Chương 1: MỘT SỐ LẬP LUẬN KHI ĐAU KHỔ
Chương 2A – NGUỒN GỐC và PHÂN LOẠI ĐAU KHỔ
1. NGUỒN GỐC ÐAU KHỔ
Thông thường, đau khổ và sự dữ thường đi đôi với nhau. Khi nói đến đau khổ là người ta nghĩ ngay tới chuyện chẳng lành, chẳng ai muốn. Nếu đau khổ là chuyện không ai mong đợi thì nguồn gốc của nó ắt phải là cái làm người ta sợ hãi, tránh né. Và, không nói thì ai cũng đã biết: ông Trời vừa là người được ca tụng hết lời khi mọi sự suôn sẻ vừa là người bị kêu trách đổ lỗi khi chuyện không như mong đợi xảy đến. Tắt một lời, người ta vẫn coi Trời là nguyên nhân mọi sự.
* Một vài suy tư và cách hoá giải đối với sự dữ và đau khổ
Về cơ bản, sự dữ là khiếm khuyết sự thiện. Chúng ta cùng xét một vài suy tư và cách hoá giải về vấn đề sự dữ sau:
Thánh Iraneus thì đưa ra lập trường: Theo kế hoạch của Thiên Chúa, thế giới này phải là một môi trường để con người có thể đạt tới tầm vóc sung mãn của ơn gọi làm con Thiên Chúa. Sự phát triển của con người cần một quá trình lâu dài trong một môi trường thích hợp. Môi trường ấy là thế giới hỗn hợp cả thiện lẫn ác này. Con người sẽ sử dụng tự do của mình để hoàn thành ơn gọi của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, việc sử dụng tự do không phải là dễ vì người ta có thể từ chối điều lành, từ chối chính Thiên Chúa; và đau khổ thường làm con người tan nát hơn, có khi đẩy họ vào bóng tối và vực thẳm nhiều hơn. Do đó, cho rằng Thiên Chúa muốn dùng đau khổ như phương tiện cần thiết để giúp con người đạt đến tầm vóc xứng đáng cũng có thể đồng nghĩa với việc cho rằng Người trực tiếp dính líu vào sự dữ mà gây đau khổ cho con người. Vậy, giải pháp này không hoàn bị.
Còn quan điểm của Thánh Augustine mang tính chất loại suy thẩm mỹ, nghĩa là thế giới này giống như một bức tranh. Những điểm tối, những nét vẽ nguệch ngoạc vô duyên là những thứ cần thiết để làm nên một bức tranh. Nếu ta nhìn thế giới này một cách tổng thể, toàn diện, ta sẽ thấy chính nhờ những đường nét chẳng ra gì đó mà bức tranh tuyệt đẹp. Sự dữ, đau khổ cũng giống như thế. Chúng hữu ích cho một tổng thể hài hoà của thế giới. Tuy nhiên, quan điểm này trái ngược với lập trường căn bản Kitô giáo: mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Không thể cho phép dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt. Ví dụ: không thể chấp nhận việc diệt chủng người Do Thái để có được một dân tộc siêu nhân của Hitler, không thể ra sức phá thai hay áp dụng phương cách an tử vì sợ nạn nhân mãn, …
Theo Thánh Thomas Aquinas, sự dữ không phải là một hữu thể đúng nghĩa vì hữu thể thì duy nhất, chân thực, tốt và đẹp. Sự dữ là một khiếm khuyết trong hữu thể, là mặt trái của hữu thể tốt lành. Ví dụ: tình trạng mù loà của con người là một khiếm khuyết thể lý (vì thế mà gọi là khiếm thị); hay tình trạng tội lỗi của con người là do khiếm khuyết trong hành vi nhân linh vì không quy chiếu và tuân thủ quy luật tâm lý. Nói sự dữ là khiếm khuyết thì không có nghĩa nó chỉ là ảo ảnh vì nó vẫn tồn tại rất thực trên thế gian này. Tiếp đến, Thiên Chúa là nguyên nhân và cội nguồn của mọi hữu thể nên Người sung mãn sự tốt lành và nơi Người không hề có khiếm khuyết nào. Sự dữ và sự lành không thể phát xuất từ cùng một nguyên nhân. Cho nên, Thiên Chúa không thể nào là nguyên nhân của sự dữ.
* Phân loại
Nói chung, có hai loại sự dữ làm phát sinh hai loại đau khổ cũng theo các phương diện tương ứng: sự dữ hiện sinh hay vật lý và sự dữ luân lý hay tinh thần. Một cách tổng quát, sự dữ vật lý gồm thiên tai, thảm họa do các định luật thiên nhiên, bệnh tật,…; sự dữ tinh thần là do việc con người sử dụng tự do của mình một cách sai lầm hay lạm dụng. Theo Giovanni Martinetti, không nên lầm lẫn giữa hai loại sự dữ này. Chúng là hai loại sự dữ và đau khổ hoàn toàn khác biệt nhau. Trong thực tế, nhiều trường hợp cụ thể về đau khổ hàm ẩn cả hai loại trên. Bây giờ chúng ta cùng xem xét chi tiết hơn từng loại.
1.1 Sự dữ hiện sinh hay vật lý
Thiên nhiên vận hành được là nhờ có các định luật mà Thiên Chúa thiết lập để điều khiển nó. Ðịnh luật thiên nhiên là yếu tố chính làm cho vũ trụ vật chất được trật tự. Con người càng khám phá ra nhiều định luật như vậy thì càng tăng cường khả năng làm chủ của mình. Tất nhiên vẫn còn nhiều điều mà con người cần khám phá.
Bất cứ một hữu thể nào, khi xét trong chính nó, đều là tốt là đẹp là chân thiện. Chỉ khi nó được xem xét trong mối liên hệ với những cái khác, nhất là với con người, nó mới bắt đầu khoác vào bộ áo của sự thiện hay sự dữ, có lợi hay có hại. Lúa và cỏ không hơn thua nhau về mặt hữu thể nhưng trong mối liên hệ với lợi ích của con người thì lúa cần được chăm sóc còn cỏ phải bị tiêu diệt. Một con vi khuẩn trong chính nó là một hữu thể tốt đẹp nhưng khi nó chui vào cơ thể con người và gây ung thư thì nó là kẻ thù tàn ác nhất. Tắt một lời, chính trong tương quan với lợi ích của con người mà một hữu thể được xem là “thiện” hay “dữ”.
* Bản chất định luật tự nhiên
Khai triển trong cùng một ý nghĩa như vậy, định luật tự nhiên cũng là một thực tại có hai mặt: có ích và có hại, nghĩa là nó có khiếm khuyết trong mối liên hệ với lợi ích con người. Sự dữ vật lý chính là biểu hiện mặt bất toàn của nó. Chúng ta thử lấy một vài ví dụ:
+ sấm sét một mặt làm cho không khí giàu khí Nitrogen để giúp cây cối phát triển, mùa màng tươi tốt nhưng mặt khác cũng có thể đánh cháy nhà, gây chết người;
+ không có định luật vạn vật hấp dẫn thì sẽ chẳng có gì chịu ở yên một chỗ và tất cả sẽ bay lơ lửng hỗn độn trong không trung. Con người không thể xây nhà dựng cửa, trồng cây tỉa trái, điều khiển xe cộ,… nếu không có hấp lực trái đất. Nhưng cũng vì định luật ấy mà nữ tu N.H. tử nạn khi trượt chân té xuống từ cầu thang, anh V.L. bị chấn thương sọ não khi một hòn đá rơi xuống từ miệng giếng một buổi sáng năm 1998,…
+ nếu không có định luật quán tính thì chiếc xe của tôi sẽ lập tức ngừng chạy khi tôi dừng tay ga và không biết tôi sẽ phải mất bao nhiêu tiền để mua xăng; nhưng cũng vì nó mà có lần tôi đã đâm sầm vào một cửa hiệu bên vệ đường khi thắng không ăn.
Như thế, cuộc nhân sinh của chúng ta cùng một lúc kinh nghiệm cả hai mặt xem ra mâu thuẫn của cùngmột thực tại. Trớ trêu thay, chúng ta không thể chọn mặt này bỏ mặt kia được vì các định luật tự nhiên hiện hữu và hoạt động độc lập với ý chí của con người. Ðịnh luật tự nhiên tự bản chất không có lý trí, không phân biệt thiện ác theo các tiêu chuẩn luân lý của con người. Chúng có đó cho trật tự của một vũ trụ khách quan. Bất cứ ai sống trong vũ trụ ấy đều phải chịu sự chi phối giống nhau của chúng. Ðịnh luật tự nhiên không dành riêng cho ai, không biết phân biệt người nào tốt để sinh ích lợi, người nào xấu để giáng tai họa. Hẳn nhân loại sẽ còn nhớ mãi trận đại dịch Black Death đã quét qua Châu Âu và Châu Á hồi thế kỷ XIV và cướp đi sinh mạng của hơn một phần tư dân số ở các vùng bị dịch. Vi trùng dịch chẳng hề biết phân biệt ai là vua chúa, ai là tu sĩ, ai là chúng dân đâu. Bất cứ ai ở trong vùng dịch không đủ sức đề kháng là bị dịch. Hay như trường hợp thương tâm của thằng bạn tôi chết tan thây dưới giếng vì kíp nổ bị chập điện, típ thuốc nổ chỉ biết nổ tung những gì chung quanh nó chứ không biết đâu là bạn tôi đâu là đất đá.
Rõ ràng, định luật tự nhiên được thiết lập cho mục tiêu to lớn là điều khiển vũ trụ này cho có trật tự nhằm đem lại lợi ích cho con người, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số trục trặc gây ra những “sự dữ” cho con người. Ðiều này góp phần giải thích tại sao người này gặp rủi ro trong khi kẻ khác lại may mắn, và cách nào đó giúp “minh oan” cho Thiên Chúa trong nhiều trường hợp. Tôi không bao giờ quên trường hợp của chị Hạnh ở Texas như đã một phần đề cập ở trong I. Lúc tôi viết chương I là lúc bác sĩ cho biết căn bệnh ung thư của chị đã ở vào giai đoạn cuối. Còn lúc tôi đang viết những dòng chữ này là lúc chị đã về với Chúa được hai tuần rồi. Những lời nói như vừa trách móc vừa tức giận vừa bế tắc của chồng chị hôm nào vẫn vang dội trong đầu tôi: “Tại sao Chúa lại thử thách tôi quá sức như thế này?…”. Lúc ấy, mặc dù xác tín vào tình thương của Thiên Chúa nhưng tôi thật sự bối rối vì bản thân tôi cũng mang một tâm trạng như anh. Trong thâm tâm mình, tôi cũng đang hỏi Chúa câu hỏi của anh.
Ðến nay, cái nhìn của tôi về đau khổ đã khác. Tôi biết căn bệnh ung thư ác tính của chị Hạnh là do sự bất toàn của thân phận thọ tạo, do sự trục trặc của định luật tự nhiên. Bây giờ, tôi không những xác tín vào tình yêu của Chúa dành cho tất cả mọi người, không phân biệt họ là ai, thế nào, mà còn dám khẳng định rằng Chúa không gửi đau khổ đến cho con người. Khẳng định này là kết quả của nhiều năm lặn lội tìm kiếm, học hỏi, thao thức và kinh nghiệm của bản thân tôi. Tôi muốn quả quyết với những ai đang mang gánh nặng nề trên đời rằng: Thiên Chúa không gửi đau khổ cho chúng ta. Có người nói: nhưng bạn có thể trách Thiên Chúa là Người đã tạo ra vũ trụ này, trong đó có bạn. Thoạt nghe thì có lý nhưng thực ra là người ấy đi từ một giả thiết không được minh chứng cho rằng từ bao ngàn năm nay, với bao nhiêu lỗi lầm nặng nề, con người đã không hề phá hỏng đi chút nào vũ trụ mà Thiên Chúa đã sáng tạo cho họ. Quả thật, cho đến ngày nay có thể nói con người đã can thiệp vào thiên nhiên khá sâu và làm nó biến đổi rất nhiều, trong đó có những biến đổi tiêu cực lắm khi đã dẫn đến các tai ương cho chính con người.
1.2 Sự dữ tinh thần hay luân lý
Trong thế giới này ta không chỉ gặp những sự dữ và đau khổ do sự bất toàn của định luật tự nhiên. Ta còn gặp phải một thứ sự dữ khác xuất phát từ từ việc làm ý thức và tự do của con người, tức là những hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của tự do con người. Loại sự dữ này được gọi là sự dữ tinh thần hay sự dữ luân lý. Quan sát kỹ một chút, ta cũng dễ nhận ra rằng ít là phân nửa những tai hoạ từng xảy đến cho con người là do chính con người tạo nên qua tội lỗi của mình. Bernanos có lần nhấn mạnh: “Xì-căng-đan của thế giới không phải là khổ đau, mà chính là tự do. Thiên Chúa đã dựng nên thụ tạo tự do, đó là xì-căng-đan lớn nhất bởi vì mọi xì-căng-đan khác đều xuất phát từ đó.” Tự do là cái làm cho phẩm giá con người được trọn vẹn và nâng cao vị thế của con người trước vũ trụ. Ðó là nét cao quý của tự do. Nhưng tự do cũng tạo ra bao nhiêu nghiệt ngã kể từ khi con người sử dụng nó một cách đồi bại. Ðó là cái thê thảm của tự do. Lịch sử đã trưng ra những sự dữ và đau khổ vượt ra ngoài sức tưởng tượng của ta. Bóng tối sự dữ trong con người là một điều có thật và rất khủng khiếp. Nó lan toả trên cả hai bình diện vi mô và vĩ mô.
