Quản trị trong Dòng Đa Minh

0

Theo cha Alain, thách đố đối với thánh Đa Minh và các nhà lập pháp dòng Anh Em Giảng Thuyết trong giai đoạn đầu là tìm ra cho được một hình thái quản trị phù hợp với một nếp sống theo bản chất vừa cộng đoàn và vừa giảng thuyết. Chính vì thế, ngay từ lúc mới thành lập, Tổng hội tiên khởi năm 1220 đã đề cập đến hai yếu tố nền tảng quản trị của Dòng: trách vụ vị Tổng quyền và vai trò của Công hội. Tổng hội thứ hai năm 1221 đã thiết lập cơ chế tỉnh dòng và tỉnh hội như một cơ cấu trung gian tổ chức việc tông đồ[1]. Liên tiếp các Tổng hội sau, đến năm 1228, Hiến pháp Dòng đã xây dựng được một hệ thống tổ chức hoàn hảo, tạo được thế quân bình giữa quyền bính với yếu tố dân chủ chịu sự kiểm soát của cộng đoàn[2]. Dòng Đa Minh đã tổ chức cơ cấu phù hợp với những đòi hỏi phải rất linh động về nhân sự, cố gắng cộng tác vào sứ mệnh chung là rao giảng và điều phối hợp lý. Việc quản trị trong Dòng có những nét độc đáo, vì dựa trên tình huynh đệ và tinh thần dân chủ. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hệ thống quản trị của Dòng là sự tín nhiệm. Có thể nói việc quản trị trong Dòng là món quà quý báu cha thánh để lại cho con cái. Để khám phá nét đẹp của việc quản trị trong Dòng Đa Minh, trước tiên chúng ta nhìn lại thánh Đa Minh, người đã sống linh đạo này như thế nào?

I. Thánh Đa Minh, con người quản trị

Năm 1215, sau khi tháp tùng Đức Cha Foulques tham dự công đồng Lateranô IV trở về, thánh Đa Minh đã thông báo cho các anh em biết ý định của Đức Giáo Hoàng là anh em phải nhận một tu luật có sẵn. Thánh Đa Minh và anh em đã chọn tu luật thánh Âu tinh, một tu luật mà chính thánh nhân đã sống một thời gian trong Kinh sĩ đoàn tại Osma. Tu luật này nhấn mạnh đến sự đồng tâm nhất trí [3], nó phù hợp với nếp sống tông đồ của Dòng. Theo tu luật thánh Âu tinh, người đứng đầu trong cộng đoàn được gọi là viện phụ. Vì thế, trong những năm đầu tiên, thánh Đa Minh đã nghĩ rằng nên chọn một anh em làm viện phụ, vị này sẽ theo quyền bính mà cai quản các anh em khác, với tư cách là một bề trên, một thủ lãnh, nhưng thánh Đa Minh vẫn dành cho mình quyền kiểm soát. Vậy anh Matthêu de France đã được bầu theo luật định để thành viện phụ cộng đoàn Toulouse. Anh là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng trong Dòng mang tước hiệu này. Vào năm 1220, vì muốn giữ sự khiêm tốn, các anh em đã quyết định vị đứng đầu trong Dòng sẽ không gọi là viện phụ, nhưng là Thầy – Maitre, thánh Đa Minh chấp nhận giữ chức vụ này cho đến khi qua đời.

Nơi thánh Đa Minh, chúng ta có thể nhận ra những đức tính cần thiết của một người quản trị. Người quản trị là người biết vâng phục, biết lãnh đạo, biết quyết định, biết suy nghĩ chín chắn, biết tổ chức, và biết kiên nhẫn trong công việc.

Thánh Đa Minh đã vâng phục ngay từ khi còn trẻ, khi người đi theo vị giám mục Điêgô. Người cũng vâng phục các biến cố, để những biến cố ấy dẫn đưa và tìm thấy ở đó thánh ý của Thiên Chúa, như trong khoảng thời gian gần 10 năm đơn thương độc mã tại Fanjeaux, miền nam nước Pháp, nơi lạc giáo đang hoành hành. Người tuân phục các anh em, khi người thuận theo sự từ khước tuân phục của họ, vì muốn cho các anh em “có năng lực hơn mà học hành và giảng thuyết, thánh Đa Minh muốn rằng các anh em tu huynh ít học trong Dòng sẽ điều hành các anh em có học về những gì liên quan đến quản trị và quản lý các của cải trần thế. Nhưng các anh em tư giáo không đồng ý[4]. Đức tuân phục đã hình thành nơi cha Đa Minh con người nội tâm. Trong mối tương giao với Thiên Chúa cũng như về vấn đề bác ái, thánh nhân đã luôn từ khước ý riêng. Người không chọn đường công danh, cũng không nghĩ đến thành công cá nhân. Các anh em thời đầu rất cảm động khi nhớ lại quyết định lớn lao của thánh Đa Minh vào ngày 15-08-1217. Khi ấy Dòng vừa mới thành lập được ít lâu, thánh nhân đã quyết định phân tán các anh em. Đã có nhiều ý kiến không đồng ý từ phía các anh em và cả từ phía các bạn hữu. Nhưng thánh Đa Minh vẫn kiên quyết giữ vững ý định. Câu nói lừng danh của thánh nhân vẫn còn đọng lại nơi anh em: “Đừng ngăn cản tôi, tôi biết việc tôi làm”. Câu nói này nhấn mạnh đến sự quyết định chín chắn của một con người đã cầu nguyện, suy tư, tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Nói cách khác, câu nói này không mang ý nghĩa của quyền bính, nhưng ngược lại đó là biểu hiệu của một đời sống thiêng liêng sâu xa, dẫn tới một quyết định sáng suốt, một sự liều lĩnh trong Thần Khí.

Thánh Đa Minh hành xử theo cách một người mà đoàn sủng sáng lập là quyền chỉ huy. Nếu thánh Đa Minh không có cái nhìn ngôn sứ về tương lai, Dòng đã chẳng tồn tại cho đến hôm nay. Một cộng đoàn chỉ gồm 16 thành viên, thế nhưng cha thánh đã sai 7 anh em đi Paris, 4 anh em đến Tây Ban Nha để lập tu viện, học hành và rao giảng. Chỉ trong vòng hai năm, cộng đoàn tại Paris đã có 30 anh em. Thánh Đa Minh hành động không vì tính khí thất thường, cũng không vì đam mê, nhưng luôn vì một mục tiêu đã định, hay vì lợi ích chung.

Cũng từ thánh Đa Minh mà có được quyết định khôn ngoan, trước tiên đó là một điều khoản luật pháp chỉ có thể được chấp nhận dứt khoát hay bãi bỏ khi có 3 Tổng hội liên tiếp lên tiếng, và tiếp đến việc nhóm họp các Tổng hội luân phiên, đây cũng là một nét độc đáo của Dòng. Các Tổng hội sẽ được nhóm họp luân phiên giữa các giám tỉnh, những người lãnh đạo, và các “giám định viên”, những tu sĩ không có trách nhiệm lãnh đạo. Việc luân phiên này cho phép nhìn nhận các nhu cầu của người lãnh đạo cũng như của người được lãnh đạo. Các vị hiểu rằng mọi anh em sẽ thay nhau ở vị trí này hay vị trí kia, và đó là một sự khôn ngoan sáng suốt trong các quyết định. Tài năng tổ chức này kèm theo sự rất khôn ngoan thực tiễn đã giúp cho Dòng đi qua nhiều thời đại, bằng cách thích nghi với những nền văn hoá khác nhau, vượt qua những khủng hoảng và thắng vượt sự xói mòn của thời gian.

Nơi thánh Đa Minh, chúng ta còn thấy toát lên một đức tính khác của người quản trị, đó là cần phải nối kết sự hiểu biết sâu xa với việc thực hành đúng đắn các lề luật. Thánh Đa Minh được xem như người canh giữ tự do của cá nhân cũng như cộng đoàn, là người biết hướng dẫn người khác để họ trao tặng điều tốt nhất là chính mình, dám tin tưởng nơi anh em. Thánh nhân không nói với người này trái với điều đã nói với người kia, vì thế, anh em biết mình có thể đặt tin cậy vào người. Chính nét quản trị này đã làm cho thánh Đa Minh trở nên gần gũi với anh em, thánh nhân nhận ra những khả năng của anh em, để cùng nhau cộng tác vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Vì thế, không lạ gì, thánh nhân được tất cả anh em kính trọng trong suốt cả đời.  

II. Những nét đặc trưng trong việc quản trị Đa Minh

1. Tu viện : Suốt thời Trung cổ, tu viện là đơn vị quản trị tuy nhỏ nhất nhưng rất quan trọng. Tu viện được xem là tế bào nền tảng của đời sống Đa Minh, nó có một tầm quan trọng trong thể chế của Dòng. Tu viện là ngôi nhà, nơi trú ngụ cho các anh em được quy tụ vì có cùng một chí hướng, có cùng ơn gọi cứu độ các linh hồn, chứ không đơn giản chỉ là một ký túc xá để anh em trở về sau khi hoàn thành sứ vụ. Tu viện gồm những anh em sống một cách cụ thể những yếu tố của ơn gọi Đa Minh. Tu viện giúp anh em có môi trường hoạt động tông đồ, vì thế, cha Hinnebusch đã nói: “Một khi tổ chức các tu viện tốt, tỉnh dòng và Dòng phát triển. Khi nếp sống các tu viện sa sút, tỉnh dòng và Dòng bị tê liệt và khó chu toàn nhiệm vụ”[5]. Anh em phải coi đó là nhà của mình, cùng gánh vác trách nhiệm và cùng quản lý. Chính nơi đây, anh em cùng nhau cầu nguyện để nhận ra ý Chúa và cùng nhau thi hành sứ vụ. Tu viện thật sự là điểm then chốt cho tổ chức của Dòng.

Nếu ý thức tu viện là nhà của mình, thì chắc chắn chúng ta sẽ có trách nhiệm với của chung một cách tốt hơn. Và khi làm một công việc gì trong tu viện, chúng ta ý thức đó là bổn phận của mình, chứ không phải của một ai khác. Thật là nguy hiểm trong đời sống tu viện, khi ai đó cho rằng trong cộng đoàn còn có nhiều người rảnh rang, nên có thể làm những công việc tôi không thể làm được, do tôi còn bận lo cho sứ vụ. Cách lý luận này dẫn đến tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm. Trong cộng đoàn, mỗi người một nhiệm vụ, tuy nhiên với những công việc rất nhỏ nhặt, không tên, đòi hỏi có một sự tinh tế, và óc quan sát.

Đời sống cộng đoàn Đa Minh dựa trên sự đa dạng được chuẩn bị rất kỹ của các công hội. Thông thường, không bao giờ có anh em sống một mình, nhưng sống thành tu viện, nghĩa là sống hiệp thông. Tu viện được quy tụ thành công hội đều đặn. Những người nào có quyền đầu phiếu thì tham gia công hội. Tại đó người ta quyết định mọi việc, từ việc bầu bề trên tu viện, chấp nhận phó bề trên, đến việc đưa ra những định hướng tông đồ chính của tu viện, và ngay cả chi tiết của thời khoá biểu. Tất cả những ai sống ơn gọi Đa Minh đều hiểu rằng, đời sống cộng đoàn chỉ có thể thành công nếu mỗi thành viên chịu trả giá. Và cái giá phải trả hệ tại việc cho đi chính mình hoàn toàn, không chiếm hữu, nghĩa là tận hiến mình cho người khác mà không đòi đáp trả. Điều này rất đúng trong đời sống thường ngày tại các tu viện và cũng đúng trong đời sống tông đồ. Đây cũng là trở nên khó nghèo trong tinh thần của thánh Đa Minh, không giữ bất cứ điều gì cho mình, nhưng trao tặng tất cả những gì mình đã lãnh nhận, sống lệ thuộc vào các anh em cũng như các ân nhân, tín thác vào sự đòi hỏi Tin Mừng là mất tất cả để được tất cả.

2. Tính dân chủ

Mục đích của dân chủ trước tiên không phải là trao quyền lên tiếng cho mỗi anh em trong cuộc họp. Mỗi anh em đều có quyền và nghĩa vụ phải lên tiếng, nhưng mỗi khi lên tiếng, luôn xét đến điểm mà cộng đoàn đang hướng tới, nghĩa là cùng nhau tái khám phá và xác định lại sứ vụ mới, đây là chức năng chính của tính dân chủ trong linh đạo Đa Minh. Mục đích của tính dân chủ là hình thành một cộng đoàn mà trong đó những khác biệt không đưa tới xung đột, nhưng mang đến một cái nhìn đầy đủ hơn về những gì đang diễn ra, về cách thế Thiên Chúa hiện diện giữa cộng đoàn. Chính tinh thần dân chủ làm cho cộng đoàn trở nên trường học yêu thương, tôn trọng nhau và quí mến nhau trong tình huynh đệ.

