Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 28.11.2018: Các Giới Răn (XVII) – trang 17

0

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong buổi Tiếp Kiến chung, sáng thứ Tư, 22.08.2018
Các Giới Răn (VI)

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta sẽ tiếp tục các bài Giáo Lý về các Giới Răn, và hôm nay chúng ta sẽ bàn tới Giới Răn: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, cách bất xứng” (Xh 20,7). Đúng ra, chúng ta nên hiểu lời trên như là một lời mời gọi đừng xúc phạm tới Danh Thánh của Thiên Chúa, cũng như hãy tránh để đừng nhắc tới Danh Ngài cách bất xứng. Hiểu rõ được ý nghĩa như thế của Giới Răn trên sẽ giúp chúng ta có được sự sẵn sàng để đào sâu hơn nữa những lời vô cùng quý giá đó: Không được phép lạm dụng Danh Thiên Chúa, cũng không được phép nhắc tới Danh Thánh đó cách bất xứng.

Chúng ta hãy nghe lại cho kỹ. “Ngươi không được sử dụng, không được dùng”, đó là một cách diễn tả mà theo tiếng Hyp-ri cũng như tiếng Hy-lạp, nó được dịch một cách sát nghĩa như sau: “Ngươi không được sử dụng tùy tiện, người không được phép chiếm lấy cho mình”. Cụm từ “lạm dụng” còn rõ hơn, và có ý nghĩa giống như là sử dụng “một cách trống không, một cách vô cớ”. Và trong mối liên hệ đến một lớp vỏ rỗng, nó tiếp nhận một hình thức mà không có nội dung. Đó là nét đặc thù của sự giả hình, của bệnh hình thức và của sự gian dối: sử dụng những Lời hay Danh Thiên Chúa cách vô cớ và không có chân lý.

Trong Kinh Thánh, tên gọi chính là chân lý nội tại của sự vật, và đặc biệt là của con người. Tên gọi thường biểu trưng cho sứ mạng. Chẳng hạn như trong sách Sáng Thế, Áp-ra-ham đã đón nhận một tên mới (xc. St 17,5), và trong Tin Mừng (xc. Ga 1,42), Si-mon cũng đón nhận một tên gọi mới để biểu thị cho sự thay đổi hướng đi trong cuộc đời các Ngài. Thực ra mà nói, việc học biết Thánh Danh Thiên Chúa sẽ dẫn tới chỗ biến đổi cuộc sống mình: kể từ lúc mà Mô-sê biết được Danh Thánh của Thiên Chúa, thì lịch sử đời ông đã thay đổi (xc. Xh 3,13-15). Trong các nghi thức của Do-thái giáo, Danh Thánh Thiên Chúa được nhắc tới một cách trang trọng vào ngày Lễ Xá Giải, và Dân sẽ được tha thứ, vì nhờ vào Thánh Danh Ngài, người ta được đụng chạm tới sự sống của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương.

Vì thế, việc „dùng Thánh Danh Thiên Chúa“ có nghĩa là nhận lấy thực tại của Ngài về cho mình, bước vào trong một mối tương quan mạnh mẽ và khắng khít với Ngài. Đối với các Ki-tô hữu chúng ta, Giới Răn này chính là một sự nhắc nhở để chúng ta nhớ rằng, mình đã được Thanh Tẩy “Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, giống như mỗi lần chúng ta làm Dấu Thánh Giá, chúng ta cũng đều nói như thế để sống những hành vi hằng ngày của mình trong sự hiệp thông cách trọn vẹn và đích thực với Thiên Chúa. Và về việc làm Dấu Thánh Giá, Cha muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng: Hãy dậy cho con cái anh chị em biết làm Dấu Thánh Giá. Anh chị em có thấy con cái mình làm Dấu Thánh Giá như thế nào không? Khi người ta nói với các em nhỏ: “Các cháu hãy làm Dấu Thánh Giá xem nào!”, thì rồi chúng sẽ làm một điều gì đó mà chúng không biết nó là cái gì. Chúng không hiểu làm Dấu Thánh Giá là gì. Hãy dậy cho chúng biết làm Dấu Thánh Giá nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là hành vi Đức Tin đầu tiên của một em bé. Đây là một nghĩa vụ đối với anh chị em mà anh chị em nên thực hiện cho được: Dậy con cái mình biết làm Dấu Thánh Giá.