Trên bình diện vi mô, bóng tối ấy tồn tại nơi hành vi cá nhân như ghen tương, đố kị, gây gổ, hận thù, phản bội, ngoại tình, thủ đoạn,… Tôi vẫn không thể nào hiểu được chuyện một đứa con có thể giết chết mẹ ruột để lấy mấy chỉ vàng, chuyện những “bà mẹ” (nếu có thể gọi như vậy vì họ là người sinh con) bẻ gãy chân tay con nhỏ để đánh vào lòng trắc ẩn của kẻ bố thí, chuyện bọn lính Khmer đỏ dùng lá thốt nốt cắt cổ viên bác sĩ hằng mấy ngày liền cho đến chết, các tệ nạn xã hội và tội phạm như ma tuý, mại dâm, cướp của người khác, … vân vân và vân vân. Cứ mở các nhật báo ra, ta sẽ rõ ngay những gì đang nói đến.
Trên bình diện vĩ mô, sự dữ luân lý biểu hiện còn kinh khủng hơn nhiều: cuộc thảm sát 6 triệu người Do Thái của Hitler và Ðức quốc xã, nạn diệt chủng của Khmer đỏ, nạn thanh trừng sắc tộc ở Rwanda, sự áp đặt ý thức hệ chà đạp con người, sự đàn áp tự do tôn giáo nơi các chế độ độc tài, nạn khủng bố mang tính toàn cầu, chiến tranh phi nghĩa,…vân vân và vân vân.
Làm sao có thể kể hết được những sự dữ do con người gây nên cho chính đồng loại. Chỉ có một điều chắc chắn có thể khẳng định là: Thiên Chúa tình yêu không thể nào tạo ra những thứ đau khổ ấy. Khẳng định này dựa trên chính bản chất của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16) và không phải mọi sự đều xuất phát từ Thiên Chúa (1Ga 2,16).
a. So sánh hai loại đau khổ
Sự dữ nào cũng làm cho con người đau khổ. Dù vậy, xem ra sự dữ tinh thần hay luân lý để lại nỗi đau dai dẳng hơn sự dữ vật lý hay hiện sinh.
Sự dữ vật lý có thể làm cho con người bị khuất phục hay cảm thấy bất lực tạm thời. Ðứng trước thiên tai, tai nạn do định luật tự nhiên, con người sẽ tìm cách nghiên cứu, khắc phục và cuối cùng tiến đến việc làm chủ thiên nhiên. Chẳng hạn căn bệnh Sida hằng ngày vẫn cướp đi nhiều sinh mạng, tạm thời chưa có thuốc chữa, nhưng con người đang ngày đêm miệt mài tìm kiếm phương thuốc đặc trị. Hy vọng và quyết tâm trong việc tìm ra thuốc chữa Sida hôm nay cũng cao như những lần con người đối diện với những căn bệnh nan y khác trong quá khứ. Một cách nào đó, sự dữ vật lý góp phần làm cho con người tiến phát và vươn lên khẳng định vai trò “đặt tên” của mình để làm chủ thiên nhiên.
Trong khi đó, sự dữ luân lý là sự xuống cấp, huỷ hoại từ bên trong con người. Ðứng trước thảm cảnh do con người gây ra, chúng ta nhiều khi không thể làm thế nào ngoài việc xót xa, đau đớn, xấu hổ cho kiếp người tội lỗi này. Làm gì đây khi loài người giết hại lẫn nhau? Nói gì đây khi ai cũng có lương tâm và tự do để hành động? Ai đã một lần đến trại tập trung Auswichtz vào mùa đông sẽ không thể hiểu tại sao người ta (Ðức quốc xã) có thể độc ác đến như vậy. Tiến sĩ Diana Trafley, giảng viên Ðại học Công Giáo Seton Hall bang New Jersey, có lần kể cho tôi nghe về các lò hơi ngạt dùng để giết người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ 2 tại Ðức. Bà nói: “Tôi đau đớn và không thể hiểu nổi sự tàn nhẫn của Ðức quốc xã. Nhà ở của các sĩ quan Ðức chỉ cách trại tập trung chừng hơn cây số. Những viên sĩ quan trông bề ngoài rất bình thường ấy, ban ngày, vào trại “làm việc” bằng cách hành hạ và giết chóc những con người khác cũng có cùng dòng máu đỏ, có tình cảm, có ước mơ, có tình yêu, có quyền được sống như họ. Tối đến, họ trở về gia đình vui vẻ với vợ với con mình – những người chẳng khác gì những kẻ bị họ hành hạ ban ngày. Hôm sau, họ lại tiếp tục “công việc” tra tấn và giết chóc. Cứ như vậy. Không thể hiểu nổi…”
Tóm lại, sự dữ luân lý làm cho con người trở thành biến chất, phi nhân. Ðau khổ luân lý là một điều khốn nạn cho loài người.
Ngoài ra, chúng ta cũng quan sát thấy hiện tượng “pha trộn” cả hai loại sự dữ nói trên ngày càng trở nên phổ biến. Ðau khổ của con người hôm nay có một phần lớn là hậu quả của cả sự dữ vật lý và sự dữ luân lý. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong các thảm hoạ sinh thái như hạn hán, lũ lụt, hiệu ứng nhà kính, mất mùa,… có sự dính dáng của con người. Chính con người chứ không ai khác chặt phá cây, đốt rừng, thải khí công nghiệp vào không trung một cách vô tội vạ gây lủng tầng ozone,… Có lẽ con người đã can thiệp quá xa, quá thô bạo và vô trách nhiệm vào thiên nhiên khiến thiên nhiên bắt đầu quay lại chống lại con người. Cho nên người ta đang ngày càng thấm thía câu nói có vẻ nghịch lý “You kill nature, you die” (Bạn giết thiên nhiên, bạn chết). Tất nhiên, điều này cũng kéo theo bao nhiêu vấn đề về sức khoẻ, bệnh tật,… mà hàng trăm căn bệnh đang là một thể hiện cụ thể.
b. Vai trò của đau khổ
Nói chung là không ai trên đời này lại thích đau khổ. Tuy vậy, đau khổ không phải là hoàn toàn vô ích và chỉ gây ra những hậu quả tiêu cực. Thực tế cho thấy có những thái độ khác nhau khi con người đối diện với khổ đau. Có những người đã bị đè bẹp bởi đau khổ nhưng cũng có không ít người đã can đảm đè bẹp nó và vượt qua “số phận”. Khía cạnh thứ hai này sẽ được khai triển thêm ở các phần sau. Ở đây, chỉ xin được vắn gọn dùng lại khẳng định của Thánh Thomas Aquinas: Thiên Chúa tốt lành không làm ra sự dữ xét như hữu thể, nhưng khi sự dữ xảy ra, Thiên Chúa có thể làm cho điều tốt lành xuất phát từ trong sự dữ. Và đó chính là sự tốt lành của Thiên Chúa vậy. Từ đó, đau khổ không phải bởi Thiên Chúa, nhưng khi nó xuất hiện, Người có thể biến nó thành ích lợi cho ta theo cách của Người. Chẳng hạn, khi ta gặp tai nạn xe cộ, Thiên Chúa có thể lợi dụng chính biến cố sự dữ ấy mà làm cho ta biết cẩn thận hơn. Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng trong việc quả quyết đâu là ý Chúa, vì nhiều lúc đó chỉ là ý ta “đổ thừa” cho Chúa mà thôi.
c. Thuyết định mệnh
Không hiếm khi chúng ta nghe những câu đại loại như: “Thôi, không có gì xảy ra ngoài ý Chúa đâu”, “Chúa an bài mọi sự rồi”, “Ðó có thể là hình phạt Chúa dùng để cảnh tỉnh, răn đe hay để bạn đền tội ở đời này”, “Ðó có thể là thánh giá Chúa gửi đến để bạn nên giống Người hầu lập công trạng cho đời sau. …”. Ðây là các thái độ hay phản ứng thường thấy khi đau khổ. Tuy vậy, theo lập trường Kitô giáo, tất cả các câu trên đều sai lầm. Chúng ta thử phân tích một chút.
Trước hết, thái độ “Thôi, không có gì xảy ra ngoài ý Chúa đâu”. Có người vì muốn bảo vệ cho quyền năng như một “thế giá” của ông Trời mà quy tất cả mọi sự cho Trời. Họ lập luận rằng Thiên Chúa là Ðấng toàn năng và không có gì xảy ra ngoài ý Chúa cả. Quan niệm này thuộc loại quy thần theo não trạng Cựu Ước của dân Do Thái: họ tin rằng Thiên Chúa là nguyên nhân của tất cả mọi sự, cả tốt lẫn xấu. Không có sự gì xảy ra ngoài ý Thiên Chúa. Thử lấy một vài ví dụ:
“Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có
Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao”….
“Con câm miệng chẳng nói chẳng rằng,
vì chính Chúa đã làm như vậy.
Xin Ngài thôi đừng đánh con nữa,
tay Ngài giáng xuống, thân này nát tan….”(Tv 39, 10-11)
Có lẽ minh chứng rõ ràng cho quan niệm này của Cựu Ước được diễn tả trong thời hiện đại là lá thư của Jossel Raschower, một tù nhân Do Thái, cất giấu trong một cái chai trước lúc chết trong trại giam của Hitler năm 1943. Ông viết: “Nếu sau này có người tìm được lời tuyên xưng này, có lẽ họ sẽ biết tâm tình của một người Do Thái, của một trong hàng triệu người Do Thái đã chết, một người Do Thái bị Thiên Chúa bỏ rơi mặc dù họ tin tưởng mãnh liệt vào Người…Ðây là lúc Ðấng Toàn Năng quay mặt đi, không nhìn đến những kẻ kêu van Người. Thiên Chúa đã ẩn mặt khỏi thế gian… Người cứ việc đối xử lạnh nhạt với tôi như Người đã đối xử với hàng triệu người khác trong dân tộc tôi; tôi không phải là một luật trừ và tôi không mong chờ Người lưu ý đến tôi… Tôi tin vào Thiên Chúa của Israel cho dù Người đã làm hết cách đập tan đức tin của tôi…Tôi chết một cách bình an nhưng không toại nguyện; tôi chết, lòng đầy niềm tin nhưng không van lơn cầu khấn. Tôi theo Chúa cả khi Người xua đuổi tôi…”
Trong quan niệm về Thiên Chúa như thế, có một cái gì đó không ổn khi áp dụng vào đời sống hằng ngày vốn có rất nhiều nghịch lý. Người ta sẽ không thể hiểu được chuyện Thiên Chúa là Ðấng yêu thương vô bờ bến, tha thứ bất cứ tội lỗi nào của con người cùng một lúc lại sẵn sàng “trừng phạt người ta đến ba bốn đời” vì là Ðấng “công bằng” tuyệt đối. Trong trường hợp ấy, khi đối diện với nghịch lý bi đát, người ta chỉ còn biết cắn răng chịu vậy vì Chúa muốn như thế. Ở đây lại đụng đến vấn đề đau khổ, một vấn đề không ai không có kinh nghiệm nhưng lại không có giải đáp thoả đáng. Nói như thế bao hàm Thiên Chúa mâu thuẫn với chính mình vì Người vừa tốt lại vừa xấu, vừa bao dung lại vừa chấp nhất vụn vặt. Hiển nhiên, điều này trái ngược hoàn toàn với niềm tin Kitô giáo vào một Thiên Chúa tốt lành yêu thương vô cùng, nơi Người không hề có chút xấu xa nào. Truyền thống luôn khẳng định rằng: Thiên Chúa làm được mọi điều Người muốn. Thiên Chúa muốn gì? Qúa rõ, Thiên Chúa muốn điều tốt điều lành. Bản chất Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16) nên điều Người muốn cũng phải xuất phát từ tình yêu. Thế còn những điều Thiên Chúa không muốn thì sao? “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống” (Ed 33,11; 18,23), “Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết-sấm ngôn của Ðức chúa là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống”(Ed 18,32) . Thiên Chúa vốn tốt lành vô cùng loại trừ mọi tội lỗi nhưng lại khoan dung với tội nhân. Thánh Phaolô quả quyết: “Ðức Kitô đã chết cho chúng ta, ngay khi khi chúng ta còn là tội nhân; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,8). Chỗ khác, Kinh Thánh lại cho biết “Ta muốn lòng nhân chứ không cần của lễ….” (Hs 6,6).v.v… Như thế, điều Thiên Chúa không muốn là điều đi ngược lại với tình yêu của Người. Tình yêu không đem đến sự dữ và đau khổ nên sự dữ và đau khổ là điều nghịch lại ý muốn của Người. Luận chứng này loại trừ quan niệm cho rằng sự dữ và đau khổ nằm trong ý định của Thiên Chúa. Tóm lại, Thiên Chúa không muốn và không làm điều xấu và nơi Thiên Chúa không có bóng dáng của sự dữ, ngay cả chỉ trong ý định của Người.
Người ta vẫn hay nói: “đó là ý Chúa”. Nhưng ai là người biết chắc ý Chúa trong khi khả năng “suy bụng ta ra bụng Chúa” là điều hòan tòan có thể, thậm chí rất hay gặp là đàng khác? Hình như con người xưa nay vẫn thích… ‘làm Chúa”.
