Người gieo giống – Suy niệm CN XV TN năm A

0

CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM A
NGƯỜI GIEO GIỐNG

149

LỜI CHÚA: Mt 13, 1 – 23

Truyền giáo nơi vùng biên với số giáo dân ít ỏi thì việc dạy giáo lý của chúng tôi lại cấp bách hơn. Tôi  được phụ trách lớp thêm sức hơn hai chục em. Một con số rất khiêm tốn so với các giáo xứ truyền thống nhưng nó lại là một con số đáng kể so với những xứ đạo truyền giáo khác. Khi nhận lớp này tôi rất phấn khởi vì con số ít oi này sẽ giúp tôi dễ dàng thực hiện điều mình muốn khi chuyển trao đức tin. Nhưng khi bắt tay vào cuộc tôi mới thấy nó không dễ nuốt như mình tưởng. Tôi đã từng dạy lớp thêm sức tập trung  hơn một trăm em nhưng tôi vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, thư thái bình an, không phải vận dụng dao to búa lớn để điều khiển lớp.

Thế nhưng với lớp học vùng biên này tôi phải dồn sức, dồn lực và dồn sáng kiến để giúp các em tập trung. Sau một giờ dạy tôi như trải qua một giờ tra tấn vì học trò của tôi không phải một con ngựa chứng mà nhiều con. Chúng không phá phách nhưng chúng không quen tập trung, điều này mới làm tôi đau đầu, vì ước nguyện của tôi là giúp các em thấm chân lý của Chúa để giữ đạo tốt hơn. Để đối phó với khó khăn này, tôi đã nghĩ ra nhiều cách, sáng tạo đủ kiểu để thu hút các em nhưng không hiệu quả.

Tôi bắt đầu tìm hiểu và siêu tra sự cố. Tôi được biết: các em không được học giáo lý thường xuyên. Các em không quen không gian, thời gian và cách học giáo lý. Các em học nó như những giờ học văn hóa ở trường: Nói truyện cách thông minh, nghịch ngội cách tinh vi và xem mạng cách rất bài bản. Các em đã thường bị cảnh cáo cùng một chứng như thế  ở nhà trường. Những môn học mà chính các em ưu tiên để xây dựng  tương lai mà các em còn hờ hững như thế huống nữa là các môn không mấy hấp dẫn đối với các em.

Hôm nay đọc bài Tin Mừng này tôi lại nghĩ đến các em, những mảnh đất cằn cỗi do gia đình nguội lạnh, những mảnh đất đá sỏi vì bị những chướng ngại vật của truyền thống không lành mạnh, những mảnh đất chai cứng vì hôn nhân bất hợp pháp, những mảnh đất gai góc vì sự thờ ơ của gia đình, những mảnh đất bỏ hoang vì gương xấu… Những yếu tố này góp lại làm thành nỗi đau chung của giáo xứ. Các vị mục tử cũng như chúng tôi đang nỗ lực gieo và vun trồng trên những mảnh đất khắc nghiệt vì kết bởi nhiều yếu tố này. Đôi lúc chúng tôi nản vì không thấy được sự thành công. Cỏ dại và gai góc vẫn thi nhau hoành hành trên những mảnh đất này để diệt giống tốt. Nhưng tôi vẫn tin vào sức mạnh của mầm sống nơi hạt giống. Chúng tôi kiên trì gieo, gieo tới cùng. Tôi tin một ngày nào đó hạt giống sẽ mọc lên và phát triển. Hạt giống có thể không phát triển mau chóng như tôi muốn nhưng nó từ từ nẩy mầm như hạt lúa chôn vùi trong mộ các vua Ai Cập xưa.

Cũng vậy hạt giống lời Chúa rơi vào lòng con người không bao giờ chết. Khi đến hạn đến kỳ, hạt giống sẽ bung sự sống mình và thành cây.

Hạt giống mà tôi đang chia sẻ với các em là những hạt giống đã được gieo vào lòng tôi qua nhiều năm trước. Khi tôi còn trẻ, hạt giống được gieo vào trí  khôn tôi bởi cha mẹ, ông bà, chú bác, thày cô…đó là những lời khuyên lơn, dạy dỗ, hướng dẫn, sửa bảo, đe loi, cảnh cáo, an ủi, khen lao, khuyến khích…

Thời đó có thể tôi không thích nó nhưng tôi phải nghe nó vì nó rất cần cho tôi. Nhưng những hạt giống này âm ỉ phát triển nơi tôi để hình thành nên tôi ngày nay, tuy tôi rất nghèo nàn để lãnh hội nó.

Những lời nhân loại đó tuy rất cần thiết cho tôi nhưng không nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta cần hạt giống Lời Chúa. Lời Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta khi chúng ta nghi nan, an ủi lúc đau khổ, trấn an khi khó khăn, an ủi lúc đau khổ, sửa dạy khi dại dột, phản đối khi lười biếng, cảnh giác khi nguy hiểm và cho hi vọng khi thất vọng.

