Đức thánh Giáo hoàng Nicôla I sinh tại Rôma khoảng năm 800, được gọi là Nicôla Cả và được bầu chọn làm Giáo hoàng ngày 24-4-858. Là nhà ngoại giao và chính trị khôn khéo, ngài lợi dụng quyền bính của Byzantin và của Pháp để củng cố quyền bính Giáo hoàng. Dưới giáo triều của mình, ngài đã trút bỏ quyền bảo trợ của hoàng đế trên Giáo hội, tuyên bố không có quyền bính nào trên trái đất này lớn hơn quyền của Giáo hội. Ngài xác nhận các “Décrétali pseudoisidoriane”, một tài liệu ghi các lề luật của Giáo hội, được phát hiện ra nhiều năm trước, nhưng đến lúc này vẫn chưa được mọi người công nhận là có giá trị. Ngài là người đầu tiên cổ vũ và về sau được hai vị Giáo hoàng Grêgôriô VII và Innôcentê III khẳng định mạnh mẽ về “ý tưởng thần quyền” (I’idée théocratique du pouvoir). Với quan niệm này, ngài cai quản Giáo hội bằng quyền bính tối cao, không ai được chống đối, khi ban hành lề luật, đặt ra các điều kiện cho các Giám mục, Hồng y và các vua chúa phải tuân giữ. Mọi người phải nhìn nhận ngài là trọng tài cho cả hai lãnh vực đạo và đời. Người duy nhất chống lại ngài là Phorius, thượng phụ của Constantinôpôli. Sự chống đối mạnh mẽ đến nỗi đã tạo ra sự chia rẽ giữa Giáo hội Hy Lạp với La tinh suốt gần một thế kỷ, cho đến năm 1053.
Dưới giáo triều của ngài, dân Bulgarie của vua Boris I đã xin gia nhập Kitô giáo. Ngài cho chuyển xác thánh Clêmentê từ Crimê về Rôma và chôn cất nơi ngôi nhà của thánh nhân mà ngày nay là ngôi thánh đường dâng kính người. Ngài ấn định ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời vào ngày 15-8 và qua đời ngày 13-11-867.