Thứ hai, “Thiên Chúa an bài mọi sự” là một sai lầm tai hại. Giáo lý Công Giáo không dạy rằng Thiên Chúa an bài nhưng là Thiên Chúa quan phòng. Cần phải phân biệt thật rõ hai hạn từ này. An bài có nghĩa là tiền định, mọi sự đã được “lên chương trình” và phải xảy ra đúng như vậy khi đến thời đến buổi. Người ta làm gì thì làm cũng không tránh khỏi số phận. Nói Thiên Chúa tiền định hay an bài vì có thể có nhiều trường hợp người ta không tìm được nguyên nhân hay lý do của sự việc nên chỉ còn cách gán nó vào ‘kế hoạch của ông Trời’. Tuy nhiên, điều này vi phạm hai nguyên tắc căn bản sau:
1) Tiền định là có phần xảy ra trước có phần xảy ra sau, tức là lệ thuộc vào diễn tiến thời gian trong khi Thiên Chúa không bao giờ lệ thuộc thời gian, Người vượt lên trên và làm chủ thời gian,
2) con người có tự do và Thiên Chúa tôn trọng tự do ấy tới cùng đến nỗi đã để cho con người sử dụng tự do ấy để giết chết Con Một của Người. Vì vậy, cho rằng Thiên Chúa tiền định là phá huỷ tự do của con người mà chính Ðức Giêsu đã tôn trọng, và cách nào đó là chấp nhận thập giá để bảo vệ đến cùng. Phẩm giá và vị thế con người chỉ có được khi con người có tự do để quyết định cho cuộc đời của mình. Không có tự do đích thực thì con người, vốn là “hình ảnh của Thiên Chúa”, chẳng khác gì một cái máy, thậm chí thua kém một con vật vì nó còn biết “tháo cũi sổ lồng” chứ không cắn răng chịu đựng mọi bề.
Thứ ba, “Ðó có thể là hình phạt Chúa dùng để cảnh tỉnh, răn đe hay để bạn đền tội ở đời này”. Ðây cũng là một quan điểm có tính cách quy thần của niềm tin Cựu Ước mà ta gặp thấy ở một số nền văn hoá Á Ðông: “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ” theo nghĩa tất cả mọi sự xảy ra đều do ý Chúa (ý Trời), nếu tôi gặp may mắn là do Chúa thưởng công vì tôi sống tốt, nếu tôi gặp tai hoạ là do Chúa trừng phạt vì tôi tội lỗi. Hoá ra tương quan của Thiên Chúa và con người chỉ là thưởng phạt theo công tội? Như thế thì vận mạng của con người thật bi đát, con người thua kém xa so với thú vật vì thú vật ít ra chẳng bao giờ phạm tội và chẳng lo phải bị xuống hoả ngục. Quan niệm về Thiên Chúa dựa trên công tội như thế sẽ không thể nào lý giải được con đường thập giá của mà Thiên Chúa đã chọn để thể hiện mình. Nếu Thiên Chúa cứ ‘sòng phẳng’ kiểu đó thì có lẽ Ngôi Hai chẳng xuống thế làm người, sống một cuộc đời gian khổ, chịu chết và phục sinh làm gì cho mệt, cũng như chẳng có người nào còn đáng sống trên thế gian này vì tội lỗi của mình.
Linh mục Bửu Dưỡng viết: “không bao giờ Thiên Chúa lại muốn cho ai khải đau khổ, không bao giờ Ngài làm hại ai, cần phải giữ cho khỏi lầm Ngài với hạng quỷ thần, hay là ác thần, chỉ sẵn sàng chờ dịp làm hại người ta, có khi lại trả thù cách này cách khác. Có những nhà tôn giáo muốn tôn trọng uy quyền Thượng đế, vô tình mà kể Ngài như hạng quỷ thần, bênh vực riêng những ai có cúng tế thờ lạy Ngài, và ai không làm những việc đó thì Ngài bắt đau khổ cách này hay cách khác, khiến cho có người lầm Ngài cần việc đó và Ngài cũng tư vị những kẻ nào biết dua nịnh mua chuộc Ngài….Thực ra, có những điều người ta không hiểu, không thể giải thích được, rồi đem Trời, đem Thượng đế ra mà giải thích theo ý mình có khi rất phản ngược với thánh ý của Ngài, và làm cho nhiều người không còn tin kính tôn thờ Ngài, thì những tội đó không phải là nhỏ!”
Thứ tư, “Ðó có thể là thánh giá Chúa gửi đến để bạn nên giống Người hầu lập công trạng cho đời sau. …”. Ðây là những lời có tính bình dân an ủi những ai đau khổ của một số tín hữu ‘đạo đức’. Nhưng ‘đạo đức’ kiểu này lại hết sức tai hại vì nó tạo nên một thứ “nhân đức chịu vậy”: thôi thì đó là ý Chúa muốn tôi đau khổ, dù tôi không muốn tôi cũng chỉ còn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”, biết làm sao bây giờ?!
Một lần nữa, sự nhập thể và nhập thế của Ðức Giêsu cho thấy quan niệm như vậy về Thiên Chúa là sai lầm. Cả cuộc đời của Ðức Giêsu là một cuộc đồng hành, liên lụy với con người qua mọi biến cố đời sống để giải phóng con người không những khỏi các đau khổ, đổ bể vì tội lỗi mà còn cả các đau khổ về thể lý nữa (chữa bệnh, xua trừ tà thần, bênh vực tội nhân, giảng dạy chân lý, loan truyền tin mừng tình yêu,…), nghĩa là giải phóng tòan diện con người. Chúa biết kiếp người yếu đuối, lầy lội, tệ hại như thế nào nên mới chung chia thân phận với họ để mang khổ, gánh tội thay cho họ. Thiên Chúa không thể mâu thuẫn với chính mình khi một đàng liên lụy với con người, gánh thay đau khổ cho con người, một đàng lại gửi đau khổ ngụy trang dưới hình thức đạo đức của ‘thánh giá’ đến cho họ được. Chúa chẳng cần phải gửi thêm gánh nặng cho họ làm gì nữa vì Chúa biết rõ con người mỏng manh và cần được cứu độ biết bao. Có lẽ, chúng ta cần lưu ý điều này: giá trị cứu độ trong biến cố thập giá của Chúa Giêsu không phải là đau khổ mà là tình yêu xuyên qua và chiến thắng khổ đau. Nếu muốn nói đến từ ‘thánh giá’, thiết nghĩ, thánh giá đúng nghĩa nhất là Thánh Giá của Chúa Giêsu. Một Thánh giá được biến đổi từ thập giá. Nói cách khác, trong hàng ngàn cây thập giá được dựng lên để đóng đinh tử tội, chỉ có một cây thập giá đã biến thành Thánh giá, đó là thập giá của Chúa Giêsu. Chính tình yêu Thiên Chúa liên lụy đến cùng mới biến thập giá thành Thánh giá. Thánh giá ấy là kết quả của tình yêu chứ không phải là giá trị nội tại của khổ đau, kết quả của sự dữ. Nếu muốn nói “Chúng ta được mời gọi để trở nên giống Chúa Kitô bằng cách vác thập giá của mình mỗi ngày” thì phải hiểu rằng: chúng ta được mời gọi đi vào lộ trình dấn thân theo gương Ðức Kitô để liên lụy với anh chị em mình đến mức không ngần ngại chia sẻ, gánh thay đau khổ cho họ. Trên thực tế, có một ý nghĩa khác về thánh giá có thể tạm dùng cho một vài trường hợp “Chúa gửi thánh giá để bạn trở nên trưởng thành, vững vàng hơn”. Theo tôi, ý nghĩa này hòan tòan khác biệt với ý nghĩa người ta vẫn dùng để chỉ các ‘đau khổ’ do Chúa mà người ta vẫn dùng như đã trình bày ở trên. ‘Thánh giá’ này tượng trưng cho những thách đố có tính cách thanh luyện, giúp con người lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Chúng có thể gây khó chịu, thậm chí có thể cho phép gây ra một chút ‘đau đớn’ vì thanh luyện thường đòi hỏi cắt tỉa, từ bỏ, hy sinh,… nhưng nhất định chúng không gây nguy hại cho con người. Tuy nhiên, phải hết sức cẩn thận cầu nguyện, cân nhắc trước khi áp dụng ý nghĩa này vì các biến cố thường không đơn giản như ta thấy. Tốt nhất, không nên quy gán ý nghĩa thánh giá cho các sự kiện tiêu cực.
Tóm lại, lý luận rằng Thiên Chúa gửi đau khổ đến cho con người để trở nên giống Chúa Giêsu hầu có công trạng đời sau là một lập luận không đứng vững, thậm chí có thể dẫn đến những hiểu lầm tai hại về Thiên Chúa.
d. Duyên số
Hằng ngày, nhất là khi đời sống đổ bể, “cơm không lành, canh không ngọt”, có người vẫn than thân trách phận: “Trời ơi, tại sao tôi lại gặp phải thằng chồng, (con vợ) thế này? Ông Trời phạt tôi vì tội gì đây? Số tôi đúng là số con rệp…” Tất nhiên, cuộc đời không bao giờ đơn giản như lý luận nhưng cũng xin được vắn gọn trình bày suy tư của mình ở đây.
Theo tôi, khi người ta gặp nhau trong một hoàn cảnh thuận lợi, thích hợp nào đó thì tương quan của họ được thiết lập. Các yếu tố đưa đẩy người ta đến gặp gỡ ấy có thể có nhiều: các yếu tố thuộc định luật tự nhiên, các quy luật xã hội cũng như các lựa chọn tự do của cá nhân. Hoàn cảnh gặp gỡ có tính cách lịch sử, nghĩa là cá biệt và cụ thể cho từng trường hợp riêng rẽ. Khi cuộc đời không được xuôi xắn như mong đợi hay nặng nề vượt quá sức chịu đựng hoặc các yếu tố đan xen quá phức tạp thì chẳng mấy ai đủ kiên nhẫn để ngồi đó mà tìm cho ra nguyên nhân thật của trục trặc. Và, thường thì người ta vẫn có khuynh hướng nại vào số phận và “đổ lỗi” cho ông Trời đã sắp đặt trước mọi sự. Có chạy cũng chẳng thoát. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể sai lầm vì không ai biết được chính xác ý Ông Trời thế nào cả vì có ai là Ông Trời đâu. Tất cả chỉ là suy đoán hạn hẹp của con người. Ðối với tôi, trục trặc hau đau khổ trong các mối tương quan không phải do tự bản chất của mối tương quan mà do việc người ta ứng xử với nhau như thế nào. Mỗi người là một chủ thể tự do và sẽ sử dụng tự do của mình để lựa chọn cách hành xử đối với người khác. Tất nhiên, kết quả của mối tương quan sẽ tốt hay xấu, vui hay buồn, hạnh phúc hay bất hạnh, thiên đàng hay hoả ngục,… tuỳ thuộc vào cách đối xử với nhau. Bà chị họ tôi là người có nhan sắc, kén ơi là kén, chọn mãi mới được một người mà chị cho là number one. Sống với chồng được vài năm, chị bắt đầu than thân trách phận. Rõ ràng trước đây chị đã thấy mối tương quan của chị với người yêu là tốt đẹp để có thể chọn nó. Bây giờ, khi cuộc sống chung trở nên nặng nề khó thở, quả là không hợp lý lắm khi chị đổ mọi sự lên đầu Ông Trời thì, rằng Trời đã tạo ra “số phận nghiệt ngã” của chị để bay giờ chị phải khổ cực.
Theo tôi, nếu mà có cái gọi là “số” thì có lẽ cái “số Ông Trời” là bi đát nhất vì Ông là người chịu nhiều oan uổng nhất.
Kết luận: các quan niệm về định mệnh, an bài cần phải bị loại bỏ.
*****
Chương 2B – THIÊN CHÚA ĐÓNG VAI TRÒ GÌ TRONG ĐAU KHỔ
2. VAI TRÒ CỦA THIÊN CHÚA
2.1. Tại sao Thiên Chúa không luôn luôn can thiệp ?
2.1.1 Thiên Chúa tôn trọng định luật tự nhiên
Thiên Chúa đã sáng tạo định luật tự nhiên để vũ trụ nhờ đó mà được vận hành có trật tự. Thiên Chúa đã thiết lập chúng thì Người cũng tôn trọng chúng, nghĩa là Thiên Chúa không thể lúc nào cũng cho mình nhúng tay can thiệp vào sự diễn tiến của thiên nhiên, dù là thiên tai, khổ ải. Bởi vậy Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của đau khổ tai ương vì Người không trực tiếp gây ra chúng. Có thể sẽ có ý kiến rằng: vậy thì Thiên Chúa là nguyên nhân gián tiếp của đau khổ vì đã tạo ra các định luật tự nhiên. Nói như thế thì cũng giống như lên án các phát minh của con người: giá mà không có điện thì con tôi đâu có bị giật, nếu không có máy vi tính thì con tôi chẳng bị thi rớt vì ham chơi computer game. Hãy nghĩ tới lợi ích lớn lao của điện và máy vi tính.
Thiên Chúa tôn trọng định luật tự nhiên để con người phát huy quyền và vị thế làm chủ của mình. Nếu lúc nào Thiên Chúa cũng can thiệp vào làm thay đổi các quy luật tự nhiên một cách bừa bãi thì con người hoặc sẽ không biết phải hoạch định công việc thế nào hoặc sẽ bỏ mặc buông xuôi cho cuộc đời muốn ra sao thì ra, ỷ lại cho Thiên Chúa mọi sự. Nói cách khác, con người sẽ mất hết tự do để lựa chọn và quyết định cho vận mạng của mình.
