CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN, NĂM C
LỜI CHÚA: Lc. 12, 32 – 48
Thế giới hôm nay bất ổn với nhiều cái chết dưới mọi hình thức như khủng bố, thiên tai, bệnh tật, đói khổ… Chúng ta cứ tưởng nhân loại hôm nay văn minh tiến bộ sẽ đưa con người vào cõi thần tiên an bình chứ. Nhưng trái lại, càng văn minh con người càng sống trong phập phồng sợ hãi vì không biết giờ chết đến với mình lúc nào.
Mỗi lần mở mạng tôi lại đọc được những tin tức giật gân khinh hoàng: khủng bố trên đường hàng không, trên đường bộ, trên ga xe lửa, ở trường học, những khu vui chơi, ở câu lạc bộ, ở sân thể thao… Tóm lại là: Ở mọi nơi, sự chết chóc lan tràn. Những lần như thế tôi đều làm một cuộc trải nghiệm cho chính mình vào những giờ suy niệm hay những lúc tâm hồn lắng đọng. Tôi tự đặt mình vào những nạn nhân ngồi trên máy bay khi biết mình sắp bị khủng bố. Tôi sẽ làm gì trong những giờ phút này : hoảng loạn ư, la hét ư… vì một giây nữa tôi sẽ phải về thế giới bên kia, cái thế giới xa lạ với tôi vì tôi chưa một lần cảm nghiệm. Tôi sẽ gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu, Ngài rất khoan dung nhân từ giầu lòng thương xót, nhưng Ngài lại là Đấng rất công bằng. Dưới thế này Ngài đối xử rất nhân hậu với tôi nhưng đời sau Ngài sẽ xử với tôi theo sự công bằng chân chính của Ngài.
Ở trần gian này tôi đã hiểu tội tôi xúc phạm đến Chúa là Đấng ba lần thánh lớn lắm. Làm sao tôi đền được tội lỗi này? Bản thân tôi yếu đuối, bất lực, dòn mỏng thì món nợ này sẽ theo tôi suốt đời và ngày ngày món nợ này càng chất cao hơn với những tội lỗi theo ngày tháng của tôi. Chúa là Cha yêu thương, Người thừa biết điều đó nên khi Ngài thi hành đức công bằng thì Ngài lại ban cho tôi chính điều tôi không thể. Ngài đã cho Con Một của Ngài đền thay, gánh tội tôi. Sung sướng quá, nhưng tôi đã tận dụng và hưởng ơn huệ này như thế nào ? Chính điều này làm cho tôi hồi hộp khi phải đối diện với sự chết. Chị em tôi thường cười nhạo tôi: Coi thế mà sợ chết nhỉ?
Mang tâm trạng như thế nên tôi là người nhát đảm hơn ai hết. Ra đường tôi sợ chết tai nạn, ở nhà sợ chết bệnh, xuống sông sợ chết đuối, nghĩa là cái chết luôn luôn ở trong trí tôi. Chính vì thế, mà mỗi lần tĩnh tâm cha giảng phòng cho suy niệm về sự chết, tôi say mê với đề tài này. Khi giúp tĩnh tâm, dạy giáo lý, tôi cũng bị đề tài này cuốn hút nên dễ bị gán là kẻ bi quan yếm thế, kẻ chỉ muốn cho người khác nản chí sống.
Lời Chúa hôm nay củng cố cho quan niệm sống của tôi “ Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn . Hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở cửa ngay”.
Đúng như lời Chúa nói: Con Người đến bất ngờ. Ngày nay cái bất ngờ đó luôn diễn ra từng giây phút, diễn ra ngay chính mảnh đất mà người ta sợ chết. Mảnh đất người ta muốn trốn cái chết bao nhiêu có thể, người ta không dám đối diện với sự chết vì nó quá khắc nghiệt đối với họ. Khi một người cha hay người mẹ về thế giới bên kia,người ta tìm cách cho con mình khỏi sợ bằng cách nói dối cha hay mẹ đi xa. Cái chết không thấy xuất hiện trong gia đình để không thấy màu tang tóc. Và nếu cứ chạy trốn thực tại như thế thì người ta rất ngỡ ngàng và hoảng sợ khi thần chết đến viếng thăm. Tôi được biết một người thân của tôi chết bên nước ngoài, người ta đưa từ bệnh viện đến nghĩa trang và con cái hay người thân đến viếng có giờ có lúc. Thím tôi ở Mỹ rất sợ phải chết một mình nên nói với các con: Khi nào mẹ gần chết đưa mẹ về Việt Nam, chết ở Việt Nam vui hơn.
