Cha Tuyên úy Giuse Phạm Phúc Huyền
(1921- 1993)
Là một người khiêm tốn, Cha Giuse Phạm Phúc Huyền rất ít khi nói về mình, được hỏi về gia đình, thân thế, Cha chỉ mỉm cười, nụ cười hiền thay cho lời giải thích. Suốt 25 năm trong vai trò Tuyên Uý Dòng Nữ Đaminh Tam Hiệp, Cha đã để lại một di sản đồ sộ về tinh thần, văn hóa cho Dòng. Tuy nhiên về lý lịch bản thân Cha, Dòng chỉ ghi được vài nét:
Cha sinh năm 1921 tại Giáo Dục, Nghĩa Hưng, Hà Nam Ninh. Thân sinh của Cha là: Ông Bà Cố Giuse Phạm Văn Báu.
Khi mới lên tám tuổi Cha đã từ giã gia đình vào ở trong “nhà Thầy”. Và chỉ ba năm sau, năm 1932 Cha được chọn vào trường thử Trung Linh. Rồi hai năm tiếp theo, năm 1935, Cha bắt đầu theo học ở Tiểu Chủng Viện Ninh Cường. Vốn là một cậu bé mang tư chất thông minh, lại hiếu học, nên 5 năm ở Tiểu Chủng Viện, Cha đã vượt trổi các bạn đồng học, vì thế đã nhận được sự qúy mến đặc biệt của các Thầy Cô và bạn bè.
Đến năm 1940, Cha chính thức nhập Đại Chủng Viện Quần Phương. Và ngày 23 tháng 05 năm 1948, Cha hân hoan bước lên bàn thánh, để rồi từ đây cả cuộc đời cha được tiêu hao đi trong tâm tình hiến dâng của người Mục Tử.
1. Bước Đường Mục Vụ
Thụ phong Linh Mục được đúng một năm Cha lãnh bài sai trở về trường cũ của mình- Trường Tiểu Chủng Viện Ninh Cường. Từ đây bước đường mục vụ mới được mở ra. Có người nói rằng: “Hình như Cha sinh ra là để làm giáo sư” mà qủa đúng vậy! Tâm huyết của Cha là giáo dục, Cha suốt đời tận tụy với học hành, nghiên cứu và truyền đạt đến không biết mệt mỏi.
Từ năm 1949-1952 : Giáo sư Tiểu Chủng Viện Ninh Cường
Từ năm 1952-1956 : Giáo sư Tiểu Chủng Viện Trung Linh
Từ năm 1956-1960 : Giáo sư Tiểu Chủng Viện Huyện Sỹ (Sài Gòn)
Cha là một giáo sư mẫu mực, nghiêm túc trong việc học, nhưng cũng là người vui tươi, biết khôi hài, pha trò đúng lúc, làm cho những vấn đề căng thẳng trở nên nhẹ nhàng. Với dáng người dong dỏng thanh tú, vầng trán rộng, đôi mắt sáng, giọng nói lại nhỏ và nhẹ nhàng, Cha luôn làm cho người tiếp xúc với Cha cảm thấy vẻ khiêm nhu, thánh thiện. Cha sống nghèo, giữ luật cặn kẽ và lúc nào cũng nghiêm khắc với chính mình, nhưng lại tỏ ra dễ dãi và cảm thông với lỗi lầm của người khác. Những đức tính này, các học trò của Cha sau này còn kể lại mãi.
Đến năm 1960 Cha về làm Tuyên Úy thiếu nhi giáo xứ Bùi Phát (Sài Gòn) được hai năm. Rồi từ 1962 đến 1987, suốt 25 năm tại Dòng Đaminh Tam Hiệp với vai trò Tuyên Úy. Cha lại hết lòng cho sự nghiệp văn hoá, giáo dục của chị em.
2. Tại Dòng Đa Minh Tam Hiệp
Ngày 09.07.1962 Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình Giám Mục Sài Gòn ủy nhiệm cho Cha Giuse Phạm Phúc Huyền về làm Tuyên Uý Dòng Đaminh Tam Hiệp, thay thế Cha Giuse Phạm Ngọc Toản. Và ngày 15.07.1962 qua văn thứ số 277/62 TTGM/GS Cha chính thức khởi công sứ vụ tại Tu Viện Nữ Đaminh Tam Hiệp. Khoảng thời gian 25 năm (1962-1987) đã là một khoảng thời gian ý nghĩa nhất đối với lịch sử Dòng Đa Minh Tam Hiệp. Điều này chứng tỏ qua sự nghiệp vĩ đại Cha để lại cho Dòng.
