Lắng nghe Thiên Chúa trong thế giới hiện đại

0

Tác giả: FR. MITCH PACWA. SJ
Nguồn: WAU, Prayer Resources
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ

Lắng Nghe Thiên Chúa trong Thế Giới Hiện Đại
Thiên Chúa vẫn đang nói
Thế giới hiện đại đầy dẫy những phức tạp về kỹ thuật.
Mỗi ngày chúng ta đều được giới thiệu về công nghệ mới và tiên tiến – cùng với những thách đố mới trong việc học cách sử dụng chúng. Thế nhưng những vấn đề của thế giới lại còn phức tạp hơn nhiều. Tại sao giá dầu cứ lên xuống thất thường? Liệu có đủ tiền cho An Sinh Xã Hội và Bảo Hiểm Y Tế? Làm cách nào để các công dân đối phó với chủ nghĩa khủng bố, ma túy và các cuộc xung đột (mang tính) quốc tế?
Với tất cả những điều phức tạp này, có vẻ thật kỳ quặc khi tìm kiếm câu trả lời từ đức tin của chúng ta. Nếu ngay cả những cuốn sách hướng dẫn sử dụng điện thoại hoặc máy tính mà tôi không thể đọc được, thì làm sao có thể mong tìm thấy sự hướng dẫn từ Thánh Kinh, vốn đã được viết ra bởi những con người sống cách đây hàng ngàn năm trước? Hơn nữa, tại sao những con người hiện đại lại muốn nghe Thiên Chúa nói với họ? Điều này có ý nghĩa gì trong thế giới hiện đại? Nhiều Kitô hữu và cả những người vô tín ngưỡng đều nghĩ điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Thánh Kinh và một mối tương quan cá nhân với Chúa Giêsu Kitô dường như không hợp thời đến nỗi họ gạt bỏ hoàn toàn đời sống đức tin. Đối với họ, dường như là Giáo Hội chỉ quan tâm đến luân lý/đạo đức tình dục của họ. Họ thích tự mình quyết định hoặc ít nhất là thử nghiệm những lựa chọn khác nhau cho đến khi họ tìm thấy những gì phù hợp với mình.
Vì thế, quyết định để lắng nghe Thiên Chúa đang nói với chúng ta là một quyết định triệt để và thay đổi cả cuộc sống. Để có một khát vọng như thế có nghĩa là chúng ta tin rằng có một Thiên Chúa yêu thương, Đấng chăm sóc chúng ta và có một kế hoạch cho cuộc đời của chúng ta. Một thế giới quan như thế khác hẳn với văn hóa thế tục ở chỗ, điểm tham chiếu của chúng ta tập trung vào việc yêu mến và phụng sự Thiên Chúa, chứ không phải tập trung vào bản thân chúng ta và những gì chúng ta có thể đạt được.
Những người tin vào Thiên Chúa không nhìn những nhà lãnh đạo chính trị quyền hành hoặc những nhân vật giải trí giàu có và nổi tiếng như là hình mẫu của họ. Đúng hơn, họ ngước nhìn lên Chúa Giêsu Kitô, không chỉ như kiểu mẫu cho cuộc sống của họ, nhưng còn như một Đấng có năng quyền thiêng liêng để biến đổi họ thành một thọ tạo mới. Đó là ý định của Cha chúng ta ngay từ lúc tạo dựng. Thay vì xem sự hiện hữu của con người là một sự ngẫu nhiên, những người tin xác tín rằng Thiên Chúa mong ước tạo dựng nên thế giới vì lợi ích của tất cả nhân loại và kêu gọi mỗi cá nhân, không có ngoại lệ, theo một mục đích duy nhất trong lịch sử. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa đã dựng nên linh hồn của tôi và của bạn trong dạ mẹ để sống đúng vào thời điểm lịch sử cụ thể mà chúng ta được sinh ra. “Bây giờ” là thời điểm mà Thiên Chúa đã chọn để mỗi người chúng ta hoàn thành sứ mệnh. Sự lựa chọn để lắng nghe Thiên Chúa và thực hiện thánh ý Người là điều cao quý, viên mãn và có mục đích nhất mà chúng ta có thể làm trong cuộc đời của mình.
Lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện sẽ cho chúng ta cái nhìn mới và sâu sắc hơn về con người của Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta suy niệm về cuộc sống của Người trong các Tin Mừng, khi chúng ta hiểu cách mà Cựu Ước đã tiên báo về Người, và khi chúng ta hiểu được ý nghĩa của Chúa Kitô trong các thư của các Tông đồ, chúng ta sẽ nhận biết Người rõ hơn. Rõ ràng, Chúa Kitô sẽ thách thức chúng ta. Lời và hành động của Người trong các Tin Mừng sẽ thách thức những bản năng của chúng ta coi mình là trung tâm hay tập trung vào niềm vui cá nhân của chúng ta hoặc việc đạt được của cải và quyền lực. Người sẽ thách thức những thói quen tội lỗi mà chúng ta quá dễ dàng hợp lý hóa.
Thay vì để chúng ta rơi vào sự tầm thường, Chúa Giêsu Kitô truyền cho chúng ta nên “hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Chúa Giêsu sẽ thách thức những hành vi mê muội, những lối sống sai trái và tội lỗi thâm căn cố đế của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng không bao giờ mình có thể thay đổi và rồi chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu thay đổi chúng ta theo cách mà Người đã thay đổi Mátthêu – người thu thuế (x. Mt 9,9) hoặc đã chữa lành cho người mù (x. Lc 18,35-43) hoặc thậm chí đã cho Ladarô sống lại từ cõi chết (x. Ga 11). Suy niệm về những hành động này của Chúa Giêsu Kitô có thể làm chúng ta hy vọng rằng Người sẽ cho chúng ta sống lại từ cái chết của những hành vi xấu và ban cho chúng ta sự sống mới. Khi chúng ta đọc câu chuyện người phong hủi dám xin Chúa Giêsu chữa lành (x. Mt 8,1-4) hoặc người đàn bà bị băng huyết sợ không dám xin Chúa chữa nhưng đã đụng vào tua áo của Chúa và được chữa lành (x. Mc 5,24-34), thì chúng ta cũng sẽ can đảm để xin Chúa giúp chúng ta. Bằng cách lắng nghe Tin Mừng trong cầu nguyện, chúng ta học trở nên người phụ nữ đã rửa chân Chúa Giêsu bằng nước mắt và lau khô bằng tóc của mình; tình yêu vĩ đại của chị đã cứu chị và lòng tin của chị đã giải thoát chị khỏi tội lỗi (x. Lc 7,36-50). Học lắng nghe những đoạn Thánh Kinh này và những đoạn khác sẽ biến đổi cuộc sống của chúng ta nên điều gì đó tốt hơn nhiều so với điều chúng ta có thể tưởng tượng – thậm chí tốt hơn cả những tưởng tượng mà chúng ta vui thích khi mua vé số và hy vọng trúng hàng triệu đôla.
Tuy nhiên lắng nghe Thiên Chúa không đơn giản như nghe các cuộc điện thoại. Làm cách nào để chúng ta học lắng nghe Thiên Chúa? Làm sao để ai đó biết liệu Thiên Chúa đang nói hay họ đang nghe một giọng nói nhỏ trong đầu mình? Sự phân định ý Chúa là gì? Những nguyên tắc căn bản của sự phân định? Những mục đích và mục tiêu của việc lắng nghe Thiên Chúa trong thế giới hiện đại là gì?
Chúa Giêsu đã dạy dỗ những con người cùng thời với Người ở nhiều cấp độ khác nhau. Người đã rong ruổi khắp miền Galilê để rao giảng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng vì triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Sau đó, Người đã kêu gọi các môn đệ – trong số đó có các môn đệ của Gioan Tẩy Giả (x. Ga 1,29-51) và một số ngư phủ ở Biển Hồ Galilê (x. Mt 4,18-22) – để thành lập một nhóm nhỏ theo sát Người trong suốt thời gian thi hành sứ vụ trần thế. Người đã giảng bài giảng trên núi cho các môn đệ này, cho dù có đám đông dân chúng tụ tập xung quanh để nghe Người (x. Mt 5,1-12). Trong suốt sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, đám đông chỉ lắng nghe Người dạy qua các dụ ngôn, tuy nhiên, Người giải thích riêng cho nhóm nhỏ các môn đệ cả về lý do dùng dụ ngôn (x. Mt 13,10-17.34-36) và giải thích các dụ ngôn đó (Mt 13,16-23.36-43). Đám đông được dạy ở một mức độ này, nhưng những giải thích và những lời dạy sâu sắc hơn lại được dành cho nhóm mười hai môn đệ (x. Ga 13-17). Các môn đệ của Chúa Giêsu đã học lắng nghe sự khôn ngoan này và sau đó chia sẻ lại cho thế giới.
Ngày nay, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta vào trong nhóm nhỏ đó. Người muốn chia sẻ với chúng ta sự khôn ngoan thẳm sâu và tình yêu của Người để chúng ta cũng có thể chia sẻ cho một thế giới còn túng thiếu. Hãy khám phá xem làm cách nào chúng ta có thể trở nên những người biết lắng nghe như các môn đệ của Chúa Giêsu để chúng ta có thể nghe được tiếng của Thiên Chúa trong thế giới hiện đại ngày nay, ở bất cứ chỗ nào hay hoàn cảnh nào mà chúng ta tìm thấy chính bản thân mình.
Chúng ta có thể lắng nghe Thiên Chúa khi chúng ta đồng ý một số niềm tin rất căn bản về Người. Thứ nhất, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa hiện hữu. Thứ hai, chúng ta phải tin rằng con người có thể nhận biết Thiên Chúa. Và thứ ba, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa muốn con người nhận biết Người. Những nguyên tắc này tóm tắt những niềm tin nền tảng nhất của nhóm lớn những người tuyên bố lắng nghe Thiên Chúa và những người chứng tỏ điều đó trong cách họ sống. Cuộc sống của những con người như thế được đặc trưng bởi tình yêu và sự quan tâm chân thành, sự dấn thân có trách nhiệm và một sự bình an có sức thu hút những người khác đến với họ.
Đây là một lựa chọn/trích lọc từ cuốn sách có tựa đề “Làm Cách Nào để Lắng Nghe Thiên Chúa Đang Nói”, tác giả là Cha Mitch Pacwa, SJ (The Word Among Us Press 2011), có thể truy cập tại www.wau.org/books.

Comments are closed.

phone-icon