Chờ đợi Ngôi Lời – Sẵn sàng cho “Ngày trọng đại”

0

Chờ đợi Ngôi Lời
Sẵn sàng cho “Ngày trọng đại”

Bạn có bao giờ để ý cách chúng ta sống theo mùa không? Lịch có thể chia cuộc sống thành những tuần, những tháng và những năm, nhưng đó là các mùa thực sự liên quan tới chúng ta.

Và dường như không có gì được chú ý hơn các mùa thể thao. Cho dù đó là bóng bầu dục, bóng chày, bóng gậy, hay bóng đá, tất cả các mùa đều tuân theo một mô hình chung. Ban đầu, mọi người rất hào hứng với đội nhà của họ khi trận đấu bắt đầu. Nhưng khi mùa giải trôi qua, người hâm mộ dần dần chú ý đến các đội có khả năng giành chức vô địch, cho dù đó là giải Super Bowl, World Series hay World Cup.

Tương tự như vậy, mùa Vọng có nhiều hoạt động, tất cả đều dẫn đến một thời điểm đặc biệt. Ngay từ đầu mùa, đèn và đồ trang trí đặc biệt bắt đầu xuất hiện xung quanh các ngôi nhà và trung tâm mua sắm. Nến bắt đầu thắp sáng các cửa sổ, và những cây được trang trí đặc biệt xuất hiện trong nhà và các tòa nhà văn phòng. Những tấm thiệp Giáng sinh bắt đầu được gửi qua đường bưu điện, và người ta mua những món quà cho những người thân yêu và gói trong những tờ giấy màu rực rỡ.

Đó là cách Mùa Vọng bắt đầu, nhưng khi Ngày Giáng sinh đến gần, trọng tâm của chúng ta sẽ thay đổi. Trong khi các hoạt động vẫn còn, và thậm chí có thể tăng lên, sự chú ý của chúng ta chuyển từ một mùa sang một ngày đặc biệt. Có thể chúng ta đang nghĩ về một buổi họp mặt gia đình hoặc cùng nhau thưởng thức một bữa ăn đặc biệt. Chúng ta có thể dành một chút thời gian để đếm tất cả những ơn phúc của mình hoặc mong đợi Ngày Lễ Giáng sinh như thời điểm để tạ ơn.

Mùa của Niềm vui. Mặc dù những suy nghĩ như thế là tốt lành và thậm chí làm vui lòng Chúa, nhưng có một chiều kích sâu xa hơn về Mùa Vọng và Ngày Lễ Giáng sinh mà Chúa muốn chúng ta cảm nghiệm. Trong suốt bốn tuần lễ này, ngay cả khi chúng ta chuẩn bị mọi thứ, Thiên Chúa muốn mở mắt chúng ta trước vinh quang của ngày Chúa Giêsu ra đời. Ngài muốn rằng vào Ngày Lễ Giáng sinh, trên tất cả những niềm vui khác khi sum họp gia đình và tặng quà, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui vì biết rằng Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài không phải để lên án chúng ta nhưng để mang lại sự sống đời đời cho chúng ta (Ga 3,16).

Logos, Lời. Khi bắt đầu Tin Mừng của mình, Gioan đã chọn một từ duy nhất để mô tả Chúa Giêsu. Ngài gọi Chúa Giêsu là “Lời của Thiên Chúa” hay theo tiếng Hy Lạp là Logos của Thiên Chúa, Đấng đã ở với Thiên Chúa từ thuở ban đầu và là Đấng đã đến thế gian để mang lại cho chúng ta “ân sủng và lẽ thật” (Ga 1,14). Gọi Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa có vẻ xa lạ với chúng ta, nhưng đối với những độc giả đầu tiên của Gioan, thuật ngữ này chứa đầy ý nghĩa.

Đối với nhiều người Do Thái vào thời của Gioan, hạn từ logos được dùng để mô tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nó thường được dùng để thay thế cho Luật Môsê, hoặc cho kế hoạch của Thiên Chúa chọn dân Israel và đặt dân Ngài làm ánh sáng cho dân ngoại khắp nơi. Đối với người Hy Lạp, logos là một loại Á thần, hoặc là cầu nối giữa Đấng tối cao, là Vua vũ trụ và thế giới với tất cả cư dân của nó.

Vì vậy, bằng việc sử dụng từ logos, Gioan đã sử dụng một thuật ngữ quen thuộc với người Do Thái và Hy Lạp, nhưng ngài đã vượt xa ý tưởng của người Do Thái và Hy Lạp. Chúa Giêsu còn hơn cả sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong hình dáng con người. Ngài còn hơn cả cầu nối trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chúa Giêsu – Ngôi Lời của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm – là chính Thiên Chúa, là người thật và là Thiên Chúa thật. Ngài là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, và Ngài là trung gian giữa trời và đất. Nhưng ngài là Con Thiên Chúa vĩnh cửu, đồng bản tính với Chúa Cha.

Cũng giống như Gioan muốn nâng độc giả của mình lên với sự thật về Chúa Giêsu là ai và Ngài đến để làm gì, Thiên Chúa cũng muốn nâng chúng ta lên. Sự dạy dỗ của Gioan về Lời Chúa cho chúng ta biết rằng sự tinh khiết, kỳ diệu và hoàn hảo của Thiên đàng – tất cả những gì Con Thiên Chúa biết trước khi giáng thế – giờ đây đều sẵn sàng cho những ai tin. Bởi vì Chúa Giêsu đã đến với chúng ta, đầy ân sủng và lẽ thật, Thiên đàng giờ đây đã xuống thế gian, và mỗi người chúng ta có thể chạm đến Thiên đàng khi chúng ta tiếp cận với Chúa Giêsu trong đức tin và đức cậy.

