Tôi tới phục vụ Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên, Cây Gáo vào mùa Xuân, nhưng khí trời tháng hai đã bắt đầu nóng bức. Lúc đó mới chỉ có một ngôi nhà duy nhất cho các bà và chúng tôi ở. Ngay từ đầu, ngôi nhà đã được dự tính sẽ lên lầu khi có điều kiện nên chủ xây dựng đã thiết kế bê tông cốt sắt, đổ mái bằng chờ tương lai. Vì thế, suốt ngày sân thượng hấp nắng, tối đến sức nóng tỏa ra, chúng tôi nằm dưới, chẳng khác gì trong một cái lò hấp hơi; trong khi đó quạt không có đủ cho các phòng, nhất là tại phòng bại liệt, nằm san sát nhau trên nền xi-măng, được ngăn thành từng ô bằng cái giường cho mỗi người, nên việc tắm rửa cho người bại liệt rất cần, để bớt mùi xú uế.
Thời điểm đó có 8 bà bại liệt; trong số đó, bà Maria Nguyễn thị Tuẫn yếu nhất, thời gian dành cho đời bà không còn bao nhiêu nữa. Nhưng mỗi khi tôi vào thăm, nói chuyện với bà, bà luôn xin tôi nói về Chúa cho bà nghe. Bà thường nói: con mới theo đạo, con chưa hiểu nhiều. Tôi không tiếc thời gian ngồi bên bà để nói cho bà về tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Bà rất thích thú và nghe một cách say mê. Sáng nào tôi cũng giúp vệ sinh cho bà. Nhưng một hôm sau thánh lễ tôi mặc cả bộ tu phục trắng vào thăm các bà trước điểm tâm, ai cũng mở mắt to nhìn thẳng vào tôi và tỏ ra rất ngạc nhiên, có lẽ vì họ chưa nhìn thấy tôi mặc như thế bao giờ. Điểm tâm xong, tôi vào làm vào vệ sinh cho họ, bà Tuẫn nhất định không cho tôi giúp bà. Tôi nói: Bà ơi! Bà có ốm đau mới vào đây, nếu khỏe mạnh như người khác bà có cần đến dì đâu, bà cứ để dì giúp cho mát mẻ, khỏe mạnh, sống lâu với các dì chứ. Nói mãi bà mới bằng lòng cho tôi giúp. Thú thật lúc này tôi đã quen, chứ thời gian đầu khi phục vụ tôi cũng phải kín đáo chạy ra ngoài mấy lần để xả hơi rồi mới vào giúp tiếp được. Không lâu, sau hai tuần bà Tuẫn hấp hối. Đêm hôm ấy tôi sang thăm bà 4 lần, sợ bà chết bất ưng. Một bà ở phòng trên tới nói với tôi: Thưa dì, con đưa đồ đạc của bà xuống đây nha. Tôi gật đầu và trong trí tôi nghĩ bà sẽ có một vali nhỏ, hay một cái túi xách lớn. Nhưng không, bà chỉ có 3 cái giỏ lá – cái đứt quai, cái thì rách mép. Trong đó chỉ có mấy bộ quần áo cũ rách, chỉ còn một chiếc áo dài trắng dì Toàn may cho bà ngày lãnh bí tích Rửa Tội, còn xếp nguyên trong túi nilon. Ngoài ra, bà còn có một cái gậy chừng 8 tấc và một cái nón rách. Đêm hôm ấy mỗi lần nhìn vào hành trang của bà, tôi không cầm nổi nước mắt. Gia tài của một đời người chỉ có thế! Sáng hôm sau, ba chị em chúng tôi đi lễ về vào thăm bà, bà đưa mắt nhìn chúng tôi một cách trìu mến, cái nhìn thật ấn tượng, như muốn nói với chúng tôi hai tiếng “CÁM ƠN” rồi bà từ từ nhắm mắt ra đi trước sự hiện diện của chúng tôi. Cái chết của bà thật đẹp, thật nhẹ nhàng, thanh thoát và bình an.
Bà Tuẫn đã về nhà Cha! Tôi thương bà thực sự. Nhưng tôi cũng rất mừng cho bà vì biết chắc: Cha đã thương ẵm bà trong vòng tay hiền phụ của Ngài. Biết chắc bà đã ra đi, tôi lần mở sổ tiếp nhận, xem bà có người thân không. May quá! Số điện thoại mang số vùng Đà lạt, tôi gọi ngay.
– Alô! Thưa bà, bà có biết bà Tuẫn không ạ?
– Có
– Tôi xin báo là bà Tuẫn đã qua đời rồi.
– Vâng, cám ơn cô.
– Gia đình có thể tới không?
– Không ạ, chúng tôi không có bà con với bà đâu. Cách đây khá lâu, chúng tôi thấy bà nằm ở chợ Đà lạt rét lạnh chúng tôi dẫn bà tới đó thôi.
Bà thực sự là người cô thân, cô thế! Tôi gọi quan tài và bắt đầu lo hậu sự cho bà. Thánh lễ tang thật đơn giản, chỉ có ba chúng tôi là nữ tu và 14 bà chung sống với bà. Sau một đêm ở lại với chúng tôi, bà được tới an nghỉ tại nghĩa trang của viện dưỡng lão.
Trời hôm nay không mưa và cũng không nắng, vầng mây cao như muốn che ánh mặt trời để người con Chúa ra đi trở về với nguồn cội bình an, thanh thản. Phương tiện không có, hai chị phải ở nhà lo cơm chiều, một mình tôi với chiếc honda cũ theo sau chiếc xe tang. Lòng tôi như quặn thắt, nghe làn mi nằng nặng và cảm mặn ở bờ môi. Ôi! Một kiếp người.
Nt. Isabella Trần Thị Kim Hường