Sự tôn trọng này đòi hỏi mọi thành viên nhận biết chính mình và tha nhân, có một cái nhìn đúng về mình và tha nhân. Ý thức mỗi người đều có một chỗ đứng trong cộng đoàn, chứ không phải là con số làm đông thêm nhân sự của Dòng; mỗi người là một chi thể sống động, có liên hệ đến sự sống còn của Dòng. Khi mỗi thành viên ý thức trách nhiệm của mình trong cộng đoàn, họ sẽ cảm thấy một nhu cầu thiết yếu là cần phải có những trao đổi để tìm ra những phương thế giúp cộng đoàn thăng tiến.

Lịch sử Dòng đã để lại cho chúng ta một câu nói bất hủ: “việc gì liên quan đến mọi người thì phải được sự chấp thuận của hết mọi người hay là đa số”. Câu này muốn nói lên điều gì? Phải chăng điều muốn nói ở đây là biết nhìn ra chỗ đứng của mỗi người, trách nhiệm của mỗi người trong sự tôn trọng lẫn nhau. Vậy, ở đây không có sự phán quyết của Bề trên. Bề trên chỉ là người qui tụ anh em, để cùng nhau tham khảo ý kiến mang tính cách gia đình và đưa đến những quyết định chung. Trong những cuộc trao đổi, chia sẻ để cùng tìm ra phương hướng, một điều kiện không thể thiếu là đòi hỏi anh em phải trưởng thành, biết vượt lên trên những va chạm cá nhân, những căng thẳng không thể tránh được, chấp nhận người khác trong cái khác biệt của họ, thích cho hơn là nhận. Để có được điều này, anh em phải biết kiềm chế những phản ứng vội vàng và tất cả những gì là quá khích, có khả năng chấp nhận lập trường khác một cách can đảm. Làm thế nào để những gì đã bàn đến trong cuộc họp, chúng ta không nên nhắc lại dưới hình thức nhóm nhỏ từng hai người một. Chính tiếng xì xèo dưới dạng nhóm nhỏ này sẽ có nguy cơ làm mất tình huynh đệ trong cộng đoàn.

Nền tảng tính dân chủ Đa Minh mang hai chiều kích: chiều kích thứ nhất là với Thiên Chúa, nghĩa là cộng đoàn cùng nhau tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa; chiều kích thứ hai là với nhau, anh em dám nói thật, dám nói ra những căng thẳng trong đời sống và sứ vụ chung. Điều làm cho tiến trình dân chủ này mang nét Đa Minh, là chúng ta không chỉ lo tìm xem ý muốn của đa số là gì, nhưng tìm xem những nhu cầu của sứ vụ là gì. Chúng ta được phái đi thi hành sứ vụ nào? Hiến pháp nền tảng của Dòng đã nêu rõ sợi dây nối kết giữa việc quản trị dân chủ của chúng ta với việc đáp trả những nhu cầu của sứ vụ: “Thể thức cộng đoàn của việc quản trị đặc biệt thích hợp cho việc phát triển và thường xuyên canh tân của Dòng… Việc Dòng thường xuyên kiểm thảo này là cần thiết, không phải chỉ vì tinh thần hoán cải thường xuyên của Kitô giáo, nhưng còn vì ơn gọi đặc biệt của Dòng thúc đẩy Dòng thích ứng sự hiện diện của mình trong thế giới với mỗi thế hệ”. Vậy, việc quản trị của chúng ta hiện hữu là nhằm mục đích khác, ngoài bản thân chúng ta, đó là huy động anh em thi hành sứ vụ.

Vì thế, thái độ chăm chú lắng nghe anh em là một cách diễn tả thái độ vâng phục Thiên Chúa. Tuy chúng ta không đồng ý với một người anh em, nhưng anh ấy vẫn có thể dạy chúng ta một điều gì đó. Chúng ta dám lắng nghe, đón nhận ý kiến của người khác, mở tâm hồn mình trước những vấn đề người khác nêu ra. Đó là một hành vi đức ái, sinh ra từ lòng đam mê sự thật. Đó cũng là một chuẩn bị tốt để trở thành một nhà giảng thuyết “ân sủng và sự thật”.

