Chứng nhân giữa đời

0

 CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI 

Sống trong một xã hội với biết bao những thay đổi không ngừng về mọi mặt, khoa học kỹ thuật ngày càng tân tiến và hiện đại. Từ đó, con người hôm nay không thể phân biệt được hàng giả và hàng thật, đồ xịn với đồ dổm,…do vậy, người Kitô hữu hôm nay, đặc biệt người Giáo lý viên trong vai trò giảng dạy luôn ý thức tinh thần phục vụ của mình là vì người khác và vì nhu cầu của tha nhân. Và nhờ đó tinh thần phục vụ này vượt lên trên giá trị vật chất nhưng lại hướng đến giá trị tinh thần. Điều này chính Đức Giêsu đã hành động trước chúng ta: “Thầy đến không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20;28). Như trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, số 42, Đức Phaolô VI nói: “Con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết”. Vậy là người Kitô hữu, chúng ta đã thể hiện vai trò chứng tá của mình trong đời sống như thế nào?

Khi nghe hai từ “chứng nhân” ta hiểu ngay ý muốn nói về người làm chứng. Khi ra toà án, vị luật sư bào chữa muốn thắng kiện thì đòi hỏi phải có những nhân chứng thật sự chứng kiến sự việc xảy ra. Ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi người Kitô hữu làm chứng cho Chúa, cho những gì Chúa nói và làm bằng chính đời sống được thể hiện qua đức tin. Chúng ta muốn người khác cũng nhận biết Đức Giêsu Kitô là người thật và là Chúa thật. Làm sao có thể làm chứng được cho người ngoài đạo mến đạo, nếu những người trong đạo cũng chia rẽ bất hoà? Làm sao đạo có sức thuyết phục khi người theo đạo vẫn còn ham hố danh vọng chức quyền đến nỗi bán rẻ cả lương tâm của mình và tìm cách chà đạp nhân phẩm của người khác? Làm sao làm chứng được đạo là tốt trong khi những người tin đạo vẫn còn bất công, gian tham của cải không phải là của mình.

Trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, Đức Phaolô VI đã khẳng định: “Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng cách làm chứng”[1]. Quả thật, trong thực tế, chúng ta có thể thấy nếu một nhóm người hay một gia đình nào đó sống tốt thì chắc chắn họ sẽ đặt ra cho người khác những câu hỏi, và tự người ta tìm hiểu. Một nữ tu của dòng Saint Paul, khi chị phục vụ bệnh nhân chẳng may bệnh nhân bị đàm làm cho không thở được mà lúc đó lại không có máy để giúp bệnh nhân, chính lúc đó chị đã ghé miệng vào bệnh nhân và dùng chính miệng của mình để hút đàm cho bệnh nhân – một thiếu tá. Sau cùng, ông ta tự hỏi tại sao cô ấy lại dám làm điều đó, cô làm như vậy để làm gì? Vì cái gì mà cô ta làm như vậy??? Biết bao câu hỏi đã đặt ra cho người thiếu tá. Và từ đó, chính ông và cả gia đình đã trở về và lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Như vậy, việc rao giảng Tin Mừng không hệ tại ở việc lên bục giảng hay có những bài giảng thuyết thật dài,… thế nhưng âm thầm bắt chước Chúa và làm vì Chúa thì đã là một lời chứng hùng hồn.

Con người hôm nay hầu như không ai còn ưa chuộng những lời nói “sáo ngữ”, những hứa hẹn xa vời thực thực tế. Các công ty hiện nay muốn quảng cáo các mặt hàng của mình thì trước hết nó cũng phải cho người tiêu dùng sử dụng miễn phí trước. Thế nhưng, dân vẫn chưa tin và cho rằng đó chỉ mới là hàng quảng cáo mà thôi. Để có được sự tín nhiệm thực sự thì đòi hỏi thời gian và chất lượng thực sự. Cũng vậy, người Kitô hữu muốn làm chứng cho Tin Mừng thì đòi hỏi phải có một đời sống thể hiện niềm tin của mình một cách sâu xa vào tình thương yêu của Thiên Chúa. Vì thế, muốn làm chứng cho Chúa, người tín hữu phải có một đời sống đạo gương mẫu. Đời sống đạo gương mẫu không phải chỉ là siêng năng đi đọc kinh, đi lễ nhưng nhất là phải gương mẫu trong cách ăn nết ở. Những anh em ngoài Công giáo cũng nhìn vào đời sống của chúng ta. Nếu người Công giáo thật sự sống tốt thì không cần rao giảng mọi người cũng tin. Đời sống công bình bác ái, khiêm nhường nhịn nhục, đoàn kết yêu thương có sức thuyết phục hơn tất cả mọi lời nói hay, lời nói đẹp.

Khi suy nghĩ về câu nói của Đức Phaolô VI: “Con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết”. Quả thật như tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Khi chúng ta nói thì mới chỉ chút gì đó lay động lòng người mà thôi, chính hành động của ta mới đem đến cho người khác sự biến đổi từ bên trong.

Là môn đệ chân chính của Chúa, hẳn ta không nên cậy dựa vào những việc đạo đức nặng hình thức, thích phô trương, quảng cáo rầm rộ, làm việc thiện để được tiếng khen, đọc kinh cầu nguyện lâu giờ mà không có lòng mến Chúa, thì chỉ như cái thùng rỗng mà thôi. Chúng ta hãy nghe và thực hành lời Chúa dạy, đem Lời Chúa áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, mến Chúa, luôn sống theo thánh ý Chúa mọi nơi mọi lúc, luôn cầu nguyện với tâm tình con thảo và yêu thương anh em như Chúa đã yêu, làm tất cả mọi việc vì lòng mến Chúa. Có như thế chúng ta mới thực sự sống đạo, có như thế chúng ta mới xây nhà trên đá, dù sóng gió, bão táp cuộc đời, ngôi nhà đức tin của ta vẫn vững bền, có mưa sa nước lũ tràn vào mà căn nhà đức tin của chúng ta không bị nước cuốn đi, vì được “Núi đá và thành luỹ bảo vệ ta là chính Chúa” (Tv 31,4). Được Thiên Chúa bao bọc, che chở bằng tình yêu thương quan phòng của Ngài. Đó là người khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã nói: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7, 24-25).

Sr. Elisabeth Thảo Quyên

[1]Đức Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng , số 21.

Comments are closed.

phone-icon