Hạt giống tùy thuộc đất được gieo. Nếu thiếu đất hạt giống sẽ đui chột. Lời hoàn toàn tùy thuộc người nghe.

Hạt giống rơi trên đường không đâm rễ sâu bị chim trời đến ăn. Người đóng lòng trước lời, thành kiến của họ sẽ đóng trí khôn họ. Đó là thái độ của kẻ kiêu căng tưởng mình hiểu biết tất cả.

Một số hạt rơi trên đất đá, nó bén rễ ngay nhưng khô héo khi ánh mặt trời dọi xuống vì thiếu nước và đất. Đó là người nghe Lời và đón nhận Lời cách hăng hái nhưng khi gặp khó khăn họ chán nản và mau chóng bỏ Lời. Đời sống của họ bề bộn với những công việc bắt đầu nhưng không bao giờ đi đến cùng.

Một số hạt rơi trên đất gai góc bắt đầu tươi tốt nhưng sau bị chết nghẹt. Người đón nhận Lời Chúa như thế cũng giống như người ban đầu sốt sáng nhưng thiếu cầu nguyện. Họ bị công việc chi phối nên không có giờ cũng như năng lực cho việc thiêng liêng.

Hạt rơi trên đất tốt phát triển báo hiệu mùa màng tốt đẹp. đó là người nghe và thực hành Lời và được Lời biến đổi.

Hôm nay chúng ta thấy người gieo giống có vẻ cẩu thả và thiếu thận trọng trong khi tung hạt giống. Nhưng dụ ngôn muốn nhấn mạnh ở tính hào phóng của người gieo giống và tính phổ quát của sự rao giảng. Ông muốn cho mọi chỗ trong cánh đồng của ông có được sự may mắn để sản xuất cái gì đó.

Thiên Chúa cũng thế, Ngài gieo Lời Ngài vào lòng chúng ta ngay cả khi Ngài biết nhiều hạt giống sẽ đui chột, bị nắng cháy, bị thất thoát…Nhưng những hạt giống đó không chết, nó sẽ bung sự sống một ngày nào đó dẫu chậm chạp.

Lời của Thiên Chúa không bao giờ là Lời tiêu cực. Lời được nói trong tình yêu và với tình yêu. Như thức ăn nuôi dưỡng thể xác, Lời của Chúa nuôi dưỡng trí khôn, trái tim và tinh thần. Thiên Chúa nói với chúng ta trong phần sâu kín nhất nhưng chúng ta thường bị những tiếng ồn ào của thế gian, của ma quỉ và cái tôi làm nhiễu nhương tiếng của Ngài. Hằng ngày những cơn bão táp của truyền thông đủ loại ăn chơi và xấu xa từ mọi phía dồn dập ngăn chặn chúng ta nghe hay nhận ra Lời thì thầm của Thiên Chúa trong ta.

Muốn nghe được Lời phải chìm sâu trong sự tĩnh lặng vì khi nước hồ lắng đọng ta mới nhìn thấy đáy hồ.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe Lời để Lời thấm nhập vào tận hữu thể của chúng ta, nghiền nát, xé rách và làm cho chúng ta lớn lên. Lời Thiên Chúa vừa nghiệt ngã vừa kỳ diệu. Lời sẽ hoàn tất những gì đã bắt đầu nơi chúng ta. Lời Chúa chính là quyền năng của Chúa. Lời chiến thắng. Lời xâm nhập khắp nơi cho dù chúng ta cố tình ngăn chặn đường đi của Lời. Trong chúng ta có những góc tối không muốn Lời đụng tới; góc mà chúng ta muốn giữ riêng cho mình để ngủ yên trong sự bình an giả tạo. Nơi đó Lời muốn xâm nhập để hoàn thành chức năng của mình như lời ngôn sứ Isaia: “ Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác”( 55,10-11).

Là Ki-tô hữu, chúng ta đón nhận những hạt giống tốt nhưng có biết bao những chướng ngại vật cản trở sự tăng trưởng nơi chúng ta, chưa kể kẻ thù rình rập để gieo cỏ lùng vào. Nhưng Chúa nói với chúng ta: đừng sợ. Vì chủ ruộng luôn canh chừng mảnh đất của Ngài. Mảnh đất mà Chúa đã dựng nên theo hình ảnh của Ngài luôn thích hợp để nhận hạt giống: “ Với anh em đã được cho biết màu nhiệm Nước trời”. Nếu lòng chúng ta không để cho những bận tâm thế tục làm nặng nề; nếu chúng ta không bưng tai, bịt mắt thì Lời sẽ thực hiện công việc của mình là làm đâm chồi, tăng trưởng và sinh hoa trái. Lời biến đổi mảnh đất, nó cho mảnh đất một giá trị mà tự nó không có: “ Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Ki-Tô sống trong tôi”.(Gl 2,20).

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon