Đức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng

0

Đức Maria Hằng Ghi Nhớ Tất Cả Những Điều Ấy Trong Lòng

Trân quý và suy gẫm với Đức Maria trong Mùa Giáng sinh này

Một người phụ nữ được tôn kính trong các đền thờ ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Những bức tranh về vô số ân sủng của cô. Những bức chân dung của cô thì rất nhiều trong các nhà thờ của chúng ta. Cô là chủ đề của nhiều bức tranh hơn bất kỳ người nào khác trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Các bài hát và thánh ca về cô đã được sáng tác ở mọi thời đại, những câu chuyện và truyền thuyết về cuộc sống của cô đã bắt đầu xuất hiện chỉ vài thập niên sau khi cô qua đời. Người phụ nữ ấy chính là Đức Maria, Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, mẫu gương hoàn hảo và thánh thiện nhất của tất cả mọi người.

Mẹ Maria giữ một sự hiện diện quan trọng như vậy trong trí tưởng tượng của chúng ta và đóng vai trò then chốt trong lịch sử cứu độ mà có thể dễ dàng quên rằng Mẹ là một người phụ nữ bình thường sống trong một thời điểm và địa điểm cụ thể trong lịch sử. Chúng ta có xu hướng bỏ qua những câu hỏi về cuộc sống hàng ngày của Mẹ như thế nào.

Vì thế, Mùa Vọng này, chúng ta muốn nhìn vào cách Đức Maria có thể chỉ cho chúng ta ý nghĩa của việc trở thành một môn đệ của Đức Giêsu. Trong bài viết đầu tiên này, chúng tôi muốn nhìn vào thói quen suy gẫm của Đức Maria về công trình của Thiên Chúa ở giữa Mẹ, và thói quen này đã khiến Mẹ phải trân quý con trai Mẹ nhiều hơn thế nào.

Kho Báu và Sự Suy Gẫm. Vào đêm Chúa Giêsu được sinh ra, những người chăn chiên vội vã đến Bethlehem để gặp Hài Nhi Giêsu. Khi họ đến máng cỏ, họ kể cho Đức Maria những gì sứ thần đã nói với họ: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại” (Lc 2,10). Họ kể cho Mẹ nghe về cảnh mộng các thiên thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

Đức Maria hẳn đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy khuôn mặt của họ, rạng ngời và tràn đầy niềm vui cũng như khi Mẹ nghe họ ca ngợi và tạ ơn Chúa. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng thay vì để những khoảnh khắc thánh thiện này trôi qua, Đức Maria đã trân trọng và suy gẫm sâu trong lòng (Lc 2,19).

Luca cho chúng ta một cửa sổ khác để nhìn vào trái tim của Đức Maria khi ông nói về cách Chúa Giêsu mười hai tuổi ở lại trong Đền thờ để thảo luận về Luật Môisê với các bậc thầy Do Thái. Có thể đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu bị tách ra khỏi cha mẹ của Người trong một khoảng thời gian dài. Cha mẹ Chúa Giêsu đã mất ba ngày lo lắng tìm kiếm Người và cuối cùng khi họ tìm thấy Người, Đức Maria hỏi: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy” (Lc 2,48). Chúa Giêsu trả lời bằng cách hỏi, “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).

Chắc chắn, Đức Maria bị tổn thương bởi sự thờ ơ dường như của Chúa Giêsu. Nhưng Mẹ đã không để cho sự đau nhói của những lời nói ấy bám rễ trong Mẹ. Mẹ có thể không biết chính xác điều Chúa Giêsu muốn nói bởi những lời này, nhưng Mẹ cảm thấy rằng điều gì đó quan trọng đang xảy ra. Do đó, thay vì trở nên tức giận hay phòng thủ, Maria tự nhủ: “Hẳn phải có điều gì đó sâu sắc hơn đang diễn ra ở đây và tôi muốn hiểu điều đó”. Một lần nữa, Luca nói với chúng ta rằng Đức Maria “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Mẹ tiếp tục suy ngẫm và trân trọng mọi thứ xung quanh con trai mình.

Sự Suy Gẫm Tinh Thần. Theo nhiều cách, những câu chuyện về những chăn chiên ở máng cỏ và tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thờ đã cho chúng ta thấy một mô hình thu nhỏ của toàn bộ cuộc đời của Đức Maria. Người ta cung cấp ảnh chụp nhanh về cách Đức Maria luôn sống động. Mẹ biến nó thành một thói quen năng suy gẫm về công việc của Thiên Chúa và trân trọng những gì Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu nói và làm – ngay cả khi Mẹ không hiểu điều đó, ngay cả lúc đầu nó làm Mẹ đau đớn hay bối rối.

