Thời Gian Giải Trí – Hương Vị Thiên Đàng

0

Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31).

Những Ngày Lười Biếng

Khi chúng ta tiến gần đến thời điểm giữa mùa hè, đó là thời gian thích hợp để xét xem đâu là thời gian giải trí và nó có ý nghĩa như thế nào theo những mục đích của Chúa. Chúng ta thường không liên kết “thời gian giải trí” với “sự phát triển tâm linh”. Tuy nhiên, được chia sẻ với những người mình yêu thương, thời giải trí là một sự hưởng nếm trước về thiên đàng. Vậy thì, làm cách nào chúng ta có thể sắp xếp cuộc sống của mình theo những cách cho phép nhiều hơn thế nữa?

Một câu trả lời rõ ràng ngay lập tức đối với câu hỏi đó là chỉ ra rằng không phải tất cả mọi người đều có dư giả thời gian ngoài công việc phải làm, đặc biệt những người nghèo đang phải làm việc cơ cực. Chúng tôi đã từng có những giai đoạn trong cuộc sống khi việc giải trí thậm chí được cho là một sự xa sỉ mà chúng tôi mong muốn cũng không thể có được, vì chúng ta đang phải vật lộn để lo kế sinh nhai. Vì thế, ở  một mức độ nào đó, ngay cả câu hỏi về việc làm cách nào để tìm lại một số thời gian nhàn rỗi tự nó cũng là một sự xa xỉ mà không phải tất cả mọi người đều có khả năng để có được.

Quan Điểm về việc Giải Trí

Tuy nhiên có một mức độ sâu sắc hơn đối với câu hỏi này: Điều gì làm cho việc giải trí khả thi và tại sao khả năng để tìm kiếm thời gian giải trí là một sự thỏa hiệp đối với nhiều cá nhân cũng như nhiều gia đình? Vì thế, suy nghĩ của chúng ta về việc giải trí thì khác xa với cách mà người giàu tiêu tiền cho các kỳ nghỉ dưỡng của họ. Thay vào đó… việc giải trí bắt nguồn từ việc hiểu sâu sắc hơn về những gì mà tất cả các hoạt động của chúng ta phải hướng tới.

Hơn hai ngàn năm trước đây, Aristotle cho rằng lý do người ta làm việc là để họ có thể có sự nhàn rỗi. Nếu Jeopardy trả lời là “nhàn rỗi”, thì câu hỏi mà Aristotle đặt ra, là “ngoài những nhu cầu căn bản của cuộc sống, tại sao tất cả chúng ta lại làm việc?”

Aristotle lưu ý rằng mô hình hoạt động thường liên quan đến công việc và sự giải trí hoặc trò tiêu khiển – một mô hình mà chắc chắn chúng ta thấy trong cuộc sống hằng ngày của mình. Chúng ta đi làm hay đi học, làm những việc cần phải làm, sau đó về nhà và làm những cộng việc khác như nấu bữa tối và lau dọn nhà cửa. Có thể chúng ta dành thời gian để xem buổi trình diễn trên truyền hình hoặc nghe một số bản nhạc, nhưng ngay sau đó mọi người mệt mỏi và đi ngủ. Đó là một chu trình khá phổ biến. Tuy nhiên, điều mà Aristotle lưu ý là ngoài mô hình làm việc-giải trí-nghỉ ngơi thông thường là một khát vọng được thư giãn theo nghĩa sâu sắc hơn, điều mà ông mô tả trong cuốn sách Chính trị của mình là đối tượng thích hợp của phần tốt nhất trong chúng ta – trí tuệ của chúng ta.

Tập trung vào Bản Thân hay Thiên Chúa?

Sự đối lập với điều kiện tích cực của sự nhàn rỗi là sự thụ động của trí óc, bao gồm những hoạt động làm nảy sinh ra những ham muốn của bản thân, chứ không hướng đến Thiên Chúa. Chúng ta được tạo ra để thờ phượng, và những gì chúng ta tôn thờ chính là thứ mà chúng ta cống hiến tất cả sức lực của mình. . . [và vì vậy] vấn đề thờ phượng ảnh hưởng đến cách tiếp cận công việc và thời gian rảnh của chúng ta. Chúng ta đang làm việc vì điều gì? Thái độ của chúng ta đối với thời gian rảnh là gì? Công việc và thời gian rảnh có phải là sáng tạo và tích cực hay chúng chỉ là những hình thức khác nhau của sự vất vả cực nhọc.

Mỗi người phải lựa chọn điều gì đó để thờ phượng – điều làm nên những điểm nhấn quan trọng của cuộc đời của người đó – quan điểm này cũng đúng với các gia đình. Sự thờ phượng đích thực có nghĩa là đặt ra câu hỏi cơ bản về điều gì đáng để sống. Không đặt ra câu hỏi đó có nghĩa là giao quyền tự do của chúng ta để theo đuổi bất cứ mục đích gì mà phần còn lại của nền văn hóa cho là đáng để theo đuổi.

