Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ nhân dịp Năm Thánh, ngày 09.10.2016

0

Bài giảng của Đức Thánh cha Phan-xi-cô
trong Thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ
nhân dịp Năm Thánh, ngày 09.10.2016

91

Anh chị em thân mến!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Lc 17,11-19) mời gọi chúng ta nhận ra ân huệ của Thiên Chúa với sự ngỡ ngàng và niềm biết ơn. Trên con đường mà nó dẫn Ngài tới sự chết và sự phục sinh, Chúa Giê-su đã gặp mười người phong hủi khi họ đi đến với Ngài. Nhưng họ đứng lại từ đàng xa và thét lên cho một người biết về nỗi khốn cùng của họ, mà Đức Tin của họ nhận ra người ấy có thể là Đấng Cứu Chuộc: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,13). Họ đang mắc bệnh. Họ tìm kiếm một ai đó cứu giúp họ. Chúa Giê-su đã trả lời và nói với họ, hãy đi đến với các tư tế để báo cáo cho họ biết chuyện ấy. Theo Lề Luật của Mô-sê, các tư tế có nghĩa vụ phải điều tra về một vụ có thể là một vụ lành bệnh. Bằng cách này, Chúa Giê-su đã không tự giới hạn vào việc chỉ trao đi một lời hứa, nhưng muốn thử lòng tin của họ. Thực ra, vào thời điểm đó, mười người phong hủi vẫn chưa được chữa lành. Họ sẽ chỉ tái có được sức khỏe khi họ trên đường trở về, và sau khi họ đã tuân giữ Lời của Chúa Giê-su. Tất cả đều biểu lộ niềm vui hoàn toàn trước các tư tế, và rồi ra đi trên những con đường của mình, nhưng trong khi đó họ đã quên người ban ơn, và thực ra, đó là Thiên Chúa Cha, Đấng đã chữa lành họ thông qua Chúa Giê-su – Con Một của Ngài đã trở thành người.

Chỉ có một người làm điều ngoại lệ: người này là người Samaria, một người ngoại quốc, người sống bên lề dân được tuyển chọn, gần giống như một người ngoại đạo! Người này không hài lòng với việc đã lãnh nhận được ơn chữa lành nhờ vào Đức Tin của mình, nhưng còn bận tâm tới chuyện để cho ơn chữa lành đó đạt tới được sự trọn vẹn của nó. Ông ta quay lại để nói lời cám ơn về hồng ân mà ông đã lãnh nhận. Và như thế, ông đã nhận ra Chúa Giê-su chính là vị Tư Tế đích thực, Đấng – sau khi đã nâng anh đứng dậy cũng như đã chữa lành anh – sẽ làm cho anh lên đường và mời gọi anh gia nhập giới môn đệ Ngài.

Có thể nói lời cám ơn và trao đi lời ca khen trước điều mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta – thật quan trọng biết chừng nào! Và ở đây chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có khả năng cám ơn không? Chúng ta có thường xuyên nói lời cám ơn trong gia đình, trong cộng đoàn hay trong Giáo hội không? Chúng ta có thường xuyên nói lời cám ơn với người đã giúp đỡ chúng ta, với người luôn gần gũi chúng ta, hay với người vẫn luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống không? Thường thì chúng ta hay coi tất cả như là một điều đương nhiên. Và điều đó cũng xảy ra với Thiên Chúa. Đi đến cùng Thiên Chúa để xin xỏ một điều gì đó thì thật dễ. Nhưng quay lại để cám ơn Ngài… thì sao? Vì thế Chúa Giê-su đã nhấn mạnh tới sự vắng mặt của chín người phong hủi vô ơn: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18).

