Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi – Suy niệm ngày 8.1.2022

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

TIN MỪNG: Ga 3, 22-30

22 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa.23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa.24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.

25 Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy.26 Họ đến gặp ông Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.”

27 Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.28 Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.

(Bản dịch của Nhóm CGKPV)

SUY NIỆM:

1. Chân dung thánh Gioan Tẩy Giả

Như chúng ta đều biết, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhiều lần ngang qua các Tin Mừng, lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả. Bởi vì, sứ điệp và cuộc đời của thánh nhân có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô.

Thật vậy, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều trở nên một với Đức Ki-tô. Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay thánh hiến, cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô.

Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài ; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.

Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.

 2. « Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi »

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan nói mình một cách khiêm tốn :

Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi. (c. 30)

Và sự khiêm tốn đích thật không phải là hạ mình xuống thấp hơn điều mình là, nhưng là sống đúng với điều mình là trong sự thật, đối với Đức Ki-tô và qua đó, với những người khác, trong đó các anh em, chị em và những người chúng ta được sai đến phục vụ. Và sự thật về thánh Gioan, và cũng là sự thật về chúng ta, đó là : ngài không phải là Đức Ki-tô, nhưng là người được sai đi trước mặt Người, phép rửa của ngài (vì thế, ngài có tên là « John The Baptist » – Gioan Baotixita hay Gioan Tẩy Giả, nghĩa là « Gioan, Người làm phép thanh tẩy ») là để giúp người ta chuẩn bị con đường, là chính tâm hồn của cuộc đời của mình, để Đức Ki-tô đi qua, nghĩa là để cho Người tái sinh bằng phép rửa do Người thực hiện trong Thánh Thần (x. Lc 3, 15-16.21-22, trong phụng vụ Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa).

Theo gương của thánh Gioan, và nhất là Đức Maria, Mẹ của chúng ta, chúng ta được mời gọi nhận mình trong sự thật, là tôi tớ, là nữ tì cho sứ mạng của Đức Ki-tô, chứ không phải là chủ nhân hay là trung tâm. Hình ảnh chàng rể và bạn của chàng rể mà thánh Gioan dùng để diễn tả tương quan sự thật giữa ngài và Đức Ki-tô thật là đẹp và hay, vì thế phải đánh động chúng ta.

Và chính tương quan trong sự thật này đã mang lại bình an và niềm vui cho thánh Gioan và cho tất cả chúng ta hôm nay, thay thì sự bực dọc, tức giận, bất an hay lo lắng. Và niềm vui của thánh Gioan đã đạt đến mức trọn vẹn ; và chắc chắn là vừa sâu xa và vừa bền vững.

Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn (c. 29)

3. « Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban »

Nhưng tại sao, thánh Gioan lại có được sự khiêm tốn đích thật mang lại niềm vui lớn lao như thế. Đó là vì ngài có được kinh nghiệm nền tảng này :

Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. (c. 27)

Đó chính là kinh nghiệm về ân huệ Thiên Chúa ban, và ơn huệ lớn nhất và căn bản nhất chính là ơn huệ sự sống. Thực vậy, hơn ai hết, sự sinh ra của Gioan là một ân huệ nhưng không tuyệt đối của Thiên Chúa (x. các bài Tin Mừng của Tuần Bát Nhật trước lễ Giáng Sinh về sự sinh ra của thánh Gioan, trong Lc 1, 5-80).

Và sự sống của chúng ta cũng vậy, tuy không được cha mẹ sinh ra cách lạ lùng như Gioan, nhưng sự sống của chúng ta, cũng là một ơn huệ nhưng không tuyệt đối Thiên Chúa ban, như lời nguyện Thánh Vịnh đã xác tín và muốn chia sẻ niềm xác tín này cho chúng ta :

Tạng phủ con, chính Ngài đã tạo dựng,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa vì con, tác phẩm lạ lùng, đã được dựng nên,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!  (Tv 139, 13-14)

Và trong ơn huệ sự sống, đã chất chứa lời hứa trao ban sự sống, “sự sống dồi dào” rồi. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng hằng sống; vì thế, khi ban cho chúng ta sự sống này, Ngài mời gọi chúng ta hướng tới sự sống mới, tới sáng tạo mới; và khi chúng ta khát khao, Người sẽ trao ban. “Sự sống mới” không phải là sự sống “ăn no mặc ấm”, nhưng là sự sống mạnh hơn sự chết, là chính Chúa. Đức Ki-tô đến để làm rõ và thực hiện lời hứa này (x. Ga 10, 10) nơi Bí Tích Thánh Thể.

Thật vậy, nếu bánh ăn hằng ngày không làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, thì Bánh Hằng Sống, là chính Đức Giê-su, sẽ làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, bởi vì chính Ngài đã vượt qua và chiến thắng cả tiến trình dẫn đến sự chết và chính cái chết trong cuộc Thương Khó. Bánh Thánh Thể chính là điểm tới của ơn huệ lương thực:

Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. (Ga 6, 51)

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (Tv 136)

Comments are closed.

phone-icon