến thăm tất cả những ai đang gặp cảnh khốn cùng, cũng như có thể mang đến cho họ sự trìu mến và niềm ủi an của Thiên Chúa. Và như thế, điều mà Chúa Giê-su đã thực hiện trong ngày Phục Sinh, khi Ngài đổ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Đấng tha thứ tội lỗi và trao ban niềm vui, vào trong con tim của các môn đệ đang bị gây hoảng sợ, sẽ tiếp tục được thực hiện.

Nhưng trong trình thuật mà chúng ta vừa nghe, một sự tương phản rõ ràng đã xuất hiện: một mặt là nỗi sợ hãi của các môn đệ, các ông đóng kín cửa nhà lại; nhưng mặt khác thì lại là sứ vụ thông qua Chúa Giê-su, Đấng sai các môn đệ đi vào trong thế giới để loan báo Tin Mừng về ơn tha thứ. Ngay cả trong chúng ta, sự tương phản này cũng có thể hiện hữu, một cuộc chiến nội tâm giữa việc đóng chặt con tim, và tiếng gọi của Tình Yêu mời gọi mở toang những cánh cửa đang bị đóng kín, và bước ra khỏi chính mình. Chúa Ki-tô, Đấng vì Tình Yêu, đã bước qua những cánh cửa đóng kín của tội lỗi, của sự chết và của địa ngục, cũng đang muốn bước vào trong mỗi người để mở toang những cánh cửa bị khóa chặt của con tim. Nhờ vào sự Phục Sinh, Ngài đã vượt thắng nỗi sợ hãi và sự khiếp nhược mà chúng vẫn nhốt chúng ta lại trong tù; Ngài muốn mở toang những cánh cửa đang bị khóa chặt của chúng ta ra, và muốn sai chúng ta đi. Con đường mà Đấng Phục Sinh đã chỉ cho chúng ta, chính là con đường một chiều, và chạy theo một hướng duy nhất: từ chính chúng ta đi ra, để làm chứng cho sức mạnh cứu độ của Tình Yêu mà chúng ta đã được gây xúc động bởi Tình Yêu đó. Ở phía trước chúng ta, chúng ta đang thấy một nhân loại thường bị gây thương tổn và sợ hãi. Đó là nhân loại đang phải mang trên mình những vết sẹo của sự đau khổ và của nỗi bất an. Khi tận mắt chứng kiến lời cầu cứu đầy khổ đau muốn có được Lòng Thương Xót và sự hòa bình, thì chúng ta phải lắng nghe, như hôm nay Chúa Giê-su đã hướng lời mời gọi đầy tin tưởng về phía mỗi chúng ta: “Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em đi” (Ga 20,21).

Bất cứ bệnh nhân nào cũng đều có thể thấy được một sự trợ giúp đầy công hiệu trong Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Thực ra, lòng Thương Xót của Ngài không bao giờ giữ khoảng cách: Lòng Thương Xót ấy muốn đến với tất cả những ai nghèo nàn túng quẫn, cũng như muốn giải phóng chúng ta khỏi muôn vàn hình thức nô lệ mà chúng đang hành hạ thế giới chúng ta. Lòng Thương Xót ấy muốn tới được với những vết thương của bất cứ con người nào để chữa trị chúng. Trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót có nghĩa là đụng chạm tới những vết thương và mơn trớn vỗ về chúng, đó là những vết thương mà ngay cả trong thế giới ngày nay, chúng cũng đang hiện hữu nơi thân xác và tâm hồn của rất nhiều người anh chị em của Ngài. Trong khi chúng ta điều trị những vết thương ấy, chúng ta hãy tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-su, chúng ta hãy làm cho Ngài trở nên hiện diện và sống động. Chúng ta hãy tạo điều kiện cho những người khác mà họ đã sờ tới được Lòng Thương Xót của Ngài với đôi tay, để họ nhìn nhận rằng, Ngài chính là “Chúa và là Thiên Chúa” (xc. Ga 20,28), như Thánh Tô-ma Tông Đồ đã làm. Đó là sứ mạng đã được trao phó cho chúng ta. Nhiều người đang cầu xin để được lắng nghe cũng như để được cảm thông bởi người khác. Tin Mừng về Lòng Thương Xót mà nó phải được công bố và phải được viết ra thông qua cuộc sống, đang tìm kiếm con người với một con tim kiên nhẫn và rộng mở, những “người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu” mà họ có thể cảm thông cũng như có thể thinh lặng trước huyền nhiệm của người anh em và của người chị em; điều đó cần tới những người biết phục vụ cách quảng đại và hân hoan, tức những người yêu thương một cách nhưng không, và không hề đỏi hỏi bất cứ điều chi cho sự phục vụ của mình.

“Bình an cho anh em!” (Ga 20,21): đó là lời chào mà Chúa Giê-su đã dùng để chào các môn đệ của Ngài; đó là sự bình an mà con người trong thời đại chúng ta đang mong chờ. Đó không phải là sự bình an bị thương lượng, nó không có nghĩa là bãi bỏ một cái đó không ổn: đó là sự bình an của Ngài, sự bình an đến từ con tim của Đấng Phục Sinh; đó là sự bình an đã vượt thắng tội lỗi, sự chết và sự sợ hãi. Đó là sự bình an không chia tách nhưng hiệp nhất; đó là sự bình an không để cho người ta phải cô đơn, nhưng làm cho chúng ta cảm nhận được rằng, chúng ta đang được đón nhận và đang được yêu thương. Giống như trong ngày Phục Sinh, sự bình an này luôn luôn bắt nguồn và luôn tái bắt nguồn từ ơn tha thứ của Thiên Chúa, Đấng lấy đi sự bất an của con tim. Trở thành người mang đến sự bình an của Ngài – đó là sứ mạng mà Giáo Hội đã được ủy thác trong ngày Phục Sinh. Trong Chúa Ki-tô, chúng ta được sinh ra như là những khí cụ của ơn giao hòa để mang đến cho tất cả mọi người ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha, hầu phơi bày dung nhan duy Tình Yêu của Ngài trong các dấu chỉ của Lòng Xót Thương.

Thánh Vịnh Đáp Ca hôm nay đã công bố rằng: “Vì Đức Từ Bi của Người muôn thuở” (Tv 118,2). Quả đúng là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tồn tại muôn đời; Lòng Thương Xót ấy không có tận cùng, nó không bao giờ bị múc cạn, nó không bỏ cuộc trước sự thiếu cởi mở, và cũng không bao giờ trở nên mệt mỏi. Nơi sự “vĩnh cửu muôn đời” này, chúng ta tìm thấy được điểm tựa trong những phút giây thử thách và yếu đuối, vì chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta: Ngài lưu lại bên chúng ta cho tới muôn đời. Chúng ta hãy cám ơn Ngài vì Tình Yêu quá vĩ đại của Ngài, đó là Tình Yêu mà chúng ta không thể nào hiểu thấu. Chúng ta hãy xin cho mình được ơn không bao giờ mỏi mệt trước việc đến kín múc Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha và mang Lòng Thương Xót ấy vào trong thế giới: Chúng ta cũng hãy xin cho chính chúng ta được trở nên nhân hậu để lan truyền sức mạnh của Tin Mừng trên khắp mọi nơi.

Quảng Trường Thánh Phê-rô, Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót, ngày mồng 03 tháng 04 năm 2016

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ

Nguồn: vietcatholic.org

Comments are closed.

phone-icon