Sự giàu có thực sự là thời gian của bữa tiệc: sự sẵn sàng để chỉ đơn giản hiện diện với những người mà chúng ta yêu thương và tán dương cuộc sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Hãy lưu ý rằng không chỉ đơn giản chỉ là ngưng công việc, “nạp lại năng lượng” để chúng ta có thể trở lại với cộng việc của mình. Thay vào đó, là cùng nhau rũ bỏ những công việc vốn có của mình và sống theo một lối sống khác. Sự giải trí “vận hành đúng góc độ để làm việc”, …; nó tồn tại vì chính nó chứ không phải vì mục đích biến chúng ta thành những con ong thợ làm hiệu quả hơn trong nền kinh tế.

Chúng ta hãy làm cho rõ ràng: không phải là chúng ta ghét công việc của mình… Vấn đề ở đây là ngay cả công việc tốt nhất thì hầu như chúng ta vẫn luôn quan tâm phát triển điều gì đó hơn cả chính gia đình, nhưng trái lại việc giải trí nên hiểu là thời gian giúp chúng ta vun đắp gia đình của mình. Với một cuộc sống được sắp xếp hợp lý, chúng ta tin rằng sự giải trí không phải là để phân tâm hay giải trí mà là niềm vui có được khi thấy gia đình mình ngày càng phát triển thành một xã hội tốt đẹp.

Sự Giải Trí Gắn Kết với Việc Thờ Phượng

Đối với một gia đình, việc giải trí cũng giống như thế. Việc giải trí là sự gián đoạn trong dòng chảy của cuộc sống hằng ngày và là một ghi nhận về cuộc sống vì ích lợi của chính nó. Và lý do sự giải trí gắn kết trên nền tảng của việc thờ phượng là bởi chỉ khi cuộc sống được hiểu như một quà tặng quý giá của Thiên Chúa, thì con người mới có thể đơn giản dừng lại và chiêm ngưỡng vẻ đẹp vốn có của cuộc sống theo cách riêng chứ không phải giải trí như là một phương tiện để kích thích cảm xúc hay trí tuệ.  Sự giải trí và trò tiêu khiển có thể là niềm vui, nhưng chúng có thể không thực sự nhàn nhã theo nghĩa này. Đôi khi chúng ta nhận thấy xu khuynh hướng hoạt động điên cuồng – với cảm thức rằng mỗi khoảnh khắc phải được lấp đầy bởi một số loại hoạt động để không ai cảm thấy buồn chán.

Giờ đây, chúng ta là những người thực tế, vì thế chúng ta  phải thú nhận rằng thường có một khoảng cách rất lớn giữa ý tưởng và thực tế. Chúng ta không cố gắng để đề nghị rằng cuộc sống gia đình tùy thuộc vào những giây phút ổn định của ân sủng thiên đàng đang chiếu sáng xung quanh những nụ hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt con cái chúng ta khi chúng ta nhìn nhau cách yêu thương, trìu mến trong căn phòng của gia đình. Hoàn toàn trái ngược: sự giải trí cũng cần phải làm việc. Đúng là ở đây có một sự nghịch lý, nhưng khi chúng ta nghĩ về những lần chúng ta đã có thể thực sự tận hưởng thời gian với gia đình, chúng ta nhận ra rằng nhiều người trong số họ đã phải rất nỗ lực để tạo ra bầu khí vui vẻ, hạnh phúc ấy.

Đối với chúng ta, một thí dụ điển hình là chuyến đi trong ngày. Chúng ta đã trở nên quen thuộc trong việc tận dụng những ngày thời tiết tốt, đặc biệt trong những ngày nghỉ hè ở trường. Với sự uyển chuyển, linh hoạt trong lịch trình làm việc của mình, chúng ta đã may mắn tận dụng những ngày đẹp trời để đi biển hoặc leo núi hoặc đến một thị trấn ven biển nào đó gần nơi chúng ta đang sống. Rất thường qua nhiều năm, những chuyến đi chơi trong ngày này tự phát: chúng ta xem dự báo thời tiết và thường chọn đi vào mùa xuân. Một số người bắt đầu chuẩn bị sẵn thùng ướp lạnh, đóng gói đồ ăn trưa và đồ ăn nhẹ. Một số khác sẽ dọn dẹp xe hơi (xe thường là lộn xộn) để mọi người có chỗ mà ngồi. Người khác có thể thu thập những chiếc gối và âm nhạc để nghe trên đường đi. Khi sắp xếp mọi thứ ổn thỏa (không phải mọi lúc, nhưng thường xuyên hơn khi bọn trẻ lớn lên), sau khoảng một giờ đồng hồ, chúng ta có thể xuất phát và chọn một địa điểm để đến.