Nhân ngày mừng Năm Thánh này, một mẫu gương được giới thiệu cho chúng ta, và đó chính là mẫu gương mà chúng ta nên ngắm nhìn: Đức Maria, Mẹ chúng ta. Sau khi Mẹ đã đón nhận sứ điệp của Tổng Lãnh Thiên Thần, Mẹ đã để cho bài Ca Ngợi Khen và Tạ Ơn Thiên Chúa xuất phát từ con tim của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…” Chúng ta hãy xin Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta để chúng ta hiểu được rằng, tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa, và để chúng ta có thể nói lời tạ ơn. Sau đó niềm vui của chúng ta sẽ được trọn vẹn.

Và để có thể nói được lời cám ơn cũng cần phải có sự khiêm nhượng. Trong bài đọc I, chúng ta đã nghe một câu chuyện tuyệt vời về ông Naaman – tướng chỉ huy quân đội của vua Aram (xc. 2V 5,14-17). Bị mắc bệnh phong hủi, và để được chữa lành, ông đã nghe theo lời đề nghị của một viên tớ nữ nghèo hèn, và đã chấp nhận những chữa trị của Ngôn Sứ Elisa, mà đối với ông, vị Ngôn Sứ này chỉ là một kẻ thù. Nhưng Naaman sẵn sàng chịu nhục. Và Ngôn Sứ Elisa đã không đòi hỏi ông bất cứ điều gì ngoài việc yêu cầu ông xuống tắm trên dòng nước của sông Gio-đan. Sự đòi hỏi này làm cho Naaman bị thất kinh, và nó làm cho ông vô cùng tức giận: Liệu đó có phải là người của Thiên Chúa không khi ông ta lại đòi hỏi những điều quá tầm thường như thế? Naaman muốn quay trở lại, nhưng sau đó ông ta đã chấp nhận xuống tắm trên dòng sông Gio-đan, và đã được chữa lành ngay tức khắc.

Con tim của Đức Maria khiêm nhượng hơn tất cả mọi sự khiêm nhượng khác, và có khả năng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Đối với mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài, Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, một thiếu nữ giản dị làng Nazareth, người không sống trong những lâu đài của những kẻ có quyền lực và giầu sang, và đã không hề thực hiện những hành động anh hùng phi thường. Chúng ta hãy tự hỏi, liệu chúng ta có sẵn sàng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa không? Hay chúng ta lại yêu thích việc co cụm lại trong những an toàn vật chất của chúng ta, trong những chắc chắn về tri thức của chúng ta, hay thu mình trong những bảo đảm của những kế hoạch do chúng ta đưa ra?

Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ là, Naaman và người Samaria đều là hai người ngoại quốc. Biết bao nhiêu người ngoại kiều, kể cả những người thuộc các tôn giáo khác, đã trao cho chúng ta một mẫu gương về các giá trị, mà đôi khi chúng ta quên hay không quan tâm. Người sống ngay bên cạnh chúng ta và có lẽ bị đánh giá là nhỏ bé hay bị loại bỏ, vì người ấy là một người ngoại, nhưng lại có thể dậy cho chúng ta biết, chúng ta nên đi như thế nào trên con đường mà Chúa muốn. Ngay cả Mẹ Thiên Chúa, cùng với chồng của mình là Thánh Giu-se, cũng đã trải qua kinh nghiệm về việc xa quê hương xứ sở của mình. Mẹ đã là một ngoại kiều trong một thời gian dài tại Ai-cập, đã từng xa cách những người thân và những bạn bè. Nhưng Đức Tin của Mẹ đã ý thức để khắc phục những khó khăn. Chúng ta hãy biến Đức Tin đơn thành của Mẹ Thiên Chúa chí thánh thành của riêng chúng ta; chúng ta hãy cầu xin Mẹ, xin Mẹ giúp chúng ta biết học để không ngừng quay về với Chúa Giê-su hầu nói lời cám ơn đối với rất nhiều những công việc tốt lành phát xuất từ Lòng Thương Xót của Ngài.

Quảng trường Thánh Phê-rô, ngày mồng 09 tháng 10 năm 2016

Đức Thánh cha Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon