Nữ tu người Syria được giải thưởng của Hoa kỳ sẽ ủng hộ bất kỳ nhà lãnh đạo nào đem lại hòa bình

0

Nữ tu người Syria được giải thưởng của Hoa kỳ
sẽ ủng hộ bất kỳ nhà lãnh đạo nào đem lại hòa bình

228

Đệ nhất Phu nhân Melania Trump và Nữ tu Carolin Tahhan Fachakh của Syria.
Ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – Đại sứ quán Hoa kỳ tại Tòa Thánh.

Elise Harris

Roma, Ý, 15 tháng Tư, 2017 / 12:01 chiều (CNA/EWTN News).- Khi cuộc xung đột ở Syria vẫn bùng nổ, một nữ tu dòng Salesian được Nhà Trắng tôn vinh là một “Phụ nữ Can trường” nói rằng bất kể người chịu trách nhiệm là ai, miễn là họ hoạt động cho hòa bình thì sẽ nhận được phiếu ủng hộ của chị.

“Tôi yêu quý bất kỳ ai có thể giúp tôi đạt được hòa bình, bất kể đó là ông Assad hay Tổng thống Trump, hoặc là ai đi nữa có thể hỗ trợ chúng tôi tìm được hòa bình,” Nữ tu Carolin Tahhan Fachakh nói với các phóng viên hôm 11 tháng Tư.

Vị nữ tu nói rằng theo ý của chị, vẫn còn hy vọng cho sự hòa bình ở Syria, nhưng bất cứ lúc nào những bước đi theo hướng đó dường như được bắt đầu, liền có chuyện xảy ra và “chúng ta liền đi ngược lại.”

Tuy nhiên, bất kể bạo lực đang tiếp diễn, “vẫn có hy vọng cho tương lai,” chị nói, “vẫn có những bước đi cho hòa bình, chúng tôi tiếp tục nhìn về tương lai với tràn đầy hy vọng, vì mọi việc rồi sẽ có hồi kết. Sẽ có một hồi kết.”

Tahhan, một thành viên của Dòng Nữ tử Salesian Đức Mẹ Cứu giúp Ki-tô hữu, là một trong 13 phụ nữ nhận “Giải thưởng Phụ nữ Quốc tế Can trường” từ Đệ nhất Phu nhân Melania Trump ở Washington ngày 29 tháng Ba.

Chị được đề cử cho giải thưởng bởi đại sứ quán Mỹ tại Tòa Thánh vì công việc điều hành một trường mẫu giáo ở Damascus mà Dòng của chị đã thành lập như là một không gian an toàn và thân thiện cho hơn 200 trẻ em bị thương tật bởi chiến tranh, cả Ki-tô hữu và Hồi giáo, có thể chơi đùa và sống đúng nghĩa là trẻ em.

Ngoài trường học, nữ tu Tahhan cũng điều hành một xưởng may cùng cộng tác với Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người Tị nạn, cung cấp tính cộng đồng và sự hỗ trợ cho những phụ nữ không có khả năng bảo vệ và buộc phải di tản.

Việc đề cử cho giải thưởng của Nhà trắng đã được chấp nhận bởi nội các của Tổng thống Obama, nhưng giữ lại cho đến khi Rex Tillerson, Ngoại trưởng đương nhiệm, thông qua, cho phép chúng được trao. Sau khi nhận giải thưởng, chị đến Roma và trao đổi với các phóng viên về công việc trong một buổi tọa đàm bàn tròn được đại sứ quán Hoa kỳ tại Tòa Thánh tài trợ.

Trong những bình luận cho các nhà báo, chị Tahhan nói được gặp gỡ 12 phụ nữ khác cùng nhận giải bên cạnh là một điều “làm phong phú thêm cho tôi.”

Trong một phần của chuyến đi của chị đến Hoa kỳ nhận giải, nữ tu cũng được đưa đến thăm nhiều dự án đang hoạt động với những người tị nạn và cũng cung cấp những dịch vụ về tâm lý, điều mà chị nói rằng “rất hữu ích cho công việc của tôi.”

Nhiều trẻ em đến trường này chịu đau khổ do những hậu quả của chiến tranh, chị nói, chị giải thích một số em ít bị ảnh hưởng hơn, một số thì không nói gì.

Chị lên tiếng lo ngại cho tương lai của văn hóa của những đứa trẻ lớn lên, khi “chúng hoàn toàn bị tàn phá, chúng có sự sợ hãi từ chiến tranh, chúng mang trong người một ít bạo lực, và đây là điều bình thường.”

Kể lại một cuộc đối thoại giữa chị với một trong những đứa trẻ sau khi một tiếng súng đại bác kết thúc, chị nữ tu nói chị nghe thấy một âm thanh lớn và hỏi nó là tiếng gì. Ngay lập tức một trong những đứa trẻ ở gần chị nói rằng đó là một tiếng súng đại bác.

Khi chị hỏi đứa trẻ 4 tuổi làm sao chúng biết, bé trả lời bằng câu “nếu nó là một tên lửa nó phải nghe có tiếng ‘xì …… bùm,’ còn nếu nó là đại bác ngay lập tức nó nổ ‘bùm.’”

“Tôi rất buồn phiền vì điều này. Đây là văn hóa của con trẻ chúng ta sao,” chị nói, và kể lại trong một video gửi đến chị từ một gia đình ở Aleppo, một trong những cháu trai của chị cho chị xem  một cái hộp “đồ chơi” mà cháu đã thu thập được, cuối cùng là những vỏ đạn đủ mọi kích cỡ khác nhau đã rơi ở trên ban công nhà họ.

“Chúng ta phải làm gì cho tương lai để gạt những cảnh bạo lực này ra khỏi trẻ em của chúng ta?” Chị Tahhan đặt câu hỏi, và nói rằng đoạn video đó từ cháu trai của chị đã “làm tổn thương tôi rất nhiều.”

Tuy nhiên, chị cảnh báo chống lại những điều mà chị nói là những tường thuật truyền thông sai sự thật cho thấy mọi thứ ở Syria chỉ là sự phá hủy.

“Không phải tất cả mọi điều ở Syria đều là kinh khủng, không phải là mọi thứ trong cuộc nội chiến này,” chị giải thích, “vẫn có sự đoàn kết, vẫn có sự chung sống giữa người Hồi giáo và Ki-tô giáo.”

“Chúng tôi chung sống với nhau, vẫn có sự cùng tồn tại,” chị giải thích rằng có nhiều phụ nữ Hồi giáo cộng tác trong xưởng may, và khi chị cần nguyên liệu, chính họ là những người đi mua chúng.

“Từ năm 2010 đến nay, hơn 500 phục nữ đã vào các nhà của chúng tôi, đã đến các lớp học may, và đa số là người Hồi giáo,” chị nói, giải thích rằng nếu chị chỉ nhận người Ki-tô hữu, “thì tôi cũng trở thành như họ, tôi trở thành một người cuồng tín.”

Rất nhiều lần khi bom rơi gần nhà dòng, liền sau đó có tiếng gõ cửa của những người đàn ông Hồi giáo đến xem tình hình, họ hỏi “Xơ có cần gì không? Xơ có sao không?”

Thậm chí ngay trong trường các trẻ không phân biệt giữa người Ki-tô giáo và Hồi giáo, chị nói, chị nói rằng chúng đã bị tàn phá trên hết bởi chiến tranh, chứ không phải vì sự khác biệt tôn giáo. “Tôi không có ý nói rằng không có chủ nghĩa cuồng tín,” chị nói thêm, nhưng nhấn mạnh rằng vẫn có sự chung sống giữa họ.

Chống lại sự chán ghét đang ngày một nhiều đối với Tổng thống Assad dưới con mắt công chúng toàn cầu, chị Tahhan lên tiếng ủng hộ ông Assad rằng “tôi thích tổng thống của chúng tôi.” Chị nói rằng ông và phu nhân của ông “rất gần gũi với chúng tôi” và đã bảo vệ và cung cấp sự hỗ trợ vật chất và tài chính cho người Ki-tô hữu ở Syria, trong đó có trường mà chị đang điều hành. Chị nói thêm rằng phu nhân của ông Assad đã gọi điện thoại hỏi riêng chị và gặp gỡ chị và nhiều nữ tu khác hỏi thăm xem có bất kỳ điều gì ngăn cản họ không thể thực hiện được công việc đồng thời hỏi họ có cần sự trợ giúp gì không.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đang bắt đầu đoàn kết với nhau chống lại ông Assad. Hôm thứ Ba các nhà lãnh đạo G7 – trong đó có Hoa kỳ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Nhật và Canada – gặp gỡ với các đồng minh ở Trung đông, gồm Ả-rập Saudi và Thổ nhĩ kỳ, để thảo luận tính cần thiết cho vị trí lãnh đạo mới ở Syria và đồng ý về những biện pháp trừng phạt đối với đồng minh lớn nhất của ông là Nga.

Liên quan đến quyết định của ông Trump ném bom Căn cứ Không quân Shayrat của Syria sau vụ tấn công bằng khí độc sarin, chị Tahhan nói hành động này là “một bước đi lùi cho hòa bình.”

Khi nó bắt đầu vào tiến trình hòa bình ở Syria, chị nữ tu nói rằng vẫn luôn có hy vọng cho tương lai, vấn đề thường xảy ra là bất cứ khi nào một bước tiến được đưa ra, “liền có cái gì đó xảy ra và chúng ta quay ngược trở lại.”

Chị nhớ lại nhận được tin sau khi bước ra khỏi buổi tiếp tân của những người nhận giải thưởng ở Washington, chị nói khi chị nghe tin về vụ ném bom, “tôi rất đau đớn,” và theo ý chị thì, “hiện giờ, đối với tôi, chúng ta đang đi giật lùi.”

Cuộc chiến, theo ý của chị, nổ ra không hẳn vì ông Assad gây ra những rắc rối, nhưng vì “có những lợi ích khác nhau” trong đó, gồm có những nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.

Đức Thánh Cha Phanxico “đang làm rất nhiều” bằng những lời thỉnh cầu ngài đưa ra, đặc biệt với cộng đồng quốc tế, chị nói, và gọi ngài là “một ngôn sứ thật sự.”

Những lời của ngài “đánh thức lương tâm … ngài không giữ im lặng. Ngài đang rất tỉnh táo, tiếng nói của ngài mạnh mẽ. Ngài cũng đang đi vào lương tâm của mọi người.”

Liên quan đến sự sợ hãi cho rằng nếu chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo không bị thất bại, sẽ không còn người Ki-tô hữu sống trong vùng Trung Đông nữa, chị nữ tu nói Giáo hội đang làm việc để bảo đảm việc này không xảy ra.

“Giáo hội đang hoạt động để giữ người Ki-tô hữu,” chị nói thêm rằng “nếu Giáo hội tồn tại, thì người Ki-tô hữu sẽ vẫn tiếp tục có mặt ở đó.”

[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/04/2017]

Comments are closed.

phone-icon