Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (6,51-58)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.
***
Khi nghe đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể bị ấn tượng bởi số lần từ “sống” được lặp lại dưới nhiều hình thức khác nhau: “bánh hằng sống… sống đời đời… Bánh tôi sẽ ban tặng để cho thế gian được sống… . Chúa Cha là Đấng hằng sống… Tôi sống nhờ Chúa Cha… Kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống…”. Từ “sống” được lặp lại đến chín lần, nhất là cụm từ “sự sống”. Chúa Giêsu muốn nói đến sự sống nào vậy?
Từ “sự sống” được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau. Trước hết là sự sống con người, chúng ta được sinh ra, lớn lên và chết đi. Như vậy sự sống ở đây liên quan đến toàn bộ cuộc sống con người. Cuộc sống này bị quy định bởi tất cả các điều kiện của môi trường xã hội, tự nhiên, kinh tế hay chính trị. Chẳng hạn, mối đe dọa của đại dịch vi rút, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự biến đổi khí hậu,… khiến chúng ta nhận thấy sự mong manh và hữu hạn của sự sống con người; đó là chưa nói đến các cuộc mưu sát, chiến tranh, bạo lực dưới mọi hình thức đều tàn sát biết bao người vô tội. Những tranh luận về đạo đức sinh học đều nhấn mạnh một điều cơ bản và tối quan trọng: sống và sống tốt là điều cần thiết cho tất cả mọi người ở mọi thời đại.
Vậy, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta khi Người nói về “sự sống đời đời”? Có một điều dường như là nghịch lý trong bài Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu nói đến sự phục sinh như là sự tiếp nối hiển nhiên của sự sống vĩnh cửu, thay vì ngược lại: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ làm người ấy sống lại vào ngày sau hết”. Chúa Giêsu muốn nói rằng, ai ăn Thịt và uống Máu Người, thì đã tham dự vào sự sống đời đời ngay trong cuộc sống hiện tại này, và họ sẽ được phục sinh để sống trọn vẹn sự sống vĩnh cữu đó trong Nước Chúa.
“Ăn thịt và uống máu Chúa Kitô”, điều đó nghĩa là gì? Liệu có thể ăn thịt và uống máu người khác chăng? Cách đây khá lâu, các phương tiện truyền thông đưa tin về các nạn nhân của thảm họa hàng không ở dãy núi Andes, Nam Mỹ. Để sống sót, một số người đã ăn xác của những người bạn đồng hành gặp nạn. Nghe thật kinh khủng phải không? Vì thế, không lạ gì khi những người Do Thái phản ứng mạnh với câu tuyên bố của Chúa Giêsu: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, vì như họ nói “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Ông này cũng là người như chúng ta!
Thay vì giải thích, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”. Như vậy, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là nguồn sự sống đích thực và vĩnh cữu. Vì vậy, ai không “ăn thịt và uống máu Người”, nghĩa là không lãnh nhận sự sống từ nơi Người, thì nơi người đó không có sự sống đích thực. Chắc hẳn Người Do Thái đã hiểu lời Chúa Giêsu theo nghĩa “ăn thịt tươi, uống máu sống” nên họ tranh luận và phản đối. Nhưng Chúa Giêsu đã thực sự ban Mình Máu Người làm lương thực cho nhân loại khi Người chấp nhận như hạt lúa mì, chịu nghiền nát trong đau khổ và chịu chết để trở nên tấm bánh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
Vì thế, ăn thịt và uống máu Chúa Kitô là bước vào sự hiệp thông tình yêu và thông chia số phận với Người. Đó là chia sẻ cuộc sống của Đấng Thiên Chúa làm người, và trở nên một với Người, đến nỗi có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Còn chúng ta thì sao, sau mỗi lần lãnh nhận Mình Thánh Chúa, chúng ta có ý thức rằng mình đang được nuôi dưỡng và được sống bằng chính sự sống thần linh của Thiên Chúa không? Chúng ta có để cho sự sống của Chúa Giêsu được lớn lên trong tâm hồn, trong cuộc đời ngang qua chính cách sống của chúng ta không? Chúng ta đừng quên rằng, chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.
Nhân tiện, chúng ta cũng đề cập đến một vài thắc mắc liên quan đến việc Rước lễ:
– Tại sao chúng ta ít khi được rước cả Mình Thánh và Máu Thánh Chúa trong thánh lễ? Thực ra, Giáo Hội khuyến khích việc rước Mình và Máu Thánh Chúa, vì hoàn toàn phù hợp với lời mời của Chúa Giêsu:“Hãy cầm lấy mà ăn”, “Hãy cầm lấy mà uống”.Nhưng khi có nhiều người tham dự thánh lễ, việc cho rước lễ dưới hai hình bánh và rượu gặp nhiều bất tiện, nên hiếm khi chúng ta được rước lễ dưới hai hình thức. Tuy nhiên, trong sắc lệnh của Công Đồng Trentô (hoặc Triđentinô) vào năm 1551, Giáo Hội tuyên bố rằng: khi chúng ta chỉ rước Mình Thánh Chúa hoặc chỉ rước Máu Thánh Chúa, chúng ta đều rước Chúa Giêsu Kitô trọn vẹn. Người hiện diện thật sự và trọn vẹn ngay chỉ dưới một hình thức.
– Có thể rước lễ nhiều lần trong ngày được không? Theo số 917 của Giáo Luật hiện hành (Giáo Luật 1983), ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong thánh lễ mà họ tham dự mà thôi.
Chúa Giêsu luôn trao ban cho chúng ta chính Mình Người là lương thực hằng sống, như Người đã nói: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Thật nghịch lý khi chúng ta khao khát được sống nhưng lại không năng đến lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Qua Lời Chúa hôm nay, ước mong mỗi người chúng ta ý thức lại tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể, là Bí tích đem lại sự sống đích thực và vĩnh cửu cho chúng ta. Vì chính Chúa Giêsu đã hứa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ làm người ấy sống lại vào ngày sau hết”. Amen.