Chứng nhân – SN Chúa nhật III mùa vọng, năm B

0

Suy Niệm: Ga 1,6-8.19-28

Ngày 9 tháng 12 hàng loạt nghệ sĩ Showbiz Việt Nam, và dân chúng bàng hoàng khi nghe hung tin danh hài Chí Tài qua đời vì đột quỵ. Người ta thắc mắc anh phải có điểm son nào khiến nhiều người ngưỡng mộ đến thế? Các đồng nghiệp của anh phải thán phục vì cuộc sống rất ý nghĩa của anh. Họ nhận định: anh rất hiền và dễ thương với mọi người, không bao giờ mở miệng nói xấu bất cứ đồng nghiệp nào và cũng không giận ai quá lâu. Bà xã của anh là ca sĩ Phương Loan chia sẻ: Anh rất thương vợ, trung tín và chăm chút gia đình. Danh hài và Phương Loan không có con nhưng vẫn có cuộc sống tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Một chứng từ giữa đời về cuộc sống hôn nhân gia đình. Mặc dù mang bản chất nghệ sĩ với cái nghề nay đây mai đó nhưng anh vẫn giữ quan điểm sống lý tưởng của mình.

Hôm nay chúng ta thán phục một cuộc sống tốt lành giữa đời nhưng hôm nay Chúa Giê-su còn giới thiệu cho chúng ta một nhân chứng tuyệt vời giữa một thế giới tội lụy. Ngài đến để làm chứng cho Ngôi Lời, Ánh Sáng thật mà thế gian chưa nhận biết. Ngài làm chứng bằng chính cuộc sống khổ hạnh, khiêm tốn của mình.

 Ngày nay  con người ngụp lặn trong tội lỗi với những tội ác ghê gớm như sống buông thả theo thú tính, trộm cướp, giết người hàng loạt, phá thai, trợ tử, lèo lái truyền sinh bằng cách dùng các phôi thai người để lấy tế bào gốc rồi hủy hoại các phôi thai, bất công xã hội, vi phạm  nhân quyền, tạo ra chiến tranh để buôn bán vũ khí… Con người đã đánh mất ý thức về tội lỗi, khai trừ Thiên Chúa, tôn thờ sa tan và chủ nghĩa duy vật. Trước một thế giới đang đi xuống vực thẳm như thế thì vai trò chứng nhân rất cần thiết, nó như chiếc đèn lóe lên trong đêm tối để thức tỉnh những con người đang ngủ vùi trong sự chết trỗi dậy để được tái sinh. Gioan tẩy giả hôm nay đóng vai trò quan trọng này.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thổn thức trong Thánh lễ ngày 19/11 tại nguyện đường Thánh Matta: “Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng khóc, bởi chúng ta chọn đường lối chiến tranh, đường lối thù hận, đường lối đối địch. Đã gần đến Giáng Sinh, sẽ có đèn hoa, sẽ có yến tiệc, cây thông giăng đèn, cả những cảnh Giáng Sinh, tất cả thật rực rỡ, nhưng thế giới vẫn tiếp tục dấy lên chiến tranh. Thế giới không hiểu đường lối hòa bình.”

Ngày nay với nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, người ta có thể chuyển tải thông tin cách dễ dàng và cũng rất tiện cho việc phổ biến triết thuyết hay quảng bá cá nhân mình cách tinh tế và khoa học. Trước những cơn lốc của thông tin hay việc giảng dạy có tính cách lý thuyết ấy, người ta muốn chìm sâu hơn vào giá trị thực, những gương sống điều mình dạy dỗ, nên hơn bao giờ hết, những chứng từ sống động có sức thuyết phục mạnh mẽ.

 Hôm nay Gioan xuất hiện như cờ hiệu báo cho dân Chúa biết Chúa đã đến gần bằng chính cuộc sống của mình, Ngài nhiệt tình dấn thân phục vụ chân lý. Ngài bảo đảm cho điều mình tin bằng chính cuộc sống khổ hạnh và bằng chính cái chết của mình vì chân lý. Ngài làm chứng điều mình đã thấy và đã sống. Ngài là chứng nhân hùng hồn qua lối sống chứ không phải qua lý thuyết. Ngài đã từ bỏ lối sống đài các xa hoa của các vua chúa, của những mệnh phụ phu nhân, của những đại gia, của những bậc trâm anh thế phiệt, nhưng chọn nơi sa mạc, nơi khỉ không thèm ho, cò cũng chẳng thèm gáy. Ngài thật xứng đáng là ngọn đèn soi cho mọi người thấy Đấng Cứu Thế. Lời nói của Ngài luôn đi đôi với việc làm. Ngài sống trước , nói sau. Ngài  yêu mến Chúa và nhiệt thành giới thiệu Chúa cho anh em. Ngài lui vào bóng tối để Chúa tiến lên. Khi những người Do Thái đến hỏi Chúa: “ Ông là ai?” Ngài trả lời cách công khai không úp mở: “Tôi không phải là Đấng Messia.” Họ hỏi Ngài: “Vậy ông là ai? Ông có phải là ngôn sứ Isaia không?” Ngài trả lời: “Không.” Vậy ông có phải là tiên tri không? Đến đây Gioan nhận mà không từ chối, vì ngôn sứ là người mang lời Chúa, là người chuyển tải Lời Chúa cho dân , là người sống lời Chúa, là người trung thành với Đức Tin truyền thống, là chứng nhân cho Đấng đến sau mình nhưng trọng hơn mình. Người nhận mình chỉ là ngọn đèn yếu ớt dẫn đường và sẽ biến mất khi ánh sáng mặt trời xuất hiện: “Tôi làm phép rửa trong nước, nhưng có một Đấng ở giữa anh em mà anh em không biết; chính Người đến sau tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài.”