Đức Maria đã dành thời gian để suy đi nghĩ lại những sự kiện này trong tâm trí của Mẹ. Mẹ cầu nguyện về những biến cố ấy và xin Chúa cho những hiểu biết mới về ý nghĩa của chúng. Mẹ hiểu rằng kế hoạch của Thiên Chúa đang mở ra mỗi ngày và Mẹ không muốn bỏ lỡ việc nhận ra nó.

Các nhà toán học và nhà khoa học cũng làm tương tự. Họ có thể dành nhiều năm suy nghĩ về các công thức và phương trình với hy vọng tạo ra những khám phá mới. Các doanh nhân cũng làm như vậy. Họ gặp gỡ các nhà quản lý của họ và suy nghĩ về cách tăng doanh thu, cắt giảm chi phí hoặc vượt qua những cản trở. Các nhóm nghiên cứu y khoa cũng làm điều tương tự khi họ tìm kiếm những đột phá mới.

Tất cả chúng ta đều dành thời gian cân nhắc mọi thứ. Chúng ta suy nghĩ xem chúng ta sẽ kết hôn với ai, chúng ta nên nuôi dạy con cái như thế nào, nơi chúng ta muốn làm việc, hoặc cách chúng ta sẽ tiêu xài tiền của chúng ta. Chúng ta suy nghĩ về “những cái gì (whats)”, “Những lý do tại sao (whys)” và “những cách thức (the hows)” của cuộc sống. Chúng ta suy nghĩ rất nhiều điều, nhưng có lẽ chúng ta có thể dành nhiều thời gian hơn một chút để suy gẫm những điều thuộc tâm linh.

Còn cách nào tốt hơn để làm điều này trong Mùa Vọng là suy gẫm cảnh Chúa giáng sinh? Hay sứ điệp của sứ thần Gabrien gửi cho Đức Maria? Hay tình yêu đằng sau quyết định của Chúa Giêsu tự hạ chính bản thân mình và trở thành một người như chúng ta? Thực tế, nếu Đức Maria ở đây với chúng ta ngay bây giờ, mẹ có lẽ sẽ thúc giục chúng ta dành thời gian mỗi ngày để suy gẫm tất cả những sự kiện vui mừng xung quanh sự ra đời của con trai Mẹ.

Tìm Kiếm Nước Thiên Chúa Trước Hết. Trước khi Truyền Tin, Đức Maria đã đặt ra nhiều kế hoạch. Maria sẽ cưới Giuse, xây dựng một gia đình và sống một cuộc sống yên bình ở Nazareth. Nhưng không lâu sau khi sứ thần hiện ra với Mẹ để Mẹ nhận ra rằng kế hoạch mới này của Chúa sẽ đòi Mẹ phải trả giá – có thể là tất cả. Thay vì hoảng hốt, từ chối sứ thần hay giận dữ, Mẹ đã phó thác vào Chúa và sau đó suy gẫm về mọi thứ liên quan đến kế hoạch mới mà Thiên Chúa đã mạc khải cho Mẹ. Mẹ càng suy gẫm nhiều thì Mẹ càng trân quý và Mẹ càng trân quý thì Mẹ càng suy gẫm nhiều hơn. Tất cả những sự suy gẫm và trân quý này dẫn mẹ đến khoảnh khắc mà Mẹ có thể nói với bà Elizabeth: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47).

Điều này tương tự như những gì xảy ra khi hai người yêu nhau. Sau một vài ngày, họ quyết định muốn nhìn thấy nhau nhiều hơn. Họ bắt đầu nói chuyện với nhau mỗi ngày. Họ ngẫm nghĩ về thời gian tuyệt vời mà họ có với nhau và họ trân trọng những lúc ở với nhau. Thế rồi, tại một thời điểm nào đó, mỗi người trong số họ hỏi: “Tôi có muốn dành cả đời còn lại  của tôi với người này không?” Câu hỏi này – chỉ ra quyết định căn bản và quý giá trong tương lai – cho chúng ta biết rằng tất cả thời gian họ đã dành cân nhắc và trân trọng lẫn nhau đã dẫn họ đến việc liên kết cuộc sống của họ với nhau trong hôn nhân.