Như đã trình bày, định luật tự nhiên là thực tại gồm có hai mặt nên tôn trọng định luật tự nhiên một cách nghiêm túc là chấp nhận mọi diễn biến, cả có lợi lẫn bất lợi của chúng. Nếu lửa có công dụng sưởi ấm, nấu chín thức ăn, rèn đúc công cụ,… thì nó cũng có thể gây cháy nhà cháy cửa; nếu nước là thứ không thể thiếu đối với sinh vật và cho con người có thể giải khát tắm giặt, tẩy rửa,… thì nó cũng là nguyên nhân của mục nát, lũ lụt,…; nếu sấm sét tạo ra khí Nitrogen giúp cây cối xanh tươi thì nó cũng có thể đánh gẫy cây, làm cháy nhà,… có thể sẽ có người lý luận rằng: ‘nếu Thiên Chúa toàn năng và tôn trọng định luật tự nhiên thì ít ra Người cũng ra tay bảo vệ những ai lương thiện chứ, việc ấy đâu có khó khăn gì với Chúa đâu.’ Ðúng là Thiên Chúa có thể làm được mọi sự và thay đổi các định luật tự nhiên bất cứ lúc nào Người muốn. Ðã có nhiều phép lạ xảy ra minh chứng có lúc Thiên Chúa đã ra tay can thiệp vào các định luật thiên nhiên. Tuy nhiên, chúng ta thử lấy một vài ví dụ thực tế để thấy vấn đề không đơn giản chút nào. Giả sử tôi là một con chiên ngoan đạo, trung tín trong việc giữ luật yêu thương đối với Chúa và tha nhân, và nhờ vậy, Thiên Chúa bảo vệ tôi tuyệt đối. Mùa đông trời lạnh tôi cứ nhong nhong cởi trần mà không bị bệnh, tôi đi qua đường khi thiên hạ ào ào phóng xe mà không bị đụng, tôi tỉnh bơ đi giữa chiến trường mà không bị trúng đạn, chờ thang máy lâu quá, tôi nhảy đại từ lầu mười xuống mà không hề hấn gì,… Còn những kẻ tội lỗi thì Chúa mặc xác tụi nó cho xe tông, cho bệnh tật, cho đạn bom,… Nếu thế giới này có những “con ông cháu cha” được hưởng đặc quyền đặc lợi như thế, liệu rằng chúng ta còn muốn tôn thờ một Thiên Chúa thiên vị tư riêng như vậy không? Nếu thế giới này tồn tại hai đẳng cấp quá khác biệt như vậy thì tình hình sẽ tốt hơn hay tồi tệ hơn?
Ðịnh luật tự nhiên có tính chất trung lập hay tình cờ. Nó không phân biệt người tốt với kẻ xấu, người lương thiện với kẻ bất chính. Tất cả đều chịu chi phối như nhau. ‘Tình cờ là điều kiện tiên quyết để có được tự do đích thực và mức độ trưởng thành con người, và rằng bởi tự do là thiết yếu để con người có được một đời sống phong phú đầy đủ trong Chúa, là đời sống dành cho tất cả chúng ta, nên không thể nào tránh cho khỏi các biến cố bất trắc được…. Cái nhìn của chúng ta về vũ trụ cho phép chúng ta ghi nhận cùng một lúc hai sự kiện sau đây: một đàng Thiên Chúa đặt định mục tiêu và luật điều hoà cho vũ trụ vĩ mô, nhưng đàng khác trong thế giới vi mô (ở mức độ những thực kiện riêng rẽ, ADN) lại thấy có những hiện tượng bất tất định… Nếu không ngại nhấn mạnh đến một điều đã quá rõ ràng, thì chúng ta có thể lặp lại rằng vấn đề sự dữ hầu như không thể giải quyết được trong một thế giới tất định, vì lúc đó Thiên Chúa sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về từng biến cố riêng rẽ…’ Lm Bửu Dưỡng cũng phân biệt hai hạn từ ‘muốn chung’ và ‘muốn riêng’ của Thiên Chúa. ‘Muốn chung’ tức là các định luật phổ quát, ví dụ như lửa thì cháy, nước thì ướt; ‘Muốn riêng’ như muốn cho cái gì bị cháy, cái gì bị ướt. Người ta không thể biết được ý muốn riêng từng việc, từng người, từng cơ hội, từng trường hợp như thế. Cho nên, khi thấy một ngôi nhà bị cháy, không thể nói đó là Chúa muốn nó cháy vì một lý do suy diễn như để phạt chủ nhà hay bất cứ một lý do nào khác vì lửa đụng vào vật gì thì làm cháy vật ấy, đó là định luật chung. Vẫn biết rằng Thiên Chúa có quyền làm tất cả, kể cả việc phạt người ta nhưng tại sao Chúa không thể tách riêng người có tội ra để phạt mà phạt oan cả những người khác trong đán cháy ấy. Nói gì thì nói, không ai có thể khẳng định một trường hợp đau khổ nào là do ý Chúa vì không ai là Chúa cả.
Chính Chúa Giêsu cũng thể hiện sự tôn trọng của Người đối với các định luật tự nhiên. Trước khi bước vào cuộc đời công khai rao giảng, trong sa mạc, Satan đã cám dỗ Chúa Giêsu dùng quyền năng của Thiên Chúa để phá vỡ các quy luật tự nhiên. Sau 40 ngày đêm Chúa Giêsu ăn chay ròng rã, quỷ lợi dụng cơn đói mà thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi !” Chúa Giêsu không những không rơi vào cơn cám dỗ để biến đá thánh bánh mà còn đưa ra một ‘định luật tự nhiên’ khác: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra”. Quỷ liền bày ra cơn cám dỗ thứ hai. Nó mang Chúa Giêsu lên nóc đền thờ và dùng chính Kinh Thánh để cám dỗ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vập chân vào đá.” Ở đời, người ta vẫn hay thử thách quyền năng Thiên Chúa bằng cách đòi Người phải thực hiện những chuyện ngoạn mục thì họ mới tin: Nếu Chúa là Thiên Chúa thì hãy ban cho con trúng số; hãy ban cho con thi đậu; hãy ban cho con thành công hơn thằng cha ấy; …. Thậm chí, xin Chúa hãy phạt cho nó trắng mắt ra nếu Ngài là Thiên Chúa công bằng. Ðây là não trạng vẫn gặp đâu đó trong Cựu Ước: (Tv). Ngay cả các tông đồ cũng còn não trạng ấy mặc dầu đã ở với Chúa Giêsu một thời gian dài: “Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” (Lc 9, 54). Ðức Giêsu đã dùng chính Kinh Thánh để dẹp tan thái độ này và cho thấy một quy luật khác cao hơn: “Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Thiên Chúa không cần phải làm theo yêu cầu của bất cứ ai để trở thành Thiên Chúa.
Sau đó, quỷ biết con người vẫn là những kẻ hay chạy theo quyền lực mà thờ ngẫu tượng nên tung ra cám dỗ thứ ba. Nó chỉ cho Ðức Giêsu trong thân phận con người tất cả những vinh hoa lợi lộc của các nước thế gian và nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ ấy, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi.” Chúa Giêsu đã nổi giận quát nó “Satan, hãy xéo đi !” vì có một định luật tối thượng là: “Ngươi phải tôn thờ Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và chỉ thờ phượng một mình Người mà thôi.”. Ngoài Thiên Chúa, không ai xứng đáng được thờ lạy.
Chỗ khác, Chúa Giêsu cho biết Thiên Chúa “Ðấng ngự trên trời cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5: 45). Thiên Chúa tôn trọng trật tự Người đã thiết lập trong thiên nhiên khi để mặt trời chiếu sáng trên tất cả mọi người và tôn trọng tự do đã trao ban cho con người khi để cho họ tuỳ ý lựa chọn sống công chính hay là bất chính. Một dụ ngôn khác mạc khải sự tôn trọng của Thiên Chúa là dụ ngôn cỏ lùng. Các đầy tớ trong dụ ngôn đại diện cho con người: “Ông có muốn chúng tôi đi gom cỏ lùng lại không?”. Ông chủ lại đáp: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” Như thế, Thiên Chúa chấp nhận sự khác biệt của thiên nhiên, thậm chí có khi trở thành đối kháng trong mắt con người. Xét về mặt hữu thể, lúa và cỏ lùng hoàn toàn bình đẳng trong thiên nhiên. Chúng là hai loài thực vật hoàn toàn tốt đẹp. Lúa được coi là hơn cỏ lùng khi cả hai được đặt vào mối quan hệ với lợi ích của con người. Trong vai trò ‘đặt tên’ cho muôn loài, con người đã “chiếu ánh sáng hữu thể của mình vào các sự vật” (Heidegger), từ đó đưa ra tiêu chuẩn và ‘định giá’ chúng. Như thế, trong thực tế có những trường hợp rất bình thường trong thiên nhiên đã bị xem là sự dữ, là đau khổ không phải vì giá trị tự thân của sự vật nhưng vì mâu thuẫn với lợi ích của con người.
Một vấn đề khác có thể được đưa ra là: nếu thụ tạo còn bất toàn sau khi được Thiên Chúa tạo dựng (lần thứ nhất) và nó có khi làm cho Thiên Chúa phải liên lụy đủ thứ thì tại sao Thiên Chúa lại không “xoá sổ” quách thế giới này đi rồi tạo dựng lại một thế giới mới hoàn hảo hơn, dễ thương hơn? Hỏi cách khác, sao Thiên Chúa không hư vô hoá thế giới này vì nó còn khiếm khuyết?
Chúng ta dùng lập trường của Thánh Thomas Aquinas để giải quyết vấn nạn này. Có hai kết luận sau được rút ra: thứ nhất: Thiên Chúa có thể hư vô hoá mọi vật. Thứ hai: Nhưng Thiên Chúa không hề hư vô hoá vật nào cả. Ðối với kết luận thứ nhất, về mặt Thánh Kinh, sách Khôn Ngoan ghi: Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? (Kn 11,26). Như thế, vật thụ tạo được duy trì là tuỳ ý chí tự do của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa tự do duy trì thì Người cũng có thể tự do hư vô hoá. Về mặt thần học, bảo tồn là tiếp tục việc tạo thành, nên Thiên Chúa đã tạo thành với tư cách nào thì Người cũng bảo tồn với tư cách ấy. Mà Người đã tạo thành cách hoàn toàn tự do nên cũng bảo tồn cách tự do. Vì thế, như Người đã có thể không tạo thành thì Người cũng có thể không bảo tồn, nghĩa là có thể hư vô hoá. Ðối với kết luận thứ hai, ta xét trên hai khía cạnh: trật tự tự nhiên và phép lạ. Theo khía cạnh thứ nhất, ta thấy có những vật thiêng liêng nên không có lý do nội tại để bị huỷ diệt (vì có tự do lựa chọn); còn các vật hữu hình, thì tồn tại mãi, ít là như chất thể đệ nhất. Vì thế, nếu Thiên Chúa hoạt động phù hợp với bản tính của vạn vật, thì không nên hư vô hoá vật gì cả. Còn theo khía cạnh thứ hai, mục đích của phép lạ là giãi bày ân sủng và lòng nhân lành của Thiên Chúa. Vậy bảo tồn vạn vật thì dễ dàng đạt mục đích ấy hơn là hư vô hoá chúng: hư vô hoá là đình chỉ hoạt động của Thiên Chúa. Cho nên, theo phép lạ cũng không nên hư vô hoá chi cả. Tóm lại, Thiên Chúa không hư vô hoá vật nào.
Như thế, có thể kết luận rằng: Thiên Chúa không muốn làm xáo trộn luật thiên nhiên, bẻ quặt lịch sử, nhưng mời gọi con người với tư cách chủ thể cùng hoàn thành nó. Chính thập giá là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa chấp nhận định luật cuộc đời.
* Phép lạ
Tuy Thiên Chúa tôn trọng định luật tự nhiên nhưng lịch sử cho thấy có lúc Người đã can thiệp và thậm chí thay đổi chúng khi Người muốn. Như thế là Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự như Người muốn. Vấn đề là Thiên Chúa có muốn làm điều ấy hay không hay thôi. Chúng ta cùng lược qua một chút về phép lạ.
Ðiều cần khẳng định ngay từ đầu về mục đích Thiên Chúa can thiệp vào tiến trình vận hành của định luật tự nhiên ban phép lạ là để cứu độ nhân loại. Mục đích của phép lạ là giãi bày ân sủng và lòng nhân lành của Thiên Chúa. Cựu Ước đã có nhiều chỗ tường thuật lại những phép lạ vĩ đại Chúa làm để cứu giúp dân riêng: nước Biển Ðỏ rẽ ra làm đôi để dân do Thái đi qua, mưa rơi xuống tưới gội mùa màng theo lời cầu nguyện của Êlia (V), nước sông Jordan ngừng chảy khi Hòm Bia Giao Ước đi qua (Gs 4, 10-18),… Trong Tân Ước, Chúa Giêsu cũng làm nhiều phép lạ để tỏ mình ra cũng như để chăm sóc, chữa lành những con người sầu khổ: nước hoá thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana, bánh hoá ra nhiều cho hàng ngàn người ăn (Mt 14, 13-21; 15, 32-39), kẻ điếc được nghe người què được thấy, người bị tà thần ám được giải thoát, kẻ chết được phục sinh,… Rất nhiều những phép lạ như thế làm dấu chỉ cho quyền năng và tình thương đồng hành của Thiên Chúa, Ðấng Emmanuel, tức là Thiên Chúa ở cùng nhân loại.
