Tác giả: LEO ZANCHETTIN
Nguồn: WAU, January 2023, Issue
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ
Được Mời Gọi Sống Đức Tin Như Trẻ Thơ
Không Có Lời Mời Gọi Nào Thách Đố Hơn
Bạn có bao giờ có ý nghĩ rằng Chúa Giêsu là một Đấng Mêsia hay đòi hỏi? Ở một mức độ nào đó, bạn đúng. Lời mời gọi trở nên môn đệ của Người quả là thách đố. Loại đức tin mà Người đang tìm kiếm liên quan đến một sự cam kết để sống theo cách mà thường ngược lại với cách của thế gian. Như chúng ta đã thấy trước, đó là một lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng: để thay đổi tâm trí về ý nghĩa của việc sống dưới sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa và thay đổi hành động của chúng ta sao cho phù hợp với lời mời gọi đó.
Trong bài viết này, chúng ta muốn xem xét hai câu chuyện nhấn mạnh đến thách đố của lời mời gọi của Chúa Giêsu, cũng như những phúc lành đến từ việc chấp nhận lời mời gọi ấy. Những câu chuyện này xảy ra khi Chúa Giêsu đang tiến gần đến Giêrusalem và gần cái chết của Người trên thập giá. Vì biết rằng thời gian của Người ở với các môn đệ sắp hết, nên Chúa Giêsu đã cố gắng để giúp họ – và chúng ta – hiểu rõ hơn con đường làm môn đệ. Vậy chúng ta hãy xem và hỏi Chúa Giêsu làm thế nào Người có thể kêu gọi chúng ta đến một sự cam kết sâu sắc hơn với Người.
Đơn sơ như trẻ nhỏ. Trước hết, chúng ta hãy xem câu chuyện của Chúa Giêsu và các trẻ nhỏ (Mc 10,13-16). Chúa Giêsu trở nên “phẫn nộ” khi Người thấy các môn đệ cố gắng đuổi các em đi (Mc 10,14). Người bảo các môn đệ đừng đuổi các em nhỏ vì nước Thiên Chúa thuộc về “những ai giống những trẻ em này” (Mc 10,14). Người nói với các môn đệ, nếu các ông muốn bước vào nước của Người, các ông nên bắt chước những em nhỏ này, chứ đừng xua đuổi chúng (Mc 10,15). Sau đó, bằng một hành động chúng ta hiếm thấy trong Tin Mừng của Thánh Máccô, Chúa Giêsu thể hiện sự trìu mến bằng cách ôm lấy các em nhỏ và đặt tay chúc lành cho chúng.
Một trong những lý do mà Chúa Giêsu đối xử trìu mến với các em nhỏ là vì Người đánh giá cao sự ngây thơ của các em. Các em có khuynh hướng hành động cách đơn sơ và trong sáng – ngay cả khi chúng không tuân theo mệnh lệnh của cha mẹ! Các em nhanh chóng nói lời xin lỗi, háo hức bày tỏ sự trìu mến, sẵn sàng tin tưởng những người có thẩm quyền, cởi mở và chân thành về những nhu cầu và những giới hạn của mình. Đây là kiểu người môn đệ mà Chúa Giêsu muốn nơi tất cả chúng ta: sự đơn sơ và cởi mở của trẻ em.
Thật dễ dàng để thấy cách dạy dỗ của Chúa Giêsu khác thế nào với thái độ chúng ta thường tiếp nhận từ thế gian. Chúng ta được dạy trở nên cứng rắn và độc lập, hoài nghi, ngờ vực và luôn phòng thủ. Nhưng Chúa Giêsu đang yêu cầu điều hoàn toàn ngược lại. Người muốn các môn đệ của Người trở nên giống như Người: cởi mở và dễ bảo đối với Thiên Chúa, khiêm nhường và nhân từ với nhau và sẵn sàng phục vụ cho những nhu cầu của bất cứ ai họ gặp.
Cầu Nguyện: Lạy Chúa, con ao ước có lòng đơn sơ như trẻ thơ trong mối tương quan của con với Chúa! Xin Chúa dạy con biết cách trở nên trong sáng với Chúa và biết cách mở ra những phần u tối trong tâm hồn con với Chúa hơn là che giấu đi. Xin hãy làm cho con trở nên khiêm nhường và nhân từ hơn để con háo hức chia sẻ với những người khác lòng nhân từ mà Chúa đã dành cho con. Lạy Chúa, xin hãy giúp con đến với Chúa với những gì con có!
Của Cải và Kho Báu. Cuối cùng, chúng ta có cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một thanh niên giàu có (x. Mc 10,17-31). Trong tất cả các trình thuật, đây là một anh chàng rất ấn tượng! Anh đã bày tỏ lòng tôn kính lớn lao với Chúa Giêsu bằng việc quỳ gối trước mặt Người. Không khoe khoang, anh nói rằng anh đã trung thành với tất cả các điều răn. Và anh giàu có, điều vốn được xem là một dấu hiệu được Thiên Chúa chúc lành cho cuộc đời của anh. Nhưng tất cả “những sự tốt lành” vẫn không thể đưa anh đến nơi anh muốn đi. Anh biết anh đang thiếu điều gì đó, nhưng anh không thể biết đó là điều gì. Anh cảm thấy còn nhiều điều anh phải thực hiện, một hành động của sự tốt lành khác anh nên thực hiện để được vào nước trời.
Không lạ gì lúc người thanh niên này “sụ nét mặt” khi Chúa Giêsu bảo anh ta hãy bán tất cả của cải anh có để trở nên nghèo như Chúa Giêsu và các môn đệ của Người (Mc 10,22). Anh ta đã đánh giá cao tài sản và tất cả những điều tốt đẹp anh ta đã đạt được. Có lẽ anh ta cũng đề cao tình trạng của mình với tư cách là một người giàu có, ngay thẳng mà một cách tự nhiên ai nấy đều tôn trọng. Không phải chỉ có tiền bạc là thứ mà anh ta phải từ bỏ để đi theo Chúa Giêsu; (nhưng) đó cũng là sự gắn bó của anh ta với danh tiếng của mình.
Có nhiều loại “giàu có” có thể là những tảng đá cản trở ước vọng đi theo Chúa Giêsu của chúng ta. Một số người có thể tìm thấy sự giàu có vĩ đại trong chỗ đứng xã hội của họ. Những người khác thì có thể trân quý trình độ học vấn của họ hay tài năng hoặc khả năng nào đó mà họ vượt trội hơn người khác. Nhưng Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng để buông bỏ bất cứ thứ gì mà chúng ta yêu quý hơn Người nếu nó trở thành một trở ngại. Người cũng đang mời gọi chúng ta sẵn sàng để “uống chén” mà Người sẽ uống – chén đau khổ và chịu sỉ nhục (Mc 10,38).
Cầu Nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi con nhìn lên thập giá của Chúa, con thấy Chúa không chỉ chấp nhận đau khổ thể lý, mà còn cả những sự sỉ nhục, căm ghét và loại bỏ. Xin hãy giúp con biết trân quý Chúa và vương quốc của Chúa hơn mọi thứ khác. Xin hãy giúp con biết buông lỏng tất cả những của cải trần thế để con sẵn sàng từ bỏ chúng nếu Chúa muốn con làm điều đó. Lạy Chúa, con tin rằng không có gì giá trị hơn ơn cứu độ mà Chúa đã giành cho con!
Người (Chúa Giêsu) “Thương Mến Anh Ấy”. Có vẻ như Chúa Giêsu khắt khe và cứng nhắc trong việc mời gọi chúng ta từ bỏ của cải của chúng ta? Nếu vậy, hãy xem những chi tiết mà Thánh Máccô nói đến trong câu chuyện này, và điều đó sẽ trở nên rõ ràng hơn rằng Chúa Giêsu không nhìn thế giới bằng màu đen và màu trắng. Người không loại trừ những con người bị chia cắt về lòng trung tín của họ. Người biết rằng tất cả chúng ta đều trải nghiệm cuộc chiến gay go trong chính mình chúng ta giữa vương quốc của Người và thế giới xung quanh chúng ta. Người biết rằng chúng ta trải nghiệm triệu lẻ một cuộc xung đột nội tâm. Một số những cuộc xung đột đó thậm chí cùng xuất hiện một lúc! Chúa Giêsu biết lời mời gọi của Người có thể khó khăn thế nào và Người nói rõ điều đó trong cuộc trò chuyện với người thanh niên giàu có, rồi sau đó với Phêrô và các môn đệ khác.
Hãy lưu ý cách Chúa Giêsu nhìn người thanh niên: Người “thương mến anh” (Mc 10,21). Đó là một chi tiết không bình thường đối với Thánh Máccô khi ngài đặt vào trong Tin Mừng của mình. Máccô thường thích diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu cách kín đáo hơn. Nhưng ở đây Ngài đưa ra ngoài và công bố nó. Cũng chưa hết. Hai lần, Chúa Giêsu “đã nhìn” các môn đệ của Người khi Người cảnh cáo họ về sự quyến rũ của sự giàu có. Trước hết, Người “nhìn xung quanh” họ, như thể thu hút sự chú ý của họ (Mc 10,23). Sau đó, khi các môn đệ biểu lộ sự ngạc nhiên của họ, Người lại “nhìn họ” và bảo đảm với họ rằng “tất cả mọi sự đều có thể” đối với Thiên Chúa (Mc 10,27).
Nếu Chúa Giêsu đã nhìn người thanh niên với lòng trìu mến, thì Người còn nhìn các môn đệ của mình với tình yêu thương nhiều hơn biết chừng nào, bởi các ông đã từ bỏ rất nhiều vì Người! Chúa Giêsu đã không cố làm khó họ. Người biết họ rất muốn theo Người thế nào và Người cũng biết họ đã chiến đấu với các cuộc xung đột trong nội tâm họ nhiều thế nào.
Đó chính là cách Chúa Giêsu nhìn bạn. Và đó là lý do tại sao, ngày từng ngày, Người sẵn sàng đồng hành với bạn và ban cho bạn ân sủng của Người. Đừng bao giờ quên rằng Người nhìn bạn với tình yêu, sự dịu hiền và sự cảm thông vô hạn.
Cầu Nguyện: Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì đã nhìn con với tình yêu thương! Cảm tạ Chúa vì lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của Chúa dành cho con! Con biết rằng con không thể làm gì khiến Chúa ngừng yêu con. Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết ở gần bên Chúa như Chúa ở gần với con. Xin giúp con học cách biết lắng đọng tâm hồn trong cầu nguyện mỗi ngày để con có thể cảm nếm được niềm vui khi được Chúa nhìn và yêu thương cách trọn vẹn.
Hãy Theo Ta. Không có lời mời gọi nào lớn hơn lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu. Đó là một lời mời gọi không đòi hỏi gì khác hơn là toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Nhưng lời mời gọi này bao gồm tất cả, nó cũng là lời kêu gọi tròn đầy nhất mà chúng ta từng nhận lãnh. Đó là bởi vì, trong khi Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta đi theo Người với tất cả những gì chúng ta là, Người cũng hứa ban cho chúng ta tất cả những gì Người là: tất cả tình yêu, lòng nhân từ và tất cả ân sủng của Người để giúp chúng ta. Ước mong tất cả chúng ta đều đáp lại bằng một tiếng “vâng!” chân thành mỗi lần chúng ta nghe Người nói với chúng ta: “Hãy đến theo Ta” (Mc 10,21).
________________________________________
Suy Niệm
1. Hãy tưởng tượng bạn là một người bạn tốt của người thanh niên giàu có. Bạn đang ngang qua thì nhìn thấy anh ấy đang ngồi bên vệ đường, tay ôm đầu, trông có vẻ buồn bã. Bạn hỏi anh ta điều gì đã xảy ra và anh ấy kể cho bạn nghe về cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu. Bạn sẽ cho anh ta lời khuyên gì?
2. Bạn có thể chỉ ra một thời điểm mà bạn cảm thấy Chúa Giêsu khích lệ và an ủi bạn khi bạn đang đương đầu với một cuộc chiến trong hành trình làm môn đệ của bạn? Hãy dành chút thời gian để viết lại câu chuyện đó. Bằng cách đó, bạn có thể quay lại với nó khi đối mặt với một cuộc xung đột tương tự. Hãy để ký ức về thời gian đó củng cố bạn.
Những bài viết này đã được phỏng theo cuốn sách có tựa đề Gặp Gỡ Chúa trong Tin Mừng của Thánh Máccô, tác giả: Leo Zanchettin, Giám đốc biên tập của Tạp chí The Word Among Us. Cuốn sách được định dạng như là một khóa tĩnh tâm 30 ngày tại nhà, có thể truy cập tại bookstore.wau.org.