Thông thường, chúng ta cho phép tầm nhìn và hy vọng của mình bị giới hạn trong những gì chúng ta có thể nhìn thấy trong thế giới này. Thay vì ngước mắt lên trời – như Gioan đã cố gắng làm cho độc giả của mình – chúng ta lại xác định cuộc sống của mình theo những trách nhiệm, thử thách và vấn đề hằng ngày. Tất nhiên, chúng ta phải quan tâm đến nhiệm vụ của mình và đối phó với những thử thách của cuộc sống. Nhưng nếu chúng ta chỉ giới hạn bản thân trong chiều kích này của cuộc sống, chúng ta có nguy cơ mãn nguyện hoặc đau khổ theo cách mà các sự kiện diễn ra trên thế giới. Nhưng Gioan đang thách thức chúng ta nhìn xa hơn thế giới này và hỏi “Điều gì ẩn sau đó?” và “Ai là người quản lý nó?”

Hãy hướng nhìn lên. Thật sai lầm khi nghĩ rằng những câu hỏi như thế này quá sâu xa để chúng ta suy gẫm, hoặc quá phức tạp để chúng ta tìm ra câu trả lời. Vinh quang của Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh là Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta, là Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm để đem lại cho chúng ta những câu trả lời mà chúng ta khao khát. Ngay cả ngày nay, sứ mệnh chính yếu của Chúa Thánh Thần là bày tỏ cho chúng ta tất cả những điều Chúa Giêsu đã dạy khi Ngài còn ở dương thế (Ga 14,26). Và trong sự mặc khải đó, chúng ta bắt đầu nhìn cuộc sống của mình, thế giới này và thậm chí cả Thiên Đàng theo một cách mới mẻ và thú vị.

Chúa Giêsu là Lời hằng sống của Thiên Chúa. Đây là những gì chúng ta đang cử hành trong mùa Vọng này. Và hơn thế nữa, đây là những gì chúng ta hy vọng được cảm nghiệm khi Ngày Lễ Giáng sinh đến. Chúa Giêsu muốn mang đến một tầm nhìn mới cho cuộc sống của chúng ta, một tầm nhìn vượt xa những gì chúng ta có xu hướng nghĩ về hằng ngày. Ngài muốn đưa chúng ta vào thế giới của Ngài, thành Giêrusalem trên trời, và bày tỏ Chúa Cha cho chúng ta để chúng ta có thể sống một cuộc sống mới. Và khi Ngài mở mắt của chúng ta, Ngài cũng muốn mang đến cho chúng ta ân sủng dồi dào – dồi dào về tình yêu, lòng thương xót và quyền năng của Ngài. Tất cả những gì chúng ta phải làm là mở cửa cho Ngài ngự vào.

Khi Ngày Lễ Giáng sinh đến gần hơn, hãy dành thời gian để nhìn vào Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa. Ngài được Chúa Cha sai đến để cứu chúng ta và bày tỏ tình yêu thương của Thiên Chúa cho chúng ta. Đừng bỏ qua ân sủng quý giá này. Thay vào đó, hãy nắm bắt nó mỗi ngày bằng cách dành thêm thời gian để cầu nguyện. Cố gắng đi lễ thường xuyên hơn. Tìm kiếm sự hòa giải với Thiên Chúa qua sự xưng tội. Dù bạn đang làm gì, hãy chắc chắn rằng bạn đang nhìn vào Chúa Giêsu và xin Ngài cho bạn biết về Ngài.

Sự Sống và Ánh Sáng cho thế gian. Gioan viết rằng trong Chúa Giêsu “có sự sống, và sự sống là ánh sáng của mọi người. Sự sáng chiếu soi bóng tối” (Ga 1,4-5). Sự sống này, Ánh sáng này, là ngọn đèn vững chắc, kiên định và đáng tin cậy nhất trong mọi thụ tạo. Nó không ngừng soi sáng chúng ta, cho chúng ta sức mạnh để chữa lành tất cả những ký ức còn đọng lại trong góc tối của tâm trí. Nó có thể loại bỏ tất cả những nỗi sợ hãi và lo lắng của cuộc sống trên thế giới này và chỉ cho chúng ta con đường chúng ta nên bước đi.

Ánh sáng này có sức mạnh biến đổi chúng ta và thánh hóa chúng ta thành hình ảnh của chính Thiên Chúa, những sứ giả của Chúa Kitô trong một thế giới đang khao khát Lời Ngài, tình yêu và lòng trắc ẩn của Ngài. Nó có thể soi sáng bóng tối trong tâm trí chúng ta, hướng dẫn đôi chân của chúng ta đi theo con đường của sự thật, và đem lại cho chúng ta sự bình an giữa những thăng trầm của cuộc sống. Nếu chúng ta chỉ đơn giản quay mặt về phía ánh sáng này, chúng ta sẽ tràn đầy tình yêu đối với người khác và với mong muốn tôn vinh Chúa trong mọi việc chúng ta làm.

Hãy tưởng tượng điều gì có thể xảy ra nếu tất cả chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu khi cầu nguyện. Chúng ta sẽ thấy Chúa Thánh Thần nhân lên lời cầu nguyện và lòng sùng kính của chúng ta, tuôn đổ ba mươi, sáu mươi, hoặc thậm chí một trăm lần ân sủng và quà tặng trên chúng ta và trên những người chúng ta đang cầu nguyện và phục vụ. Hãy tưởng tượng có bao nhiêu người nữa sẽ cảm động và được Chúa Giêsu biến đổi. Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy xác phàm vì chúng ta – tất cả chỉ vì lời cầu nguyện khiêm nhường và tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu.

Nguồn: [https://wau.org]
Chuyển ngữ: Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD.

Comments are closed.

phone-icon