Ngày nay, các phép lạ kiểu trái luật tự nhiên tỏ tường chỉ thỉnh thoảng xảy ra đó đây, nhất là trong lĩnh vực y khoa, nhưng không còn phổ biến như xưa nữa vì “phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Ðôi mắt để nhận ra phép lạ bây giờ không còn nhất thiết là đôi mắt xác thịt nhưng đúng hơn là đôi mắt đức tin. Chính đức tin sẽ chỉ cho thấy đâu là phép lạ.
Khi khoa học càng ngày càng phát triển, người ta bắt đầu nhìn phép lạ qua chính sự ổn định và hài hoà của định luật tự nhiên. Nhiều khoa học gia đã ngạc nhiên thốt lên ca ngợi Thiên Chúa thượng trí đã tài tình sắp đặt vạn vật cách tuyệt vời. Xuân về hoa nở, hạ đến nắng ấm, thu lại trời thanh, đông tới khí lạnh. Cứ như thế đều đặn, nhịp nhàng. Mầm sống vươn lên khi hạt giống được vãi gieo, có bình minh lên có hoàng hôn xuống, ngày hết đêm về, trên bầu trời tinh tú lấp lánh vần xoay theo từng quỹ đạo,… Tất cả cứ thế mà hoà điệu trong bản đồng ca vũ trụ. Thân xác bình thường của ta đây là cả một phép lạ vĩ đại, không phải vì nó trái luật tự nhiên mà vì nó đã tuân theo luật tự nhiên một cách tuyệt vời. Tay rụt lại khi gặp vật nóng, mồ hôi chảy khi trời đổ nóng, mắt nheo lại khi gặp ánh sáng quá mạnh, tay lái xe lập tức đổi hướng khi thấy nguy hiểm trên đường, tim tăng nhịp đập khi cơ thể cần phản ứng nhanh, người mệt mỏi khi cần nghỉ ngơi, tế bào bạch cầu lập tức xung trận khi có virus lạ tấn công cơ thể,… Tất cả mọi bộ phận, dù nhỏ bé đến đâu, đều làm theo quy luật để hoàn chỉnh toàn bộ con người.
Như thế, không chỉ những biến cố to lớn như cuộc vượt Biển Ðỏ là phép lạ nhưng còn có những sự kiện đầy tính phi thường trong những nét rất bình thường của cuộc sống vẫn là những phép lạ tỏ tường về Thiên Chúa vậy.
2.1.2 Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người
Con người được sáng tạo vì chính con người. Con người không là phương tiện cho bất cứ một ai hay điều gì. Thiên Chúa không sử dụng con người như một phương tiện, dù là cho mục đích cao cả nhất. (Công đồng Vaticanô II). Phẩm giá con người là tuyệt đối. Ðiều gì làm nên phẩm giá ấy? Ðó là tự do. Chỉ có tự do mới làm cho con người là nhân vị độc đáo và duy nhất.
Trong dòng lịch sử, đã có không ít triết gia và các nhà tư tưởng cố gắng suy tư và đưa ra các lý giải về tự do. Vì tự đây là lãnh vực rất sâu và rộng nên chúng ta dành nhiều suy tư và thời gian cho nó.
* Mở rộng vấn đề
Chúng ta thử xem xét một vài lập trường trước khi đi vào quan điểm của Kitô giáo về vấn đề này.
a. Một vài quan điểm về tự do
i. Karl Jaspers cho rằng ý niệm tự do hàm ngụ ý niệm thiết yếu. Tự do trước hết bị giới hạn bởi Dasein, thân thể. Như bị kẹt vào tù ngục thể chất, người ta không làm được như ý mình muốn. Sự yếu hèn, mong manh của hình hài luôn luôn đem tự do về với thực tại…. Trong lãnh vực trí tuệ và tâm linh cũng vậy, tự do luôn luôn phải cố gắng chiến thắng sự ngu dốt của con người, đương đầu với những đòi hỏi của lý tính, lẽ phải, lương tri. Tóm lại, ở đâu có tự do là ở đấy có thiết yếu vật chất hay tinh thần. Thêm nữa, người ta phải sống trong thời gian với cả ba chiều kích quá khứ, hiện tại và tương lai. Ðó chính là nghịch lý của tự do.
Tự do không là lựa chọn mà cũng là lựa chọn. Không là lựa chọn vì thực chất của tự do là đạt tới chân lý; người tự do là người có can đảm hướng về chân lý, quyết định đáp lại chân lý và hiến thân phục vụ chân lý. Là lựa chọn vì trong cái quyết định ấy đã hàm ngụ một lựa chọn, một dấn thân nào đó. Như thế, sống trong một thế nghịch lý ấy, tự do tự khẳng định bằng lựa chọn. Lựa chọn giữa tiếng nói của lương tâm hay buông xả theo khuynh hướng của dục vọng, lựa chọn chấp nhận một cuộc sống đơn nghèo hay lao vào bất chấp thủ đoạn để làm giàu, lựa chọn bước qua thập giá hay sẵn sàng chịu chết cho niềm tin,… Tự do này lý trí không hiểu được, và đó chính là siêu việt tính của nó.
ii. Theo Jean Paul Sartre , chúng ta bị kết án để tự do. Tự do là một án lệnh, con người sinh ra là đã rơi vào đó. Con người có thể chọn cái này, bỏ cái kia nhưng con người không thể không chọn. Lựa chọn là một “định mệnh”, tự do là một nhà tù. Nói cách khác đó là một thứ tự do “bắt buộc” phải tự do. Ðành rằng con người hoàn toàn tự do định đoạt số mệnh của mình nhưng không thể tự do đối với việc phải lựa chọn. Ngoài ra, Sartre cho rằng không có cứu cánh nào của tự do, nếu có thì đó là chính tự do. Tự do của Sartre là một thứ tự do không mục đích, hay mục đích của nó là chính nó. Tự do ấy chẳng dẫn con người tới con đường giải thoát nào cả vì nó chỉ dành cho cuộc hiện sinh này mà thôi, một cuộc hiện sinh không có mục đích hay cứu cánh. Chính vì thế nên nó phi lý và đáng “buồn nôn” .
Thêm nữa, tự do của tôi không phải là tự do của kẻ khác tạo ra, nhưng tự do của kẻ khác là một lý do, một hoàn cảnh để tôi chứng tỏ tự do của mình. Do đó, phủ nhận ý kiến và cách sống của kẻ khác làm cho tôi biết chọn lựa và khẳng định tự do của mình. Tự do chính thức và cao độ là tự do chống lại một tự do khác. Ðối với vấn đề Thượng đế, Sartre không chần chừ tìm cách ‘chứng minh’ lập trường vô thần của mình. Ông chỉ việc nhân danh một quan điểmvề con người để phủ nhận Thượng đế, và coi đó là đủ. Nếu có Thượng đế thì Thượng đế là một kẻ độc tài, sáng tạo ra thế giới hoàn toàn lệ thuộc vào Người, thiếu hẳn sự tự do, tức là mọi sự nằm gọn trong tay Thượng đế cho Người xoay xở. Như thế, Thượng đế đương nhiên tiêu diệt tự do của con người. Ðó chính là lý do khiến con người phải phủ nhận ngay cả cái tư tưởng có Thượng đế hiện hữu vì chẳng qua Người chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hoang đường. Tắt một lời, đối với Sartre: “Nếu Thượng đế hiện hữu, thì con người chỉ là hư vô.”
iii. La Fonntaine diễn tả hai thái độ gắn với hai lựa chọn căn bản đối với tự do trong câu chuyện ngụ ngôn “Chó sói và Chó nhà” (Le Loup et le Chien): Sói nhìn thấy sự mập mạp của Chó mà thèm thuồng ao ước cho đến khi nhận thấy sợi dây xích nơi cổ Chó liền thắc mắc và được giải đáp:
“Vòng buộc tôi đã để vết hằn
khiến anh lưu ý đấy chăng?
… Thế nhưng cái ấy, ối dào,cần chi!”
Nhưng Sói thì nghĩ khác:
“Cần lắm chứ! Còn gì hơn nữa?
Còn cần hơn cả bữa cao lương!
Tự do ta quý hơn vàng
Chẳng thèm đổi lấy bữa sang nhà người !”
iiii. Quan niệm Ấn Ðộ: dung hoà tự do và định mệnh. Con người hoàn toàn tự do và đồng thời cũng hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành động và hậu quả của mình. Nhưng hành động sẽ ấn định kiếp sống sau đó qua nghiệp báo. Một khi đã rơi vào cái kiếp do nghiệp báo ấn định, người ta không thể còn tự do để thay đổi nữa. Nếu nghiệp báo bắt tôi phải làm chó mèo thì tôi chỉ có một cách là làm chó mèo chứ không thể khác được. Như thế, con người chỉ thực sự tự do trong lựa chọn và hành động của mình chứ không tự do đối với sự ấn định của nghiệp báo. Tuy nhiên, người ta có thể cố gắng sống chân thiện mỹ để tự giải thoát mình khỏi vòng luẩn quẩn của nghiệp báo. Tôi có thể ngoan ngoãn là chó mèo để mong kiếp sau làm người, rồi cứ thế cố gắng tiến tới để đạt đến giải thoát. Như thế, trong quan niệm luân hồi nghiệp báo của Ấn Ðộ, vẫn mãi còn một tia hy vọng giải thoát. Giải thoát khỏi vòng sanh tử hiện hiến để đạt tới trạng thái hiện sinh trong sự đồng nhất với Ðại ngã trở thành lý tưởng cao đẹp nhất. Có thể nói đây là một lý do cho người ta nỗ lực sống tốt hơn mỗi ngày, một yếu tố xây dựng và thăng tiến xã hội con người.
b. Quan điểm tự do Kitô giáo
Cơ bản có hai loại tự do sau: tự do khỏi và tự do để. “Tự do khỏi” là thứ tự do hiện thực, là được giải phóng khỏi những ràng buộc, giới hạn, áp bức và áp lực. Tuy nhiên, “tự do khỏi” chẳng bao giờ là tuyệt đối. Có lẽ quan điểm về tự do của các triết gia được khai thác theo hướng này. Còn “tự do để” đề cao các khía cạnh tích cực, nhất là sự dấn thân và hiến dâng. Ðây là loại tự do mà Kitô giáo hướng đến và coi là tự do đích thực.
Nơi Ðức Giêsu ta thấy một điển hình cho loại tự do thứ hai này. Người hoàn toàn không bị lệ thuộc vào tiền tài, danh vọng, vũ lực hay thế lực, thậm chí đối với ngay cả ngôi Thiên Chúa của Người. Minh chứng căn bản cho điều này được Thánh Phaolô khẳng định: “Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. (Pl 2,6-7). William Reiser cũng đưa ra một hình ảnh rất đẹp về việc hiến thân cho công cuộc cứu độ nhân loại: khi thấy tình trạng thê thảm và tuyệt vọng của loài người, nhất là khi thấy nỗi lòng của Cha đối với con người, thì Ngôi Hai tình nguyện xin Cha xuống thế cứu họ bằng cách trở nên như họ và sẵn sàng chịu liên luỵ với họ và vì họ, kể cả việc phải đối diện với hiểm nguy trong sứ mạng. Một hình ảnh khá độc đáo trong bộ phim The Passion of the Christ mới đây của đạo diễn Công Giáo Mel Gibson diễn tả việc hiến thân này qua giọt nước mắt của Chúa Cha từ trời rơi xuống nơi Con đang bị hành hình. Cha cùng Con bước vào cuộc khổ nạn thập giá để biểu lộ tình yêu. Như thế, Thiên Chúa đã tự do trọn vẹn hiến thân cho con người, chấp nhận đi vào giới hạn, ràng buộc, áp lực, áp bức để giải phóng con người bằng tình yêu. Tự do này khác hẳn với loại “tự do khỏi” nêu trên mà không ít người vẫn miệt mài tìm kiếm, có khi càng tìm kiếm càng vô vọng. Tự do này đối lập với thứ tự do của Sartre vì nó dựa trên căn bản sự tôn trọng tự do của người khác. Thiên Chúa đã tôn trọng con người đến độ để cho con người đóng đinh Con yêu dấu của mình vào thập giá mà giết đi.
Tóm lại, tự do đích thực là tự do để yêu cho đến cùng. Tự do ấy chấp nhận đi vào giới hạn; và ‘giới hạn’ duy nhất của nó là yêu không giới hạn.
c. Tự do của con người
Dù có rất nhiều lập trường khác nhau về tự do của con người, có lẽ bản chất của tự do xét cho đến cùng vẫn phải là sự hoàn toàn tuỳ ý lựa chọn, là quyền làm tất cả những gì mình muốn (dĩ nhiên, khi lựa chọn sai lầm thì thường đưa đến hậu quả tiêu cực. Ðây cũng là một thứ quy luật vậy).
Dù rằng ý Thiên Chúa luôn là chân lý và là lối đi, là chìa khoá của hạnh phúc (Gr 7,23), dù con người chỉ có thể trở nên hoàn thiện khi biết làm theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không bao giờ ép buộc con người lựa chọn theo kiểu độc tài quân phiệt: ý của Ta là nhất, mày không được chọn khác. ‘Ðể chúng ta được tự do, để chúng ta được quyền sống đúng ý nghĩa là một con người, Thiên Chúa phải tôn trọng sự tự do của chúng ta, không cần biết nó đúng hay sai, tốt hay xấu.’