Giống như đôi bạn đó đang yêu nhau, bạn càng suy gẫm về Chúa, bạn sẽ càng trân quý Chúa hơn, và bạn càng trân quý Chúa, bạn sẽ càng suy gẫm về Chúa nhiều hơn. Bạn càng dành nhiều thời gian để chăm chú vào Chúa Giêsu và phép lạ Chúa đến ở giữa chúng ta, thì Thiên Chúa càng ban phúc lành cho bạn. Một lần nữa, nếu Đức Maria ở đây, có lẽ Mẹ sẽ nói chúng ta hãy trân quý con trai của Mẹ trên mọi kho báu khác. Mẹ sẽ nói với chúng ta rằng điều đáng giá nhất mà chúng ta có thể làm mỗi ngày là chiêm ngắm mọi điều Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta. Mẹ sẽ nói với chúng ta: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Hãy Noi Gương Đức Maria. Người xưa nói rằng: “Cuộc sống của bạn là một quà tặng từ Thiên Chúa. Những gì bạn làm với nó là món quà của bạn dành cho Chúa”. Ngay cả trước khi Truyền Tin, Đức Maria đã suy ngẫm về Thiên Chúa và tình yêu của Người, nhưng khi sứ thần xuất hiện, lời cầu nguyện của Mẹ được thực hiện ở một chiều sâu hoàn toàn mới. Mẹ trở nên đầy lòng biết ơn đến nỗi Mẹ quyết định dâng hiến cuộc sống của mình cho Thiên Chúa nhiều hơn.

Mẹ đã làm điều đó như thế nào? Tại biến cố Truyền Tin, Mẹ tùng phục Thiên Chúa. Khi Mẹ cầu nguyện: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), Mẹ thích ý muốn của Thiên Chúa hơn của chính mình. Khi Mẹ đến thăm Elizabeth, người mang thai khi tuổi đã cao, Mẹ đã chăm sóc cho người khác. Trong lời Kinh Ngợi Khen Magnificat, Mẹ tôn thờ Thiên Chúa. Tại bữa tiệc cưới ở Cana, Mẹ đã can thiệp cho cô dâu và chú rể. Và khi Mẹ nhìn con trai mình chết trên thập giá, Mẹ đã phải chịu đau khổ với Chúa Giêsu về tất cả tội lỗi trên trần gian.

Sự tin tưởng của Mẹ vào Thiên Chúa, tình yêu của Mẹ dành cho Chúa, sự vâng phục khiêm tốn của Mẹ đối với kế hoạch của Chúa – tất cả đều là cách Mẹ dâng hiến chính mình lại cho Chúa như một món quà quý giá.

Điều tương tự cũng đúng cho bạn. Dù bạn là bất cứ ai, dù bạn đang sống ở bất cứ đâu và dù bạn đã làm bất cứ điều gì, cuộc sống của bạn là một món quà từ một Người Cha yêu thương. Bạn là người duy nhất trên trần gian này. Thiên Chúa ban cho bạn những ân sủng và phúc lành đặc biệt mà Người đã không ban cho ai khác. Bây giờ bạn có thể dâng lại cho Chúa không?

Câu trả lời sẽ khác nhau tùy mỗi người chúng ta bởi vì tất cả chúng ta đều khác nhau. Nhưng có một điều vẫn giống nhau: khi chúng ta suy gẫm về Chúa và về sự tốt lành của Người, chúng ta sẽ khám phá ra những ân huệ và phúc lành của Chúa dành cho chúng ta. Và khi khám phá ra chúng, chúng ta sẽ càng trân quý chúng hơn và nhiều hơn nữa. Chúng ta sẽ thấy chúng có giá trị như thế nào và chúng ta sẽ ngày càng biết ơn Chúa về chúng hơn. Và trong sự biết ơn của chúng ta, chúng ta sẽ bắt đầu tìm cách thức để tôn vinh và phục vụ Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta – giống như Đức Maria đã làm. Do đó, bất cứ điều gì bạn quyết định làm cho Chúa trong Mùa Vọng này, bạn có thể yên tâm rằng Đức Maria từ trên trời đang nhìn xuống bạn và cổ vũ bạn. Đó là công việc của Mẹ vì Mẹ là mẹ của chúng ta.

Theo The Word Among Us
Advent 2018 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon