Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (4,35-41)
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
**********
Chúng ta có thể hình dung khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Vào buổi chiều muộn, sau khi dạy dỗ đám đông, Chúa Giêsu giải tán dân chúng, rồi Người và các môn đệ lên thuyền sang bờ bên kia. Thuyền đã ra giữa biển hồ. Bỗng nhiên một trận cuồng phong nổi lên, sóng lớn ập vào thuyền. Các môn đệ cố gắng chèo lái và ra sức tát nước khỏi thuyền vì thuyền đầy nước. Nhưng gió ngày càng to, những con sóng lớn không ngừng đập vào như muốn nhấn chìm con thuyền… Các ông kinh hoàng, sợ hãi… Trong lúc đó, Chúa Giêsu dựa đầu vào chiếc gối và ngủ ngon lành, như thể Người không hay biết chuyện gì đang xảy ra với các môn đệ và con thuyền.
Trước cơn nguy hiểm tột cùng, các môn đệ đánh thức Chúa Giêsu và trách Người: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” Vào lúc các môn đệ không thể làm gì được nữa thì Người truyền cho gió yên biển lặng. Rồi Người quay sang khiển trách họ: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”
Con thuyền của các môn đệ có thể được hiểu như biểu tượng của con thuyền Giáo Hội tiên khởi, phải đối đầu với biết bao thử thách gây khó khăn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Trước những nguy hiểm và những cuộc bách đạo, người môn đệ phải nhớ rằng không phải họ đang làm công việc của loài người, mà là công việc của Chúa, và họ được ban sức mạnh của Ðấng đã chiến thắng sự dữ và làm chủ sự sống.
Con thuyền của các môn đệ cũng có thể được hiểu là con thuyền cuộc đời của mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cũng gặp những trận cuồng phong, những sóng to gió lớn. Đó là những khó khăn xảy đến cho chúng ta trong cuộc sống như thất nghiệp, bệnh tật, tang chế, những lo âu, khủng hoảng trong gia đình, trong các tương quan, hay những thử thách về đức tin khi chúng ta phải đối diện với sự dữ, với những bất công, v.v… những điều đó tưởng chừng như quá sức con người khiến chúng ta dễ ngã lòng, thất vọng và buông xuôi. Những lúc đó, giống như các môn đệ, chúng ta có cảm tưởng như bị Chúa bỏ rơi và Người không nghe thấy những tiếng kêu cứu của chúng ta. Và chúng ta kêu trách và buộc tội Chúa vì Người đã không ra tay can thiệp.
Thật ra, tuy ngủ, nhưng Chúa Giêsu vẫn đang ở trong thuyền. Người chưa từng bỏ rơi chúng ta, cũng như Người đã không hề rời khỏi con thuyền của các tông đồ giữa phong ba bão táp. Có lẽ như các tông đồ, chúng ta đã để cho những khó khăn thử thách lấn át, khiến chúng ta sợ hãi và quên đi sự hiện diện của Chúa. Chúng ta loay hoay và cố tự mình tìm cách giải quyết vấn đề, cho đến khi nhận ra mình bất lực chúng ta mới kêu cầu đến Chúa. Chúng ta trách sao Chúa không quan tâm đến những đau khổ, những vấn nạn của chúng ta và của nhân loại. Nhưng có lẽ chúng ta cũng phải tự hỏi, mình đã thực sự tin vào quyền năng của Chúa và để Chúa can thiệp theo cách của Người chưa? hay chúng ta vẫn muốn Thiên Chúa thi thố quyền năng của Người và giải quyết các vấn đề theo ý muốn của chúng ta?
Tóm lại, Chúa luôn hiện diện trong đời sống của chúng ta. Người luôn đồng hành với chúng ta trong hành trình vượt biển đời. Quyền năng của Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, nhưng quyền năng đó không làm thay chúng ta tất cả. Ðiều Chúa muốn là chúng ta hãy tận dụng mọi khả năng, kiến thức và sức mạnh của mình để đưa con thuyền đời mình về tới bến. Ðó là bổn phận của chúng ta. Chúa không làm thay chúng ta vì Người tin tưởng, tôn trọng tự do và nhân phẩm của chúng ta.
Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu thức dậy truyền cho bão táp phải yên lặng, nhưng Người không chèo thuyền. Chèo thuyền, định hướng đi, tiếp tục cuộc hành trình và đưa con thuyền cập bến, đó là công việc của những người trong thuyền, đó là công việc của chúng ta. Người thức dậy để tăng cường đức tin giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình.
Khi nhìn vào thực trạng của thế giới hôm nay, của đời sống và công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, chúng ta thấy có biết bao cơn sóng dữ đang ập vào con thuyền Giáo Hội : nào là ngày càng ít người đến tham dự thánh lễ, số linh mục ngày càng ít đi, giới trẻ gần như vắng bóng, bên cạnh đó là sự đề cao chủ nghĩa vật chất, sự xuyên tạc của các phương tiện truyền thông, các học thuyết, trào lưu nhân danh tự do con người đi ngược lại với Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội, v.v… Chúng ta có cảm tưởng Tin Mừng đang được gieo trong sa mạc. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu lại nói với chúng ta: Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao? Anh em không tin rằng Thầy đã thắng thế gian sao? Chúng ta hãy nhớ lại lời tuyên bố của Chúa Giêsu với Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).
Sóng gió cuộc đời là điều không tránh khỏi cho bất cứ ai trong chúng ta nơi cuộc sống trần gian này. Những lúc ta nghĩ rằng Chúa vắng mặt, chúng ta hãy kêu lên với Người: “Lạy Chúa, Chúa đang ngủ sao?” như một lời cầu nguyện, một hành vi đức tin, như một lời kêu xin đầy tín thác, rằng Chúa vẫn đang ở đây, bên chúng ta, trong con thuyền cuộc đời của chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta còn vững tin rằng, Chúa đang hiện diện trong con thuyền Giáo Hội, trong con thuyền cuộc đời mình, thì dù có vất vả và mệt nhoài, chúng ta vẫn tiến bước bình an giữa những sóng gió đang gào thét đe dọa.
Xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng ta. Amen.