Tuy nhiên, Thiên Chúa không phải là một Thượng đế vô cảm theo kiểu Hy Lạp, ông không phải là thợ chế tạo đồng hồ làm ra đồng hồ rồi để mặc nó tự chạy sao thì chạy. Thiên Chúa biết con người nên không bao giờ bỏ mặc con người một mình phiêu lưu trong việc sử dụng tự do của mình. Người vẫn luôn dõi theo từng bước của con người như lời tác giả Thánh vịnh xác tín “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì con vẫn còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10) để hướng dẫn, mời gọi con người. Chẳng hạn, Thiên Chúa có thể dạy bảo chúng ta biết những gì là xấu xa, tội lỗi, có hại cho cuộc sống chúng ta, Người soi sáng gợi ý cho ta biết chúng ta sẽ mất bình an khi phạm tội, … nhưng sự tác động của Người không bao giờ làm mất tự do của ta. Con người có thể sống hết sức tự do cuộc sống làm người của mình, dù vẫn xác quyết Thiên Chúa hiện hữu và hiện diện trong thế giới, một sự hiện diện tuy rất thực, nhưng cũng rất kín đáo và tôn trọng tối đa quyền tự do của con người.
Người ta hay có khuynh hướng nhân hình hoá (anthropomorphize) Thiên Chúa, chẳng hạn ví Thiên Chúa giống như cha mẹ trần gian trong cách cư xử với con cái loài người; nhưng điều này dễ dẫn đến những sai lầm trong cách hiểu về Thiên Chúa. Cha mẹ trần gian thì hay can thiệp, ngăn cản, thậm chí cấm đoán con cái không được làm chuyện này chuyện nọ khi họ thấy không ổn. Nhưng Thiên Chúa thì khác, bởi vì đã trao ban tự do cho con người, Thiên Chúa phải tuyệt đối tôn trọng những lựa chọn của họ, dù đúng hay sai, tốt hay xấu. Trường hợp của Adam và Eva là một ví dụ.
Sự dữ và đau khổ xảy ra khi người ta lạm dụng tự do của mình để làm những điều sai quấy. Nhưng vì sao có những chuyện không phải là lỗi tại tôi mà tôi vẫn phải gánh chịu? Vì tất cả mọi người đều liên đới với nhau cách này cách khác. Tôi chẳng bao giờ đốt phá rừng nhưng vẫn chịu ảnh hưởng do việc phá rừng của người khác, chị tôi chạy xe cẩn thận ôm sát lề đường nhưng vẫn bị gã say rượu đâm vào, những đứa trẻ Việt Nam vô tội chẳng bao giờ gây ra chiến tranh nhưng vẫn phải gánh chịu hậu quả của chất độc màu da cam,… Con người tự gây đau khổ cho mình và cho anh chị em đồng loại. Họ đã lạm dụng hai chữ ‘tự do’ cao quý để hành hạ, lừa lọc, gây hận thù, chia rẽ, ức hiếp, bóc lột, hãm hại nhau. Thiên Chúa trên cao chỉ có thể nhìn xuống xót thương và đau buồn khi “gà cùng một mẹ” đá nhau túi bụi. Tệ hại hơn, người ta có khi còn lôi cả Chúa vào phe mình để chống lại nhau. Não trạng hẹp hòi “Chúa của tao, của dân tộc tao” vẫn còn nhiều ngay cả với một số Kitô hữu. Ðây là khuynh hướng có thể nói là phổ biến khi người ta chia rẽ và muốn thống trị nhau. Nó cũng là quan niệm mang đậm tính cách của vùng Trung Ðông, nơi các dân tộc nhận cho mình một vị thần nào đó để chiến đấu bảo vệ họ. Từ việc được bảo vệ, những dân tộc này không tránh khỏi cơn cám dỗ muốn thống trị các dân khác:
“Chúa là đồng minh, là đồn lũy che chở, là thành trì bảo vệ, chính Người giải thoát tôi,
Chúa là khiên mộc cho tôi ẩn núp, Người bắt chư dân quy phục quyền tôi” (Tv 144,2),
“Nhờ danh Chúa, tôi đã trừ diệt chúng”(Tv 118)…
Ðối với dân Do Thái, Thiên Chúa là Thiên Chúa của họ nên khi thấy người Ai Cập gặp tai ương, họ liền thấy đó là những việc Thiên Chúa làm vì họ, và họ vang lời ca tụng:
“Người sát hại các con đầu lòng Ai Cập .
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương…”(Tv 136)
Người ta vẫn còn nhớ, trong đệ nhị thứ chiến, quân Ðức xin các tuyên uý chúc lành máy bay của họ; bên kia, quân Pháp xin các tuyên uý làm phép các khẩu pháo để bắn cho chính xác. Không biết Chúa xử trí thế nào? Ngày nay, chúng ta vẫn còn nghe những câu như: Chúa sẽ triệt hạ bọn vô thần và bảo vệ chúng ta; Ðức Mẹ tiêu diệt kẻ thù Giáo hội, … mà quên rằng chiến thắng của bên này đồng nghĩa với thất bại của bên kia, sung sướng của mình là đau khổ của người khác. Liệu rằng Cha trên trời có để cho Người dính dáng vào những chuyện phe cánh, triệt hạ lẫn nhau giữa con cái mình như thế không? Rõ ràng não trạng này không thể phù hợp với tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu: Tất cả mọi người đều là con Cha trên trời, “Ðấng cho mưa xuống trên cả người lành lẫn kẻ dữ, trên người công chính lẫn kẻ bất chính” (Mt 5,45), là anh chị em của nhau và phải “rửa chân” cho nhau: “…thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”(Mt 20, 25-27), “Anh em hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (Mt 6,44), “hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho k3 nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vui khống anh em… hãy làm ơn và cho vay mượn mà không hề hy vọng được đền trả”(Lc 6,27.35) và trong cơn đau đớn thập giá, hơi thở đã hầu tàn, Giêsu lại thều thào cầu xin cho những kẻ đang giết hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)
Như đã đề cập, tự do lựa chọn của con người phải được tôn trọng tuyệt đối hầu con người có thể trở thành người đúng nghĩa. Nếu thiếu mất điều này, con người sẽ bị đẩy xuống hàng thú vật hay máy móc chỉ biết làm theo bản năng hoặc chương trình đã được lập sẵn. Vì vậy, để đảm bảo cho chúng ta là người thực sự, Thiên Chúa đã chủ động tôn trọng tự do lựa chọn của họ. Ðể thực hiện điều này, Thiên Chúa chấp nhận nhận giới hạn quyền năng của mình và sẵn sàng chấp nhận bất trắc trong tương quan với con người. Khi dựng nên con người tự do giống hình ảnh mình, Thiên Chúa đã để mình đi vào một cuộc phiêu lưu, nơi đó con người sẽ toàn quyền tự quyết cho cuộc đời của họ. Khả năng tự quyết ấy lớn đến nỗi có thể từ chối cả sự hiện hữu của Thiên Chúa (dù thực tế không có hữu thể nào tồn tại ngoài Thiên Chúa: “trong Người chúng ta sống, chuyển động và hiện hữu”), hay đóng đinh cả Con Thiên Chúa trên đồi Can-vê. Chấp nhận đi vào cuộc mạo hiểm này và dám tự ý đặt mình thành đối tượng cho con người nghi ngờ và đóng đinh, theo tôi, Thiên Chúa càng tỏ ra Người thật sự tự do và cao cả. Có những người vì sợ làm giảm bớt quyền năng của Thiên Chúa mà khăng khăng khẳng định rằng không có gì có thể giới hạn quyền năng ấy. Có thể hợp lý trên bình diện lý thuyết nhưng trong thực tế chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa bị giới hạn. Giới hạn không phải vì tự thân nó giới hạn nhưng vì Thiên Chúa chấp nhận để nó bị giới hạn. Ðiều gì có thể giới hạn quyền năng của Thiên Chúa? Tôi nghĩ, điều có thể giới hạn quyền năng của Thiên Chúa chính là tình yêu của Người. Vì yêu và muốn chia sẻ hạnh phúc của mình mà Thiên Chúa sáng tạo vạn vật và con người. Giovanni Martinetti nhận định: Hành động sáng tạo là một hy sinh, bởi vì khi nhường chỗ cho con người và ban cho con người tự do là Thiên Chúa đã tự giới hạn và thu hẹp mình lại. Thực trạng đau khổ [phần nào] nói lên ‘giới hạn quyền năng của Thiên Chúa’ vì “quyền năng ấy không có tính cách cưỡng bách đến độ bao giờ cũng phải tuyệt đối đạt cho được thành công. Nhìn nhận tự do của con người là quyền năng Thiên Chúa tỏ ra cho thấy tính cách thuyết phục của mình, và nếu có đề nghị điều lành thì quyền năng ấy cũng sẵn sàng chịu nhận điều dữ. Không phải Thiên Chúa ‘cho phép’, mà nói đúng hơn là Ngài đành ‘chịu nhận’ sự dữ. Quyền năng của Thiên Chúa tiến hành theo cung cách kiên nhẫn ‘chịu đựng’. Với tất cả dè dặt tế nhị, Thiên Chúa tôn trọng con người dù con người có là tội phạm, với ý nghĩa là một khi đã nhìn nhận tự do của con người, thì Thiên Chúa để nguyên trách nhiệm cho con người, ngay cả đối với sự dữ.
Thiên Chúa dám đi đến tận cùng trong việc tôn trọng tự do của con người. Sự thật này có thể được minh chứng trong sự chuyển đổi ý niệm về Thiên Chúa: từ ý niệm một Thiên Chúa là tuyệt đối quyền năng điều khiển mọi sự theo ý của mình sang ý niệm Thiên Chúa là tình yêu sẵn sàng chấp nhận giới hạn. Sau đây là một vài phân tích chi tiết:
Theo dòng lịch sử, đặc biệt là lịch sử cứu độ, chúng ta thấy có một cuộc cách mạng trong ý niệm Thiên Chúa. Hầu hết các nền văn hoá, nhất là thời xa xưa, xem thần linh hay Thượng đế như một nguyên lý hay một lực lượng thống trị bằng cách phạt kẻ dữ thưởng người lành ngay ở đời này. Mạc khải Kitô giáo đã làm một cuộc cách mạng thật sự khi gợi lên ý niệm cơ bản về lòng khiêm hạ của Thiên Chúa. Delumeau nhận định: “Những gì mới chỉ là trực giác trong Cựu Ước thì bây giờ đã trở thành một lời xác quyết thường kỳ trong Tân Ước: những từ ‘thần linh’, ‘khiêm hạ’, ‘mỏng dòn’ đã thực sự trở thành những lối diễn đạt trùng khớp với nhau. Con của Thiên Chúa giáng trần giữa đêm khuya trong chuồng bò lừa… thiếu điều bị giết bởi quân lính của Hêrôđê. Ngài sống 30 năm ẩn dật. Hình ảnh thường tình về Thiên Chúa đã bị đảo lộn đến cực điểm qua các biến cố cuối cùng trong cuộc đời tại thế của Ðức Giêsu: cuộc rửa chân cho các tông đồ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, bị bắt, bị kết án và bị giết như ‘Con Chiên’ của Thiên Chúa.” Moltmann khẳng định thêm: “muốn thấu hiểu được Thiên Chúa qua hình ảnh của Người Con bị đóng đinh và bỏ rơi, thì nhất thiết phải có một cuộc cách mạng trong ý niệm về Thiên Chúa.” Emmanuel Lévinas ghi nhận: “Ý niệm về một sự thật biểu lộ trong khiêm hạ, về một sự thật bị bách hại, là hình thái duy nhất có thể có về siêu việt tính (có nghĩa là nếu Ðức Giêsu đã không bị bách hại, thì không thể nào làm chứng tá cho Thiên Chúa siêu việt được). Tỏ lòng khiêm hạ như là đồng minh của kẻ chiến bại, của người nghèo khổ, của người bị bách hại, rõ ràng là không bước theo trật tự thường tình… Lòng khiêm hạ làm đảo lộn tất cả… cảnh bị bách hại và bị hạ nhục mà kẻ khiêm hạ sẵn sàng đưa vai gánh chịu, là những thể cách hùng hồn nói lên sự thật.” Francois Varillon cũng diễn tả: “Toàn bộ lịch sử Mạc khải là một quá trình biến dạng tiệm tiến đi dần từ một Thiên Chúa được hiểu như là quyền năng để dẫn đến với một Thiên Chúa được tôn thờ như là Tình Yêu.” , “Sự toàn năng của Thiên Chúa là sự toàn năng của Tình yêu. Giữa sự toàn năng và Tình yêu toàn năng có sự khác biệt hẳn, một hố sâu ngăn cách đúng nghĩa: người Kitô hữu không nói họ tin rằng Thiên Chúa toàn năng, mà nói rằng họ tin vào một Thiên Chúa là Cha toàn năng… (Ðối với người Kitô hữu) nói: “con tin vào Ngài” là nói: con biết rằng quyền năng của Ngài không đe dọa tự do của con, mà hoàn toàn ngược lại, quyền năng ấy còn trợ giúp cho sự tự do của con”. Có thể kết luận rằng: Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu. Khả năng của Ngài là không gì khác ngoài khả năng của Tình Yêu. Những thuộc tính dùng để miêu tả Thiên Chúa như toàn năng, toàn thiện, khôn ngoan, tuyệt mỹ, bình an, vui mừng cả trong hy sinh, đều là những thuộc tính của Tình yêu khi Tình yêu thực sự vô biên.