Chính nơi sợ chết, trốn cái chết thì ngày nay phải chứng kiến nhiều cái chết tang thương và luôn phải đối mặt với những sợ hãi. Người ta luôn phấp phổng với những cái chết bất ngờ ập đến. Cái chết vẫn trung thành với vai trò của mình là hiện diện mọi nơi, mọi lúc không phân biệt tuổi tác, địa vị, học vị… Chủ của sự sống chết là chính Chúa nên tôi luôn hỏi Chúa: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con yếu đuối sao Chúa không cho chúng con biết giờ của mình để chúng con hoàn tất những gì Chúa muốn nơi trần gian này? Từ thâm sâu lòng mình Chúa trả lời tôi: Nếu con biết giờ của mình thì con sẽ sống buông thả và khi gần chết con mới cần đến Ta ư? Ta để thế để con luôn trong tư thế sẵn sàng vì mục đích Ta dựng nên con ở đời này là để phụng thờ Ta và khi chết con được hưởng phúc vinh quang cùng Ta muôn đời. Nếu con luôn tỉnh thức thì giờ Ta đến con không lạ lùng và như thế Nước Trời sẽ dành sẵn cho con.
Nước trời mà Chúa diễn tả qua Tin mừng hôm nay là Chúa sẽ thắt lưng, đưa tôi vào bàn ăn, và đến bên tôi mà phục vụ. Thật tuyệt vời biết bao! Đầy tớ được đổi ngôi! Tôi sẽ được Chúa hầu bàn nghĩa là một hạnh phúc òa vỡ mà tôi không hiểu nỗi. Chính Thánh Phao lô đã cảm nghiệm được điều này: Chúa đưa Ngài lên tầng trời thứ ba nghĩa là chưa hết các tầng trời mà Ngài đã cảm nghiệm: mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng chưa từng cảm.
Dẫu biết rằng nơi cực lạc kia sẽ đáp lại tất cả niềm hạnh phúc của tôi, nhưng tôi vẫn sợ phải rời bỏ căn nhà tồi tàn này. Chúa đã báo trước cho tôi niềm vinh phúc ấy, nhưng tôi vẫn dính chặt vào thung lũng nước mắt này, vì mầu nhiệm của thế giới bên kia vẫn đang ẩn giấu đối với tôi. Chúa như người Mẹ nói với đứa con trong bụng về thế giới mà đứa con sắp chào đời nhưng làm sao nó hiểu được. Nó vẫn muốn ở mãi trong bụng mẹ, mặc cho thế giới ngoài bụng mẹ tốt đẹp hơn ngàn lần cái thế giới trong bụng mẹ.Tôi đang trong bụng mẹ trái đất, tôi không muốn về thế giới bên kia, cái thế giới làm tôi ngất ngây khôn cùng nhưng tôi vẫn chưa muốn về, tôi tìm mọi cách để quên nó.
Vì yêu thương nên Chúa luôn gióng tiếng chuông thức tỉnh cái ngủ li bì của tôi qua những biến cố, qua những con người phải hy sinh từng loạt để làm bài học cho tôi. Họ đang hùng hồn nói với tôi: giờ của Chúa đến bất ngờ quá đến giữa lúc tôi đang hưởng thụ, lúc tôi đang vui đùa bên bạn bè, giữa lúc tôi đang giải trí, làm việc, học hành xây dựng tương lai, tôi đang say mê dệt đời mình bằng muôn hình thức, bỗng nhiên Chúa đến cắt phứt ngay hàng chỉ. Nếu Chúa báo trước một ngày, một giờ, tôi sẽ sống hết mình, hết tình cho Chúa và cho anh em trong những phút cuối đời đó. Nhưng Chúa đến quá bất ngờ, bất ngờ làm tôi hoảng hốt, thất vọng.
Nghe tiếng than của bao anh em phải trả giá cho tôi, tôi nghĩ sao nếu tôi cũng rơi vào trường hợp đáng thương đó? Tôi sẽ thế nào nếu tôi phải bất ngờ diện đối diện với Đấng xét xử tôi.
Bạn ơi, nếu bạn cùng tâm trạng như tôi, sợ cái chết đột ngột, thì ngay bây giờ chúng ta cùng bắt đầu thực hành lời Chúa là tỉnh thức đợi chờ chủ về. Chỉ có lòng mến mới cho chúng ta được sự tỉnh thức này. Và chính tình yêu sẽ giúp chúng ta không sợ phán xét và nếu có phán xét thì chính sự phán xét đó cũng trở nên đáng yêu. Chắc hẳn bạn sẽ hiểu được điều này: Tình yêu đáp đền tình yêu: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ họ( Lc. 12,37).
Nữ tu Faustina Lý Thị Báu