Bên cạnh những điểm mạnh, những điểm tích cực, chế độ dân chủ cũng có những mặt hạn chế. Thể chế dân chủ không phải luôn luôn là một cung cách quản trị có hiệu năng. Ngược lại, có khi không đáp ứng được nhiều tình huống cấp thiết của cuộc sống hôm nay. Thể chế dân chủ của chúng ta cần có những cuộc hội họp, bàn thảo, nói tóm lại cần có thời giờ. Vì thế, nó có thể làm cho chúng ta chán nản, vì hội họp nhiều nhưng không mang lại kết quả bao nhiêu. Nhưng nếu chúng ta lấy hiệu quả làm mục đích theo đuổi, thì có thể chúng ta làm băng hoại sự tự do vốn là quà tặng của Thiên Chúa cho mỗi người.

Một trong những nét chính yếu của đời tu Đa Minh là tinh thần tự do. Các thành viên được huấn luyện và được mời gọi như những người trưởng thành, tức là ý thức về đời sống của mình và biết quyết định. Đây là điều lý tưởng, nhưng trong thực tế không dễ dàng, vì chúng ta thường có khuynh hướng quyết định thay cho người khác, thường không yên tâm và sốt ruột vì công việc diễn ra không theo ý mình. Chúng ta thường dễ quan tâm đến thành quả hơn là quan tâm đến sự trưởng thành dần dần của mỗi anh em qua mỗi lần được tự quyết định một cách đúng đắn. Chính khi quan tâm đến sự trưởng thành của anh em, chúng ta sẽ tạo cơ hội để anh em sống trong tinh thần trách nhiệm một cách cụ thể hơn.

3. Trách nhiệm

Nền tảng của việc quản trị Đa Minh là niềm tin tưởng lẫn nhau, chúng ta ý thức mình cần có nhau, cùng nhau thi hành sứ vụ với tinh thần trách nhiệm. Khi thánh Đa Minh sai phái các anh em trẻ đi giảng thuyết, các tu sĩ Xitô coi việc tin tưởng các anh em trẻ như thế là gai chướng. Thánh nhân nói với các tu sĩ Xitô rằng: “Tôi biết, tôi biết chắc, những người trẻ của tôi ra đi và sẽ trở lại, họ được phái đi và họ sẽ trở về; còn những người trẻ của các ngài sẽ bị nhốt chặt lại và rồi sẽ ra đi”.

Mục đích việc đào tạo của chúng ta đều nhằm giúp anh em thành những con người tự do và có trách nhiệm. Việc quản trị đặt căn bản trên lòng tin tưởng vào anh em. Các bề trên phải tin tưởng anh em, những người mà mình chỉ định vào các chức vụ. Đôi khi chúng ta có thất vọng, nhưng đó không phải là lý do để từ khước thái độ tin tưởng lẫn nhau, từ khước trao trách nhiệm cho anh em. Simon Tugwell có viết: “Nói cho cùng, nếu tu sĩ Đa Minh phải làm công việc của mình một cách đàng hoàng, thì phải sẵn sàng chấp nhận một số may rủi nào đó, và họ cần phải được tin tưởng, để có thể đương đầu với những may rủi đó. Và Dòng cũng phải chấp nhận một số, có thể là nhiều, những cá nhân có thể lạm dụng sự tin tưởng ấy”.

Một thái độ tin tưởng như thế đòi chúng ta phải vượt thắng nỗi sợ hãi. Sợ rằng mình không kiểm soát được anh em. Chúng ta phải đào tạo anh em biết sống với sự tự do của thánh Đa Minh. Tự do của một người sống dưới đôi mắt của Thiên Chúa và tự do trong tình yêu. Nhưng tin tưởng nhau không có nghĩa là bào chữa cho thái độ ơ hờ đối với nhau, tin tưởng nhau không có nghĩa là mặc ai nấy sống, đó là căn bệnh “vô cảm”. Tôi tin tưởng người anh em của tôi, không có nghĩa là tôi có thể quên anh ấy đi và để mặc cho anh ấy đi theo con đường riêng của mình. Nếu việc quản trị hữu hiệu giúp chúng ta chia sẻ trách nhiệm, thì nó đã bắt nguồn từ trong trách nhiệm hỗ tương mà chúng ta được kêu gọi phải có đối với nhau.