Tóm lại, Mạc khải đã chỉ ra sự chuyển đổi quan trọng trong ý niệm về Thiên Chúa: từ một Thiên Chúa quyền năng thống trị (theo cách hiểu của Sartre) đến một Thiên Chúa là tình yêu. Mà tình yêu thì có thể chấp nhận đi vào giới hạn, sẵn sàng từ bỏ uy quyền và hy sinh liên luỵ đến cùng. Chính Thánh giá Ðức Giêsu đã minh chứng quá rõ ràng sự thật ấy.
* Thiên Chúa tự do
Có nhiều chiều kích và góc độ để nhìn sự tự do cũng như các tương quan tự do. Trong đó, người viết thấy có một đối tượng rất đáng lưu ý khi xem xét vấn đề này. Ðó là: sự tự do của Thiên Chúa. Xin được đưa ra suy tư của mình: Thiên Chúa tự do trong việc liên luỵ với con người. Ðây có lẽ là điểm rất đặc biệt trong Kitô Giáo, theo người viết, mà các tôn giáo khác không đạt tới được. Có thể nói, Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa đã liên luỵ quá nhiều với phận người, liên luỵ đến mức phi lý, đến mức điên rồ đối với đầu óc con người. Cách thể hiện tự do như thế độc đáo quá, khủng khiếp quá. Thiên Chúa đã tỏ ra mình thật sự tự do khi tôn trọng tự do của con người một cách tuyệt đối.
Ðây là vấn đề lớn nên xin được triển khai thêm sau này.
a. Tự do của Thiên Chúa trong việc liên luỵ với con người
Có một cách biểu hiện tự do đích thực được Thiên Chúa thể hiện hết sức độc đáo trong lịch sử là: tự do tôn trọng tự do của con người và tự do liên luỵ với con người đến cùng. Sở dĩ như vậy, theo tôi, là vì Người có Sự Tự Do và Tấm Lòng của một vị Thiên Chúa.
Thử ví nhân loại này như một người sắp chết đuối đang quay cuồng, vùng vẫy trong dòng nước chảy xiết; và ví các tôn giáo, các triết thuyết, các hệ thống chính trị, tư tưởng, … như những nhân vật nỗ lực cứu vớt nhân loại. Tôi thấy có nhân vật đứng trên bờ hét to: hãy cố gắng bơi đi, bơi về phía bờ ấy; có nhân vật quẳng xuống một sợi dây, nói lớn: hãy bám vào thì tôi sẽ kéo anh lên,… Còn Thiên Chúa thì hô lên: “Có Ta đây, đừng sợ !” rồi nhảy tùm xuống nước, ôm lấy người ấy, cùng với người ấy bơi vào bờ.
Từ khởi đầu lịch sử, Thiên Chúa đã vào cuộc với con người. Trải dài suốt hành trình từ Adam đến Abraham, Issaac, Jacob,… cho mãi đến sau này, có lẽ không nơi nào thiếu vắng hình bóng của một Thiên Chúa đang liên luỵ với con người. Thiên Chúa dạo chơi hàn huyên với họ trong Eden. Khi họ bất trung với Người, Thiên Chúa đã tìm đến để giao hoà và trao ban lời hứa cứu độ. Rồi Người chọn Abraham, xây dựng dòng dõi của ông, chăm sóc một dân tộc, kiên nhẫn chịu đựng sự phản nghịch của những kẻ “ăn cháo đá bát” không biết bao nhiêu lần. Cuối cùng, sau bao liên luỵ thăng trầm của Thiên Chuá, người ta mới nhận ra Người không chỉ là Thiên Chuá của trời cao, của vũ trụ bao la nhưng nhất là “Thiên Chúa của Abraham, của Issaac, của Jacob…”, một Thiên Chúa “bồng ẵm họ trên tay, nâng niu trên đầu gối” dù họ đã trách móc, lộng ngôn, quay lưng, phản bội. Hơn nữa, chắc chắn Thiên Chúa ấy không chỉ chăm lo cho một mình Israel mà còn tất cả các dân tộc khác trên hành tinh này và có lẽ Người cũng liên luỵ với họ không kém gì với Israel. Lịch sử các dân chẳng phải là một minh chứng về điều ấy sao?
Tại sao Thiên Chúa không chọn một cách thức khác để đến với con người? Tôi rất tâm đắc câu khẳng định của Thánh Iraneus: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống” (Gloria Dei, vivens homo). Thiên Chúa lấy việc con người được sống làm trọng hơn cả, như Ðức Giêsu xác nhận: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”(Ga 3,16). Ðó là cách thể hiện của một tấm lòng đầy tràn tự do. Ðỉnh cao của tấm lòng ấy thể hiện trọn vẹn nơi Cuộc Nhập Thể và Thánh Giá của Ngôi Hai Thiên Chúa. Thiên Chúa phải thật sự tự do thì mới có thể tôn trọng tự do của con người đến như vậy.
b. Tự do đích thực là liên luỵ đến cùng: Nhập thể và Thập Giá – một Tấm Lòng
Thiên Chúa chúng ta không đứng trên cao để phán, để ra lệnh nhưng nhảy xuống cùng đi với con người, nói đúng hơn là dìu con người bước đi, là cõng con người trên lưng, là bồng ẵm con người. Vì thế mà Ngôi Hai đã đi vào lịch sử loài người, chung chia kiếp sống nhân loại, bỏ lại đàng sau tất cả vinh quang của Ðấng Tạo Hoá: “Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8). Giêsu không dừng lại nơi một thân phận bình thường, Người “mặc lấy thân nô lệ” của chính con người vì yêu thương họ. Không có gì có thể cản trở tình yêu ấy được thể hiện, ngay cả cái chết đau đớn tủi nhục nhất của một tên tử tội bị lột sạch tất cả phẩm giá trên thập tự. Ðức Giêsu, Ngôi Lời, chắc chắn có đủ quyền năng để thay đổi tất cả cục diện lịch sử trong chớp mắt, không ai có quyền trên mạng sống của Người vì “Mạng sống tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh.”(Ga 10,18). Ðó là sự tự hiến của một tấm lòng và tấm lòng ấy chính là biểu hiện của tự do. Thiên Chúa, qua Con của mình, đã bộc lộ thứ tự do của một vị Thiên Chúa. Tự do ấy tự do đến nỗi sẵn sàng chấp nhận ‘mặc lấy thân nô lệ’, trở thành nô lệ cho con người để con người trở nên tự do như Chúa.
Trong hàng ngàn cây thập giá đã được dựng lên, chỉ có một cây đã giương cao vì tình yêu, và chính tình yêu đã làm cho nó trở nên thánh, nên biểu tượng của dấn thân đến cùng, của tự do bằng liên luỵ. Thập giá tội ác đã được biến đổi thành Thánh Giá tình yêu khi Thiên Chúa thể hiện tự do của mình.
Có người nhận xét: Thiên Chúa là Ðấng vẽ quỹ đạo cho muôn tinh tú, thế mà khi đi vào đời này Thiên Chúa đã để cho người ta cầm tay dắt đi. Ðâu là lý do của việc Thiên Chúa tự nguyện trở nên bất lực trong việc liên luỵ với con người nếu đó không phải là vì tấm lòng Thiên Chúa dành cho họ quá lớn? Nếu đó không phải là vì tự do Thiên Chúa quá tuyệt vời? “Ðức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe;… Tội lỗi của chúng ta chính Ngừơi đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1 Pr 2:21-24; Is 53, 5). Một lần nữa, Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa được nhận ra và tôn thờ sau khi đã làm và hi sinh tất cả cho con người, ngay cả chấp nhận cái chết nhục nhã nhất: “Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Ðức Giêsu là Chúa’” (Pl 2,10-11).
2.2. Trong đau khổ của con người, Ngài ở đâu?
Như đã trình bày, Thiên Chúa toàn năng nhưng không dùng quyền năng ấy vào việc đánh gục những kẻ dữ hay miễn trừ người lành khỏi tai ương. Ðúng hơn, quyền năng Thiên Chúa hoạt động theo cung cách liên lỷ giúp con người nói chung rút tỉa ra những lợi ích tinh thần từ những con người hoặc hoàn cảnh không may lành.
Chỉ cần nhìn sơ qua các trang nhật báo cũng đủ thấy các số liệu về đau khổ không phải là ít. Ví dụ nửa năn đầu năm 2004 (thông tin từ báo Tuổi Trẻ), người ta đã phải chịu dịch cúm gà mấy tháng liền, tháng 5 vừa qua hơn 1.950 người bi thiệt mạng tại CH Dominica và Haiti trong trận lụt, ít nhất 10 người chết và 27 người bị thương trong vụ nổ khí đốt tại thành phố Samara nước Nga ngày 4/6, mới hôm qua ngày 9/6 cây dừa đổ xuống làm chết bé Thiện và bị thương người mẹ,… Những tai nạn này không thể là hành động của Thiên Chúa nhưng là vận động của thiên nhiên hay do sự bất cẩn của con người. Hành động của Thiên Chúa không phải là tai hoạ nhưng là chính sự can đảm thúc đẩy con người dám đứng lên xây dựng lại từ đổ vỡ và chính là tinh thần biết chia sẻ của những tấm lòng nhân ái. Ðau khổ vẫn xảy ra hằng ngày trên thế giới nhưng không thể đè bẹp lòng dũng cảm vượt thắng nghịch cảnh và những vòng tay liên đới tình người. Giữa màn đêm sự dữ, Thiên Chúa hiện diện như là ánh sáng xuyên qua bóng tối để giúp con người vươn cao mãi.
Càng đi sâu vào các biến cố sự dữ và đau khổ sẽ càng thấy lòng kiên nhẫn chịu đựng và sự khó xử của Thiên Chúa. Người là Cha của nhân loại, hằng mong muốn con cái mình sống yêu thương nhau như người đã yêu thương họ trước (Ga 13, 14-15; 34-35). Vậy mà nhìn kìa: đứa thì cầm dao, đứa thì cầm súng sẵn sàng giết nhau. Chúng ganh ghét, đố kị, hận thù, loại trừ nhau, thậm chí còn muốn lôi cả Người vào phe mình để hãm hại nhau nữa. Ắt hẳn nhân loại sẽ không bao giờ quên ngày 11/9/2001 tại New York, trên 3000 người đã chết ‘bất đắc kỳ tử’ oan ức, tức tưới, không toàn thây. Thiên Chúa không thể là người gây ra khủng bố, không thể dùng khủng bố như phương tiện để ‘thi hành công lý’ hay ‘trừng phạt tội lỗi nước Mỹ’ như có kẻ đã rêu rao. Sự dữ do việc sử dụng tự do một cách sai lầm của con người đã xảy ra và Thiên Chúa lại phải hành động để khắc phục hậu quả không do mình tạo ra. Cũng may người ta còn kịp nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự dũng cảm, hy sinh của hàng trăm lính cứu hoả, những người đã không ngại hiểm nguy lao vào đám cháy hỗn loạn. Nhiều người trong số họ vĩnh viễn không còn thấy mặt người thân nữa. Tôi nhớ không khí nước Mỹ cả năm trời sau đó còn chìm sâu trong tang tóc. Có một điều lạ là nhà thờ giáo xứ xưa nay vốn thưa thớt mấy ông bà già bỗng trở nên chật cứng. Người ta càng đau buồn vì mất mát thì càng cảm phục và trân trọng những người đã dám xả thân hy sinh cho người khác. Người ta càng phẫn uất lên án sự dữ thì đồng thời cũng rưng rưng nước mắt cảm ơn trời cao đã dấn thân cứu chữa. Thiên Chúa không gây nên sự dữ nhưng khi nó xảy ra vì bất cứ lý do gì thì Thiên Chúa là người đầu tiên vào cuộc để cứu giúp con người.
Có một bảo chứng và niềm an ủi rất quan trọng đối với tất cả những ai đang mang gánh nặng nề khổ đau trên đường đời. Ðó là: Ðức Giêsu đứng về phía họ. Người ra tay chống lại sự dữ: cứu chữa bệnh nhân, xua trừ tà thần, tha thứ tội lỗi, phục sinh kẻ chết,… đặc biệt là cuộc tử nạn – phục sinh của Ðức Giêsu đã mở ra bầu trời hy vọng cho nhân loại đang quằn quại dưới gót giày sự dữ. Hơn hết, Ðức Giêsu trong tư cách là Thiên Chúa đã làm điều ấy khi đồng hoá mình với những con người đau khổ bị bỏ rơi, thấp cổ bé họng, cô thân cô thế, nạn nhân của bất công, bạo lực, thiên tai, … qua khẳng định “Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em nhỏ bé nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)
Câu chuyện sau đây của E. Wiesel góp phần minh hoạ.
“(Ở trong trại tập trung của Ðức quốc xã lúc ấy có) một cậu bé, người ta thường gọi tên cậu là thằng bé Hạt Tiêu… Một ngày nọ trên đường đi làm về, chúng tôi thấy ba cái cột được dựng đứng ở giữa quảng trường xử án, ba bóng ma. Còi lệnh vang lên. Bọn SS, lăm lăm chĩa những khẩu súng tiểu liên, đứng quanh chúng tôi: nghi lễ truyền thống. Ba kẻ bị kết án, tay bị trói, trong đó có thằng bé Hạt Tiêu. Tên chỉ huy đọc bản án. Mọi con mắt đổ dồn về cậu bé. Mặt nó nhợt nhạt, bình tĩnh, bậm môi lại. Bóng của cây cột phủ lấy thân hình nó… rồi ba người cùng bước lên ghế. Ba cái cổ cùng lúc bị đưa vào những giây thòng lọng…
“Trời ơi, Chúa nhân lành ở đâu?” Một kẻ nào đó đàng sau tôi thốt lên.
Tên chỉ huy vừa ra dấu, ba cái ghế liền đổ xuống… Hai người lớn tuổi đã chết… Nhưng sợi dây thứ ba vẫn còn động đậy: thằng bé chưa chết, vì nó nhẹ quá. Trong hơn nửa giờ đồng hồ, chúng tôi chứng kiến nó hấp hối, vật lộn giữa sống và chết. Chúng tôi phải chứng kiến cảnh ấy ngay trước mắt mình. Ðàng sau lưng tôi, cũng giọng nói của người đàn ông ấy:
“Chúa đâu rồi?”
Tôi nghe một giọng nói bên trong tôi trả lời:
“Chúa ở đâu ư? Người ở đây này: Người bị treo kia kìa, trên cái cột ấy”.
Ðúc kết
Các trường hợp xảy ra sự dữ vật lý (hiện sinh) như bệnh tật, thiên tai, cái chết tự nhiên,…, cho thấy Thiên Chúa tôn trọng và duy trì những gì Người đã tự do sáng tạo và thiết lập. Ðau khổ phát sinh từ đó là do thân phận bất toàn của thụ tạo (trong mối liên hệ với lợi ích của con người). Các trường hợp xảy ra sự dữ luân lý (tinh thần) như hận thù, chia rẽ, chiến tranh,… cho thấy Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người. Người đã dựng nên họ có tự do và tôn trọng tự do ấy đến cùng.. Trong cả hai trường hợp, có thể rút ra một kết luận, ít là cho những ai tin, rằng: Thiên Chúa liên đới với con người cả trong đau khổ lẫn cuộc chiến chống lại đau khổ và sự dữ. Cuộc đời của Ðức Giêsu là minh chứng sống động nhất cho điều này.
2.3. Thiên Chúa có thể làm cho điều lành xuất phát từ trong sự dữ khi nó xảy ra.
Thiên Chúa khắc phục đau khổ cho con người qua sự quan phòng của Người, nghĩa là bằng cách ban ý chí và sự can đảm để con người dám đứng lên chống lại nghịch cảnh. Sự quan phòng của Thiên Chúa không theo cung cách phép lạ ồn ào nhưng theo cung cách âm thầm, liên lỷ hoạt động trong lòng trí họ. Thiên Chúa đã đặt một sức năng bền bỉ trong con người để họ không ngừng vươn lên những đỉnh cao mới, đặc biệt những lúc phải đối diện với nghịch cảnh. Các thành tựu khoa học kỹ thuật đã chứng tỏ sự can trường và quyết tâm của con người trong việc chinh phục thiên nhiên, và thật là thú vị khi thấy rằng những gì con người đạt được ngày nay hầu hết đều bắt nguồn từ những nghịch cảnh: trí thông minh con người có được độ tinh vi như hôm nay là nhờ các nỗ lực giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết của cuộc sống như đói kém, hạn hán, dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt, tai nạn, … Có thể nói tài năng đã nhờ các nhu cầu bức thiết mà trở nên sắc bén hơn. Trong gian truân, ý chí và nghị lực của con người cũng được tôi luyện và phát triển. Ngày hôm nay tôi thấy mình kiên nhẫn hơn thời chưa là sinh viên. Chính cuộc sống ở nhờ nhà người khác, phải chịu đựng lời ra tiếng vào, phải cắn răng nếm trải thất bại trong cuộc sống của một sinh viên nghèo mà tôi đã lớn lên, vững vàng hơn và biết quý trọng các giá trị cuộc đời. “Thất bại là mẹ thành công” là một nghịch lý rất hữu lý.
Lịch sử nhân loại có những lúc thật là đen tối, tưởng chừng không lối thoát. Những lúc ấy, những hậu quả do sự dữ luân lý thật là khủng khiếp vô cùng. Nếu ta đặt mình vào vị trí của những người Do Thái trong trại tập trung Ðức quốc xã hồi Ðệ nhị thứ chiến, của người dân Rwanda trong thời kỳ thanh trừng sắc tộc, người dân Palestine, người dân Iraq, những bệnh nhân Aids đau đớn nằm chờ chết,… thì sẽ thấy bóng tối sự dữ kinh khủng đến mức nào. May thay, Thiên Chúa vẫn không ngừng hoạt động để giúp con người đẩy lui bóng tối và biết yêu mến ánh sáng. Nếu so sánh với ngày xưa, chắc chắn ngày nay con người đã biết quý trọng sự sống hơn, đề cao nhân phẩm hơn, đấu tranh cho nhân quyền nhiều hơn, chú ý các chiều kích nhân bản và tâm linh hơn.
Con người chán ghét sự xấu và đấu tranh đẩy lui đau khổ là một dấu hiệu tốt cho thấy Thiên Chúa vẫn đang hoạt động nơi con người và con người đang trung thành với ‘ơn gọi’ của mình để tiếp tục lớn lên trong tầm vóc của mình. ‘Ơn gọi’ của tất cả mọi người là đạt cho được hạnh phúc. Hạnh phúc viên mãn không còn bóng sự dữ hay khổ đau. Vì thế, mỗi khi khó chịu với hay muốn đẩy lui đau khổ là ta đang diễn tả ý chí muốn chế ngự sự dữ và khát vọng đạt đến hạnh phúc. Nếu cứu cánh đời ta không phải là hạnh phúc và ơn gọi của ta không phải là tìm cách đạt cho được hạnh phúc ngay từ lúc này thì có lẽ chúng ta không chán ghét sự dữ và đau khổ.
Không ai muốn đau khổ vì nó thường gây khó chịu, ê chề, lao đao, khốn khó, thất vọng. Nhưng ý thức và kinh nghiệm đau khổ, với sự trợ giúp của ân sủng, lại làm cho con người vượt ra khỏi cấp độ thú vật và phát triển trên phương diện tri thức và đạo đức. Ông bà mình quả có lý khi nói: “Cái khó ló cái khôn”.
Sự trung lập, tình cờ của các định luật tự nhiên có thể được coi là một khiếm khuyết bất công vì chúng không chừa ra người lương thiện mà giáng tai ương xuống trên tất cả. Ta có thể xem đây là một loại ‘sự dữ’, là một trong những nguyên nhân gây ra đau khổ. Tuy nhiên, sự trung lập lạnh lùng ấy lại là yếu tố giữ gìn tự do của con người và giúp con người hiệp thông với nhau. Thứ nhất, nó giữ gìn tự do của con người vì tránh cho họ khỏi nguy cơ làm các việc tốt vì sợ bị phạt (đồng nghĩa với nô lệ sợ hãi) mà trở thành lưu manh, chạy chọt, xu nịnh, dúm dó. Ngược lại, nhờ sự ‘vô tình’ ấy mà con người sẽ chọn Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa, chọn điều thiện vì chính điều thiện. Thứ đến, nó làm cho con người hiệp thông trọn vẹn thật lòng với nhau vì loại bỏ động cơ vụ lợi trong việc yêu thương bác ái, nghĩa là giúp con người yêu thương thật sự chứ không phải vì lợi ích vật chất do việc kính Chúa yêu người mang lại.
Thiên Chúa đã tự do sáng tạo vũ trụ như nó đã tồn tại và vận hành lâu nay, trừ những phần đã bị phá hỏng do con người. Tại sao Thiên Chúa lại sáng tạo một thế giới có những đường nét và đặc tính nhiều khi rất khó chịu gây ra bao nhiêu khó khăn cho con người? Tất nhiên không ai biết được lý do chính xác vì không ai là Thiên Chúa cả. Nhưng tôi có một suy tư thế này: Thiên Chúa đặt con người vào một thế giới còn nhiều bất toàn (trong mối liên hệ với lợi ích của con người) như thế có lẽ để con người thể hiện vị thế làm chủ của mình bằng cách hoàn thiện nó, “đặt tên” cho nó có khi bằng chính sự vượt khó của mình. Ðể rồi kinh qua tất cả những gian lao, thử thách ấy, con người vươn tới một tầm vóc lớn hơn và cuối cùng có thể ‘đủ sức’ chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa, Ðấng siêu việt. Có lẽ cũng vì thế mà Ngôi Hai đã chọn con đường Nhập thể để trợ giúp con người hoàn thành hành trình vươn cao của mình, ngang qua các nghịch cảnh.
“Tất cả là hồng ân” không phải là một câu nói lúc nào cũng có logic và dễ nghe, nhất là trong đau khổ. Tuy vậy, khi nhờ ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa vẫn hằng hoạt động trong mỗi người mà ta vươn lên tầm vóc trưởng thành hơn, vững vàng hơn, thánh thiện hơn ngang qua mọi đau khổ, thì xin được xác tín rằng: TẤT CẢ CÓ HỒNG ÂN.
Giuse Việt
Nguồn: only3minutes.wordpress.com
_______________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giuse Ðinh Thanh Bình, Lạy Chúa! Tại sao Ngài im lặng?, Tủ sách dân Chuá, 1995
2. Thiên Phong Bửu Dưỡng, vấn đề đau khổ, Ða Minh Thiện Bản, 1969
3. Giovanni Martinetti, khổ đau: một vấn đề gai góc, trình dịch: Cathrine Nguyễn, 1995
4. Dominique Morin, pour dire Dieu, France: Les Edition du Cerf, 1989. Bản dịch: Gọi tên Thượng đế, của Lm. Nguyễn Ðăng Trực , OP., Tủ sách chuyên đề, tr. 108
5. Nguyễn Ðăng Trực, giáo trình thần luận, HoÏc viện Ða Minh, 1997
6. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo
7. Kinh Thánh Cựu Ước và Kinh Thánh Tân Ước
8. Jacques Lacourt, tuổi trẻ, đức tin và cuộc sống, Tủ sách chuyên đề
9. Xavier Thévenot, đau khổ và hạnh phúc, tủ sách chuyên đề
10. John Paul 2, Salvifici Doloris
11. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, ……
12. Thánh công đồng chung Vaticanô 2, I văn kiện công đồng : hiến chế-sắc lệnh-tuyên ngôn-sứ điệp, phân khoa thần học Giáo Hoàng học viện Pio X, Ðà Lạt
13. Carmel in the world, essays on Titus Brandsma – Carmelite educator, journalist, martyr, Rome 1985
14. Dick Tripp, a Chritian view of suffering, Copyright©Dick Tripp 1999, email atdick.tripp@christianity.co.nz
15. Richard P. Mc Brien, Encylopedia of Catholicism
16. Descriptions Of Pain And Suffering In The Bible, Copyright 1994, 2001, Phillip Eichman at http://www.wayhome.org/Frames_files/Suffer_files/sufferDescriptionsBible.html
17. Ronald Stanley, O.P., why does God let people suffer?, in website of Matthew Charlesworth, Catholic corner:compassion and suffering athttp://www.catholic-center.rutgers.edu/publicat.htm
18. Robert L. Deffinbaugh, Glory of Suffering- study of 1Peter, (C) 1995-2000, Biblical Studies Foundation, email at www.bible.org/email.asp
19. http://www.newadvent.org
20. Leopold G. Glueckert, O.Carm., friar against fascism, Carmelite Press.
21. (Translated by) Kieran Kavanaugh and Otilio Rodriguez, O.C.D., the collected works of St. John of the Cross, revised edition, ICS Publications, Institute of Carmelite Studies, Washington, D.C.
22. (Translated by) Kieran Kavanaugh and Otilio Rodriguez, O.C.D., the collected works of St. Teresa of Avila, volume 1, ICS Publications, Institute of Carmelite Studies, Washington, D.C.
23. Freda Mary Oben, Ph.D., the life and thought of St. Edith Stein, St. Paul’s (publication) Alba House, New York. Website at www.albahouse.org
24. Dr. Richard Geraghty, PhD, Evil – Is God the Cause?, truy cập tháng 10 năm 2002 ở http://www.ewtn.com/expert/expertfaqframe.asp?source=/ewtn/experts/conference.htm
25. Martin R. De Haan II, Why Would a Good God Allow Suffering?, truy cập tạihttp://www.gospelcom.net/rbc/ds/q0106/q0106.html ngày 1 tháng 11 năm 2002, sách ©1990 RBC Ministries -Grand Rapids, MI 49555 Printed in USA
26. Báo Công giáo và dân tộc, số 1381 (bài của Ðức Cha J. B. Bùi Tuần suy niệm về sự chết)
27. Fr. Donald Senior, C.P., The New Testament and The Meaning of Suffering, Volume 19 Number 2 , Summer 2000 Copyright © 1982 – 2001 by Stauros U.S.A., 5401 S. Cornell Ave.; Chicago, IL 60615-5664
28. wrestling with suffering- behind the question, truy cập tại www.aish.com/holocaust/issues/he84n11.htm tháng 11 năm 2002
29. in response to the suffering, truy cập tại http://www.frii.com/~kendalrp/suffering.html tháng 11 năm 2002
30. Jean Galot, S.J., trái tim Chúa Cha, dịch giả Anton
31. Lê Quang Phúc, Trực cảm tâm linh – Rabindranath Tagore, Ottawa, 1997
32. Lê Thành Trị, hiện tượng luận về hiện sinh