A. VỀ TINH THẦN
1. Những bức tâm thư
Sau chưa đầy một tháng tức là ngày 12.08.1962 Cha đã viết Bức Tâm Thư đầu tiên gửi tới toàn thể chị em trong Hội Dòng, và cứ tiếp tục hàng tháng cho tới tháng 4.1975 Hội Dòng đã đón nhận được tổng số 122 bức tâm thư của Cha
Những bức thư đầu tiên này Cha tự tay đánh máy rồi đưa vào văn phòng để Nhà Mẹ gửi đi các sở. Mục đích của bức tâm thư với tựa đề Huấn- Đức: Cha có ý lấy Lời Chúa hun đúc tinh thần chị em trong lý tưởng tu trì. Với tình yêu thương tràn đầy Cha muốn cho đoàn con tiến lên, tiến mãi về mặt tinh thần văn hóa. Với bầu nhiệt huyết của một người Cha nhìn xa, thấy rộng, hiểu sâu, Cha tìm mọi các để kích đoàn con vươn lên, dù gặp cay cực hiểu lầm Cha cố thắng vượt.
Qua 122 bức thư trên 709 trang giấy đánh máy khổ 21×27 đề cập đến mọi vấn đề của Nữ Tu theo mùa Phụng Vụ, theo tình hình thời sự của Giáo Hội, theo nhu cầu Dòng và nhất là tình hình đời sống tâm linh của chị em. Có thể nói, đây là một tác phẩm tu đức và một kho tàng văn học Kitô Giáo.
2. Những Bản Thông Tin
Để chị em trong toàn Dòng khăng khít gắn bó với nhau thông cảm chia vui sẻ buồn với nhau trong việc tông đồ truyền giáo, Cha có một sáng kiến tuyệt vời, là kêu gọi các sở gởi thông tin về Trung ương, rồi Nhà Mẹ phát tin đi các cộng đoàn Dòng. Vì thế, ngay tháng 10 năm 1962 kèm với bức Tâm thư thứ ba là bản thông tin được gửi đến mỗi cộng đoàn. Nhờ thế, chị em nắm bắt đuợc tin tức toàn Dòng.
3. Tự Tu Kiểm Thảo
Để giúp chị em tự vấn lương tâm trước mặt Chúa trong giờ hồi tâm hàng tháng, Cha đã gửi thêm bản Tự Tu Kiểm Thảo kèm với bản tin và bức tâm thư. Việc này bắt đầu thực hiện từ ngày 12.02.1964.
4. Huấn Lệnh Của Bề Trên
Sau 18 bài huấn đức của Cha, Mẹ Bề Trên thấy cần phải nhắc nhớ chị em về tinh thần kỷ luật tu trì, nên từ tháng 03.1964, Mẹ đã bắt đầu ra Huấn Lệnh gửi thêm với các tài liệu trước.
5. Lịch Cầu Nguyện
Đồng thời với Huấn Lệnh của Mẹ, từ nay (tháng 03.1964) cũng có lịch tháng riêng của Dòng, nghi thức ngày lễ bổn mạng của mỗi chị em, mỗi cộng đoàn, những ngày kỷ niệm đặc biệt hoặc giỗ kỳ hiếu hỷ… của tất cả các đấng bậc liên hệ với Dòng. Trên mỗi tờ lịch tháng đều có ghi câu châm ngôn để chị em tâm niệm hàng ngày:
“Yêu nhau : tình trong Chúa,
Nhớ nhau : nghĩa gia đình,
Giúp nhau : lễ, cầu kinh,
Nhờ nhau : khi sống chết”.
Cũng từ tháng này, tập thông tin có tờ bìa đơn sơ mang hình “Con Chó cắn bó đuốc” nhắc nhớ sứ mệnh của Cha Thánh Đa Minh mà chúng ta là con cái phải theo chân Ngài trên đường tông đồ truyền giáo: đem Ánh Sáng Phúc Âm chiếu soi muôn dân. Hồi đó, chính tay cha vẽ mẫu tờ bìa, tô màu sáp, rồi chị em “đồ” theo.
