Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 12, 32-48).
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.
“Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”
Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người ?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.
“Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.
*****************
Tin Mừng hôm nay là một trong những bài thường được chọn để cử hành lễ an táng. Theo bản năng, chúng ta nghĩ ngay về cái chết, về giờ chết sẽ đến mà chúng ta không biết khi nào và như thế nào.
Thực ra, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hướng về tương lai, trở thành những con người của tương lai, với thái độ trông đợi trong cảnh giác. Thông điệp này đặc biệt quan trọng trong thời đại hiện tại, biết bao nỗi sợ hãi cho tương lai của hành tinh và nhân loại có thể làm cho một số người khiếp sợ, khiến họ chỉ sống cho “qua ngày đoạn tháng” mà không cần ngày mai, không có định hướng gì cho tương lai.
Nhưng tại sao phải mong đợi trong cảnh giác? Các Kitô hữu tiên khởi, là những người đã nghe Đức Giêsu loan báo là Người sẽ trở lại trong một ngày rất gần, đã sống trong sự mong đợi này và viễn cảnh này. Một số người đã bán hết mọi thứ, phân phát tài sản, ngừng mọi công việc làm ăn và thậm chí cả cuộc sống gia đình để chuẩn bị cho sự quang lâm sắp xảy ra của Chúa Kitô. Các lá thư đầu của thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng, ngay từ đầu, chính ngài đã sống trong viễn cảnh này. Và rồi, tháng, năm trôi qua, sự mong đợi trở nên ít chắc chắn hơn, đến nỗi Phaolô đã khuyên các Kitô hữu quay trở lại làm việc, tiếp tục công việc hàng ngày của họ, do đó có câu nổi tiếng: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3, 10).
Tương tự như vậy, khi thánh Lu-ca viết sách Tin Mừng của mình vào những năm 80 sau Công nguyên, ngài đã cẩn thận liên kết giữa sự mong đợi và công việc. Ngài khuyên nhủ các tín hữu sống trong viễn cảnh tốt, đó là sự mong đợi tích cực. Vì thế, ngài nhắn nhủ: “Chúa Kitô sẽ trở lại như Người đã hứa, nhưng chúng ta không biết ngày giờ nào. Phúc cho những ai, khi Chúa trở lại, vẫn đang làm việc”.
Chính vì không ai biết ngày nào Chúa đến nên ta phải luôn sẵn sàng để gặp Người. Thực ra, tất cả cuộc sống con người là một sự mong đợi vĩnh viễn bởi vì mọi thứ chúng ta sở hữu trên trần gian này không bao giờ làm chúng ta thỏa mãn hoàn toàn.
Đối với tín hữu, tương lai, viễn cảnh Chúa Kitô quang lâm soi dẫn đời sống hiện tại và cho nó ý nghĩa và giá trị. Nó đi ngược lại với văn hóa khoa học và kỹ thuật của những người cùng thời với chúng ta: khi đề xuất một giả thuyết, họ muốn có thể kiểm chứng nó. Trái lại, đức tin sẽ chết nếu chúng ta muốn xác minh nó.
Trong bài đọc 1, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái nói rằng: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. Đức tin là một bước nhảy vọt vào nơi xa lạ. Ngày hôm nay, chúng ta làm việc và sống cuộc sống bình thường hàng ngày, nhưng chúng ta được mời gọi hướng tinh thần về việc trở lại của Chúa trong vinh quang. Chính tương lai này sẽ xác định những gì chúng ta phải làm bây giờ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống như thể những gì phải đến đã xảy ra rồi. Như thế, viễn cảnh Chúa Kitô quang lâm mang lại ý nghĩa cho mọi hoạt động con người của chúng ta. Cuối con đường mang lại ý nghĩa cho con đường.
Đức Giêsu nói: “Hãy canh thức… hãy thắp đèn cho sáng”. Canh thức là chờ đợi, trong đức tin, giờ gặp gỡ với Thiên Chúa, bởi vì Người đến trong cuộc sống hàng ngày của cuộc sống chúng ta và có thể vào những lúc chúng ta không ngờ. Đôi khi Người rất gần gũi với chúng ta qua lời cầu nguyện hoặc Người ở trong chúng ta qua việc rước Thánh Thể. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng đã gặp Người qua những người bất hạnh mà chúng ta đã giúp đỡ, qua những bệnh nhân mà chúng ta đã đến thăm viếng, và qua khuôn mặt của những người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày.
Trong sự mong chờ cuộc gặp gỡ vĩnh cửu, chúng ta có bổn phận phải thực hiện, những tài năng Chúa ban để sinh lợi. Chúa Kitô đã xuống trần gian để hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa Cha đã giao phó cho đến chết. Nhập Thể làm cho thời gian của cuộc đời chúng ta có ý nghĩa và giá trị. Sống như một người canh gác trong đức tin, trong sự kết hợp với Chúa Kitô, sự mong đợi giờ của Chúa trở thành hy vọng.
Xin Bí tích Thánh Thể mà chúng ta lãnh nhận sẽ biến đổi cuộc sống hôm nay của chúng ta. Amen.