Người ta có thể tự hỏi: Có thể sử dụng Danh Thiên Chúa cách giả hình, duy hình thức và vô cớ được sao? Câu trả lời – tiếc rằng – lại tích cực: Vâng, điều đó có thể. Người ta có thể sống một mối tương quan giả tạo với Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã nói điều đó với các Luật Sĩ; họ đã làm một điều gì đó, nhưng họ lại không làm điều mà Thiên Chúa muốn. Họ nói về Thiên Chúa, nhưng họ lại không tuân hành ý muốn của Ngài. Và lời khuyên mà Chúa Giê-su đưa ra là như sau: “Hãy làm những gì họ nói với anh em, nhưng đừng bắt chước việc họ làm”. Người ta có thể sống một mối tương quan giả tạo với Thiên Chúa, như những người đó. Và điều răn này chính là lời mời gọi sống một mối tương quan với Thiên Chúa, mà mối tương quan ấy không hề giả tạo, giả hình, nhưng là một mối tương quan mà qua đó, chúng ta trao phó cho Ngài tất cả những gì chúng ta là. Căn bản mà nói, trước khi tới được ngày mà chúng ta dám đánh liều cuộc đời vì Chúa, và có được kinh nghiệm cá nhân rằng, trong Ngài là sự sống, thì khi đó chúng ta vẫn mới chỉ nói về những lý thuyết.

Đó là Ki-tô giáo, nó đụng chạm tới những con tim. Tại sao các Thánh lại có thể đụng chạm rất nhiều tới những con tim? Thưa, vì các Ngài không chỉ nói, nhưng các Ngài còn gây cảm động cho chúng ta nữa! Con tim chúng ta được gây cảm động khi một Thánh Nhân nói với chúng ta. Và các Ngài có thể làm điều đó vì chúng ta thấy điều đó trong các Thánh sau khi con tim của chúng ta đã đạt tới chiều sâu: tính xác thực, những mối tương quan đích thực và sự triệt để. Và người ta cũng thấy được điều đó trong “những vị Thánh sống ngay bên cạnh”: chẳng hạn như rất nhiều bậc cha mẹ, họ đã đặt trước cặp mắt con cái mình mẫu gương của một cuộc sống nhất quán, giản dị, chân thực và quảng đại.

Nếu ngày càng có nhiều Ki-tô hữu không dùng Danh Thiên Chúa cách bất xứng – và những lời xin đầu tiên của Kinh Lạy Cha đã áp dụng điều đó: “Nguyện danh Cha cả sáng” – thì rồi công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội sẽ được lắng nghe và đáng tin hơn. Nếu cuộc sống cụ thể của chúng ta mạc khải Danh Thiên Chúa, thì rồi người ta sẽ thấy được Bí Tích Thanh Tẩy tuyệt vời biết chừng nào, cũng như thấy được Bí Tích Thánh Thể là một hồng ân to lớn biết bao, và thấy được sự cao vượt trong sự hiệp nhất giữa thân xác chúng ta với thân xác Chúa Ki-tô – sự hiệp nhất ấy hệ tại ở chỗ Chúa Ki-tô trong chúng ta và chúng ta trong Ngài! Đó là sự hiệp nhất! Đó không phải là sự giả hình, nhưng đó là chân lý. Điều đó không có nghĩa là nói hay cầu nguyện như một con vẹt, nhưng có nghĩa là, cầu nguyện với tất cả tâm hồn, và có nghĩa là yêu mến Thiên Chúa.

Từ trên Thánh Giá Chúa Ki-tô, không ai có thể tự coi thường mình, và không ai có thể nghĩ xấu về cuộc sống của mình. Không ai và không bao giờ! Bất luận người ấy đã làm những gì. Vì tên của từng người một trong chúng ta đều nằm trên đôi vai Chúa Ki-tô. Ngài gánh mang chúng ta! Thật giá trị biết chừng nào khi tiếp nhận Thanh Danh Thiên Chúa, vì Ngài đã cố gắng hết sức để nhận lấy tên chúng ta về cho Ngài, ngay cả khi điều xấu xa vẫn đang ở trong chúng ta; Ngài đã đón nhận nó để tha thứ cho chúng ta, để đặt Tình Yêu của Ngài vào trong con tim chúng ta. Vì thế, trong Giới Răn này, Thiên Chúa công bố rằng: “Hãy đón nhận Ta, vì Ta đã đón nhận con!” Mỗi người đều có thể kêu cầu Thánh Danh Thiên Chúa, Đấng chính là Tình Yêu trung tín và xót thương, và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa thì Ngài cũng luôn hiện diện ở đó. Thiên Chúa sẽ không bao giờ nói „không“ với một con tim cầu khẩn Ngài cách chân thành. Và chúng ta hãy quay lại với bài tập về nhà của mình: Hãy dậy cho con cái biết làm Dấu Thánh Giá.

Vatican, Đại Sành Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 22 tháng 08 năm 2018

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17

Comments are closed.

phone-icon