Nói đến tinh thần trách nhiệm, thánh Đa Minh nhấn mạnh trước tiên đến trách nhiệm trong lời nói. Vì với tư cách là những nhà giảng thuyết Lời đã nhập thể, đã trở nên xác phàm, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt đối với những ngôn từ của chúng ta. Vì thế, Hiến pháp tiên khởi truyền vị giám sư tập sinh phải dạy cho các tập sinh “Đừng bao giờ nói về người vắng mặt, trừ khi nói tốt cho họ”. Đây không phải là một việc đạo đức câu nệ, chi ly, nhằm bôi son đánh phấn che đi khuôn mặt thật của anh em. Nhưng đây là một lời mời nói những lời “ân sủng”, nhìn nhận sức mạnh của ngôn từ, có thể làm thương tổn, hủy diệt, lật đổ và phá hoại ngầm anh em của chúng ta.

Học để nói lời sự thật đúng là một thách đố quan trọng. Nếu có bị phiền nhiễu bởi cung cách sống của một anh em, thì chúng ta phải dám nói thật với người anh em đó một cách lịch sự và huynh đệ. Tu viện hội không phải là chỗ trước tiên để làm chuyện này. Chúng ta phải dám gõ cửa phòng người anh em đó và nói với một mình anh ấy (x. Mt 18,15). Chúng ta phải dành thì giờ để nói với nhau, đặc biệt là với những người chúng ta cảm thấy không thân thiện. Việc giao lưu trong tu viện hội sẽ phụ thuộc vào nỗ lực rộng rãi của việc giao lưu bên ngoài. Một khi cố gắng thực hiện điều này, chúng ta sẽ làm cho tình huynh đệ được kiện cường đến nỗi những vấn đề khó nói cũng có thể nói được với nhau trong cộng đoàn.

Tạm kết

Khởi đi từ con người thánh Đa Minh, từ phong cách sống và những di sản người để lại cho Dòng, chúng ta khám phá nét đẹp trong việc quản trị Dòng. Chỉ trong vòng hai năm 1220-1221, thánh Đa Minh đã thiết lập một cơ cấu giúp cho Dòng được tồn tại cách bền vững. Thánh nhân đã trao cho anh em và những người kế vị một công cụ chính xác cho phép họ cống hiến hết mình cho việc quản trị Dòng. Nền quản trị này đã tồn tại 800 năm qua, chứng minh rằng những gì thánh Đa Minh đã thực hiện là khởi hứng từ Thần Khí, chứ không phải làm theo ý riêng mình. Một nền quản trị xây trên đời sống cộng đoàn, với tinh thần dân chủ, tự do và trách nhiệm. Bên cạnh những điểm tích cực cũng có những điểm hạn chế, nhưng điểm hạn chế không làm mất đi tính lịch sử và đáp ứng với nhu cầu thời đại của việc quản trị Đa Minh. Một câu hỏi có thể cật vấn chúng ta, là tu sĩ Đa Minh trong thế kỷ XXI, chúng ta đón nhận di sản quý báu của cha thánh để lại như thế nào? Đã phát huy những nét đẹp trong việc quản trị ra sao?

Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh

 ———–

Tài liệu tham khảo

Alain Quilici – Guy Bedouelle, Anh em giảng thuyết hay anh em Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2005.

Alain Quilici, 15 ngày với thánh Đa Minh.

W. Hinnebusch, Hành trình chân lý lược sử dòng Đa Minh.


[1] W. Hinnebusch, Hành trình chân lý lược sử dòng Đa Minh, tr. 37.

[2] Sđd, tr. 38.

[3] Alain Quilici – Guy Bedouelle, Anh em giảng thuyết hay anh em Đa Minh, Học viện Đa Minh, tr. 15.

[4] VIE tr. 53, chứng từ của anh Gioan người Tây Ban Nha.

[5] W. Hinnebusch, Hành trình chân lý lược sử dòng Đa Minh, tr. 37.

Comments are closed.

phone-icon