Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Tin mừng hôm nay kể chuyện: tiếp nhận đoàn người lũ lượt đến xin chịu Phép Rửa, bày tỏ lòng sám hối, thánh Gioan được nghe những lời bàn tán của dân chúng phỏng đoán ông chính là đấng Mêsia. Thánh nhân đã trả lời: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Câu trả lời của Gioan vừa bác bỏ tin đồn vừa cũng cố niềm hy vọng của dân chúng về Đấng Mesia đang đến.Gioan làm Phép Rửa trong dòng nước sông Giođan, còn Đấng Mêsia làm Phép Rửa trong Thánh Thần. Vậy Phép Rửa của Gioan và Phép Rửa của Chúa Giêsu khác nhau thế nào?
1. Phép Rửa sám hối
Đây là Phép Rửa bằng nước do Gioan thực hiện tại sông Giođan: “Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối“. Ai chịu Phép Rửa đều phải có một thái độ nội tâm cũng như bên ngoài, phải tin vào sứ điệp của Gioan, phải trở lại thực lòng, phải quay về với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Phép Rửa của Gioan chỉ có tính cách tượng trưng, tự nó không có sức xóa bỏ được tội lỗi mà chỉ là nghi thức nhắc nhở cho mọi người phải ăn năn sám hối và cải thiện đời sống.
Phép Rửa sám hối chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Gioan làm Phép Rửa sám hối để dọn lòng dân chúng đón chờ Đấng Cứu Thế. Như vậy gắn với hành động sám hối phải là niềm hy vọng được nuôi dưỡng bền chặt trong lòng. Sám hối vì hy vọng được tha thứ và được giải thoát. Sám hối để xứng đáng với niềm hy vọng. Thánh Gioan ngoài sứ mạng kêu gọi mọi người sám hối còn đảm nhận trọng trách đồng hành với dân chúng hướng về Đấng Mêsia đang đến.
Vai trò của Gioan đã kết thúc, nhưng trước khi Chúa Giêsu chính thức đảm nhận sứ mạng, Người đã xếp hàng đứng chung với hàng ngũ dân chúng, hiệp thông trọn vẹn với họ về niềm mong đợi thiết tha được Chúa đến cứu. Thật lạ lùng! Chúa Giêsu bước xuống sông Giođan. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối nay xin chịu phép rửa sám hối của Gioan. Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” đang đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy. Một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Đức Kitô được công khai tấn phong làm Đấng Mêsia. Thánh Thần ngự xuống, tiếng từ trời xác nhận: “Con là con của cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”. Đó là lời phong vương trong Thánh Vịnh 2,7. Chúa Giêsu đã được chính Thiên Chúa xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần.
2. Phép Rửa tái sinh
Phép rửa của Gioan là Phép rửa bằng nước mời gọi sám hối. Phép rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: “Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô” (Cl 2, 12-13).
Phép rửa của Chúa Giêsu là Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy chúng ta khỏi tội nguyên tổ và tội riêng chúng ta phạm. Đây là sự Thanh tẩy nội tại của Bí tích Thanh tẩy do ơn Chúa Thánh Thần. Nước có ý nói về nghi thức bên ngoài, thực hiện trên thân xác; còn lửa là biểu tượng diễn tả sự biến đổi bên trong tâm hồn. Trong khi nước chỉ đạt tới bề mặt của các sự vật, thì lửa thấm sâu vào, thanh luyện, soi sáng, đốt cháy. Trong phép rửa Đấng Mêsia thiết lập, người ta sẽ không gặp được thứ lửa nào ngoài thứ lửa của Thánh Thần, bởi vì chính Người thánh hóa các tâm hồn. Lửa nói lên sức thanh tẩy của Chúa Thánh Thần, như trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-4), khi các Tông đồ đang cầu nguyện thì Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ngài và biến đổi các ngài trở nên những con người mới, những Tông đồ nhiệt thành, thông hiểu Lời Chúa để các ngài rao giảng cho dân chúng.
Như vậy qua Phép Rửa tái sinh, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa tội đời sống thần linh của Ngài. Đó là sự sống trong Chúa Ba Ngôi. Người tín hữu trở nên thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào Sự Sống của chính Thiên Chúa hằng sống.
Bí Tích Thánh Tẩy chính là một phép lạ cả thể tác động trên một cá thể trong suốt chiều dài cuộc sống. Người ta được tắm gội trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô và được thần hóa một cách nhiệm mầu, để từ đó có thể phát biểu ngất ngây như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, hay đầy xác quyết như thánh Augustinô: “Chúa đã tạo dưng con người cách lạ lùng và còn tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”.
Bí Tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).
Bí Tích Thánh Tẩy tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Thánh Tẩy cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí Tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí Tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG #263).
3. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho Mùa Thường Niên là Mùa Phụng Vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần Khí và nước, giữa Tân Ước và Cựu Ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh trong Chúa Giêsu nhờ ghi dấu ấn tín của Chúa Thánh Thần và được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.
Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.
Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.
Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Người Kitô hữu được hai hồng ân lớn nhất là được ơn sự sống và ơn làm con Chúa. Nhờ cha mẹ, mỗi người được sinh ra và hiện hữu trên đời này. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu được sống sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo. Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin dạy chúng con biết sống ơn Bí Tích Thánh Tẩy để chúng con được xứng đáng được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.