6. Phục Vụ Các Tổng Hội
Cùng với Ánh Sáng, Cha đã tận tình phục vụ các Đại Hội Đồng của Dòng : Đại Hội Đồng Tam Hiệp III (1966), Đại Hội Đồng Tam Hiệp IV (1969), Đại Hội Đồng Tam Hiệp V(1975). Đặc biệt Đại Hội Đồng Canh Tân, 6 năm trời Cha đã dầy công giúp đỡ chị em học hỏi để quán triệt, hiểu sâu về tinh thần Giáo Hội trước Công Đồng Vaticanô II, gồm 18 Văn kiện; 3 Sắc Lệnh chủ yếu về việc canh tân đời tu của Công Đồng (Sắc lệnh Lumen Gentium, Perfectae Caritatis, Christus Dominus), và “Hướng đi” của Công Đồng. Ngoài ra, hằng tháng còn thêm những bài “Huấn Đức”. Tất cả nhắm để chị em đón nhận luồng Sinh khí của Chúa Thánh Thần từ Công Đồng một cách phấn khởi, không ngỡ ngàng. Có những ngày đêm Cha làm việc chẳng kể ăn uống nghỉ ngơi, để chuẩn bị cho các Đại Biểu vào Đại Hội Đồng.
Trong số 122 bức tâm thư, có 20 Bức nói về Đại Hội Đồng. Cha nhắc nhở cho mọi phần tử Dòng ý thức trách nhiệm của mình để tích cực học hỏi, cầu nguyện, hy sinh, góp ý kiến xây dựng Dòng về mọi mặt…
Thời gian chuẩn bị Đại Hội Đồng thật bận rộn nhưng đầy sôi nổi. Sau khi Đai Hội Đồng Canh Tân kết thúc, cuốn Nữ Tu Đọc Văn Thư Tòa Thánh được xuất bản để ghi nhớ sự kiện lớn lao này. Đây là một kỷ niệm cao qúy mà Dòng có được là nhờ công ơn của Cha, người Cha rất đáng kính yêu. Tất cả đều nói lên nhiệt tâm của Cha đối với Dòng.
B. VỀ VĂN HÓA
1. Các Chuyên Khoa
Những ngày đầu khi Cha mới về Tu Viện (1962), Dòng còn rất non yếu về nhiều mặt. Cha đã nỗ lực bằng mọi cách giúp chị em học hỏi Thánh Kinh, Tu Đức, Văn Thư Tòa Thánh, Giáo Lý, Giáo Luật, Luân Lý, Nhân Bản…… Riêng chương trình học Phúc Âm hàng ngày còn duy trì mãi đến năm 1983 khi Cha đi nhận xứ Đa Minh. Cha ước ao thực hiện cuốn “Chìa Khóa Tân Ước”. Rất tiếc, do hoàn cảnh, Cha đành bỏ dở dang.
2. Thư viện Chân Lý
Cha hết sức cổ võ chị em học đọc, viết, nói… Cha kêu gọi chị em mỗi ngày để ra 10 phút để đọc “cái phải đọc”- cái phải đọc là cái người tu sĩ phải biết, phải hiểu, phải làm – “có đọc mới biết nghĩ, mới biết viết, mới biết nói, mới biết làm”. Cha xin chị em mỗi tháng tìm đọc để viết lấy 15 hàng chữ gửi về Cha, bất kể tin tức, truyện đạo, truyện đời, thơ phú, đố vui, trò chơi…… Cha nhận hết. Phương châm Cha đề ra là: “Đọc nhiều để biết nhiều, biết nhiều mới dễ viết. Hay viết mới thành văn”. Vì thế chị em rất phấn khởi đọc, nghĩ, viết, nói…
Thư Viện Chân Lý bắt đầu hình thành từ đây (1962). Cha đã dành tặng trọn “Tủ Sách” của Cha cho Dòng. Cha yêu cầu các Bề Trên ý thức trách nhiệm tạo điều kiện cho chị em có phương tiện học hành. Nhờ đó, phòng hội chung mỗi ngày mỗi lớn, tủ mỗi ngày mỗi thêm, sách mỗi ngày mỗi nhiều. Ở thời điểm 1975, thư viện đã có khoảng 10.000 cuốn sách[1] với đủ loại: Giáo Lý, Thánh Kinh, Thần Học, Tu Đức, Tự Điển Bách Khoa, Khoa Học, Nghệ Thuật, Văn Chương, Tạp Chí, Tranh Ảnh, Tài Liệu. v.v… Trong các thứ sách ngoại ngữ thì nhiều nhất là tiếng Anh, kế đến là Pháp, La Tinh, Tây Ban Nha.
Rất nhiều qúy vị ân nhân hảo tâm đã góp phần xây dựng Thư Viện. Nhờ vậy, Thư Viện đã hân hạnh tiếp đón một số các Cha đến nghỉ hè tại Tu Viện để nghiên cứu viết lách. Còn chị em thì luôn có bên mình những “Người Thầy dễ tính nhất”: sách vở.
3. Chương trình Nữ Tu Đăng Đàn
Ngày 13.02.1963 chương trình Nữ Tu đăng đàn được thành lập. Chương trình này rất có lợi để chị em có dịp đọc sách, viết bài và tập nói nơi chung. Cha phấn khích mọi phần tử trong Dòng từ Mẹ Bề Trên xuống các em Đệ Tử, cả các chị em ở sở, đều có bổn phận học tập. Chị em lần lượt lên diễn đàn để thực tập hành nghề thuyết giáo. Nhờ chương trình diễn đàn tối thứ Tư hàng tuần mà sau này chị em đỡ lo khi phải nói trước công chúng.
Kế tới tháng 04.1975, Diễn đàn còn giữ được 275 bài nói chuyện của mọi thành phần diễn giả Nữ Tu Đa Minh Tam Hiệp, ghi trên 2029 trang giấy khổ đánh máy 21×27. Thiết tưởng đây cũng là một món gia bảo trong kho tàng văn hóa của Dòng mà chị em tích lũy được nhờ sự hướng dẫn của Cha. Qủa là truyền thống tốt đẹp mà tới nay Dòng vẫn trung thành duy trì và tiếp tục phát huy.
4. Nguyệt San Ánh Sáng
Cha ý thức rất rõ vai trò của những phương tiện truyền thông đại chúng, vì thế, kế hoạch của Cha là Dòng phải có tờ Nguyệt San để chị em có phương tiện học tập về mọi mặt, nhất là khoa học thánh. Cha đã kiên trì chuẩn bị dần từng bước để ngày nào đó mong ước của Cha thành hiện thực. Sau 2 năm tròn với 23 bức tâm thư và các Huấn Lệnh của Mẹ Bề Trên, cũng như các mục: Thông tin, Lịch tháng, Tự tu Kiểm thảo với bao hy sinh cầu nguyện, ngày 12.09.1964 ngày đáng ghi nhớ của lịch sử văn hóa Dòng: Nguyệt san “Ánh Sáng” chào đời giữa niềm vui khôn tả, với bao hân hoan trân trọng, bao hy vọng phấn khởi cho toàn bộ chị em, vì đây là ngày đặc biệt đáng nhớ, ngày ghi dấu văn hóa của Dòng mở sang trang sử mới, bước vào lộ trình mới, và cố lấy đà vươn lên.
Từ đây “Ánh Sáng” là chị em, là bạn thân của mỗi người Nữ Tu Đa Minh Tam Hiệp. “Ánh Sáng” đều đặn đến với mọi người vào Chúa Nhật đầu tháng.
Từ tháng 08.1964 đến tháng 04.1975 là 10 năm 7 tháng với 143 số báo được phát hành. Trong những năm này, “Ánh Sáng” làm việc hết mình dưới sự hướng dẫn của Cha, sự trợ lực của các Bề Trên và sự góp bút của các chị em. Thời kỳ đầu, mọi bài đăng báo trong “Ánh Sáng” Cha đều sửa hết. Dần dần thấy chị em quen việc, Cha chỉ sửa những bài quan trọng như: Giáo Lý, Tín Lý, Luân Lý, và các bài dịch. Ngày hai buổi Cha cắp ô vào Tòa soạn làm việc. Tất nhiên mỗi ngày 4 lần Cha viếng Mình Thánh Chúa trước và sau mỗi giờ làm việc. Cha chỉ dẫn cho chị em cẩn thận tỉ mỉ từng công đoạn: từ nhận bài, chọn bài, sửa bài, đánh máy trên giấy Stencil, vẽ vời trong trí, quay ronéo, xếp trang, đóng, dán. Thường xuyên, các nhân viên ở Tòa soạn là 5 người. Toà soạn “Ánh Sáng” và nhà in “Phụng Sự” cuối tháng rất bận rộn. Có khi cả Cha và con phải thức tới 1, 2 giờ khuya để hôm sau “Ánh Sáng” phát hành đúng kỳ hạn. Mặc dù vất vả nhưng ai nấy đều nỗ lực hăng say phấn khởi quên mệt nhọc.
Số đầu tiên ra tháng 08.1964, “Ánh Sáng” có 15 bài được 40 trang. Số ra tháng 01.1966 có 24 bài, được 98 trang. Số ra tháng 01.1969 chuẩn bị vào nhiệm vụ canh tân, “Ánh Sáng” có 32 bài trên 169 trang. Và “Ánh Sáng” số 141 ra ngày 01.01.1975 đếm được 36 bài trên 240 trang. Những thành qủa đó cho thấy sự cố gắng không ngừng của chị em và công xuất làm việc của “nhà báo” thời đó.
5. Cổ võ tinh thần hiếu học
Ngày ấy, phong trào thi đua học tập trong thật sôi nổi: mỗi người (dù Đệ Tử, Tập Sinh hay Chị Khấn, đặc biệt là các Chị Khấn Tạm ở Học Viện), phải gửi về Tòa soạn “Ánh Sáng” một tháng một bài báo và mỗi năm một bài nói chuyện đăng đàn. (Bài báo tối thiểu nửa trang giấy tập, bài đăng đàn không giới hạn, có thể từ 10-45 phút hay 1 giờ).
Đòi hỏi chị em tích cực học hành thì chính Cha đã nêu gương trước: miệt mài với sách bút. Từ hồi mới về Tu Viện Cha đã dịch bộ Giáo Luật cũ (GL 1917) những khoản nói về Dòng tu và bản quy tắc Dòng địa phận để chị em học biết luật Giáo Hội. Cha giúp chị em học giáo lý theo Giáo Luật. Cha dịch các Văn kiện Tòa Thánh nói về Tu Sĩ, cả trước Công Đồng Vaticanô II, trong Công Đồng và sau Công Đồng.
Sau 1975, Cha đã dịch một số bài đọc II giờ Kinh Sách để chị em tạm dùng trong khi chờ đợi sách Nguyện mới của Uỷ Ban Giám Mục Phụng Vụ. Năm 1983 Tòa Thánh vừa công bố bản Giáo Luật mới, Cha cũng gấp rút phổ biến cho chị em bản dịch của Cha trước khi bản dịch chính thức được ấn hành. Con người thức thời của Cha luôn quan tâm tới bất cứ giáo huấn nào mới nhất của Giáo Hội, để cung cấp cho con cái những “món ăn” sốt dẻo và thời sự nóng bỏng.
6. Các năng khiếu khác
Cha có một biệt tài về thơ văn, nhất là thơ Đường, Câu Đối, Cha sẵn sàng làm thơ phú cho bất cứ ai đến nhờ cậy trong mọi tình huống, mọi nhu cầu. Cha tự hứng làm thơ mừng Thụ Phong Linh Mục, Ngân Khánh, Kim Khánh, Tân Hôn, Hiếu Hỉ, Tân Gia… Cha vận dụng thi tài để diễn giải Giáo Lý, Phúc Âm. Cha còn có thể ghép hết tên tuổi dòng họ một người vào một bài thơ đầy ý nghĩa. Có thể nói, Cha đã cầm bút cho đến hơi thở cuối cùng, khi bộ sách “Mẹ Kể Chuyện Kinh Thánh cho con” còn dang dở (tập 6).
Ai cũng biết Cha sống thanh bần khổ hạnh nhưng có lẽ ít người biết Cha có khả năng làm kinh tế. Chính Cha đã dạy cho chị em biết gây qũy văn hóa để phát triển văn hóa, Cha chỉ cách cho chị em tính sổ, tính lời. Cha còn giới thiệu, quảng cáo và lãnh việc cho chị em làm kiếm công.
Vâng,những gia sản tinh thần, văn hóa Cha đểlại cho Dòng nhiều kể sao cho xiết. 45 năm cuộc đời Linh Mục của Cha, cha đã dành đến 2/3 thời gian tuổi trẻ, năng lực và sáng kiến nhất cho Dòng Nữ Đa Minh Tam Hiệp.