Chúng ta ít khi có một mục tiêu cụ thể. Có thể đó sẽ là ngồi ở bờ biển và chơi vỗ sóng. Tùy thuộc vào thời tiết, chúng ta sẽ đi bộ hoặc đi “mua sắm trong các cửa hàng hoặc ngoài chợ trời”, khi một trong số các con gái của chúng ta đã từng mô tả những gì bạn làm trong các cửa hàng xinh đẹp ở New England. Những lần khác, đặc biệt trong thời tiết lạnh hơn, chúng ta sẽ chỉ đến một nơi nào đó đẹp đẽ và tìm một nhà hàng có cảnh tuyệt đẹp để dùng bữa trưa. Nhiều lần trong những chuyến đi trong ngày này đòi hỏi một sự nghiên cứu nào đó: Thời tiết thế nào? Những sự kiện hay lễ hội gì đang diễn ra? Tình trạng giao thông như thế nào? Cái này hay cái kia tốn phí bao nhiêu? Mất bao nhiêu thời gian để tới đó? Và v.v… Với sáu người chúng tôi (mẹ, ba, ba đứa nhỏ và Nana), đã có nhiều yếu tố để xem xét nhiều năm qua – khoảng cách đi bộ, các nhu cầu về đồ ăn hoặc đồ uống, khả năng chịu đựng và nhiều vấn đề khác của trẻ con. Đôi khi chúng ta đã thất bại thảm hại, nhưng chúng ta thường thấy rằng những chuyến đi trong ngày như thế này thật sảng khoái và thú vị. Và chúng đã mang lại một số kỷ niệm tuyệt vời.

Lên Kế Hoạch cho một Ngày “Sabbath”

Hạnh phúc có được từ thời gian giải trí không phải là điều gì mang tính kỳ diệu, ma thuật chỉ xuất hiện rồi biến mất. Nó phải là mục tiêu cần lên kế hoạch, sự chu đáo và hoạt động. Một ngày nghỉ đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị. Chúng tôi chưa bao giờ có nhiều tiền, vì thế ý tưởng đi một công viên giải trí hoặc một hoạt động vui chơi đắt tiền (plug-and-play activity) nào đó thường không phải là một lựa chọn. Thay vào đó, chúng tôi đã phải săn tìm những phiếu giảm giá, tìm kiếm những lựa chọn miễn phí hoặc giá rẻ như các công viên hoặc bãi biển và sáng tạo. Chúng tôi phải tính đến những mức độ chịu đựng (ai sẵn sàng đi bộ hoặc đi xe đạp, trong bao lâu), ai ăn kiêng (ai sẽ ăn cái gì, khi nào), khoảng cách (thời gian đến đó mất bao lâu), trò tiêu khiển (các em nhỏ sẽ ở trong xe hơi như thế nào, được bao lâu hoặc chúng sẽ hoạt động, chơi cái gì trong xe), và v.v. Nhưng thường xuyên hơn không, chúng tôi có nhiều thời gian và vì thế con cái của chúng tôi đã phát triển ý thức khá tốt rằng sự giải trí chung có thể là niềm vui.

Chúng tôi đã nuôi dưỡng một tinh thần phiêu lưu, và vì thế con cái của chúng ta đã học cách đồng hành, hòa hợp với mọi người và sẵn sàng cho một số cuộc mạo hiểm. Chúng tôi thậm chí có thói quen trong những mùa hè vừa qua là dán một danh sách lên tủ lạnh về những nơi chúng tôi đã thực hiện những chuyến đi trong ngày. Chúng tôi hy vọng rằng việc lưu giữ những kỷ niệm này sẽ giúp các con của chúng tôi phát triển cả tinh thần biết ơn và một sự sẵn sàng đặt sự giải trí chung lên vị trí ưu tiên trong cuộc sống.

Điều gì làm cho những chuyến đi trong ngày trở nên hiện thực? Những yếu tố nào cho phép chúng ta là một gia đình bình thường có thể tận hưởng niềm vui của cuộc sống cùng nhau? Câu trả lời thuyết phục chúng ta, đó là chúng ta thực hành sự kính trọng đối với chính quà tặng sự sống. Chúng ta ý thức rằng sự sợ hãi khiến nhiều người dành ưu tiên cho công việc, chẳng hạn như bất cứ thời gian nào rảnh rỗi đều thể hiện sự lơ đãng khỏi những đòi hỏi của công việc. Mặc dù đối với chúng ta, công việc phải là thứ yếu đối với chính quà tặng sự sống. Lời kêu gọi hằng tuần nghỉ ngơi ngày sabbath về căn bản là một lời nhắc nhớ rằng, công việc không phải trung tâm của cuộc sống nhưng đúng hơn là củng cố những gì là trung tâm. Có lẽ các bạn đã nghe câu ngạn ngữ là một số người làm việc để sống nhưng những người khác sống để làm việc. Đối với chúng ta, sự giải trí là trạng thái ban đầu, trạng thái đón nhận quà tặng sự sống của Thiên Chúa.

Đây là một trích lọc từ cuốn sách có tựa đề Cải thiện Thời gian của Gia đình: Một Hướng Dẫn để Sống Chậm Lại và Tận hưởng Quà tặng của nhau, của tác giả Tim và Sue Muldoon (The Word Among Us Press, 2017, có thể truy cập tại www.wau.org/books). 

Tác giả: TIM AND SUE MULDOON
Theo Word Among Us, Personal Spirituality Resources
Nguồn:https://wau.org/resources/article/leisure_time/
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon