Chúa biến hình trên núi Tabor – Chúa Nhật Chúa biến hình

0

Ts.Trần Mỹ Duyệt

Những hình ảnh cổ nhất diễn tả việc Chúa Giêsu biến hình có từ thế kỷ thứ Sáu được tìm thấy   trong tu viện St. Catharine ở Siani, đã diễn tả những gì mà thánh ký Matthêu đã ghi lại trên núi. Theo truyền thống thì Chúa Giêsu đã biến hình trên núi Tabor. Đây là ngọn núi cao 575m ở cuối hướng đông của Thung Lũng Jezreel, cách Biển Galilee 18 Km. Trong dịp viếng Đất Thánh năm 2019, người viết đã được diễm phúc viếng thăm tu viện và lên ngọn núi này, nhưng không phải như ba Tông Đồ được chứng kiến cảnh Chúa biến hình, mà chỉ để nhìn xem và suy ngắm nơi xưa kia Con Thiên Chúa làm người đã bày tỏ vinh quang của Ngài như thế nào. Theo Tân Ước, Matthêu (17:1) và Maccô (9:2) thì việc Chúa Biến Hình xảy ra “sau 6 ngày”, theo sau lời tuyên xưng long trọng “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” của Thánh Phêrô. Nhưng theo Thánh Luca, thời gian đó là “khoảng 8 ngày”.  Ngoài Chúa ra, trên núi hôm đó còn có thêm hai vị khách lạ xuất hiện, đó là Maisen và Êlia. Và dĩ nhiên, Chúa Giêsu đã đem theo ba tông đồ là Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Từ ngữ theo Thánh Kinh, biến hình là một sự thay đổi hình thể hoặc sự xuất hiện bên ngoài. Theo đó, sự xuất hiện bên ngoài của Chúa Giêsu thay đổi từ diện mạo bình thường thành vẻ đẹp huy hoàng của thiên quốc. “Mặt Ngài chiếu sáng như mặt trời và áo Ngài trắng như ánh sáng” (Mt 17:2). Nhưng việc có mặt của Maisen, Elia, và những nhân chứng như Phêrô, Gioan và Giacôbê có ý nghĩa gì?

Theo Thánh Kinh thì Maisen tượng trưng cho Lề Luật của Thiên Chúa, còn Êlia tượng trưng cho các tiên tri. Việc các ngài có mặt đã được giải thích như là biểu tượng cho mầu nhiệm Nhập Thể – trong hình hài con người được tạo nên từ Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trở nên con người, và bởi vì tội Nguyên Tổ và tội riêng mỗi người, con người đã không thể giữ được sự vinh quang của Ngài.

Còn đối với các tông đồ, Phêrô đã được Chúa Giêsu đổi tên là “đá” dùng làm nền tảng xây tòa nhà Giáo Hội của Ngài, và cũng là Giáo Hoàng tiên khởi điều hành Giáo Hội ấy. Gioan, Giacôbê những người con của “Con Sấm Sét”, nhiệt tình và cũng rất mau mắn muốn được uống chén của Chúa. Sau này, Giacôbê là Tông Đồ tử đạo đầu tiên và Gioan là Tông Đồ chết sau cùng để cảm nhận và nhân chứng cho các bạn hữu mình như thế nào vì Thầy và vì Tin Mừng. Cả ba ông không lâu còn được có mặt trong vườn Cây Dầu, chứng kiến cơn hấp hối hãi hùng của Thầy và nhìn Thầy đi vào con đường Thương Khó.    

Một câu hỏi khác mà có lẽ nhiều người chúng ta thường ít quan tâm khi đọc Thánh Kinh về biến cố Biến Hình, đó là “Chúa Thánh Thần có hiện diện trong biến cố Biến Hình không? Thưa có. Toàn thể Ba Ngôi trong Thiên Chúa đều hiện diện trong cuộc Biến Hình. Theo Thánh Thomas Aquinas, thì “Toàn thể Ba Ngôi đều xuất hiện”, và Ngài giải thích: “Ngôi Cha qua tiếng nói; Ngôi Con trong hình hài con người; và Ngôi Thánh Thần trong đám mây chiếu sáng.” Tóm lại, Thiên Chúa Ba Ngôi đã có mặt và nói với con người qua các Tông Đồ.

Chúa Giêsu biến hình, do đó, không chỉ nói lên sứ mạng trần thế của Ngài sắp kết thúc như thế nào, và trong vinh quang Ngài sẽ ra sao, mà còn cần thiết cho các môn đệ của Ngài. Họ cần phải chứng kiến tận mắt những vinh quang ấy để không bị khủng hoảng khi những đau khổ của Thầy xảy ra, vì họ phải là những nhân chứng của Ngài. Đó là lý do tại sao từ trên núi xuống, Chúa Giêsu đã bảo các ông: Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy” (Mt 17:9).  

Câu truyện biến hình được thuật lại của ba thánh ký trong Phúc Âm nhất lãm, chứng tỏ nó cần thiết với cộng đoàn Kitô hữu thuở sai khai. Và biến cố này cũng cần cho đời sống Kitô hữu chúng ta hôm nay, đặc biệt, trong thế giới với nhiều thử thách và cám dỗ này. Một thế giới ngụp lặn trong “nền văn minh sự chết” (St. Gioan Phaolô II).  Vì ý nghĩa của biến hình chính là lột tả kinh nghiệm sống của mỗi người Kitô hữu. Chúng ta cần có những an ủi tâm hồn như Phêrô khi thấy Chúa sáng láng, vinh hiển trên núi. Ông đã sửng sốt kêu: “Ở đây tốt lắm”, và đề nghị Chúa để xin dựng ba lều để lưu lại trên đó (x. Mt 17:4). Nhưng rồi khi thấy Chúa chịu đau khổ, và chịu chết thì chính ông là người đã chối, đã bỏ Thầy mà chạy trốn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi suy ngắm về điều này đã nói: “Đời sống đức tin của chúng ta không có nghĩa lúc nào cũng được những cảm nhận đẹp đẽ tinh thần. Đó không phải là sứ điệp của Chúa Giêsu. Chúng ta được kêu gọi gặp gỡ với Đức Kitô để được thắp sáng bởi ánh sáng của Ngài. Chúng ta cần đón nhận ánh sáng ấy để chiếu sáng khắp nơi”.     

Comments are closed.

phone-icon