7. Tại giáo xứ Đa Minh
Cha rất kính trọng và vâng phục Giáo hội. Được tin Đức Cha báo cha sẽ ra giúp xứ Đa Minh, cha đã mau mắn đi ngay, dù lúc đócha đang ở tuổi sắp về hưu ( 65 tuổi).
Rời bỏ Dòng Đa Minh Tam Hiệp, cha không mang theo gì ngoài chiếc vali cũ cha đã mang đến 25 năm trước..
Vẫn trái tim ấy, vẫn nhiệt huyết ấy! Cha bắt tay ngay vào việc xây dựng giáo xứ Đa Minh. Người ta không thểnào quên được một ông già mảnh khảnh khoác cái áo măng- tô bạc màu, tay xách ô móc, chân mang dép râu đi thăm hỏi vàgiúp những người lâm bệnh.
5 năm ở giáo xứ Đa Minh, từ 1987 – 1992, cha đã đưa giáo xứ đi vào tổ chức khá nề nếp. Các lớp giáo lý và chương trình học hỏi Thánh Kinh hằng tuần cho người lớn được tổ chức qui mô và đều đặn, cha còn tổ chức lại sinh hoạt Ban Điều Hành Giáo xứ, cấp học bổng cho học sinh nghèo, tạo qũy khuyến học để phát thưởng cho các sinh viên học sinh trong giáo xứ đạt thành tích xuất sắc ở các trường học ngoài.
5 năm qua đi với những cố gắng không ngừng, ngày 02.01.1992, cha bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Thánh Tâm Hố Nai. Sau khi bình phục, theo thỉnh mời của cha xứ Bùi Vĩnh, đồng thời cũng là học trò của Ngài, cha đã về nghỉ hưu ở giáo xứ BùiVĩnh.
8. Những ngày cuối đời
Với nét chữ run run, Ngài đã để lại những trang nhật ký cuối đời như sau:
Thứ bảy 25.11.1992: Đức Cha cho đi hưu tại BùiVĩnh
Tối thứ ba 28.01.1992: Về hưu ở xứ Bùi Vĩnh
Thứ năm 29.01.1992: Xem lễ mặc áo cộc ngồi dưới giáo dân
Thứ sáu 31.01.1992: Xem lễ mặc áo chùng thâm ngồi trên gian cung thánh.
Ngàỵ 25.02.1992: Bắt đầu chương trình chìa khóa Thánh Kinh
Ngày 12.11.1992: Bỏ chìa khóa Thánh Kinh sang chuyện Thánh Kinh cho thiếu niên và tuổi trưởng thành.
Ngày 04.08.1993: Té xỉu ở nhà thờ, chịu phép xức dầu, đi cấp cứu.
Sau cùng những nét chữ run run cha cũng không viết nổi nữa, cha phải đi cấp cứu lần II ở bệnh viện Thánh Tâm và qua đời ở đó hồi 13g00 ngày 23 .08.1993.
Ngày 23.08.1993, hồi chuông sầu từ từ nhả giọng, trầm buồn và bi thương như để trả lời một cách chính xác cho mọi người: Người đã đi rồi. Trong nguyện đường chật ních người, có thân quyến linh tông huyết tộc, có cộng đoàn giáo dân mà Ngài phục vụ, có các chủng sinh và các linh mục ghi ơn cha giáo, có đông đảo các Nữ tu Đa Minh- những người đã mang nặng ân nghĩa, có các bạn bè trong linh mục đoàn của Ngài và đặc biệt, có hai Đức Cha giáo phận Xuân Lộc – những vị chủ chăn thay mặt Chúa mà suốt đời cha Giu se đã yêu mến và vâng phục.
Với quyết tâm sống nghèo và phục vụ như một người đầy tớ không tên tuổi, cha đã thực sự được toại nguyện với di chúc: “Lễ an táng không nến, hoa hương, không kèn trống, quan tài không sơn phết, sử dụng những phương tiện chôn cất mà một người nghèo nhất có thể có được”.
Thánh lễ an táng của cha chỉ có những tiếng lòng thổn thức lẫn ngưỡng phục của biết bao trái tim dành cho Ngài.
(Trích từ cuốn tư liệu: Dòng Đa Minh Tam Hiệp 50 năm hình thành và phát triển)
[1] Bản thống kê của Thư viện Dòng 1975