Qua cuộc sống khổ hạnh khiêm tốn, Gioan Tẩy giả giới thiệu một Đức Kitô ẩn mình. Thiên Chúa hiện diện mọi nơi trong các tạo vật của Ngài. Ngài ẩn giấu đến nỗi người ta không thể thấy Ngài. Nhiều khi con người chán nản không muốn tìm kiếm Ngài và muốn rẽ sang  con đường khác là nghỉ chơi với Ngài: “Có một người ở giữa anh em mà anh em không biết.”

Khi Con Thiên Chúa đến trần gian, Ngài không được con người nhận biết: “ Ngài đến giữa anh em mà anh em không nhận biết Ngài.” Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa giấu ẩn hoàn toàn. Ngài đến mặc xác phàm nhân loại nơi Chúa Giê-su: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Ngài làm người giữa chúng ta để thông cảm tất cả những hệ lụy của kiếp người chúng ta.

Trước kia khi Chúa Giêsu chưa xuống trần,Thiên Chúa được xem như một Thiên Chúa xa cách, không liên quan gì với con người trong nỗi vui buồn. Tệ hơn nữa, Ngài bị coi là quan án hay gián điệp sẵn sàng vồ chụp con người để phạt. Khi Chúa Giê-su đến, Thiên Chúa không còn bị chúng ta nhìn Ngài dưới lăng kính đó nữa. Chúng ta thấy Ngài yêu , sống và chia sẻ nỗi đau khổ của chúng ta. Ngài không kết án hay phán xét nhưng chữa lành và cứu độ. Một Thiên Chúa rất gần với con người, Ngài giàu lòng xót thương và tha thứ. Ngài giống như dòng suối trong mát để chúng ta có thể uống và làm tươi mát chính mình. Biết Thiên Chúa theo cách này là một lý do của sự vui mừng. Đây là niềm vui được loan báo cho các mục tử khi Chúa Giê-su giáng sinh và ngày nay niềm vui này được loan báo cho chúng ta. Đây là niềm vui mà Isaia nói: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi vì Thiên Chúa đã xức dầu hiến thánh tôi. Ngài sai tôi mang tin vui cho người nghèo.” Tin vui mà Thiên Chúa đem đến cho chúng ta là sự bình an tâm hồn, là ơn Cứu độ.  Đó là sự hiện diện của Đấng Quyền Năng và Ngài biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta.

Thiên Chúa đã đến! Ngài đến trong Đức Ki- Tô cách khiêm hạ và Ngài lại đến trong vinh quang và chúng ta được ở với Ngài. Đó là niềm vui trọng đại nhưng chúng ta có nghĩ đến cuộc gặp gỡ mà chúng ta sẽ có với Thiên Chúa không? Cuộc gặp gỡ ấy phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Cuộc gặp với Thiên Chúa đầy lòng xót thương, để qua cảm nghiệm thân tình này, chúng ta mới có thể là chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa. Một đời sống gặp gỡ Thiên Chúa sẽ là chứng nhân hùng hồn và hữu hiệu và chính nó sẽ là lời loan báo Tin Mừng ý nghĩa nhất. Chính vì thế mà chứng nhân có sức thuyết phục con người thời nay. Trái lại, nếu không có chứng nhân thì khuôn mặt của Chúa Giê-su bị mờ dần trong thế giới điên đảo này. Vì Ngài vẫn có đó nhưng con người không biết và xa lạ. Con người mãi mãi chìm trong bóng tối và Tin Mừng không được loan báo cho người nghèo.

Gioan Tẩy giả khiêm tốn nhận mình là tiếng kêu, là phát ngôn viên cho Thiên Chúa. Ông mời gọi người Do Thái hãy vào sa mạc sống trong sự nghèo khó và trong sạch để dọn đường cho Chúa đến. Bản thân Gioan đã sống lời mời gọi này và ông cũng rất khiêm hạ để nhận mình không xứng đáng cởi dây giày cho Thầy, một công việc rất hèn hạ của người nô-lệ. Gioan đã bước vào hậu trường khi Chúa Giê-su xuất hiện. Ông đã thực sự chết cho chính mình để Chúa Giêsu được tỏ hiện.

Chúng ta hãy noi gương Thánh Gioan khiêm nhường nhận mình chỉ là tiếng kêu rất bé nhỏ trong hoang địa. Sống tâm tình sám hối thực sự. Can đảm dứt bỏ những sợi dây thế tục đang chằng chéo chúng ta để ánh sáng của Chúa phản ánh nơi cuộc sống chúng ta. Nhờ đó mọi người có thể nhận ra Chúa nơi những ánh sáng yếu ớt trong đêm tối trần gian này mà tìm về với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và Cha Toàn Năng thương xót.

Nt.Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon